Chùa cảm ứng, dấu son văn hóa


        Chùa Cảm Ứng (còn gọi Cảm Ứng Thánh tự, chùa Tam Sơn, chùa Ba Sơn/ Ba Tiêu, chùa Trăm gian) thuộc thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, cách trung tâm thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh 3km. Các nguồn sử liệu và các công trình nghiên cứu cho biết, chùa Cảm Ứng là ngôi chùa lớn, có lịch sử lâu đời, được hình thành từ rất sớm (!) theo khuôn dạng của một kiến trúc Đạo giáo. Khoảng niên hiệu Ứng Thiên (995-1005), chùa từng là nơi Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ sau này) đưa Sư Vạn Hạnh về lánh nạn, tránh sự truy đuổi của Lê Ngọa Triều, sau sự kiện Lê Trung Tôn bị giết, và khi đó trong dân gian xuất hiện câu sấm truyền, theo cắt nghĩa của sư Vạn Hạnh, điều này ứng với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn (1).

Vào thời Lý, chùa Cảm Ứng trở thành trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì của nhiều vị cao tăng có uy tín đặc biệt với triều đình, nơi đào tạo tăng sư và dưới sư. Chùa còn là nơi các tôn thất nhà Lý về làm lễ. Chính Vua Lý Thánh Tông vào năm Tân Sửu niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ ba (1061), từng về đây cầu tự và hai năm sau (Quý Mão, 1063) đã cho tu bổ chùa (2).

Vào thời Trần, chùa Cảm Ứng vẫn giữ được vai trò là trung tâm Phật giáo lớn, thu hút nhiều tăng ni phật tử đến tu hành. Điều này được chứng tỏ bởi những dấu tích là những viên gạch, mảnh đất nung trang trí hình rồng, hình hoa sen, hoa cúc, cùng những đồ gốm sứ, men ngọc, men da nâu… bị vùi lấp trong lòng đất chùa, xuất lộ sau trận đánh phá bằng bom B52 của Mỹ vào chùa ngày 28-12-1972.

Sang thời Lê, vào các TK XVI, XVII, XVIII, chùa Cảm Ứng liên tục được trùng tu, mở rộng với quy mô lớn nhờ sự hưng công của nhiều quan lại là người làng Tam Sơn và khách thập phương, trong đó có cả một số tôn thất nhà Mạc. Các công trình tam quan, tiền đường, trung đường, gác chuông, tam bảo, hành lang, nhà tổ… được tu bổ và mở rộng tới hàng trăm gian, nên còn gọi là chùa Trăm gian, là một trong bốn chùa Trăm gian nổi tiếng của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Chùa Cảm Ứng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, là nơi thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa tín ngưỡng dân gian với “Tam giáo đồng tôn: Phật – Đạo – Nho”. Điều này được biểu hiện qua kết cấu của chùa và sự bố trí thờ cúng tại các ban thờ bên trong. Đi từ cổng chùa vào, ở hai bên dốc sân, trước cửa tòa tiền đường, về phía đông (theo tay trái của hướng chùa) là nơi thờ Đương niên hành khiển – một vị thần của Đạo giáo; về phía tây là đàn tế tiên nông – vị thần nông nghiệp.

Khu vực chính của chùa được kết cấu theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, bao gồm:

Tòa Tiền đường gồm 7 gian 2 dĩ, vì kèo làm theo kiểu chồng rường. Khu thờ phụng được chia theo hai nhánh: Tiền đường Đông biên: thờ các hậu thần làng là Tiến sỹ khoa Kỷ Hợi (1659), triều Lê, Ngô Quý Công (tức Ngô Sách Thí) tự Đô Thí hiệu Trung Túc, người làng Tam Sơn và Cử nhân khoa Đinh Mão triều Nguyễn, Ngô Quý Công, tự Phẩm Can, hiệu Đoan Chân; ban ngoài thờ các vị gia tiên. Tiền đường Tây Biên: thờ các vị tiên hiền bản xã, tức 16 vị tiến sĩ của làng, ban ngoài thờ các vị gia tiên (Ngô Thị Ngọc, Trịnh Quý Thái, Nguyễn Thị Tín, Ngô Trung Trực). Tiền đường cũng là nơi hội họp của dân làng.

Trung đường tức tòa ống muống 6 gian nối Tiền tế với Thượng điện, gồm hai nửa: Trung đường phía Đông thờ A nam, Trung đường phía Tây thờ Quan công Đại đế, bản cảnh thổ địa long thần. Chính giữa là tượng thờ Adiđà, hai bên là tượng Văn Thù Phổ Hiền. Hai gian trấn ngự hai đầu thờ hai pho Hộ pháp.

Thượng điện được nối với tòa Trung đường bằng kết cấu chồng rường giá chiêng, gồm 5 gian, thờ 3 vị Tam thế, Phật A di đà, Ngọc hoàng, Nam tào, Bắc đẩu.

Nhìn vào cung cách bài trí các ban thờ tại các khu Trung đường và Thượng điện, dễ dàng nhận ra tính pha tạp, đan xen lẫn nhau giữa phong cách thờ phụng của Đạo giáo và Phật giáo theo nhận thức của cộng đồng dân chúng bản địa.

Gác chuông được dựng ở phía ngoài, sát Thượng điện. Trên gác chuông treo quả chuông đồng, với dòng chữ nổi “Cảm ứng Thánh tự hồng chung”, được đúc xong vào ngày Tốt tháng Một, năm Minh Mệnh thứ bảy (1826).

Tam bảo hậu (hay điện Quan Âm) tọa lạc đối diện, cách một khoảng sân với gác chuông, gồm 7 gian. Tại đây có bức tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cỡ lớn ở giữa (bị bom Mỹ phá hủy năm 1972, hiện chỉ còn 24 tay!). Hai bên là Chuẩn đề Phật vị và các Thiền sư Định Hương, Bảo Tính, Minh Tâm (bên đông) và các tượng Thánh tổ, Tình Hành Bồ tát, cùng tượng bà Ngô Thị, hiệu Châu Chi tiền nhân, tượng Đệ tam cung phi Thủy Minh, Chiêu Huy công chúa nhà Mạc – những người có công đóng góp mở rộng chùa.

Suốt từ hai đầu của tòa tiền đường đến tòa tam bảo hậu có hai dải hành lang, mỗi dải gồm 9 gian, gọi là hành lang đông và hành lang tây, còn gọi là đền Đôngđền Tây. Cụ thể: Hành lang đông là nơi thay đình để thờ các vị thành hoàng làng Đương sơn thổ địa, Thạch thổ chính thần (sơn thần hay thần núi), Đương cảnh thành hoàng thông linh đại vương (tức trạng nguyên Nguyễn Quan Quang, người có công mở đường khoa cử cho làng, cũng là trạng nguyên đầu tiên của nước nhà).

Với việc thành hoàng được thờ ở đây, chùa Cảm Ứng mang một nét độc đáo khác biệt với các ngôi chùa trên vùng châu thổ Bắc Bộ. Như vậy, mặc dù là làng khoa bảng nhưng Tam Sơn lại không có đình làng theo đúng nghĩa. Có lẽ, sức hút mạnh mẽ của Phật giáo đã quy tụ về chùa mọi sức mạnh tinh thần và biểu tượng tâm linh của vùng đất này, từ các thành hoàng đến những danh nhân văn hóa của làng; mà lẽ ra, vị trí thờ phụng các nhân vật này phải được triển khai tại đình như bao làng quê khác. Đó cũng chính là nét độc đáo của Tam Sơn so với các làng khoa bảng nói riêng và các làng Việt nói chung.

Hành lang tây, là nơi thờ các Nguyên phi nhà Lý là Thuận Dương công chúa, Thuần Châu nguyên phi và Bảo Liên nguyên phi cùng các vị La Hán. Dãy hành lang đông thờ các vị bản thổ và thành hoàng làng. Phía sau hành lang đông là các hạng mục khác như nhà tổ, nhà tăng, nhà mẫu và khu nhà khách.

Với sự hiện diện của cung cách bài trí thờ cúng trên đây, chùa Cảm Ứng thể hiện một không gian văn hóa tổng hợp, dung chứa sự hội tụ của nhiều tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Đó là biểu hiện của sự hỗn dung, hòa đồng, sự kết hợp khá chặt chẽ giữa tín ngưỡng dân gian với Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo. Hệ thống khá phong phú tượng các vị nhiên thần, các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa bên cạnh hệ thống hai cặp tượng Phật (A di đà và Quan Âm) thể hiện sự gắn bó, hòa đồng giữa con người với môi trường (thờ thổ địa sơn thần), tôn giáo, tín ngưỡng cùng các mối quan hệ xã hội được người dân lựa chọn trên tiến trình lịch sử của làng. Từ các hệ thống ban thờ, nhân vật được phụng thờ phối kết trong một không gian gần gũi với nhịp sống cộng đồng, người dân Tam Sơn như muốn thể hiện tinh thần khuyến học, hiếu học, truyền thống khoa bảng (thờ Nguyễn Quan Quang – người mở đường khoa bảng và nhiều người đỗ đạt khác), thể hiện lòng biết ơn tổ tiên (thờ các vị gia tiên) hay đề cao tư tưởng trung quân của Nho giáo (thờ Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường). Chùa còn thờ những vị thiền sư nổi tiếng gắn với chùa như Thiền sư Định Hương, Minh Tâm, Bảo Tính cùng các vị nguyên phi, tôn nữ nhà Lý, những người có công xây dựng chùa hay các vị hậu thần làng là những người đỗ đạt, người giầu có, người làm quan to, phu nhân của các quan… có công đóng góp trong việc xây dựng trùng tu và bảo vệ chùa. Điều đó thể hiện tinh thần trọng học, trọng khoa bảng, trọng người làm việc nghĩa, việc thiện cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Tam Sơn. Đấy là giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của chùa Cảm Ứng, được tích hợp theo tâm thức cảm nhận của con người qua nhiều thế hệ. Với hệ thống tượng thờ và sự bài trí khá độc đáo như trên, chùa Cảm Ứng là một ngôi chùa tiêu biểu, ít thấy trong hệ thống bài trí thờ tự của hàng trăm ngôi chùa, trong cùng một vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ.

Cho đến nay, chùa Cảm Ứng là nơi lưu giữ được nhiều di vật có giá trị văn hóa. Khánh đá là hiện vật được gắn vào tường bao gác chuông, chất liệu bằng đá xanh, với kích thước rộng: 1m38, cao 70cm, dài 12m. Khánh đá được tạc năm 1672 khắc chữ chìm cả hai mặt, có nhiều chỗ lõm trên mặt khánh, xung quanh có chạm rồng, nghê, hoa lá. Cây hương đá, một sản phẩm của tín ngưỡng Phật giáo được dựng trước sân nhà tiền tế (sau gác chuông) bằng đá xanh, hình trụ vuông rộng 25cm, cao 1m60 có chóp hình đài sen, khắc chữ cả 4 mặt. Bia đá xanh: rộng 60cm, dày 14cm, cao 95cm, khắc chữ ghi danh và thân thế của các tiến sĩ đỗ đạt qua các kỳ khoa bảng là người Tam Sơn, xung quanh khắc hoa văn. Chuông đồng cao 1m50, đường kính 78cm dày 4cm quai rồng hình hai rồng giao nhau, bốn chân khuỳnh vững chãi được đúc từ năm Minh Mạng thứ bảy (1826). Tượng A di đà đặt ở tiền đường, ngồi trên tòa sen có đường kính 1m, tượng cao bao gồm cả tòa sen là 1m55, bệ cao 32cm, sơn son thếp vàng. Thân tượng rộng ngang 70cm. Tượng Thế chí bằng gỗ ở tư thế đứng, một tay đỡ và một tay đón quyển kinh, mặc áo thụng. Tượng cao 1m64, bề ngang 38cm. Tượng quan âm bằng gỗ đứng trên bệ sen. Tượng cao 1m38, thân rộng 38cm. Lư hương thời Nguyễn đường kính miệng 60 cm, cao 19cm, men trắng hoa lam, hình lưỡng long chầu nguyệt. Tượng ngàn mắt ngàn tay, đặt ở tam bảo hậu. Phần tượng cao 1m60, ở tư thế ngồi, cả tòa cao 2 m.

Gắn với chùa Cảm Ứng còn có Am Hoa viên ở bên phải chùa, ngay dưới chân núi, nằm kề và cùng hướng với đền thờ Hoàng giáp Nguyễn Tự Cường. Am là nơi thờ ba vị tôn nữ, công chúa nhà Lý là Thần Châu nguyên phi, Bảo Liên nguyên phi và Thuận Dương công chúa. Diện tích khuôn viên rộng khoảng 200m2, khu thờ chính rộng chừng 30m2, hiện chỉ gồm những bức tường có gian thờ với đôi câu đối “Lý triều đường hiển thánh, sơn mộ chủ anh minh”. Bên ngoài là hai cột đồng trụ có đôi câu đối “Bát đế triều đường viên cảnh tượng, tam thần miếu đống thử ân duy”. Theo sách “Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí” và truyền thuyết dân gian thì, khu vực dưới chân chùa Cảm Ứng thời Lý vốn là một vườn hoa muôn hồng nghìn tía, nơi khi xưa các công chúa nhà Lý thường dạo chơi, ngắm cảnh, về sau dân làng dựng am để thờ các bà.

Chùa Cảm Ứng có giá trị lịch sử vì đây là ngôi chùa cổ, có từ trước TK X, gắn với nhiều sự kiện của thời Lý, nhất là khi vua Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu kỷ nguyên Thăng Long rực rỡ. Chùa Cảm Ứng cùng với lễ hội của nó đến nay vẫn được coi là nét độc đáo hiếm có, nơi lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể cổ truyền có giá trị của người dân Tam Sơn nói riêng và của cộng đồng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ nói chung, nơi minh dụ điển hình cho sự hiện diện của sợi dây quan hệ, ràng buộc văn hóa độc đáo giữa tín ngưỡng dân gian với các tôn giáo khác như Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo.

Trên hành trình của lịch sử nghìn năm Thăng Long, chùa Cảm Ứng như một dấu son ghi nhận công tích của triều đại khai mở ra Kinh đô, khởi nguyên cho lịch sử của các triều đại phong kiến độc lập, tự chủ, xây nền và tôn tạo cho nền văn hiến Đại Việt rạng danh đến muôn đời.

_______________

           1, 2. Ghi trong các bộ cổ sử Việt sử lược, Nxb Văn – Sử – Địa, 1960; Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, tập1, 2004; và tài liệu dịch của Bùi Xuân Đính từ nguyên bản chữ Hán Thượng cổ Tam Sơn đồng dân công ước chí (1911), hiện nguyên bản còn lưu tại gia đình ông Ngô Ngọc Minh, xóm Đông, xã Tam Sơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Nguyễn Thu Hường

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *