Chế Lan Viên là nhà thơ lớn có tâm và có tầm. Nhân cách của nhà thơ được cấu thành bởi trí tuệ lớn, ý chí lớn và tâm hồn lớn. Cũng có thể xem xét một cách khác, đó là sự tổ hợp của khí phách và lương tri. Đó là sự kết hợp đẹp đẽ của trí dũng song toàn, nếu đứng ở góc độ nhìn nhận Chế Lan Viên như một nhà thơ – con người chiến đấu. Nhà thơ ấy đã viết đến phút chót của cuộc đời khi buộc phải buông bút, xứng đáng danh hiệu người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Đã có sự xác định nhiệm vụ, chức năng nghệ sĩ theo công thức hiểu biết – khám phá – sáng tạo, một chu trình khép kín. Hiểu biết, nhận thức để có tri thức là điều kiện tiên quyết. Sau đó là khám phá, tiếp tục nhận thức. Sáng tạo được coi là cứu cánh. Nhưng để có sáng tạo phải có quyết tâm, có dũng khí. Nói cách khác phải có khí phách, tức dám nghĩ rồi phải dám làm, dám thực hiện cái tri thức là sức mạnh tinh thần vào thực tiễn… Thêm một lý do nữa để yêu cầu về phẩm chất khí phách và lương tri của nhân cách nghệ sĩ.
Từ 12, 13 tuổi, cậu bé yêu thơ Phan Ngọc Hoan đã mon men vườn thơ, để đến 15, 16 thì bước hẳn vào ngôi đền thơ. Đầu óc mạo hiểm non dại ấy đã dám làm sự phi thường là làm thơ. Vào tuổi thành niên, người trẻ tuổi nghiễm nhiên thành thi sĩ, dám tuyên bố làm người không phải là người. “Nó là người Mơ, người Say, người Điên: nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu…”.
Cái dám lớn nhất đầu đời là dám chấp nhận bản thân. Để từ đó lừng lững vào đời với một chữ dám.
Hầu như tất cả sức mạnh tinh thần khởi đầu, bắt nguồn từ đó.
Trước hết là dám nhìn vào mình, thấy mình là một trung tâm vũ trụ để vênh vang, kiêu ngạo thâu tóm thiên hạ vào cái ta – mà thực chất là cái tôi cô độc, dị biệt “Ha ha! Bay ơi! Loài người thành thi sĩ như ta cả rồi”. Đó là thói tự kỷ ám thị cực đoan. Anh ta cũng dám nhìn thế giới, nhưng con mắt mờ ảo chỉ thấy một thế giới ảo ảnh. Dù là bãi tha ma, bàn thờ Phật, gác chuông nhà thờ, ngọn tháp lở lói hay đêm sao, bờ bể… Nhưng, biển thiên nhiên cũng là biển siêu hình, vũ trụ chỉ là cõi trời mơ, cõi hư vô.
Có ý kiến đã tổng kết về Điêu tàn: đó là hình ảnh bộ ba thế giới “bãi tha ma – cái tôi – vũ trụ”. Tuy nhiên, đó không phải là hành trình một chiều mà là sự đi – về đan xen của hai thế giới ngoại cảnh và nội tâm với tính cách phiêu lưu, mạo hiểm của nhà thơ có đầu óc tò mò, tưởng tượng kỳ quái!
Khi gặp cách mạng, tinh thần suy kiệt được phục hồi, cường tráng lên, Chế Lan Viên dám chấp nhận hoàn cảnh mới. Như thế hệ văn nghệ sĩ đương thời, nhà thơ dám dấn thân vào kháng chiến trường kỳ và gian khổ, chịu đựng vất vả, khó khăn, sáp mặt với hiểm nguy như ngàn vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ. Có nghĩa là dám sống, dám lập thân, dám làm mình – con người mới cách mạng.
Khí phách ban đầu tự tạo được vun đắp bằng sức mạnh tinh thần của nhân dân mang tầm vóc anh hùng. Chế Lan Viên thành thân, thành danh chủ yếu nhờ nội lực, nhờ sức sống mạnh mẽ của bản thân.
Là một nhà thơ – chiến sĩ, Chế Lan Viên cầm bút như cầm súng. Xông xáo trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật là biểu hiện của một khí phách đấu tranh thực tế. Đánh địch dũng mãnh bằng văn, thơ thực chất là cuộc đấu trí giữa văn minh của thời đại, của dân tộc với cái văn hóa, văn hoa ngụy tạo. Đánh địch thông minh bằng tấn công trực diện vào dinh lũy của hệ ý thức, của học thuyết phản động. Trí kết hợp với dũng đã tạo nên hiệu quả cao cho hành động đả kích của vần thơ đánh giặc: Bài thơ sáng viết ở Việt Nam, chiều đọc ở Mạc Tư Khoa/ Sáng hôm sau đốt cháy lên những cuộc biểu tình ở Pari, Nữu ước…/ Nó viết ở kinh tuyến này và rung động trào sôi ở kinh tuyến khác. Có được như vậy là nhờ bản lĩnh gan dạ của nhà thơ: Anh phải bơi trong nước ngọt sông mình/ Lại phải ra thử thách mình giữa biển mặn trùng khơi (Sổ tay thơ).
Trong trường văn, trận bút, tranh luận vẫn là để tìm ra đúng, sai, để nêu rõ chân lý của tư tưởng, của nghệ thuật nhưng mục tiêu là đấu tranh để đoàn kết, đoàn kết phải đấu tranh.
Trước hết kà phải dám nghĩ. Nghĩ đúng theo vận hành của cuộc đời luôn tiến tới. Tức là tư duy động, tư duy thích ứng, thích nghi. Cũng có nghĩa là phải luôn đổi mới tránh cố chấp, chống bảo thủ.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây
Đều có cái gì của đời không giống trước
Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…
Chính vì vậy mỗi ngày phải “lên dây cái đồng hồ anh lại” cho khớp với “vòng quay thời đại”. Nghĩ rồi lại phải dám nói. Nói xuôi dễ nhưng có khi cần nói ngược, nói thẳng dễ có khi phải nói ngang. Nói theo dễ hơn nói ý kiến riêng. Nói đón đầu khó hơn nói mò. Anh phải làm cho thời đại đến sớm hơn là nó đến. Anh là gió đưa hương, nhưng chính ra anh lại phải là hương. Chế Lan Viên thường chối bỏ cái dễ và tranh nhận cái khó trong phát ngôn. Nhưng dù nói ngang, nói ngược cũng phải nói có lý lẽ, có gang thép, dám nói sự thật vì niềm xác tín, vì chân lý. Người ta nhấn mạnh nội dung, nhà thơ coi trọng hình thức, coi “hình thức cũng là vũ khí”. Thiên hạ đua nhau nói chân, chân, chân, nhà thơ nói: cần thêm ảo, ảo, ảo. “Một phút lao ảo ảo hư hư mà phải lượn trăm vòng rất thực/ Hay là để lao vào bắt con cá thực, có khi phải lượn nghìn vòng rất đỗi ảo hư” (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…). Sau này ở Nghĩ về thơ và nghĩ ngoài thơ (Di cảo thơ – tập III) còn nhiều cách nghĩ khác, nghĩ lạ nữa. Nhưng đó là những suy nghĩ đúng và hay bởi là trải nghiệm một đời thơ. Chế Lan Viên đã dám nói một cách trung thực những suy tư chắt lọc như triết lý về thơ, về nhà thơ và nghề thơ. Nghĩa là vẫn nổi lên cái bản lĩnh của một nhà thơ khí phách.
Dám nghĩ, dám nói, dám làm là một hành trình mang tính tất yếu ở con người có cá tính sáng tạo. Đó là gốc của mọi đổi mới một cách tự giác.
Dám làm ở Chế Lan Viên như hành động của một nhà khoa học. Cũng thí nghiệm, mà là thí nghiệm can đảm trên bản thân mình, trên thơ mình. Cũng thử nghiệm có tính chất thăm dò trước khi làm đại trà. Rồi thể nghiệm, thực nghiệm trong cả quá trình sáng tác. Hoạt động nghệ thuật như vậy là nghiêm túc và quả cảm. Sáng tạo thường tiềm ẩn hiểm nguy.
Một vấn đề phải đặt ngay ra là dám chịu trách nhiệm, dám trả giá. Mà trong đấu tranh học thuật thì có khi phải đem cả uy tín nghệ sĩ, cả nhân cách và sinh mạng chính trị để đặt cược.
Không ít hiểu lầm, đố kỵ đã đến với Chế Lan Viên. Nhà thơ chấp nhận một cách bình tĩnh, thản nhiên coi đó là chuyện bình thường có thể xảy ra, là người ưa tranh luận – ngay với chính mình, cả khi còn tồn tại cũng như đã vắng bóng ở thế gian này.
Đây là những vần thơ có ý nghĩa như di chúc nghệ thuật đầy tiên đoán có ý vị triết lý:
Nhà thơ anh đồng nhất lòng anh với bể
Nhưng bể nào
Bể giông bão hỗn hào
Hay bể trầm tư
Anh đồng nhất lòng anh với bể
Có hay đâu bể mỗi phút mỗi giây lại tự khác mình
Thơ bình phương – Đời lập phương
Cách đọc, cách cảm sẽ thay đổi và giá trị còn tiếp tục được đưa lên bàn cân, những tranh luận sẽ tiếp diễn giữa hai phía, hai bên, hai phe, hai phái nghĩa là giữa phải và trái, sáng và tối, trắng và đen: Những cuộc cãi cọ giữa chân lý và bọn cầm cờ trắng, cờ đen nghiêng ngả… Làm thơ hay để ca ngợi chân, thiện, mỹ “còn phải đấu tranh với nghìn sự đê hèn”. Thơ anh, “ngày mai người ta nhặt nó tình cờ từ bụi đất/ Phủi bụi đi, trầm trồ chuyền tay nhau:/ ồ, viên ngọc!”. Và nhỏ những giọt lệ ngọc.
Chế Lan Viên là người có lương tri, luôn thức tỉnh lương tri. Nhà thơ trí tuệ tài năng, thâu tóm được nhiều tri thức, tinh hoa để trở thành một con người uyên bác. ông là một nhà hoạt động văn nghệ tài năng, một nhà hoạt động xã hội có tầm cỡ quốc tế, một nhà văn hóa tài trí. Tất cả những hiểu biết bản thân được đem cọ xát ở thực tiễn cuộc đời – trong đó có hơn ba mươi năm kháng chiến, được đối chiếu, thể nghiệm trong thực tế để trở thành vốn liếng trải nghiệm một đời. Lương tri nhà thơ – đúng như định nghĩa là khả năng hiểu biết đúng đắn điều phải – trái, đúng – sai hình thành ở con người trong thực tiễn cuộc sống. Cuộc sống này bao gồm sinh sống trong đời và đời sống nghệ thuật.
Văn học là nhân học, khoa học về con người. Đây là một khoa học đặc biệt vì nó đi sâu khám phá tâm hồn con người như một thế giới bí ẩn, phức tạp và tìm ra những quy luật về tư tưởng, tình cảm về đối nhân xử thế cả về mặt chính trị, cả về mặt đạo lý và mỹ cảm.
Trước hết, ta thấy Chế Lan Viên là người rất hiểu biết con người. Con người trong xã hội người, trong thế giới người. Và cao hơn cả, con người trong thế gian, con người trong cõi người.
Nhà thơ càng nhận ra cái tôi và cái ta và tiến tới hòa hợp tôi – ta như cuộc đại cách mạng về bản thể luận.
Phá cô đơn ta hòa hợp với người
Có lúc cái ta nổi trội, lý tưởng và thần tượng chủ nghĩa tập thể lên ngôi. Sau này trong cuộc tìm mình lớn trong những năm cuối đời, nhà thơ đã có sự điều chỉnh cái ta sử thi với cái tôi thế sự để đạt được sự hòa hợp mới, kiểu cấu trúc lịch sử tâm hồn đã thay thế dần cấu trúc lịch sử – sự kiện.
Đối với bè bạn, Chế Lan Viên tỏ ra biết mình, biết người.
Trong quan hệ anh em, bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp bao giờ cũng có sự ứng xử đúng đắn nhất: đoàn kết – đấu tranh là phương châm hành động tốt nhất để gần gũi gắn bó với nhau. Là người hào hiệp và bao dung, Chế Lan Viên luôn biết chân thành mở lòng mình và kêu gọi sự thông cảm, sẻ chia.
Đừng đuổi thơ tôi vì một chút chiều tà ngả bóng
Hãy kiên lòng, sẽ thấy nắng mai lên
Theo Chế Lan Viên, mỗi con người đều “có quyền cả những hào quang trong sử. Không ai phân biệt người đến tự ban ngày và kẻ đến trong đêm”.
Với một đối tượng đặc biệt là bạn đọc, Chế Lan Viên tỏ ra rất hiểu biết và tôn trọng, tin tưởng: Những giọt lệ rưng rưng trên mi người đọc/ Ngọc của người còn trong gấp mấy/ Ngọc thơ anh. Như nhiều nghệ sĩ chân chính, có được tri âm, tri kỷ độc giả là hạnh phúc lớn nhất. Bởi vì nhà thơ biết rõ thơ viết ra là cho nhiều thế hệ (Lệ ngọc – Thơ và bạn đọc).
Đối với kẻ thù, ta có câu biết địch biết ta – đánh trăm trận thắng. Chế Lan Viên hiểu biết đối tượng của cuộc đụng độ lịch sử giữa ta và những tên xâm lược siêu cường mạnh gấp bội. Những bài thơ đánh giặc của Chế Lan Viên nằm trong khuynh hướng đó. Nhà thơ hiểu một cách văn hóa, hiểu biết toàn diện về kẻ thù và đánh trả bằng một cách đánh trí tuệ. Chính luận là rất đắc địa cho mảng thơ đả kích. Nhà thơ tập trung khám phá bản chất thâm độc, tàn bạo, vạch trần âm mưu và tội ác. Đặc biệt là chú trọng lật mặt nạ, đánh vỗ mặt kẻ thù. Khí phách hào hùng của dân tộc cũng phát ra từ đó. Bởi tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân toàn diện thực chất là cuộc đấu trí. Đại thắng là thắng lợi kỳ vĩ của cuộc đối chọi tinh thần, mưu trí, tài thao lược của quân dân ta. Những bản hùng ca thơ chính là tụng ca về tinh thần Việt Nam, trí tuệ Việt Nam: Ở đâu, ở đâu, ở đất anh hùng, Sao chiến thắng, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, Con mắt Bạch Đằng, Con mắt Đống Đa và đặc biệt là Ngày vĩ đại, Thơ bổ sung.
Hiểu biết về chân lý, về lẽ phải cũng là điều nổi bật trong thơ Chế Lan Viên. Nhà thơ là người biết suy tư sâu sắc và chính xác, có những suy tưởng lịch sử cao đẹp và nhất là những suy nghiệm triết lý đầy sức thuyết phục. Trong mảng thơ đánh địch hiện rất rõ sự phân biệt chính nghĩa và phi nghĩa, văn hóa và phản văn hóa, văn minh và man rợ, nhân ái và bạo tàn, tình yêu và tội ác. Đó cũng là những vấn đề chân lý, là lý tưởng thời đại chống đế quốc, là sự thức tỉnh lương tri nhân loại. Trong nghệ thuật, mảng thơ về thơ cũng đúc kết những nhận thức, những quy luật qua trải nghiệm thực tiễn một đời.
Trên cả lương tri còn là lương tâm, trách nhiệm tự giác cao cả đến mức tự nhiên như một bản năng nghệ sĩ – lương tâm nghề nghiệp.
Khả năng hiểu biết sâu sắc, chính xác của trí tuệ sẽ biến thành những suy đoán có tầm nhìn xa. Chế Lan Viên cũng là người biết dự đoán tiên tri rất xác thực. Từ đó là sự phát ngôn về dự báo, cảnh báo sinh động. Cũng do trải nghiệm thấm thía, nhà thơ thường đưa ra những triết lý, những khuyến cáo, thậm chí răn đe, những thông điệp tâm huyết không chỉ cho ngày nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Đoàn Trọng Huy
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ