Chọi Trâu Đồ Sơn Lễ Hội Văn Hoá Đặc Sắc Nổi Tiếng Hải Phòng

Đất nước Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã lưu dấu muôn vàn những giá trị văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác thông qua các lễ hội. Trong đó, lễ hội chọi trâu diễn ra hàng năm tại một số địa phương không chỉ là nét đẹp cổ truyền độc đáo, tôn vinh tinh thần thượng võ mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh với những ý nghĩa tốt đẹp.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn

Hàng năm, lễ hội chọi trâu được diễn ra tại mội số địa phương miền Bắc Việt Nam vào các thời điểm khác nhau. Nổi tiếng và được nhắc đến nhiều là lễ hội chọi trâu của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 8 Âm lịch mỗi năm. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân vùng ven biển, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi trâu và hiến sinh trâu.

Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp các tỉnh, thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, thậm chí lên tận Tuyên Quang, Bắc Kạn… để tìm mua trâu.

Trâu được chọn phải hội tụ nhiều yếu tố: Là những con trâu đực khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn kháy, hàm đen, lông trên đầu cứng và dày, có ức rộng, sừng đen, lưng dày và phẳng để tăng khả năng chống, chịu đòn của đối phương… Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có 2 phần, phần lễ và phần hội. Từ ngày mùng 1 tháng 8 Âm lịch, các vị cao niên trong làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng, sau đó là lễ rước nước gắn với tục tế Thủy thần.

Sáng ngày 9 tháng 8 âm lịch, là ngày chính hội, từ 1 giờ sáng, chủ tế các làng làm lễ xin phép Thành Hoàng đưa trâu chọi đi thi đấu. Các trâu tham gia thi chọi gọi là “ông trâu” được trang trí, lưng trùm vải đỏ, sừng buộc những dải lụa điều, theo nghi lễ ra trình Thành Hoàng và khoảng 6-7 giờ sáng là lễ rước “ông trâu” ra đấu trường. Trường đấu của những trận chọi trâu thường là những bãi đất rộng, khoảng 80×100 m, có hào nước bao quanh. Phía trong hào có 2 dãy lán làm chỗ đứng cho trâu chọi, gọi là “xào xá”. Bao quanh là khán đài để mọi người quan sát và cổ vũ.

Lễ rước các “ông trâu” vào các xào xá rộn rã trong tiếng nhạc bát âm, cờ bay phấp phới kèm theo tiếng cổ động của dân cư trong vùng… Tiếp theo là nghi thức múa cờ khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la; tái hiện lại lễ ra quân trước giờ xuất trận; thể hiện ước nguyện cầu mong Thần Gió phù hộ cho thuyền bè cưỡi sóng vượt ra ngoài biển khơi.

Múa cờ vừa dứt, từ hai phía hai “ông trâu” được dẫn vào xới, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi để 2 ”ông trâu” lao vào giành thắng bại.

Kết thúc lễ hội, ”ông trâu”thắng cuộc được làm lễ rước trở về. Sáng ngày 10 tháng 8 các“ông trâu”tham gia lễ hội được đem giết thịt làm lễ vật tế thần ở đình, có kèm theo một đĩa đựng tiết và lông trâu (mao huyết). Sau lễ tế, đĩa mao huyết được đổ xuống biển, phần còn lại được chia lộc thần cho dân với niềm tin một vụ khai thái mới bình an, nhiều tôm cá. Vào ngày 16 tháng 8, làng tiến hành nghi thức“tống thần” và rã đám, kết thúc lễ hội.

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên được tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Tương truyền, Lễ hội chọi trâu Hàm Yên đã có từ rất lâu đời, song trải qua nhiều biến cố nên đã có một thời gian dài gián đoạn và mới khôi phục lại hơn chục năm nay.

Khác với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chỉ tổ chức cho người dân địa phương, lễ hội hội chọi trâu ở Hàm Yên quy tụ hàng trăm chủ trâu từ rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tham gia. Song, tham gia đông nhất là chủ châu người địa phương gồm nhiều dân tộc Tày, Kinh, Mông, Dao… đến từ các huyện trong tỉnh Tuyên Quang. Chính vì vậy, Lễ hội thu hút rất đông người dân và du khách đến xem.

Trước mỗi mùa chọi trâu, người dân Hàm Yên lại cùng nhau lặn lội lên tận Hà Giang, Lai Châu… để tìm những cặp trâu khỏe đẹp mua về. Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, gia đình này phải có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả, nghĩa là một gia đình rất văn hóa. Các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô, bột sắn, cám gạo…).

Các trâu chọi khỏe mạnh, được chăm sóc và huấn luyện bài bản và được chia cặp đấu loại để tìm ra những đại diện xuất sắc đi vào vòng trong và tìm ra cặp trâu tốt nhất thi đấu chung kết.

Theo đúng phong tục của người dân bản địa, sau giải đấu, con trâu chiến thắng đã được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục. Còn người đến xem chọi trâu ai cũng muốn mua được một ít thịt trâu chọi đem về với mong muốn gia đình sẽ làm ăn may mắn trong năm mới.

Đối với mỗi người dân Hàm Yên, lễ hội chọi trâu của địa phương không chỉ mang ý nghĩa tâm linh thể hiện ước muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no ấm, gia đình khỏe mạnh, con cái thành đạt mà việc tổ chức lễ hội còn giúp thực hiện mục tiêu phát triển và nhân rộng đàn trâu của huyện. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu Trâu Hàm Yên, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế của huyện Hàm Yên.

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh

Hội chọi trâu Phù Ninh được tổ chức tại huyện Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ vào 2 ngày chợ phiên (5-5 và 10-10 Âm lịch) để tưởng nhớ vua Hùng. Để chuẩn bị cho lễ chọi trâu, bốn làng là: Cão, Phú Mãn, Ngọc Trù, Ngọc Khôi mỗi làng phải chọn mua một con trâu cà (trâu phải đen tuyền), khi mua phải xin âm dương, nếu thánh ứng mới mua. Trâu mua rồi phải cử người làm mo nuôi để đến ngày chợ cho chúng chọi nhau và mổ thịt tế thần. Đến ngày chợ phiên dân làng tắm rửa cho trâu thật sạch sẽ, trước khi vào trận đấu người ta cho trâu uống nửa lít rượu. Phiên chợ ngày 5-5 cho chọi cả 4 con trâu, 2 cặp trâu chọi con nào thua thì mổ thịt, còn 2 con thắng cuộc được giữ lại cho trận chung kết vào phiên chợ ngày 10-10. Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia thi đấu, dù thắng hay thua đều bị sát sinh để cúng tế thần linh. Khi mổ trâu làm lễ tế thần, người dân chuẩn bị những thứ để đựng thịt trâu (không bầy vào bát đĩa), đó là những cái rế tết bằng dây thừng, đan dầy và nông, lòng rế lót lá chuối, sau đó đặt lên một mô đất vuông bằng phẳng ở ngay giữa chợ để làm lễ cúng thần. Khi cúng lễ xong mọi người tập trung ăn uống ngay ở chợ.

Lễ hội chọi trâu ở xã phù Ninh là một lễ hội cổ xưa nhất mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với tín ngưỡng gắn biểu tượng con trâu và tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Hàng năm, lễ hội chọi trâu Hải Lựu được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng Âm lịch tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo các thư tịch cổ để lại, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, là lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam. Sử sách ghi lại: Khi đó, thừa tướng Lữ Gia đóng quân ở vùng núi Long Động – Lập Thạch chống lại quân Hán đã đặt ra trò đấu ngưu (hội chọi trâu) để mua vui, động viên tinh thần binh sỹ và dân chúng. Sau đó, dù thắng hay thua, các chú trâu chọi đều bị giết thịt để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn ông làm thành hoàng làng. Hội chọi trâu được nhân dân lưu truyền qua nhiều đời, dần dần trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lễ hội đã bị gián đoạn, đến năm 2002 mới được khôi phục trở lại.

Trâu chọi tham gia thi đấu cũng được người dân kỳ công lên các vùng Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… mua về và được tôn kính gọi là “ông Cầu”. Các ông Cầu được tuyển chọn kỹ càng dựa vào các tiêu chí như: Mình trường, móng hến, đuôi trai, sừng khum, mắt đỏ…; đặc biệt phải đủ 250 vanh (vòng ngực) trở lên mới được thi đấu.

Trâu khi mua về được chăm sóc, huấn luyện bằng chế độ đặc biệt trong suốt hơn nửa năm. Đến ngày 15 tháng Giêng, các ông Cầu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội. Trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc./.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *