Chu thúy quỳnh, một hình mẫu sáng tạo


 

Trong giới múa, nhiều phụ nữ có tài, nhưng hiếm người nhiều tài. NSND Chu Thúy Quỳnh là một trong số ít đó. Được chuyên gia Triều Tiên và chuyên gia Nga đào tạo trong nước rồi được nâng cao trình độ nghệ thuật múa tại hai Viện nghệ thuật ở Ấn Độ, NSND Chu Thúy Quỳnh như được chắp cánh bay cao trên bầu trời nghệ thuật.

Là một nữ xô lít với nhiều vai múa sáng giá, một nữ biên đạo lai láng hồn thơ, một bàn tay tổ chức lãnh đạo giàu kinh nghiệm, một nhà ngoại giao biết phát huy sức mạnh nghệ thuật để thực hiện nhiệm vụ chính trị, NSND Thúy Quỳnh đã phát triển hài hòa, toàn diện các công tác văn hóa xã hội và đưa ngành múa lên ngang hàng các ngành nghệ thuật khác trong Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Biết tên tuổi nữ nghệ sĩ này không chỉ giới múa mà cả giới văn học nghệ thuật, không chỉ người trong nước mà cả người nước ngoài. Báo chí Ấn Độ đã từng gọi chị là “Ngôi sao múa từ bầu trời phương Đông”. Là một cô gái Tràng An hào hoa, thanh lịch, hậu duệ nhiều đời của danh nhân văn hóa Chu Văn An, NSND Chu Thúy Quỳnh không hổ thẹn với dòng họ Chu.

Mười bốn tuổi thơ vào đội múa

Sắc tài như nụ như mầm xanh

(Huy Cận)

Năm 1956 Chu Thúy Quỳnh được vào thăm Bác cùng trưởng đoàn ca múa nhân dân Trung ương. Cô khóc. Bác hỏi: “Vì sao cháu khóc”, Quỳnh đáp: “Vì cháu mừng được gặp Bác”. Trưởng đoàn giới thiệu cô là diễn viên trẻ nhất của đoàn. Bác dặn: “Văn ôn, vũ luyện, hãy khiêm tốn học tập, tu dưỡng đạo đức diễn viên, tích cực phục vụ nhân dân”. Trên con đường nghệ thuật của mình Chu Thúy Quỳnh luôn tâm niệm những điều Bác dạy. Bác còn dạy nhảy cao theo phương pháp cổ truyền tức là đào hố cá nhân rồi nhảy từ hố lên mặt đất. Hố càng sâu, chứng tỏ sức nhảy càng cao.

Điệu múa Đốt pháo (Liên Xô) cho thấy cá tính sáng tạo của cô diễn viên trẻ nhất đoàn ca múa nhân dân Trung ương và đưa cô đến các vai diễn trong các tiết mục “đinh” của chương trình ca múa.

Đến đầu thập kỷ 60 (thế kỷ XX) Chu Thúy Quỳnh trở thành nghệ sĩ múa đơn của đoàn. Đóng được cả hai loại vai chính diện (Tấm) và phản diện (Cám), cô góp phần tạo nên sự thành công của vở kịch múa lớn đầu tiên Tấm Cám – Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Trong những điệu múa nước ngoài như Anh cắt cỏ và cô hái rau rừng (Triều Tiên), Múa cung (Trung Quốc), Bốn anh chàng không may (Nga), Thúy Quỳnh thể hiện phong cách đậm đà của từng dân tộc.

Cô đã biểu diễn ở nhiều nước phương Tây và phương Đông, tham dự các liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Viên (Áo), Henxinki (Phần Lan). Trong nước cô được mời biểu diễn phục vụ các đoàn thượng khách nước ngoài của Đảng và Nhà nước tại Phủ Chủ tịch.

Một kỷ niệm khó quên tại nơi đó là món quà mà Bác tặng chồng cô – NSƯT Mạnh Hùng. Thúy Quỳnh mừng rỡ: “Cám ơn Bác đã tặng quà cho nhà cháu”. Bác cười nói: “Đây là quả táo gửi cho cái nhà biết đi của cháu”.

Lần cuối cùng vào thăm Bác năm 1969, thấy da dẻ của Bác xấu đi, NSND Thúy Quỳnh không cầm lòng được, ràn rụa nước mắt. Bác hỏi: “Vì sao cháu khóc”, Thúy Quỳnh nghẹn ngào: “Cháu thương Bác quá”. Thế rồi Bác mãi mãi đi xa. Thúy Quỳnh có mấy vần thơ kính viếng hương hồn Bác:

Bác ơi xa Bác con luôn nhớ

Nhớ thuở bé thơ ngắm Bác cười

Mỗi lần gặp Bác như còn đó

Những lời Bác dạy nhớ khôn nguôi

Với bao tình Bác yêu thương cháu

Xin vâng lời Bác sống nên người

Nghệ sĩ mà cũng là chiến sĩ

Biết thương yêu nhường nhịn mọi người

Cống hiến trọn đời cho đất nước

Mãi thủy chung tình nghĩa vẹn toàn

Kỷ niệm 50 năm xây dựng nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam, Tổng thư ký Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, NSND Chu Thúy Quỳnh, báo cáo thành tựu nghệ thuật này với Bác Hồ bằng một cuộc trình diễn trang trọng trước lăng Bác.

Công tác chính trị xã hội thu hút nhiều thời gian của NSND Chu Thúy Quỳnh. Trong các đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại các nước, có khi những cuộc trình diễn nghệ thuật múa của nghị sĩ Chu Thúy Quỳnh nói thay cho đoàn Quốc hội những điều cần thiết về đất nước và con người Việt Nam, về khát vọng độc lập, tư do, hạnh phúc của một dân tộc bị thực dân đế quốc áp bức. Trên chính trường NSND Chu Thúy Quỳnh đã giữ những trọng trách như ủy viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, tham gia các hội nghị quốc tế IPO, WPO, IPU, tham gia hội thảo của nữ nghị sĩ các nước.

Tại các diễn đàn lý luận múa thế giới, nổi lên những tham luận của Chu Thúy Quỳnh như: Hội thảo về những điệu múa tiêu biểu của ASEAN tại Philippine (1996); Hội thảo và liên hoan múa tại Singapore (1996); Hội thảo về sự bình đẳng của phụ nữ trên chính trường tại Ấn Độ (1997); Hội thảo múa Việt Nam – Thụy Điển; Hội thảo múa Trung Quốc – ASEAN.

Những hoạt động lý luận phát triển tư duy logic của NSND Chu Thúy Quỳnh, nhưng thế mạnh của nữ nghệ sĩ vẫn là sự phong phú của tư duy hình tượng. Thời chống Mỹ cứu nước, những hoạt động múa của NS Thúy Quỳnh thể hiện tinh thần người nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận chống đế quốc thực dân. Không quản ngại hy sinh gian khổ, nghệ sĩ xung phong đi vào chiến trường khu IV ác liệt, đến Quảng Bình, Vĩnh Linh biểu diễn phục vụ bộ đội dân quân bên mâm pháo. Ngoài ra, nghệ sĩ còn giúp họ tải đạn ngoài trận địa. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió thôi thúc nghệ sĩ sáng tác về những con người anh hùng và Gặp gỡ bên mâm pháo là tác phẩm đầu tay của nghệ sĩ cùng với Mạnh Hùng, Anh Nghiêm. Điệu múa nói về tinh thần hợp đồng tác chiến của một pháo binh, một lính thủy và một nữ dân quân. Mang hơi thở cuộc sống nơi chiến địa, múa ba người này được hoan nghênh nhiệt liệt trên các nẻo đường khu IV kháng chiến.

NSND Chu Thúy Quỳnh đã sáng tác được 25 điệu múa thuộc nhiều hình thức thể loại (được tặng 10 huy chương vàng, 4 giải A, 4 huy chương bạc, 4 giải B). Cụm tác phẩm Suối đàn T’rưng, Những cô gái Việt Nam, Hương xuân được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001). Nét riêng của phong cách tác giả là chất thơ của hình tượng múa trong tác phẩm. Là một biên đạo có hồn thơ lai láng, Chu Thúy Quỳnh đã làm thơ về cuộc đời mình, về nhân tình thế thái với biết bao trăn trở và suy tư. Nhà biên đạo viết:

Sống ở Delhi những ngày hè

Nắng như đổ lửa lối đi về

Túc tắc đạp xe sau buổi tập

Đầu nghĩ vẩn vơ đủ trăm bề.

 

 

 

Nhớ buổi tập khuya rét Delhi

Một nỗi cô đơn cảnh hàn vi

Hai chân đau buốt ôi tê nhức

Bước đi không được, chỉ còn lê

                                                     (1984)

Các nhà văn, nhà thơ như Đào Vũ, Huy Cận đã viết về nghệ sĩ Thúy Quỳnh:

Múa đẹp bao lần vai chính cả

Cánh chim ánh mặt trời long lanh

Miền Nam bà mẹ hừng tranh đấu

Tay hắt khăn rằn, nét mặt đanh

Tụ hội vườn xuân trăm đóa mởn

Hoa Quỳnh giữ đậm sắc hương thanh.

(Huy Cận 2-12-1996)

Các sách múa như Nghề múa, cảm nhận và suy ngẫm của NSND Trịnh Xuân Định (2007), Năng khiếu và tài năng nghệ thuật múa của GS, TSKH Lâm Tô Lộc (1997), Nghệ thuật múa ở Thăng Long Đông Đô Hà Nội của GS, TSKH Lâm Tô Lộc (2002) có chuyên mục viết về nữ nghệ sĩ này.

NSND Chu Thúy Quỳnh đã từng biểu diễn hàng trăm điệu múa. Từ khi bận công tác lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ giảm dần nhưng công tác sáng tác đạo diễn tăng gấp bội. Tập hợp được những biên đạo tên tuổi, Thúy Quỳnh làm tổng đạo diễn hơn 30 chương trình tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Những chương trình phục vụ các sự kiện trọng đại như: Khai mạc Cúp Bóng đá quốc tế Tiger Cup 1997; Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ; Kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội (năm 2000) (đồng Tổng đạo diễn); Khai mạc và bế mạc Sea Games 22 (Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á) (năm 2003); Kỷ niệm 50 năm giải phóng Hải Phòng; 975 xưng danh Nghệ An (2005); Festival biển Bà Rịa Vũng Tàu; Du lịch về nguồn Phú Thọ năm 2006; Liên hoan du lịch Hà Nội (1999-2005); Chương trình Xuân quê hương (năm 2007, 2008) đón các Kiều bào Việt Nam về ăn tết tại quê nhà.

Những chương trình giao lưu nghệ thuật với các nước Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Các chương trình ASEAN hòa bình hữu nghị, chào mừng Hội nghị CC6 ASEAN.

Các chương trình chào mừng hội nghị CC7 các nước nói tiếng Pháp, chào mừng Hội nghị APEC tại Việt Nam.

Nhiều chương trình có tiếng vang lớn về nghệ thuật, gây được ấn tượng đối với người nước ngoài.

Từ những hoạt động sáng tạo trên các lĩnh vực biểu diễn, sáng tác, đạo diễn, nghiên cứu lý luận, nổi lên những tìm tòi thể nghiệm nhằm vươn tới một nền nghệ thuật múa tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở NSND Chu Thúy Quỳnh sự trăn trở về vấn đề dân tộc và thời đại trong nghệ thuật, mối quan hệ giữa các vấn đề văn hóa và chính trị xã hội tạo chiều sâu cho các hình tượng múa. Sự chủ tâm đến giá trị tư tưởng các chương trình nghệ thuật là nhân cách sáng tạo của nữ tổng đạo diễn này.

Ghi nhận những cống hiến về văn hóa nghệ thuật của nữ nghệ sĩ, Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Chiến sĩ thi đua, Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm và nhiều huy chương vàng bạc, giải A, B khẳng định giá trị nghệ thuật của khá nhiều tác phẩm. Những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài còn vọng lại một tiếng vang về nghệ sĩ Thúy Quỳnh “Ngôi sao múa từ bầu trời phương Đông”. Các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nhật, Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tín nhiệm NSND Thúy Quỳnh là người lãnh đạo tổ chức của họ. Những điều đó nói lên rằng NSND Chu Thúy Quỳnh là một nữ nghệ sĩ đa tài và là một hình mẫu nhân cách sáng tạo của thời đại Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ vô cùng biết ơn Bác Hồ. Nhờ suốt đời học tập tấm gương đạo đức của Người, nghệ sĩ mới có được nhân cách như ngày nay. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc viết:

Bông hoa Quỳnh

Người nổi danh một thuở

Mà lưu danh muôn thuở.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Lâm Tô Lộc

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *