Cây đàn ghi ta trong đời sống âm nhạc việt nam


 

Trong đời sống văn hóa âm nhạc thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không nhạc cụ nào lại phổ biến như cây đàn ghi ta. Nó có mặt trong nhiều gia đình, công sở, đơn vị quân đội, và các nhóm nhạc nhẹ với sân chơi rộng khắp từ rạp hát, sân vận động, tụ điểm giải trí, câu lạc bộ, quán bar, khách sạn… Nó như một công cụ giao tiếp trong các cuộc vui của giới trẻ, của nghệ sĩ đường phố và những người mưu sinh bằng hát rong. Cây đàn ghi ta không đơn thuần là một công cụ diễn tấu, mà nó còn góp phần tạo nên những trào lưu văn hóa đại chúng như một nét đặc trưng của xã hội hiện đại. Hiện thực ấy đã nói lên sự gần gũi của cây đàn ghi ta với các thang bậc tâm hồn con người…

Cũng như nhiều nhạc cụ khác, thủa ban đầu, đàn ghi ta được hình thành trên cơ sở ý tưởng từ công cụ lao động. Hình dáng và kết cấu của đàn dây nói chung và ghi ta nói riêng, khiến người ta liên tưởng tới chiếc dây cung của những người đi săn cổ xưa. Trong quá trình hình thành nền văn minh nhân loại, nhiều nhạc cụ, trong đó có ghi ta, đã được sáng tạo để thỏa mãn sự phát triển óc thẩm mỹ của con người. Tiền của cây đàn ghi ta đã thấy xuất hiện ở Babylon từ 1000 năm trước công nguyên. Từ ghi ta (guitar) có lẽ bắt nguồn từ chữ cithar. TK VII ở Hy Lạp đã thấy xuất hiện cây đàn lia, đàn cithara… Cùng với sự giao lưu và lan tỏa văn hóa, nhạc cụ tiền thân của đàn ghi ta đã được du nhập vào nhiều nước châu Âu thời trung cổ, nó có mặt trong các hoạt động văn hóa cung đình cũng như sinh hoạt bình dân.

Đàn ghi ta còn gọi là Tây Ban cầm vì sự phổ biến của nhạc cụ tiền thân ghi ta thời phục hưng ở Tây Ban Nha. Trong suốt TK XIV, có hai loại nhạc cụ mang tên ghi ta là guittara Latina và guittara Moisca đã chiếm ngôi vị độc tôn ở đất nước này. Vào TK XV, vihuela là nhạc cụ đầu tiên mang đầy đủ đặc trưng của cây đàn ghi ta. Nhiều bản nhạc viết cho nhạc cụ này còn được lưu giữ tới ngày nay với những đặc trưng kỹ thuật rất có ý nghĩa cho âm nhạc ghi ta cổ điển. Tuy nhiên, đến TK XIX, với sự sáng tạo của nghệ sĩ – nghệ nhân bậc thày người Ý là Antonio de Torres Jurado (1817-1892), đàn ghi ta mới có hình dáng như ngày nay. Sự hoàn thiện của cây đàn ghi ta và khả năng diễn tấu hàn lâm của nó gắn liền với những tên tuổi: Ferdinando Carulli (1770-1841), Fernando Sor (1778-1839), Mauro Giuliani (1781-1829), Matteo Carcassi (1792-1853), Andrộs Segovia (1893-1987)…

Song song với sự phát triển trong dòng nhạc hàn lâm, cây đàn này đã có mặt rộng khắp trong dòng âm nhạc dân gian châu Âu và Mỹ Latinh. Điển hình là dòng Flamenco đặc trưng cho một phong cách Tây Ban Nha. Cây đàn ghi ta cũng được dân gian hóa trong nhiều nền văn hóa âm nhạc khác nhau.

Sang TK XX, cây ghi ta đã có sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực và thể loại âm nhạc, được sự hưởng ứng của những người sáng tác, biểu diễn và khán thính giả thuộc mọi tầng lớp xã hội. Đặc biệt, nó có vị thế nổi trội trong các sinh hoạt âm nhạc đại chúng. Cùng với những làn sóng mới trong đời sống, nhất là sự phát triển công nghệ âm thanh điện tử, việc cải tiến, sử dụng đàn ghi ta đã trở nên rất đa dạng, góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức, trường phái và trào lưu âm nhạc hiện đại như nhạc rockjazz,… Không ít ban nhạc đã trở nên bất hủ và tiếng tăm luôn gắn với hình ảnh cây đàn ghi ta. Đàn ghi ta đã trở thành nhạc cụ phổ thông nhất trong đời sống âm nhạc đương đại. Nhìn chung, đàn ghi ta ngày nay được phân chia thành 2 dòng: ghita cổ điển và ghi ta nhạc nhẹ. Ghi ta cổ điển thường là đàn gỗ, có 6 dây, đôi khi được thiết kế thành 12 dây. Ghi ta nhạc nhẹ được chia theo các dòng như ghi ta flamenco, jazz hay rock.

Đàn ghi ta vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Trước hết, có thể do các cố đạo hoặc nhà buôn phương Tây đưa vào từ đầu TK XIX. Những năm 20 của TK XX, đã thấy đàn ghi ta trong một số nhóm nhạc của người Phillipines, Malaysia đến phục vụ tại một vài nhà hàng ở Sài Gòn. Đàn ghi ta cũng có thể theo chân những người lính và công chức Pháp vào Việt Nam. Một số người Việt Nam ra nước ngoài du học hay sinh sống khi trở về cũng mang theo đàn và sách dạy ghi ta… Tuy nhiên, những thập niên đầu TK XX mới chỉ thấy lác đác người Việt Nam chơi đàn ghi ta, chủ yếu ở các đô thị.

Vào những năm 30 TK XX, số người chơi ghi ta ở Việt Nam theo dòng nhạc mới dần dần nhiều lên. Đã thấy xuất hiện vài tên tuổi như như Phan Văn Trường, Canh Thân, Đỗ Chí Khang, Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước… Thời kỳ này ghi ta Hawai được sử dụng nhiều, rồi đến ghi ta đệm cho hát hay hòa tấu trong nhóm nhạc nhẹ. Đến cuối thập kỷ 40 TK XX, một số nhạc sĩ – nghệ sĩ như Đỗ Chí Khang, Dương Thiệu Tước, Phạm Ngữ, Tạ Tấn được coi là những người đầu tiên đi sâu vào nghệ thuật ghi ta cổ điển. Giai đoạn này cũng thấy cây đàn ghi ta có mặt trong sinh hoạt âm nhạc của giới học sinh sinh viên ở Hà Nội và Sài Gòn. Nghề làm đàn ghi ta đã xuất hiện vào thời kỳ này, cây đàn ghi ta đầu tiên ở Việt Nam do cụ Xuân Lan, người làng Đào Xá (Hà Nội) làm ra năm 1932. Một số thương hiệu sản xuất đàn ghi ta như Nhạc Sơn, Kim Thanh, Tạ Tấn cũng trở nên ăn khách.

Tuy nhiên, một hiện tượng độc đáo chỉ có ở Việt Nam trong việc tiếp thu cây đàn ghi ta nguồn gốc từ phương Tây là ngay từ thời gian đầu, nó đã được cải tiến để thích ứng với âm nhạc dân gian Nam Bộ, trở thành cây đàn ghi ta tài tử đặc trưng của vùng sông nước Nam Việt Nam. Khoảng những năm 20 TK XX, ông Sáu Tiên ở Rạch Giá đã khoét lõm phím đàn ghi ta 6 dây và lên dây theo hệ thống ngũ cung để chơi các bài bản cải lương. Gắn với cây đàn này, trước năm 1945, giới tài tử đã bắt đầu xuất hiện những tên tuổi như Tư Chơi, Ba Kéo, Bẩy Cây, Chín Hòa, Phùng Há, Năm Phỉ, Văn Vĩ…

Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam khai giảng khóa học đầu tiên, đã có bộ môn ghi ta do nhạc sĩ Phạm Ngữ làm chủ nhiệm bộ môn. Nhiều nhạc sĩ – nghệ sĩ ghi ta chuyên nghiệp như Lê Yên, Tạ Tấn, Phạm Ngữ, Đức Minh, Tạ Bắc… đã chuyển soạn từ ca khúc Việt Nam hay biến tấu trên các làn điệu dân ca trở thành tác phẩm dành riêng cho đàn ghi ta cổ điển. Các sách dạy ghi ta cũng được biên soạn và phát hành. Những tác phẩm âm nhạc ghi ta của thế giới cũng được tiếp thu qua các ấn phẩm từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều lớp dạy ghi ta được tổ chức tại các nhà văn hóa. Các buổi trình diễn ghi ta hàn lâm đã ra mắt công chúng tại Hà Nội bắt đầu từ năm 1973. Một lớp nghệ sĩ trẻ của thập niên 70 TK XX như Hải Thoại, Đỗ Trường Giang, Vũ Bảo Lâm, Quang Khôi, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Văn Ty, Văn Vượng, Nguyễn Quang Tôn… đã ghi được dấu ấn trong công chúng.

Ở miền Nam, đàn ghi ta cũng được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường âm nhạc ở Huế và Sài Gòn từ 1956. Các nghệ sĩ ghi ta cổ điển tên tuổi được khán thính giả còn nhớ như: Đỗ Đình Phương, Trương Huệ Mẫn, Võ Tá Hân, Lê Xuân Cảnh, Phùng Tuấn Vũ…

Nói đến đời sống văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, không thể tách rời bối cảnh của hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Khi ấy, văn hóa nghệ thuật nói chung và cây đàn ghi ta nói riêng, có thể coi như thứ vũ khí đặc biệt trên mặt trận văn hóa, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc.

Hình ảnh của cây đàn ghi ta gắn với những nhạc sĩ – chiến sĩ tên tuổi, góp vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nền âm nhạc cách mạng Việt Nam ngay trong khói lửa chiến tranh. Đó là Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký, Hoàng Vân, Trọng Bằng, Văn Chung, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý… Tác phẩm của họ đã góp phần động viên toàn dân, toàn quân trên mọi mặt trận của cuộc kháng chiến. Những bản nhạc ghi ta được chuyển soạn từ các ca khúc cách mạng như Du kích sông Thao, Bài ca hy vọng… đã trở thành tác phẩm kinh điển của âm nhạc ghi ta Việt Nam và được lưu giữ trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến, cây đàn ghi ta đã gắn bó với các đội tuyên văn xung kích trên khắp các chiến trường. Có chiến sĩ văn hóa đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ, mà tay còn ôm cây đàn ghi ta. Cây đàn ghi ta còn xuất hiện với vị trí chủ đạo trong nhóm nhạc đệm ở hầu hết các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn nghệ thuật của quần chúng. Không có nhạc cụ hay phương tiện văn hóa nào gắn bó với bộ đội bằng cây đàn ghi ta. Nhiều người lính khi rời quê hương mang theo đàn ghi ta vào quân ngũ. Nhiều đơn vị từ cấp đại đội cũng được trang bị đàn ghi ta. Cây đàn ghi ta trên vai người lính đã trở thành một hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam. Những người lính hát cho nhau nghe với cây đàn ghi ta, hay chơi đàn ghi ta cùng các chàng trai cô gái thôn bản trên đường hành quân. Cây đàn ghi ta trong tay người lính, nâng cao tâm hồn người lính trong sinh hoạt hàng ngày, trước giờ ra trận, cũng như khi hát tưởng nhớ về đồng đội đã ngã xuống.

Có những bài hát được sáng tác để nói về cây đàn ghi ta và người lính như Cây đàn ghi ta của đại đội 3, Cây đàn ghi ta nơi đảo xa… Có cây đàn ghi ta của lính không giống bất cứ cây đàn nào trên thế giới: làm bằng thùng đạn DKZ, dây đàn làm bằng cáp điện thoại. Vậy mà họ vẫn hát, thậm chí cả nhảy múa theo âm hưởng và phong cách của cây đàn ghi ta.

Trong phong trào Tiếng hát át tiếng bom thì vai trò của cây đàn ghi ta như chiếm vị trí độc tôn. Đàn ghi ta được treo trong công xưởng, nhà kho, nhà hợp tác xã, trong công sự cao xạ…; được sử dụng trong các cuộc liên hoan tiễn đưa tân binh lên đường cũng như trong sinh hoạt đoàn thể; là nhạc cụ trung tâm của các hội thi hội diễn văn nghệ quần chúng… Có thể nói, chính bối cảnh và nhu cầu đời sống tinh thần của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến đã tạo môi trường, động lực cho sự phát triển và lan tỏa nhanh chóng của cây đàn ghi ta.

Sau chiến thắng 1975, đất nước thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc ghi ta giữa các nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc. Những năm 80 TK XX, tại phòng hòa nhạc của Nhà văn hóa quận Phú Nhuận, công chúng yêu ghi ta cổ điển đã biết đến những tên tuổi mới của làng ghi ta như Phạm Quang Huy, Châu Đăng Khoa, Nguyễn Thái Cường, Huỳnh Hữu Đoan, Dương Kim Dũng, Ngô Thị Minh, Nguyễn Thị Phi Loan… Trên các sân chơi của dòng ghi ta hàn lâm tại Hà Nội, bên cạnh các bậc đàn anh, đã xuất hiện nhiều những gương mặt mới đầy tài năng như Phan Đình Tân, Phạm Văn Phương, Nguyễn Lan Anh… Một vài nghệ sĩ ghi ta trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài như Đặng Ngọc Long đã về nước và góp vào vốn liếng ghi ta Việt Nam những yếu tố mới của âm nhạc ghi ta thế giới. Một số sân chơi ghi ta cổ điển được hình thành dưới hình thức câu lạc bộ ở Hà Nội, TP.HCM và một vài địa phương khác. Nhiều buổi biểu diễn có sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ vùng miền khác nhau. Những cuộc gặp gỡ và giao lưu đã tạo điều kiện cho việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm diễn tấu và bài bản giữa các nghệ sĩ ghi ta trong cả nước, qua đó đã đem lại hơi thở mới cho nền âm nhạc ghi ta non trẻ của nước nhà.

Thời gian này, nghệ sĩ ở miền Bắc tiếp đã xúc với nhiều tay đàn ghi ta điện tử thuộc dòng nhạc nhẹ của miền Nam – vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các trào lưu âm nhạc hiện đại phương Tây – tạo nên một trào lưu học và chơi nhạc nhẹ với vị trí trung tâm là cây ghi ta điện tử diễn tấu độc lập theo nhóm hoặc đệm hát theo phong cách nhạc nhẹ. Có hiện tượng thần tượng hóa của khán giả dành cho một số ban nhạc nhẹ TP.HCM hay cá nhân nghệ sĩ miền Nam. Một ví dụ điển hình là chuyến lưu diễn của nghệ sĩ Quang Dũng (sau về đoàn Ca múa Đắc Lắc), đã tạo nên một trào lưu chơi ghi ta theo kiểu tài tử hiện đại của các tay đàn nghiệp dư ở Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các ấn phẩm ghi ta nhạc nhẹ được du nhập theo những người lao động xuất khẩu về nước cũng như các tay đàn nghiệp dư từ nước ngoài, đã làm cho vốn liếng của âm nhạc ghi ta nhạc nhẹ của nước ta thêm phong phú.

Trào lưu ca khúc chính trị rộ lên trong cả nước ở những năm 80 – 90 TK XX, đã tạo nên sân chơi rộng khắp cho cây đàn ghi ta điện tử theo phong cách nhạc nhẹ. Kết cấu của một nhóm ca khúc chính trị thường có một bộ trống cùng hai đến ba đàn ghi ta điện tử, một vài ca sĩ hoặc người chơi đàn kiêm ca sĩ. Có nhóm thêm một vài nhạc cụ khác như kèn hay đàn phím điện tử. Có lẽ do ảnh hưởng của trào lưu ca khúc chính trị mà một phong trào chơi ghi ta theo nhóm với phong cách nhạc nhẹ của thanh thiếu niên rộ lên khắp các miền quê. Các nhóm này thường có một vài cây ghi ta gỗ gắn thiết bị điện, hoặc sang hơn có một, hai cây ghi ta điện. Họ chơi trong các cuộc giao lưu bạn bè, chơi ở đầu thôn, cuối phố mỗi khi rảnh rỗi; chơi trong đám cưới, sinh nhật; thậm chí chơi ghi ta cả trong các lễ hội dân gian, đám tang theo kiểu tân cổ giao duyên…

Trên cơ sở thâm nhập của ghi ta theo phong cách nhạc nhẹ, đã sản sinh ra hàng loạt ban nhạc bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hoạt động trên thị trường giải trí hoặc dịch vụ. Những năm cuối TK XX, đầu TK XXI nhiều người còn nhớ và say mê với các ban nhạc nổi tiếng dựa trên những âm hưởng của cây đàn ghi ta như Ba con mèo, Bức tường, Gạt tàn đầy

Cây đàn ghi ta trong đời sống âm nhạc Việt Nam không chỉ có những bước tiến mà còn có cả những thoái trào. Nếu những năm 70 và 80 TK XX, ở Hà Nội rộ lên phong trào học và chơi đàn ghi ta theo phong cách cổ điển với nhiều cuộc biểu diễn có tiết mục độc tấu ghi ta, thì từ những năm 90 TK XX đến đầu TK XXI, tình hình không còn được như vậy. Số lượng học sinh theo học ghi ta giảm hẳn so với trước. Các buổi biểu diễn có tính tạp kỹ rất ít thấy có tiết mục độc tấu đàn ghi ta, theo đó khán thính giả của cây đàn này cũng không còn đông đảo nữa. Trên đài phát thanh và các kênh truyền hình cũng ít phát chương trình có diễn tấu ghi ta hàn lâm. Một số nghệ sĩ ghi ta cổ điển lấy sân chơi là quán cà phê hay chuyển sang chơi hòa tấu theo các dòng và phong cách khác nhau. Âm nhạc ghi ta cổ điển dường như lùi vào nhạc viện và vào từng nhóm nhỏ do các nghệ sĩ lập nên dưới hình thức câu lạc bộ.

Trong hoạt động nghệ thuật của hệ thống nhà văn hóa, hình ảnh của nhóm nhạc với cây ghi ta làm chủ công không còn thấy nữa. Hiện tượng cây đàn điện tử từng bước giành giật ngôi vị trong đời sống âm nhạc quần chúng đã khiến cho các nhạc cụ khác, trong đó có cây đàn ghi ta, không còn được nhiều người biết đến.

Tuy có những bước thăng trầm, cây đàn ghi ta hiện nay vẫn có vai trò to lớn trong đời sống âm nhạc nước nhà. Trong năm 2013, khán thính giả yêu ghi ta hàn lâm sẽ được đón nhận một chương trình biểu diễn ghi ta Bắc – Nam số 10 với chủ đề Trở lại. Chương trình là kết hợp diễn tấu của nhạc sĩ Tuấn Khang (Hà Nội) và nữ nghệ sĩ Kim Chung (TP. HCM). Lần này, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn nhiều nhạc phẩm ghi ta nổi tiếng của F.Tarega, Tedesco, Jose Luis Merlin, J.Vinas, Cardoso, Duy Linh…

Nhìn chung, cây đàn ghi ta đã góp phần làm nên diện mạo nền âm nhạc cách mạng và đương đại của Việt Nam. Đặc biệt là vai trò lớn lao của nó trong đời sống tinh thần của những người lính và những người trẻ tuổi trong cả chiến tranh cũng như thời kỳ xây dựng đất nước. Tuy nhiên để xây dựng và phát triển nền âm nhạc ghi ta hàn lâm cũng như các dòng nhạc ghi ta khác, các nhà giáo dục nghệ thuật cần tăng cường nhiều hình thức hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho lớp trẻ, để tạo thêm môi trường cho sự ra đời của những nghệ sĩ ghi ta trong tương lai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013

Tác giả : Lương Đức Thắng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *