Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc các cấp huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp trong tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (giai đoạn 2016 – 2020) thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.
Việc thực hiện các nội dung của cuộc vận động được gắn kết hài hòa, đồng bộ với các phong trào, nhiệm vụ khác, nhất là xây dựng nông thôn mới ở cộng đồng dân cư, đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, làm tốt vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tập hợp, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trước hết, Châu Thành đã thực hiện có hiệu quả việc đoàn kết phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, gắn triển khai cuộc vận động với nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình mới được hình thành. Điển hình như mô hình “Chi hội giúp hội viên Hội Nông dân thoát nghèo bền vững” – đã vận động quỹ tương trợ được 4.724 triệu đồng, giúp 148 hội viên vay để phát triển kinh tế; mô hình “Thanh niên khởi nghiệp” – Đoàn Thanh niên huyện phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn thành lập được 25 tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế, đồng thời hỗ trợ cho thanh niên tham gia 9 dự án khởi nghiệp có 14 đảng viên trẻ tham gia; mô hình Phụ nữ “hùn vốn mua bảo hiểm y tế cho hội viên” – qua 5 năm thực hiện thành lập được 135 tổ, có 1.909 hội viên tham gia hùn vốn mua 3.088 thẻ bảo hiểm y tế; phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi, giảm nghèo bền vững” (đến nay, trên toàn huyện không còn hội viên Cựu chiến binh nghèo); phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo “Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả” trong doanh nghiệp của Liên đoàn Lao động… Qua đó, đoàn viên, hội viên và nhân dân ở khu dân cư giúp nhau sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế tăng thu nhập hộ gia đình, qua 5 năm thực hiện đã giúp 1.951 hộ thoát nghèo bền vững.
Hiện, trên địa bàn huyện có 20 Hợp tác xã (HTX), với 1.986 xã viên và có 335 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, với 12.039 tổ viên. Các HTX hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả trong tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, điển hình như: chanh của HTX chanh An Hiệp, thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu, lúa Đài thơm 8 xã Tân Phú, Tân Phú Trung, An Phú Thuận, Tân Nhuận Đông, Hòa Tân và HTX dịch vụ nông sản của xã Tân Bình hoạt động có hiệu quả.
Châu Thành còn phát động phong trào thi đua thực hiện mô hình “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới” ký kết cho các xã, triển khai tổ chức thực hiện, kết hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt mô hình hộ gia đình “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, có 100% hộ gia đình các xã đăng ký tham gia thực hiện 11 nội dung; xây dựng và phát triển giao thông nông thôn, tập trung huy động nguồn lực với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng mới 147 cầu bê tông tổng kinh phí 27.051.154.000 đồng, sửa chữa 42 cây cầu bê tông tổng kinh phí 9.567.333.000 đồng, nâng cấp và sửa chữa đường nông thôn 220,94 km kinh phí 54.840.339.000 đồng, vận động xây dựng đèn thắp sáng đường quê 47 km kinh phí 4.118.867.000 đồng; xây dựng 3 tuyến đường kiểu mẫu dài 3.500 m, với số tiền 90.000.000 đồng và gần 3.496 ngày công lao động, vận động trồng cây xanh, hoa kiểng ven đường trong xây dựng nông thôn mới được 273km. Đến nay, huyện có 9/11 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; mọi người đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đã thành lập được 21 câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, cùng với các mô hình của các tổ chức chính trị – xã hội, đã khơi dậy tinh thần tính sáng tạo của các thành viên tham gia các công việc thiết thực ở cộng đồng dân cư.
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa gia đình chính sách, người có công với cách mạng, huyện đã vận động xây dựng 174 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 20 tỷ đồng. Công tác chăm lo tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và thực hiện chương trình an sinh xã hội cũng đem về trên 35 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 574 nhà Đại đoàn kết, nhà Tình đồng đội cho hộ nghèo, hội viên cựu chiến binh, tặng 102.518 suất quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn, cây mùa xuân, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo…
Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Châu Thành ngày càng nâng lên. Hằng năm, có 70/70 ấp đạt ấp văn hóa và 7/7 khóm đạt khóm văn hóa – đô thị văn minh (100%), tỷ lệ hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa 93% trở lên; công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục được chú trọng quan tâm. Đã thành lập 18 mô hình dòng họ học tập, 135 đơn vị học tập, vận động được 4.014 suất học bổng và 21.931 phần quà cho học sinh, sinh viên, trị giá thành tiền trên 8,2 tỷ đồng. Người dân toàn huyện tham gia bảo hiểm y tế đạt 83,06 %, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 47,56%; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 31 câu lạc bộ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”với 951 thành viên. Thông hoạt động CLB, tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Vừa qua, MTTQ xã An Nhơn đã được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen…
Những kết quả trên đây xuất phát từ thực tiễn việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong việc phối hợp tổ chức, triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Ban vận động xây dựng đời sống văn hóa – nông thôn mới ở các khóm, ấp luôn đủ về số lượng, có năng lực, uy tín trong cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị – xã hội, nêu cao tinh thần gương mẫu, tự nguyện của nhân dân trong thực hiện cuộc vận động; chú trọng tập huấn cán bộ trong Ban chỉ đạo, Ban vận động từ xã đến khóm, ấp, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, để cuộc vận động thật sự trở thành một phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; định kỳ sơ, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, có giải pháp kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Tác giả: Trần Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)