Chợ nổi Cái Răng – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận vào năm 2016, là nơi lưu giữ nét văn hóa sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vai trò phân phối hàng hóa nông sản, làm đa dạng văn hóa vùng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, là nguồn tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, quá trình tồn tại và phát triển của chợ nổi Cái Răng đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức: sự phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, chợ trên bờ và nhà vựa cùng sự suy giảm số người tiếp nối hoạt động mua bán trên sông.
1. Lịch sử hình thành và phát triển chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của TK XX, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy – Phụng Hiệp, Ngã Năm – Sóc Trăng, Bạc Liêu – Cà Mau… khi công cuộc đào kênh của Pháp hoàn thành năm 1915 (1). Vị trí khu chợ được hình thành ở nơi giao nhau của 4 con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé) liền kề với chợ trên bờ, sát hai bên cầu Cái Răng hiện nay. Vào đầu thập niên 90 của TK XX, do trở ngại trong giao thông đường thủy, chợ được di dời qua khỏi cầu về hướng Phong Điền, cách vị trí cũ hơn 1km.
Từ năm 1945-1975, chợ nổi Cái Răng và chợ nổi vùng ĐBSCL không sung túc do chính quyền thời bấy giờ không khuyến khích việc tụ tập ghe, tàu đông đúc ở thị tức, khó kiểm soát về mặt an ninh. Mặt khác, nhiều ruộng rẫy, vườn tược bị bom đạn tàn phá hoặc bị bỏ hoang không sản xuất nên nông sản ngày càng ít đi, các hoạt động mua bán trên sông thưa vắng. Từ sau năm 1975, đặc biệt từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng năm 1986, các hoạt động mua bán trên chợ nổi được khôi phục và phát triển nhanh do sản lượng hàng hóa nông sản nhiều và chủng loại phong phú (2). Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu – kênh xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Đây là lý do chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn và sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng (3). Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng lớn, thuận lợi cho hoạt động của chợ nổi: chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình 100-120m, chiều dọc sông khoảng 1.300-1.500m, từ km 08+400 đến 09+600 phía bờ trái sông Cần Thơ.
Quá trình hình thành và phát triển của chợ nổi Cái Răng đã tạo ra các giá trị văn hóa độc đáo như hình ảnh cây bẹo chào hàng, văn hóa thương hồ góp phần hình thành và phát triển quan hệ cộng đồng, đời sống tâm linh và tín ngưỡng đối với cộng đồng thương hồ tham gia chợ nổi Cái Răng và người dân sống ở khu vực này. Các yếu tố văn hóa này kết hợp với cảnh quan sông nước, sinh hoạt mua bán trên chợ nổi đã tạo ra sức hút với du khách trong và ngoài nước đến chợ nổi Cái Răng tham quan, du lịch.
2. Vai trò của chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi ra đời trong kỷ nguyên giao thông đường thủy chiếm ưu thế nên nó trở thành chợ đầu mối trong việc phân phối hàng nông sản. Chợ nổi Cái Răng có những điểm khác biệt so với các chợ truyền thống khác ở phương tiện đi lại được sử dụng, cách thức tiếp thị hàng hóa, sinh hoạt, khả năng thích nghi với môi trường sông nước của người dân. Với những giá trị văn hóa nội tại, chợ nổi Cái Răng đã và đang góp thêm mảnh ghép tạo nên bức tranh sinh động của văn hóa bản địa ĐBSCL.
Khách quốc tế khám phá chợ nổi Cái Răng – Ảnh: Minh Quang
Chợ nổi Cái Răng góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ, trục đường thủy chiến lược sông Hậu – Kênh xáng Xà No, nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL. Đây là địa điểm neo đậu của khoảng 200-250 phương tiện mua bán, thậm chí có lúc đạt từ 300-400 phương tiện (trong đó có 150 phương tiện neo đậu cố định) với lượng hàng hóa nông sản ước tính lên đến 2.000 tấn/ngày, tổng doanh thu đạt 3 tỷ đồng/ngày (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng/năm) qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ tiểu thương và địa phương. Hàng hóa được mua bán tại chợ nổi Cái Răng gồm trái cây, rau củ, hoa kiểng, hàng thủ công, gia dụng, ẩm thực… tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông và các tiểu thương mưu sinh với mức thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng (4).
Chợ nổi Cái Răng là nơi giao lưu văn hóa và trao đổi thông tin
Cư dân chợ nổi đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong vùng ĐBSCL với trình độ văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống, sở thích, quan hệ xã hội, kinh nghiệm mua bán và sản xuất… không hoàn toàn giống nhau, là nguồn vốn văn hóa và thông tin quan trọng để tiến hành trao đổi, giao lưu trong cộng đồng nghề nghiệp. Qua quá trình gặp gỡ, tiếp xúc trên chợ nổi, cư dân đã có sự tương tác và tiếp nhận văn hóa cũng như thông tin để làm giàu vốn sống, sự hiểu biết, kinh nghiệm… cho bản thân, đồng thời mở rộng mối quan hệ và cải thiện điều kiện mua bán, kinh tế gia đình.
Chợ nổi Cái Răng là phương tiện góp phần quảng bá hình ảnh vùng miền
Trong vài thập niên gần đây, chợ nổi được quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu của nhiều cơ quan, nhiều ngành trong và ngoài nước. Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”. Trang web youramazingplaces.com cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực ĐBSCL, mà chợ nổi Cái Răng là một điển hình. Năm 2016, Bộ VHTTDL đã công nhận chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Số bài báo, phim tài liệu, phim phóng sự, hình ảnh về chợ nổi rất nhiều và ngày càng gia tăng về số lượng. Do được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên internet đã góp phần quảng bá hình ảnh miền đất và con người thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung đến đông đảo đồng bào cả nước và người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Chợ nổi Cái Răng là nguồn tài nguyên du lịch của thành phố Cần Thơ
Với những giá trị văn hóa tiềm ẩn, chợ nổi đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan và trở thành điểm du lịch. Hoạt động du lịch chợ nổi ra đời vào đầu TK XX đã góp phần đa dạng các loại hình du lịch ở Cần Thơ, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân. Chợ nổi Cái Răng có những lợi thế nổi trội so với các điểm du lịch khác ở thành phố Cần Thơ nên số lượng khách đến tham quan đông hơn các chợ nổi khác trong vùng ĐBSCL.
3. Những thách thức của chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử. Hiện nay, chợ nổi đã và đang phải đối mặt với những thách thức sau:
Sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ
Trong những năm gần đây, mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố Cần Thơ không ngừng được xây dựng và cải tạo, dẫn đến nhiều tỉnh lộ, hương lộ và lộ nông thôn ra đời và ngày càng hoàn thiện về độ rộng cũng như chất lượng của mặt đường. Bên cạnh đó, hệ thống cầu trên các tuyến đường cũng được xây dựng, giúp người dân đi lại, chuyên chở hàng hóa, mua bán nhanh chóng và dễ dàng hơn so với giao thông đường thủy. Nhưng giao thông đường thủy mất đi thế thượng phong và thay vào đó, giao thông đường bộ đóng vai trò chính yếu trong việc đi lại, chuyên chở hàng hóa và mua bán của cư dân. Điều này làm giảm mức độ tập trung của người dân ở chợ nổi.
Số người hoạt động mua bán trên sông giảm
Những người tham gia hoạt động mua bán trên sông chủ yếu là những người có trình độ học vấn thấp, xuất thân từ nông dân. Họ đến với nghề thương hồ bởi yêu thích hoạt động mua bán trên sông, tận dụng thời gian nhàn rỗi, để có thêm thu nhập… Do đó, với sự chuyển đổi mô hình và kỹ thuật canh tác, việc sử dụng các giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao, đời sống kinh tế của người dân không ngừng được cải thiện, đã ảnh hưởng xấu đến sự yêu thích và theo nghề mua bán trên sông của không ít cư dân. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán trên sông cũng gặp những khó khăn về nước sạch, phương tiện giải trí, không gian sống và sinh hoạt trên ghe chật hẹp, hàng hóa tiêu thụ chậm… đã tạo tâm lý e ngại trong việc theo đuổi nghề thương hồ của một số thương nhân. Hơn nữa, hiện nay nhiều người có điều kiện học hành nên có cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, họ ít có khả năng tham gia hoạt động mua bán trên sông.
Sự phát triển của mạng lưới chợ trên bờ
Chợ trên bờ gồm chợ truyền thống và siêu thị, trong đó, chợ truyền thống vừa là động lực, vừa là rào cản đối với sự tồn tại và phát triển của chợ nổi Cái Răng. Điều này có nghĩa, một mặt chợ truyền thống tiêu thụ hàng hóa của chợ nổi, nhưng mặt khác, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với chợ nổi bởi phần lớn hàng hóa của chợ truyền thống được cung ứng bởi hệ thống các chợ truyền thống khác thông qua phương tiện vận chuyển đường bộ nên chất lượng tốt hơn. Trong khi đó, siêu thị không tiêu thụ hàng hóa từ chợ nổi, nhưng có rất nhiều hàng hóa và tiện lợi trong việc tiếp cận để tạo ra sự cạnh tranh hiệu quả đối với chợ nổi.
Sự phát triển của hệ thống nhà vựa
Ở vùng ĐBSCL xuất hiện rất nhiều nơi thu mua hàng nông sản để phân phối cho những chợ trên bờ, cả thành thị và nông thôn. Số lượng nhà vựa càng lớn, hàng hóa cung ứng càng đa dạng và phong phú, chất lượng hàng hóa tốt và giá cả cạnh tranh, càng gây áp lực cho cư dân mua bán ở những chợ nổi bởi nó chiếm lĩnh một phần đáng kể trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận quần chúng nhân dân.
Dưới tác động của mạng lưới giao thông đường bộ, chợ trên bờ, cơ hội phát triển kinh tế, học tập và làm việc trong môi trường tốt hơn của cư dân, sự phát triển hệ thống nhà vựa đã ảnh hưởng đến mức độ sung túc của chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên, chợ nổi là một trong nhiều thành tố văn hóa góp phần làm nên tính đa dạng văn hóa người Việt Nam Bộ nên chợ nổi sẽ tiếp tục tồn tại (5).
Kết luận
Chợ nổi Cái Răng không chỉ làm giàu và độc đáo văn hóa vùng, góp phần giao lưu văn hóa và trao đổi thông tin, quảng bá hình ảnh vùng, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nguồn tài nguyên du lịch trong việc thu hút du khách hiện tại và tương lai. Những thách thức mà chợ nổi phải đối mặt rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn nguyên bản chợ nổi Cái Răng để chợ nổi là sản phẩm du lịch độc đáo của Cần Thơ nói riêng và của khu vực ĐBSCL nói chung.
______________
1, 3. Nhâm Hùng, Cái Răng hình thành và phát triển, Nxb Văn nghệ, 2007, tr.12, 15.
2. Nhâm Hùng, Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2009, tr.20.
4. Trung Chánh, Chợ nổi Cái Răng đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm, thesaigontimes.vn, ngày 7-7-2017.
5. Ngô Văn Lệ, Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long – Nét đặc trưng văn hóa của người Việt Nam bộ, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 2014, số17, tr.12.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng