Người Tày – Thái là hai trong những cư dân sinh sống lâu đời ở Việt Nam. Trong nếp sinh hoạt, họ vẫn giữ cho mình những tín ngưỡng tộc người rất sâu sắc. Một trong số đó là việc sử dụng cây mía khi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng.
Theo quan niệm của đồng bào, cây mía là một lễ vật không thể thiếu trong thực hành các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ thờ cúng gia tiên vào ngày Tết Nguyên đán. Cây mía còn xuất hiện trong thực hành nghi lễ khác như cưới xin, ma chay hay trong các nghi lễ cộng đồng. Quá trình cộng cư, người Tày – Thái cũng bị ảnh hưởng sâu sắc lễ, Tết của người Kinh, người Hán nhưng đâu đó dấu ấn tín ngưỡng cổ xưa vẫn còn được đồng bào bảo lưu và thực hành. Dưới lớp văn hóa “bản địa”, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những bản sắc, cội nguồn về tín ngưỡng xa xưa của dân tộc dù rất mờ nhạt. Việc sử cây mía trong các nghi lễ quan trọng giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống tâm linh của người Tày – Thái. Những ẩn khuất này sẽ được chúng tôi nhìn nhận từ góc nhìn đa chiều về lịch tiết, vũ trụ luận hay tín ngưỡng dân gian. Từ đó, góp phần soi chiếu về quan niệm cây vũ trụ trong đời sống văn hóa tâm linh người Tày-Thái từ xưa đến nay.
Trong các thực hành nghi lễ tín ngưỡng, cây mía vẫn là lễ vật không thể thiếu đối với đồng bào. Đây là bằng chứng thể hiện sức sống của lớp văn hóa truyền thống, giúp chúng ta gợi mở nhiều vấn đề về những biểu tượng hay họa tiết còn ẩn dấu trong tín ngưỡng dân gian.
Nghi lễ cúng giao thừa của người Thái ở Nghệ An
Ảnh: L.Văn Thiết
Cây mía theo quan niệm của người Tày-Thái
Vào ngày Tết, ngoài các lễ vật thông thường như bánh chưng, thịt lợn, trầu cau, bánh trái… trên bàn thờ của người Tày-Thái không thể thiếu một lễ vật đặc biệt đó là cây mía. Cây mía được đồng bào lấy cả thân và ngọn, họ thường chọn các cây thẳng, thân không bị sâu đục, lá không bị quăn để đặt lên bàn thờ. Cây mía có thân màu đỏ tía, khúc đều, có các mắt đang nhú mầm được xem là tốt nhất. Cây mía được buộc vào hai hoặc bốn chân của bàn thờ, nếu lá của hai cây mía cụp xuống, bà con họ sẽ đan lại với nhau theo hình mắt cáo (taleo). Trên cây mía, đồng bào còn treo trầu cau, bánh trái, giấy bản nhằm dâng cúng tổ tiên. Theo quan niệm của đồng bào, trầu cau têm giống hình con chim, được xem là biểu tượng gắn kết giữa con người với thần linh.Người ta buộc bốn cây mía vào chân bàn thờ với ý nghĩa vừa thể hiện lộc xuân vừa làm gậy chống cho tổ tiên đi về hưởng lễ (1).
Cây mía trong quan niệm của người Tày -Thái được xem là nấc thang kết nối giữa con người với Mường Trời (Mường Then/phạ); nó còn thể hiện cho các bước phát triển của một kiếp người từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình và kết thúc sự tồn tại của mình bằng cách nở hoa. Hình ảnh bông mía được xem là sự kết thúc và cũng là khởi đầu một cuộc sống mới. Theo quan niệm tái sinh luân hồi (hạt cây mía chứa cả nhị đực và nhị cái), những bông mía bay vào không trung tựa như cát bụi lại trở về với cát bụi và bắt đầu một kiếp người mới. Bởi vậy, người Tày-Thái dùng cây mía trong thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên được xem là sự trọn vẹn thủy chung, vừa là nấc thang gắn kết với tổ tiên trên trời (thể hiện qua các đốt của cây mía), vừa thể hiện cho sự ngọt lành, lộc lá. Với ước nguyện về một năm mới vạn sự hanh thông, mọi thứ được diễn tiến theo chu kỳ vốn có của nó, vừa thể hiện cho một ý nguyện trước sau như một của con cháu với ông bà tổ tiên. Cây mía hội tụ đầy đủ các hàm ý, mong ước trong một năm mới hay khởi đầu của đời người (cúng mụ), trưởng thành (cưới xin) cũng như kết thúc một kiếp người ở nhân gian (chết). Có lẽ vậy, cây mía mới xuất hiện trong các thực hành nghi lễ khác nhau của người Tày – Thái từ ngày lễ, Tết đến các nghi lễ vòng đời và các nghi lễ cộng đồng.
Cây mía qua ngôn ngữ Tày-Thái
Cây mía ở cả góc độ tên gọi, cách thức sử dụng trong ngày lễ, Tết gắn với quan niệm về thế giới quan của người Tày-Thái. Trước hết, về tên gọi, thường gọi một năm dương thọ của con người là một bóc lau. Bởi thế, cây mía với tên gọi dân gian là lau đỏ, lau tím có lẽ bắt nguồn từ ngôn từ người Tày -Thái (2), (3). Trong nghi lễ cúng giải hạn, xin số dương (tó thố) cho người hết tuổi thọ, đồng bào thường gọi là xin thêm bông la, hàm ý xin thêm tuổi thọ. Nghi lễ nối số dương (tó thố/slố) được tiến hành khi một người bị xem là hết tuổi dương thọ (tuổi già hoặc người ốm đau lâu ngày không khỏi) tiếng Tày-Thái gọi là suất thố. Đồng bào quan niệm mỗi con người và vạn vật sinh sống trên đời đều được Then ban (phả téng) cho một số dương (tuổi thọ) để sinh sống trên nhân gian, khi hết tuổi dương thì về với các Then (mưa bươn mưa đao – về với trăng với sao – về với trời/Then/phạ). Nghi lễ là hành trình để con cháu dâng lễ vật và cầu xin thần linh (Then/phạ) ban thêm tuổi thọ cho người ốm hoàn thành các tâm nguyện còn dang dở. Người Tày gọi nghi lễ này là lễ Kỳ yên với ý nghĩa nối số (tâu slố). Theo chỉ định của Nam Tào, vị thần coi việc sinh tử, mỗi ngày có 3.000 người lọt lòng, 500 người chết (slam xiên tốc fạc, hả pác mừa bân). Đối với người Tày ở Lạng Sơn, để tiến hành nghi lễ, đồng bào làm một cây thông lộc mệnh (co thông lục mỉnh) hay còn gọi là cây Đế Thích- cây chuối hột với cả gốc rễ và lá. Trên thân cắm 7 (đối với nam) hoặc 9 (đối với nữ) cái vỉ bằng nứa; mỗi vỉ đặt một chiếc bánh dày hay một phẩm oản và cắm lên đó một nén hương hay đặt bên cạnh một ngọn nến. Sau khi kết thúc, cây chuối cùng một cây tre và một cây ráy sẽ được đem đi trồng. Nếu cây sống thì buổi lễ được cho là có kết quả tốt đẹp, còn nếu chúng chết thì buổi lễ sẽ bị coi là chưa trọn vẹn (1). Trong lễ này, đồng bào sử dụng cây chuối hột vì nó là nơi nuôi dưỡng, trú ẩn của các linh hồn (hua văn) người ốm. Việc xin bông lau là hành trình cầu xin cho cuộc sống của người thụ lễ được hưởng trọn kiếp người nơi trần gian. Người thụ lễ được xem là chưa sống trọn kiếp, mọi việc còn dang dở, chưa kịp nở hoa nên không thể bay vô định vào không trung. Bởi vậy, xin bông lau là xin một kiếp người được trọn vẹn đến khi hoàn thành các việc ở nhân gian thì hành trình trở về như một lẽ tự nhiên. Ở góc độ ngôn từ, việc sử dụng cây mía trong thực hành nghi lễ là dâng một lễ vật mang đầy đủ các hàm nghĩa nhằm gắn kết giữa con người và thần linh, đồng thời mang lại những điều ngọt lành, viên mãn trong cuộc sống.
Cây mía ở góc độ vũ trụ luận
Trong quan niệm về vũ trụ luận, người Tày – Thái chia vũ trụ thành ba lớp theo trục dọc: Mường Trời là nơi cư ngụ của các Then (Mường Then/phạ) và tổ tiên các dòng họ sau khi chết (đằm chao); thế giới của con người ở giữa (Mường Piêng) và thế giới của những người tí hon ở dưới mặt đất (Mường Lụm) (4), (5). Kết nối giữa ba thế giới này, đồng bào làm một cây cột lễ gọi xặng boóc (cây hoa lễ) diễn ra trong lễ Xăng Khan/Lẩu nó (của người Thái) và Lẩu Then của người Tày (1), (6). Xăng Khan/Lẩu Then là dịp để các thầy cúng, ông mo, bà Then dâng cúng lễ vật, lời cầu khấn lên các Then ở trên trời; lễ có sự tham gia của các đệ tử (lực síp), những người được thầy mo chữa khỏi bệnh gọi là con nuôi (lực liệng) và cả cộng đồng. Tổ chức lễ với ý nghĩa đem lễ vật đi tiến cống Ngọc Hoàng (Then Luông) theo thông lệ hằng năm gọi là tiểu lễ; còn lễ thụ phong, cấp sắc, nhận “văn bằng”, “chứng chỉ” hành nghề cùng với một số lễ cụ hoặc để “thăng quan, tiến chức” gọi là đại lễ (1). Bởi vậy, lễ Xăng Khan/Lẩu Then phải được các thầy cúng lớn (mo môn, mo một) chủ trì, những thầy cúng mới nhập môn, mới hành nghề hay nói cách khác chưa tu đủ công đức sẽ không được phép thực hiện nghi lễ quan trọng này. Trung tâm của nghi lễ là cây xặng boóc được làm bằng tre dài 3 – 4m, đường kính khoảng 10cm. Nếu mo cả (khu) còn sống thì cây phải có 2 đoạn tre ghép lại. Xung quanh thân cây được đục nhiều lỗ tròn, so le theo khoảng cách nhất định để cắm những cành hoa, tạo thành cây hoa có 5, 7 hoặc 9 tầng. Trên đỉnh cột, người ta cắm một chiếc ô hình vuông, cánh ô bằng vải nhiều màu sắc và tết thêm 4 dây vào cây hoa buông xuống mặt sàn gọi là dây mường (xai mương) với ngụ ý làm thang để các thần linh trên trời men theo xuống dự lễ (6).
Trên cây hoa mường của các Then tầng cao tượng trưng bằng màu đỏ, thế giới của người tí hon màu đen và thế giới của con người đa sắc màu. Ở thế giới của con người, tất cả những gì hiện hữu trong cuộc sống họ đều có thể mang vác lên để trình diện trong cây hoa. Trong lễ Xăng Khan/Lẩu Then mía là lễ vật không thể thiếu, cây mía được cắt khúc hoặc để nguyên cả cây làm vật trừ vía, cầu may cho lực liệng (con nuôi) và là lễ vật được các thầy ban phát cho những người tham dự lễ. Cây mía một phần được cắt khúc, bó lại đặt xung cây cột lễ; một số cây được các thầy cúng cắm hương để hơ vào quần áo trừ tà cho các lực liệng. Cây mía lúc này được xem là lộc để các thầy ban phát cho lực liệng và những người dự lễ. Trên cây hoa lễ, đồng bào còn làm rất nhiều loài chim như: bồ câu, vịt, én, yểng vàng…; theo bà con, chim là loài vừa có thể bay, vừa có thể đậu trên bàn thờ của thiên đình (hình một) nên nó được xem là sứ giả kết nối giữa con người và thần linh, giữa thế giới thực và cõi hư vô.
Người Tày – Thái ngày thường đều rất kỵ đặt các loại cây tươi trong ngôi nhà. Theo bà con, việc để các loại cây tươi ở trong nhà chỉ diễn ra khi chuẩn bị khiêng quan tài người chết đi chôn. Vào ngày lễ, Tết và thực hành các nghi lễ hỉ sự, đồng bào không bao giờ bày các loại tre, gỗ tươi ra ngay trước nhà, nhất là gian thờ tự (nà hoóng). Theo thầy mo Lô Trung Vương, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An): “Người đặt cây hoa lễ trong Xăng Khan phải là người có công đức, ăn ở hiền lành, còn không rất dễ bị chết non. Bởi cây hoa (xặng boóc) là nơi đi về của các Then, nếu ai ăn ở không hiền lành thường bị các Then bắt theo để trừng phạt”. Đây là nguyên do người ta không cho các thầy cúng mới hành nghề, công đức còn hạn hẹp tổ chức nghi lễ quan trọng này, còn đối với người dân thì bị xem là điều tối kỵ. Bởi vậy, người Tày-Thái đặt cây mía trên bàn thờ là để lấy chỗ cho tổ tiên nương theo để đi về với con cháu; việc này thể hiện ở các góc độ: là chiếc thang kết nối để tổ tiên đi về, là lễ vật mang lại ngọt lành trong ngày Tết, vừa không phạm điều cấm kỵ khi đặt các loại gỗ, tre tươi trong nhà. Cây mía hội tụ đầy đủ các ý nghĩa vừa là vật kết nối giữa các thế giới (gồm 3 lớp) theo trục dọc, vừa thể hiện quan niệm về nhân sinh và mong ước những điều tốt đẹp trong năm mới. Bởi vậy, nó là lễ vật không thể thiếu trong đời sống tâm linh người Tày-Thái, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Cây mía trong các nghi lễ vòng đời
Trong nghi lễ cưới xin, người Thái làm tơ hồng rất đặc biệt nhằm gắn kết đôi vợ chồng trẻ với nhau. Lễ được tổ chức ngay khi cô dâu vừa bước lên cầu thang nhà chồng (trước khi cô dâu làm lễ cúng nhập ma nhà). Mâm cúng do hai thanh niên, 1 nam, 1 nữ (xao, báo xở) chuẩn bị. Trong mâm lễ này, ngoài những lễ vật gồm xôi, thịt gà… bắt buộc phải có 1 đĩa mía chẻ, 2 quả trứng luộc (mỗi quả bổ làm 4 miếng). Bên cạnh đó, còn có bộ váy màu đỏ được dệt theo kỹ thuật Ikát, bộ đồ này khi bố mẹ chết sẽ được cô dâu mặc để chịu tang. Cây mía dùng trong mâm tơ hồng được lấy cả gốc và ngọn, buộc chặt vào nhau, công việc chẻ mía phải do đôi nam nữ tự tay tiến hành. Trong mâm cúng, bắt buộc phải có mía và trứng, giải thích về vấn đề này, thầy mo Vi Thị Biên ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông cho rằng: “Mâm tơ hồng là bữa cơm đầu tiên của đôi bạn trẻ sau khi trở thành vợ chồng; bữa cơm thể hiện cho tình cảm vợ chồng cao đẹp và ước vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc. Mía thể hiện cho tình cảm vợ chồng luôn ngọt lành, cây mía còn được dùng để làm gậy chống cho các ông vải về ăn Tết với con cháu (vào ngày, Tết người Thái buộc 2 cây mía lên bàn thờ làm gậy cho ông vải đi về ăn Tết với con cháu); người Thái cầu mong đội vợ chồng sống với nhau đến khi trở thành ông cụ, bà cụ lại cùng nhau chống gậy về trời. Quả trứng theo quan niệm của người Thái là sự khởi đầu của sự sống cũng là kết thúc một chu kỳ đời người, nên nó thể hiện cho một cuộc sống có trước có sau của người Thái; đồng thời còn là mong muốn cho đôi bạn trẻ sống với nhau đến trọn đời trọn kiếp”. Trong lễ này, hai vợ chồng ăn mỗi thứ một ít, riêng đĩa mía và 8 miếng trứng thì bắt buộc hai vợ chồng phải ăn hết để cầu mong hạnh phúc lứa đôi và trọn vẹn nghĩa phu thê.
Cây mía không chỉ xuất hiện trong một số nghi lễ, tập tục người Tày-Thái mà còn được dùng trong một số nghi lễ vòng đời như cúng vía cho trẻ nhỏ, tang ma. Trong nghi lễ cúng mụ, đồng bào thường đặt lên mâm cúng một đĩa mía chẻ cùng với trứng luộc, chỉ buộc tay, nước, rượu. Đĩa mía nhằm cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với em bé trong suốt cuộc đời; quả trứng được xem là khởi đầu, cầu mong em bé luôn chăm ngoan (thực thể sống nhưng luôn bất động), khỏe mạnh (quả trứng thuôn đều, hồng hào); sợi chỉ dùng để buộc tay cầu sức khỏe cho em bé… Trong dịp tang ma, người Tày-Thái có tục trồng một số cây xung quanh nhà mồ như trầu cau, mía và buộc con gà, treo quần áo cùng những đồ vật dụng gắn với giới tính của người chết (đàn ông có rìu, dao, nỏ…; nữ giới thì có khung dệt, giỏ đựng (phắc pạ)…). Theo giải thích của các thầy cúng, con gà là vật nuôi dành cho người chết, là con vật để thăm dò ý tứ của thần núi. Người ta tin rằng, nếu con gà nhảy được lên miệng huyệt thì chỗ đó là đất lành và vị sơn thần cai quản ở đây đã chấp thuận cho người chết “nhập tịch”; ai bắt được con gà sẽ gặp nhiều may mắn, tốt lành (1). Cây mía, cây cau được xem là nấc thang để linh hồn người chết nương theo để lên trời. Cây mía còn mang dụng ý ông bà tổ tiên sẽ mang đến những điều tốt lành cho con cháu và cũng là lễ vật để tổ tiên mang lên trời.
Có thể nói, lễ Tết là một dịp đặc biệt để con người hồi tưởng, cảm tạ thần linh, tổ tiên đã cùng con cháu trải qua một năm lao động sản xuất. Các lễ vật dâng cúng thể hiện cho hồn cốt, quan niệm và mong muốn của mỗi cư dân nhằm cầu mong những điều tốt đẹp. Theo quan niệm của người Tày-Thái, vào ngày Tết, cây mía là lễ vật không thể thiếu trong thực hành nghi lễ; nó được xem là chiếc gậy, là nấc thang để tổ tiên đi về với con cháu đồng thời là lễ vật cầu mong cho một năm mới may mắn, bình an. Cây mía không chỉ xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán mà còn trong một số nghi lễ vòng đời khác. Bởi vậy, ở góc độ nào đó, cây mía được xem là cây nêu, cây vũ trụ nhằm gắn kết giữa con người với thần linh trên trời (Then/phạ). Qua phân tích, rõ ràng cây mía có vai trò rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Tày-Thái; và từ cây mía gợi mở phần nào quan niệm về cây vũ trụ trong đời sống tín ngưỡng của một số dân tộc ở Việt Nam.
______________
1. La Công Ý (2010), Đến với người Tày và văn hóa người Tày, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Từ điển Việt – Tày – Nùng (1984), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Từ điển Thái – Việt (1991), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Hoàng Lương (2005), Văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
6. Vi Văn An (2017), Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb Thế giới, Hà Nội.
LƯƠNG VĂN THIẾT – LƯƠNG KHUN XA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)