Độc đáo nghề dệt Dèng của người Tà Ôi


Dệt Dèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt; vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng, độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc Tà Ôi.

Đời sống tinh thần của người Tà Ôi, tấm Dèng (thổ cẩm) được coi là thước đo nhiều giá trị trong đời sống, không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng; là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với bản làng.

Khung dệt Dèng theo phương pháp thủ công lâu đời của người Tà Ôi
tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam – Ảnh: Tuấn Minh

 

Để hiểu tường tận về nghề dệt Dèng truyền thống của người Tà Ôi, chúng tôi đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội (sau đây gọi tắt là Làng Văn hóa), nơi có một số nghệ nhân đang sinh hoạt thường niên. Trong tiếng lách cách phát ra từ những khung dệt, nghệ nhân Hồ Thị Nhất tâm sự với chúng tôi xoay quanh nghề dệt Dèng. Chị cho biết: chị sinh ra và lớn lên ở huyện A Lưới, dệt Dèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi. Để làm ra loại Dèng bền đẹp, có họa tiết, hoa văn tinh tế, những người phụ nữ Tà Ôi phải trải qua nhiều công đoạn công phu, cầu kỳ. Vào tháng 9 hằng năm, người Tà Ôi thu hoạch bông trên rẫy và se sợi, sau đó đem nhuộm và hồ. Xưa kia, vải thổ cẩm của người Tà Ôi chỉ có 2 màu sắc: đen và đỏ; trong đó, đen tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa. Sau này, người dân sáng tạo, pha chế ra nhiều màu sắc như: trắng, vàng, hồng, xanh lá để tạo nên những tấm vải đa dạng màu sắc. Mỗi màu được chế từ các loại cây, lá trong thiên nhiên (vỏ và lá cây ta-râm cho màu đen, củ cây a-rác cho màu vàng, màu đỏ lấy từ củ cây a-chất…). Muốn sợi vải nhuộm giữ được độ bền màu sắc, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm chế tác lâu năm, sử dụng nhiều loại phụ gia như: vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô…

Từ những sợi vải đã nhuộm màu, người phụ nữ Tà Ôi mới lên khung dệt vải. Khung dệt của người Tà Ôi được làm bằng khung tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Nhờ vậy, phụ nữ Tà Ôi có thể mang bộ khung dệt tới bất cứ đâu và dệt bất cứ khi nào thấy thuận tiện. Để làm ra những tấm Dèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng. Ví như: tấm Dèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn; loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Để có một sản phẩm Dèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng.

Kỹ thuật chèn cườm lên Dèng trên trang phục
của người Tà Ôi – Ảnh: Tuấn Minh

 

Những tấm vải dệt Dèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 76 loại hoa văn khác nhau, mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ, chim rừng, đồ vật, con người và những ngôi sao trên bầu trời… có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tâm linh, khát khao về sự giao hòa giữa trời – đất và con người. Hoa văn thường thể hiện chủ yếu 3 loại hình là: hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng. Cùng dựa trên những mô-típ chuẩn xuất phát từ thiên nhiên, nhưng mỗi người lại tạo hình, tạo màu theo cách riêng, cảm xúc riêng cũng như độ khéo léo, tỉ mỉ riêng của mình. Trên một tấm Dèng, có thể thấy tính sáng tạo rất cao của mỗi cá nhân, đó chính là nét độc đáo của loại thổ cẩm này. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhiều người còn chịu khó lên mạng, tìm tòi học cách làm các họa tiết hiện đại, kết hợp cùng hoa văn truyền thống để tạo ra những sản phẩm dệt độc đáo như: cà vạt, túi xách, áo nam, áo nữ, áo dài thổ cẩm, áo dài cách tân, mũ, giày dép…

Đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo hoa văn dân tộc Tà Ôi là kỹ năng chèn cườm kết hợp với hệ màu sắc trên nền vải. Đây được xem là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo, cần mẫn và nghệ thuật thẩm mỹ. Người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn. Đây là một công đoạn phức tạp đòi hỏi người nghệ nhân có tay nghề cao mới thực hiện được. Người phụ nữ vừa dệt, vừa phải xếp những hạt cườm vào để tạo nên những hoa văn bằng sợi lẫn hoa văn bằng cườm.

Năm 2016, Bộ VHTTDL đã công nhận nghề dệt Dèng của đồng bào Tà Ôi là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là sự kiện không những có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển những nét văn hóa đặc sắc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu đối với nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người; đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố quan hệ thân thiết gắn bó giữa các dân tộc; là cơ hội cho sản phẩm Dèng được nhiều người biết đến, góp phần quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của đồng bào Tà Ôi.

Du khách đến tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ được tìm hiểu về nghề dệt Dèng thủ công truyền thống độc đáo của đồng bào Tà Ôi mà còn được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu các nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của 16 dân tộc đang sinh hoạt tại ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Phạm Tuấn Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Tác giả: Phạm Tuấn Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *