Từ xưa đến nay, sự định đô và xây dựng kinh đô (thủ đô) là tất yếu và liên quan trực tiếp tới sự tồn vong và phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Việc định đô hay dời đô, xưa nay các nước đều có, nước ta không phải là ngoại lệ. Từ thời đại Hùng Vương, đến các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, kinh đô nước ta đã mấy bận di dời. Khi vua Lý Thái Tổ chọn đất Đại La làm đế đô lâu dài, lịch sử Đại Việt bắt đầu sang trang mới.
Năm 968, khi dẹp xong Thập nhị sứ quân cát cứ, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, xưng đế, định đô tại Hoa Lư. Lê Hoàn dựng triều Lê thay triều Đinh, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Tống, cũng lấy Hoa Lư làm kinh đô. Khi Lê Ngọa Triều mất, triều thần tôn Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Một trong những việc làm trọng đại đầu tiên của Lý Thái Tổ là hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long. Việc xuất hiện Chiếu dời đô có ý nghĩa lịch sử trọng đại của tiến trình 1000 năm lịch sử của dân tộc. Đó là áng văn đánh dấu bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc – thời đại phục hưng và đổi mới lần thứ nhất được bắt đầu từ Thăng Long – Hà Nội.
Chiếu dời đô là văn kiện trọng đại mang tầm khai mở thời đại mới. Nhưng vai trò, ý nghĩa của bài chiếu không chỉ thể hiện ở khía cạnh chính trị mà có ý nghĩa nhiều mặt. Giới nghiên cứu đã tìm hiểu văn kiện này trên nhiều lĩnh vực: văn học, sử học, triết học, chính trị học, địa lý học… Nhưng nó còn có giá trị về mặt văn hóa mà ta cần xem xét. Chiếu dời đô tích hợp nhiều giá trị, nhiều ý nghĩa văn hóa, trong đó, giá trị cơ bản là thể hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc, tinh thần khẳng định sự trường tồn và phát triển bền vững của dân tộc ta.
1. Một sự thăng hoa của khí phách dân tộc Đại Việt
Ra đời trong buổi nhà nước phong kiến tập quyền còn sơ khai, bài Chiếu phản ánh yêu cầu phát triển của thời đại. Hoa Lư, kinh đô của nước ta dưới hai triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), là một vùng núi non hiểm trở, thích hợp với yêu cầu quân sự của một chính quyền độc lập non trẻ còn phải đối phó với nhiều mối đe dọa của thù trong giặc ngoài. Với địa thế lợi hại của Hoa Lư, triều đình đã đánh bại các thế lực cát cứ địa phương, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia, triều Tiền Lê đã đánh tan quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Những thành quả bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất quốc gia thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đã tạo điều kiện đưa đất nước ta vào thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn; thời kỳ phục hưng toàn diện của dân tộc và nền văn hóa dân tộc. Vai trò của kinh đô ở thời kỳ phát triển mới, tất nhiên Hoa Lư không còn đủ khả năng đảm đương. Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của kinh đô với sự thịnh suy của đất nước, sự tồn vong của vương triều, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Bài chiếu, vì lẽ đó, thể hiện nhận thức chính trị hết sức sâu sắc và căn bản. Nhà vua đã gắn liền việc dời đô với việc dựng nước và phát triển đất nước. Vì thế, ông có ý định “đóng đô ở nơi trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”. Ông đã gửi vào bài chiếu nguyện vọng xây dựng một vương triều bền vững, một nhà nước phong kiến tập quyền hùng mạnh, một quốc gia độc lập cường thịnh và trường tồn.
Trong hào khí của thời đại, trong khát vọng phục hưng dân tộc mạnh mẽ, giai cấp phong kiến cũng nhận thức rõ ý thức trách nhiệm của mình. Bài chiếu ban bố không phải chỉ nhằm thông báo một quyết định. Đằng sau đó là lời cam kết ngầm của nhà cầm quyền về ý thức trách nhiệm của mình với muôn dân, về quyết tâm làm cho dân giàu nước mạnh. Người ban chiếu nêu rõ bài học lịch sử từ tiền triều Đinh, Lê: “Theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, đóng yên đô thành ở đây… khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn”… Nhưng mục đích của ông không phải phê phán tiền nhân mà là thể hiện tấm lòng đau đáu vì nước thương dân không lúc nào nguôi: “Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ” (Trẫm rất đau xót về việc đó, không dời (đô) không được). Nhà vua nhận thức rõ trách nhiệm to lớn của mình là phải “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”. Quả thật, qua bài Chiếu, người đứng đầu trăm họ đã “cam kết đem toàn lực để phục vụ tổ quốc và đồng bào mình”(1).
Đáp ứng yêu cầu lịch sử, mang hơi thở của thời đại, nhưng quyết định dời đô còn dựa trên một nền tảng vững chắc: thành tựu văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc được hội tụ thành một cơ đồ, dư đồ mà ca dao người Thăng Long – Hà Nội đã khẳng định:
Long Thành thật xứng đế đô
Kim âu chẳng mẻ cơ đồ dài lâu
Theo nhiều tài liệu ghi lại, ngay từ thời Việt cổ, đất Thăng Long đã nằm giữa đồng bằng đông dân, trù phú, lại ở vào vị trí trung tâm đất nước. Từ TK III TCN, mảnh đất này là nơi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, sau đó là thủ phủ của chính quyền đô hộ phương Bắc (thành Tống Bình, thành Đại La thời Tùy – Đường). Khi trở thành kinh đô, thành Thăng Long thời Lý đã là một vùng cư dân tập trung, kinh tế khá phát triển, có cả hệ thống thành lũy, đê điều quy củ. Theo tài liệu mộc bản triều Nguyễn, ngay từ năm Bính Tuất (866), đời Đường, niên hiệu Hàm Thông thứ 7, thành Đại La “có chu vi 1982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao hai trượng sáu thước, chân thành rộng hai trượng năm thước,… xây hơn 40 vạn căn nhà”(2). Mảnh đất Đại La là “trung tâm của các trung tâm chính trị văn hóa tự ngàn xưa”(3). Trải hàng ngàn năm lịch sử, cơ đồ Đại La đã được nhân dân ta gìn giữ, xây dựng và thành niềm tự hào của dân tộc Đại Việt.
Có thể nói khí phách dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh tụ hội trong Chiếu dời đô, tạo cho văn kiện lịch sử này một sự phát triển vượt bậc về tư tưởng so với trước đó.
2. Một biểu hiện sáng ngời của tinh thần thân dân
Sống trong một đất nước mà luôn luôn bị đe dọa bởi thiên tai, địch họa, sự sinh tồn quá khó khăn, con người Đại Việt, tự ngàn xưa, đã mang trong huyết quản phẩm chất cố kết cộng đồng, tinh thần thân dân, dân chủ. Đặc biệt, đến thời đại Lý – Trần, những quan niệm về độc lập và tự chủ của đất nước có liên hệ khăng khít với sự nhận thức về nhân dân. Với các bậc minh quân, việc quan tâm đến đời sống và nguyện vọng của nhân dân đã được xem là việc hàng đầu của đạo trị nước. Đặc biệt, thời Lý, khi đời sống con người chưa bị lễ giáo Nho giáo ràng buộc hà khắc, tinh thần đoàn kết, dân chủ càng đậm nét. Những đại biểu tư tưởng của giai cấp phong kiến nước ta thời Lý thường coi ý dân, lòng dân là căn cứ, là mục đích cho những chủ trương chính trị lớn như dời đô, kế vị, thay đổi vương triều và phát động chiến tranh. Cũng như không ít những văn bản chính trị thời Lý, đối tượng của Chiếu dời đô không còn là triều thần chỉ biết cúi đầu tuân phục hay người dân nô lệ mất quyền tự chủ. Do vậy, sau khi trình bày lý lẽ nên chăng thuận ý trời, hợp lòng người, Chiếu dời đô kết thúc bằng một câu hỏi mang tính đối thoại ân cần: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi ấy để định chỗ ở, các khanh thấy thế nào?”. Việc hệ trọng quốc gia đã không phải là ý muốn chủ quan của một cá nhân, một dòng họ hay quyền lợi ích kỷ của giai cấp nhỏ hẹp mà là mà vì trăm họ, vì cộng đồng rộng lớn.
Trong Chiếu dời đô, khi nêu gương các bậc minh quân sáng trí trong quá khứ, nhà vua đã gián tiếp khẳng định đạo trị quốc của mình trong hiện tại. Nhà vua khẳng định việc dời đô là “Thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí” (Trên kính cẩn mệnh trời, dưới dựa vào ý chí của dân). Vừa có thiên mệnh, vừa có dân chí, nhưng nó không phải là duy tâm thần bí hay dân chủ nửa vời như một số người áp đặt. Lý Thái Tổ nói đến mệnh trời chỉ có ý là: dời đô là việc tất yếu, là điều kiện tiên quyết cho triều đại vững bền, quốc gia hưng thịnh.
Chúng ta cũng biết, cùng một loại tư tưởng về dân, có các khái niệm: dân tâm, dân vọng, dân chí. Dân tâm là lòng dân, dân vọng là sự mong mỏi của dân, cả hai điều này đều chủ yếu nhấn mạnh đến tình cảm đơn thuần. Còn dân chí (hiểu đầy đủ là ý chí của dân) nghĩa là một thứ tình cảm hình thành trên cơ sở nhận thức lý tính. Nhân dân chí là dựa theo ý chí đã có cơ sở nhận thức của người dân.
Thiên mệnh và dân chí được đặt song song, thực ra cũng là có hàm ý khẳng định vai trò của dân, phản ánh ý thức thân dân bởi lẽ, thiên mệnh cũng chính là dân chí. Sách Thượng thư, Thiên Thái thệ, trung có viết: “Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính” (Trời nhìn thấy là ở dân của ta nhìn thấy, trời nghe thấy là ở dân của ta nghe thấy).
Cũng bởi thấm nhuần nội dung thân dân như vậy, giọng điệu bài Chiếu không phải giọng mệnh lệnh hay độc thoại mà là giọng đối thoại, trao đổi, tâm tình. Người dân được chú ý đề cao, quả thực “họ có thể tìm thấy sự giao cảm trong những mệnh lệnh của vua chúa”(4). Bài chiếu, vì thế, dễ đi vào lòng người, quyết định trọng đại của người cầm quyền vì thế dễ gây được sự đồng thuận với trăm họ.
3. Một tầm nhìn quảng đại về mảnh đất địa linh của dân tộc
Với Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã thể hiện một tầm nhìn xa thấy rộng. Ông không chỉ thấy yêu cầu củng cố sự lâu bền của một triều đại mà còn nhìn thấy tiền đồ của đất nước và của dân tộc.
Lý Thái Tổ chọn thành Đại La bởi nó là thiên địa khu vực chi trung, long bàn hổ cứ chi thế. Vị trí thắng địa đó không chỉ nói lên vẻ đẹp tự nhiên của thành Đại La mà quan trọng là đô thành này hội tụ đầy đủ những thuận lợi của một kinh đô bề thế trong một quốc gia độc lập và cường thịnh. Những thuận lợi đó, theo chúng tôi, bao gồm các yếu tố sau:
Địa tự nhiên: Về mặt địa lý, đất Đại La nằm giữa đồng bằng đông dân, trù phú, lại ở vào vị trí đầu mối của những tuyến đường giao thông trọng yếu (lúc bấy giờ chủ yếu là đường sông). Từ đây, thuyền bè có thể xuôi ngược khắp kinh kỳ và có thể theo sông Hồng tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Chiếu dời đô nói rõ: Đây là mảnh đất địa quảng nhi thản bình (địa thế rộng mà bằng phẳng), thổ cao nhi sảng khải (đất đai cao mà thoáng), đặc biệt nhấn mạnh vị trí trung tâm: thiên địa khu vực chi trung (trung tâm của trời đất), chính nam bắc đông tây chi vị (đúng vị trí giữa ngôi nam bắc đông tây). Theo quan niệm của người Á Đông, vị trí trung tâm là vị trí thiêng, như sao Bắc Đẩu ở yên một chỗ mà các ngôi sao khác phải chầu về. Chọn nơi này làm đất đế đô, quả là vô cùng hợp lẽ.
Địa chính trị: Thời bấy giờ, đất Đại La giữ vị trí trung tâm nên việc giao thông giữa nó với các địa phương khác trên khắp lãnh thổ Đại Việt đều thuận lợi dễ dàng. Nếu chọn Thăng Long làm kinh đô, triều đình trung ương sẽ thuận lợi trong việc chi phối cũng như giữ mối liên hệ chặt chẽ với các địa phương trong cả nước. Mặt khác, so với Hoa Lư, Thăng Long còn là nơi trung độ giữa phía Bắc và phía Nam, nên có ưu thế trong việc bang giao với các nước láng giềng ở cả hai miền biên giới. Như vậy, về nội trị cũng như về ngoại giao, việc định đô ở đất Thăng Long là hợp lý và cần thiết.
Địa chiến lược: Thời kỳ hình thành dân tộc là thời kỳ mà không gian văn hóa Việt nằm trong khu vực cư trú của người Bách Việt. Không gian này được mở rộng dần về phía Nam tới đồng bằng sông Mê Kông và thu hẹp về phía Bắc như ngày nay. Chỉ riêng vị trí địa lý ấy, nước đã là một tiền đồn của cả khu vực Đông Nam Á, trong đó Thăng Long chính là vị trí chiến lược của tiền đồn, là cửa ải mà các thế lực bành trướng dù muốn hay không cũng phải vượt qua mới có thể mở rộng xuống phía nam (mà để tiến đánh được tới đây, các đội quân xâm lược cũng không tìm ra được hành trình dễ dàng). Nếu tiến công bằng đường thủy, từ biển vào khá xa, còn theo đường bộ thì buộc phải vượt qua các cửa ải hiểm trở phía bắc cũng như các con sông án ngữ thành một hệ thống phòng tuyến trùng điệp. Mặt khác, với cái thế xâm dị trì nan (chiếm thì dễ, giữ thì khó), Thăng Long khiến cho đội quân xâm lược dù có chiếm được thành cũng khó mà giữ vững thành. Vì thế, chính các đội quân thiện chiến phương Bắc đã vô cùng nản chí khi đặt chân tới đây.
Địa kinh tế: Trước khi trở thành kinh đô nhà Lý, Thăng Long đã là nơi đô hội, quy mô, kinh tế khá phát triển. Có lẽ La thành tươi đẹp được ôm gọn bởi dòng Nhĩ Hà đỏ nặng phù sa đã lọt vào mắt xanh của Điện tiền chỉ huy sứ trong những lần ông đi – về từ Kinh Bắc tới Hoa Lư. Toàn cảnh phát triển của mảnh đất này được đúc kết trong lời nhận xét xác đáng trong bài chiếu: vạn vật cực phồn phụ chi phong (muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi). Với một đất nước mà sản xuất nông nghiệp và văn minh lúa nước chi phối toàn diện đời sống của đại đa số dân cư, sự phong phú tốt tươi có thể cảm nhận rõ bằng trực giác ấy, quả là một lời hứa hẹn hấp dẫn về tương lai trù phú sau này.
Địa tâm linh: Ra đời trong buổi đầu tiên của thời Trung cổ, Chiếu dời đô khó tránh khỏi ít nhiều dấu ấn của thuật phong thủy Á Đông từ lâu thịnh hành. Muốn định đô với triển vọng tốt đẹp nhất, phải lựa chọn vùng đất có thế rồng cuộn hổ ngồi – bởi đây là thế đất đẹp, hứa hẹn sự phát triển thịnh vượng. Chọn được mảnh đất ở thế mở sẽ giúp đất nước thịnh trị, vương triều trường tồn; nhược bằng ngược lại, định đô ở thế cùng sẽ hao tổn công của, vương triều yểu mệnh, quốc gia suy vong. Bài học lịch sử của tiền triều Đinh, Lê đã chứng minh điều đó.
Không phải ngẫu nhiên, Đại La đã từng là kinh đô cũ của Cao Biền – một người nổi tiếng giỏi thuật phong thủy của Trung Quốc. Trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ cũng đã không dấu nổi niềm hân hoan khi chọn được mảnh đất long bàn hổ cứ chi thế (thế rồng cuộn hổ ngồi). Có một số người đã mượn cớ này để gán cho bài Chiếu nội dung mê tín dị đoan. Thực ra, đọc kỹ văn bản, ta thấy rõ nguyên lý khoa học: nhà vua chọn Thăng Long vì nó hội tụ đủ điều kiện thiên nhiên để phòng thủ, chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập (rồng cuộn hổ ngồi, nhìn sông dựa núi); đủ điều kiện sinh thái nhân văn (địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi) để phát triển lâu dài, nước nhà cường thịnh, nhân dân hưởng phúc thái bình.
Đặc biệt, bài chiếu muốn nhấn mạnh thế đắc địa nhìn sông dựa núi của mảnh đất thiêng. Kinh thành Thăng Long, đằng sau có dãy núi cao và đằng trước là dòng sông hiểm nên được bao bọc trong phòng tuyến vững vàng. Hoa Lư cũng được che chở bởi núi cao sông rộng nhưng đất hẹp người thưa, nếu định đô lâu dài ở đó, sự phát triển của quốc gia sẽ gặp nhiều trở ngại. Rời Hoa Lư, ra vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng nhà vua cũng không quay lại Loa thành – lãnh đô cũ của Thục Phán. Cổ Loa cũng là nơi khô ráo, rộng rãi, bằng phẳng, song sau lưng lại là sông Hồng sâu rộng, nếu bị tấn công, biết đâu lại không cùng đường tuyệt lộ như An Dương Vương thuở nào! Xét kỹ, quả thật, chỉ có Thăng Long – mảnh đất nằm chính giữa trục thần đạo của đất nước: Ba Vì – Thăng Long – Yên Tử là địa thế độc nhất vô song. Thăng Long chính là nơi bao chứa mọi vẻ đẹp, tính ưu việt của mảnh đất thiêng nghìn năm văn hiến.
Chiếu dời đô, quả thực, là minh chứng cho tầm nhìn sâu xa, vô hạn định, quán thông thời thế của một nhãn quan quảng đại, một trí tuệ minh triết.
4. Một định hướng cho sự phát triển bền vững
Việc lựa chọn Thăng Long làm đất đế đô không chỉ vì mục đích chính trị. Thái tổ Lý Công Uẩn, thông qua Chiếu dời đô, muốn trình bày với muôn dân quyết tâm xây dựng quốc gia Đại Việt giàu mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, đọc kỹ bài chiếu, ta thấy, đằng sau việc nêu gương tiền nhân ở nước người, bên cạnh khát vọng muốn mưu toan nghiệp lớn là mong muốn cho vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Điều mà người đứng đầu đất nước mong muốn không chỉ là sự phát triển mà là sự phát triển lâu dài, bền vững, đặc biệt phong tục phải phồn thịnh. Mà phong tục, lúc bấy giờ, chính là khái niệm dùng để chỉ văn hóa dân tộc. Ý thức về vai trò của văn hóa, trong thời điểm đó, thiết nghĩ là một chiến lược phát triển đúng đắn, thức thời.
Rõ ràng, Lý Thái Tổ đã nhận thấy Thăng Long là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Dời đô ra đất Thăng Long, nhà vua muốn thực hiện quyết tâm xây dựng một quốc gia giàu mạnh về cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã coi Chiếu dời đô là một mẫu mực về việc trù liệu cho sự phát triển kinh đô Thăng Long – Đại Việt. Nó “đánh dấu một bước nhận thức quan trọng của dân tộc ta về những vấn đề kinh tế, chính trị và văn hóa do đời sống thực tiễn đặt ra, trước hết là vấn đề tiền đồ phát triển của đất nước và sự thống nhất đất nước”(5). Đặc biệt, việc lựa chọn Thăng Long làm nơi định đô lâu dài đã “góp điều kiện quyết định cho sự phát triển văn hóa dân tộc trên những tầng cao”(6).
Gắn liền sự cường thịnh về chính trị, phát triển về kinh tế với sự phồn thịnh về văn hóa, đó quả thực là một định hướng sáng suốt, vượt tầm thời đại, chưa có tiền lệ. Ngày nay, chúng ta nói nhiều đến văn hóa và phát triển, phát triển bền vững, nhưng ngay từ buổi bình minh của thời kỳ độc lập tự chủ, cha ông ta đã coi trọng nó như một lẽ sinh tồn.
Điều đáng nói là, bài chiếu ra đời trước lúc việc dời đô được thực thi. Những nhận định của nhà vua phần nhiều mới chỉ là định hướng và giả thiết, song lịch sử hơn hai trăm năm triều Lý (cũng như ngàn năm của Thăng Long) đã chứng minh tính chân lý của những giả thiết này. Sự tiện lợi mọi mặt của đất Thăng Long đã làm cho nhà Lý vững vàng về mặt chính trị, hùng mạnh về mặt quân sự, phát triển nhanh về mặt kinh tế, khởi sắc về văn hóa, đạt đến độ phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó.
Cuối cùng, cần phải nói rằng, Chiếu dời đô tích hợp nhiều ý nghĩa văn hóa, nhưng cái bao trùm, cái nền tảng và cũng là hệ quy chiếu mọi giá trị văn hóa của văn bản, không gì khác hơn, là tư tưởng vì nước vì dân – một truyền thống văn hóa làm nên bản sắc tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Đại Việt.
Một nghìn năm đi qua, Thăng Long đã trải bao thăng trầm, biến đổi, nhưng “âm thanh chủ đạo vẫn là tiếng nói hào hùng, hào khí Thăng Long”(7). Ngày nay, trên đà đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thăng Long – Hà Nội ngày càng có vị thế quan trọng trong cả nước cũng như khu vực, chúng ta lại càng ghi nhớ, cảm phục và biết ơn quyết định trọng đại và sáng suốt của cha ông từ một nghìn năm trước. Chính Lý Thái Tổ là người khai sinh ra Thăng Long, để rồi đến lượt mình, với tư cách là vạn thế đế vương chi thượng đô (kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời), Thăng Long mãi hội tụ hồn thiêng sông núi. Câu chuyện rồng vàng hiện lên báo điềm lành thuở xa xưa có thể chỉ là huyền thoại, nhưng ta tin nó sẽ thành niềm tin bất diệt trong tâm thức của con người Việt Nam về tương lai khởi sắc của đất nước.
_______________
2. Lâm Viên, Phạm Thị Huệ, Thăng Long – Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn, Báo Thanh niên, số 218, thứ 6 ngày 6-8-2010.
4. Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Lý – Trần nhìn từ thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.
5. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.166.
1, 3, 6, 7. Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa Thăng Long – Hà Nội hội tụ và tỏa sáng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.99, 102, 101, 11.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 316, tháng 10-2010
Tác giả : Lê Quý Đức – Nghiêm Thu Nga
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam