Chùa hưng ký


 

 

Nằm gần với con đường vành đai xưa của Hà Nội, giữa chen chúc phố xá trong sự phát triển không ngừng của việc đô thị hóa, chùa Hưng Ký (1) ngày nay đã ít nhiều bị thu hẹp cảnh quan trong một ngõ nhỏ trên đường Minh Khai. Đây có thể xem là một trong những ngôi chùa có niên đại muộn nhất được dựng dưới chế độ phong kiến trên đất Hà Nội xưa, năm Bảo Đại 1932. Do xây dựng vào giai đoạn giao thời, nên ngôi chùa đã chứa đựng những giá trị nghệ thuật mang tính chất giao thoa giữa văn hóa Việt – Pháp – Hoa.

Chùa Hưng Ký còn có tên là Võ Hưng Thiền Am do ông bà Hưng Ký bỏ tiền ra xây dựng. Ông Hưng Ký có tên thật là Trần Văn Thành, một trong những doanh nhân lớn thời Pháp thuộc, chủ nhà máy sản xuất gạch Cầu Đuống. Là người có đầu óc kinh doanh nhạy bén, sớm tiếp thu các kỹ nghệ tiên tiến, nên xưởng gạch ngói của ông được người trong nước ưa dùng và nổi tiếng khắp xứ Bắc Kỳ. Ông Hưng Ký vốn là người gốc Hoa, có vợ là bà Vũ Thị Sau, quê ở làng Hoàng Mai, nhưng không có con nên quay vào niệm phật thờ thánh, xin đem ngôi chùa dột ở Phố Cát mang về Hoàng Mai tu sửa (2). Năm 1930, khi tham gia hội chợ Marseille (Pháp), ông Hưng Ký đã được nhận huân chương cho các sản phẩm sáng tạo của mình, với số tiền hơn 4.000 đồng Đông Dương. Ông dùng tiền đó để mua đất, dựng chùa trên địa phận thôn Đoài, làng Hoàng Mai, cách chùa Nga My không xa. Và, để phân biệt với ngôi cổ tự, người làng đã gọi ngôi chùa mới này là chùa Hưng Ký, lấy theo tên hiệu của người khởi dựng.

Công việc khởi dựng ngôi chùa này cũng được chuẩn bị kỹ càng. Do sẵn có nghề trong tay, nên ông Hưng Ký đã bỏ ra 5 năm để tự tạo tác và sản xuất các sản phẩm gốm trang trí theo thiết kế trù tính ở các hạng mục công trình khác nhau trước khi chính thức dựng chùa. Có thể nói, toàn bộ những tác phẩm gốm màu lung linh rực rỡ từ tam quan đến thượng điện, nhà bia cũng như hậu đường, đã tạo nên giá trị đặc sắc cho ngôi chùa vừa qua 80 năm tuổi này. Chúng là sự hòa điệu của các hệ thẩm mỹ Đông – Tây, cũng như đánh dấu một giá trị khó có thể phủ nhận trong sự biến động mạnh mẽ tiến trình đô thị hóa các vùng ven đô Thăng Long – Hà Nội.

Kiến trúc

Khác xa với những công trình kiến trúc chùa chiền xưa trên đất Việt, dựng chủ yếu bằng gỗ, chùa Hưng Ký được xây hoàn toàn bằng gạch ngói, bê tông cốt thép với những bức tường rất dày. Tam quan được dựng theo lối kiến trúc khá phổ biến vào đầu TK XX với 3 tầng mái, một lầu thỉnh chuông có cầu thang dẫn lên từ hai bên hông của tam quan. Ba cửa vòm tạo thành ba lối đi ở giữa, hai bên với hai tường hồi được giới hạn bằng bốn trụ biểu dựng đối xứng, khiến cho tam quan của chùa có dáng vẻ gần giống với các dạng thức cổng vào của một ngôi đình được xây tường bao cuối TK XIX. Đồng thời hệ thống tam quan này lại được tiếp nối bởi hai cửa phụ hai bên tả hữu, khiến cho toàn bộ lối vào của ngôi chùa trở thành hệ thống cửa ngũ quan. Trên các mảng tường xây nối giữa tam quan và hai cổng phụ tả, hữu, người ta lại tạo nên các bức tranh đắp voi, ngựa bằng vữa chầu vào cổng giữa, càng thêm nhấn mạnh cho tính chất tương đồng đó.

Có lẽ, hàm ý của người tạo dựng nên cụm kiến trúc này là không chỉ thiết kế riêng cổng tam quan cho chùa, mà còn thiết kế một dạng thức tam quan kép cho cả chùa Hưng Ký, đình Tam Thánh và điện Mai Sau. Do đó, trên hai trụ gạch của cổng tam quan, có hai pho tượng khá lớn bằng gốm, một là tượng hộ pháp cưỡi hổ và một là tượng cát tường cưỡi sư tử xanh, một tay cầm cuốn kinh giơ lên, còn tay kia cầm gương bát quái đặt vào trong lòng. Các trang trí gốm trên đầu những cột biểu trấn bốn góc tam quan cũng cho thấy một giá trị khác biệt. Chúng thay thế hoàn toàn cho các dạng thức đắp vữa, do đó các đuôi công và mỏ phượng được chuốt một cách rất cầu kỳ. Lân, nghê và các câu đối, chế tác bằng gốm màu, được gắn trên mọi thành phần kiến trúc của gác tam quan, khiến cho công trình này trở nên rực rỡ. Đôi câu đối gắn hai bên cổng vào như thể dẫn con người vào một cảnh trí khác:

Đứng thử trông đất lành chim đậu, vui vẻ nhất Long đô, có phải Kẻ Mơ miền lạc th

Gặp đương buổi sông lở cát bay, mù mịt trong thế giới, đâu bằng cửa Phật chốn danh lam

Qua một khoảng sân rộng, giữa sân, gần đây người ta có đào một cái hồ đặt tượng Quan Âm Cam Lồ. Vào những năm được khởi dựng, chùa Hưng Ký có thể xem là một ngôi chùa đồ sộ, được dựng theo dạng mặt bằng truyền thống hình chữ đinh. Nét độc đáo ở đây là, tuy sử dụng chất liệu rất hiện đại (bê tông cốt thép) nhưng ngôi chùa này lại mô phỏng một cách chặt chẽ hệ kiến trúc gỗ với đầy đủ các hệ vì, xà, kèo cột. Kể cả hình thức vòm trần mai cua, là dạng thức kiến trúc phổ biến của triều Nguyễn, ảnh hưởng tới các công trình được dựng hoặc trùng tu, mở rộng ở miền Bắc vào cuối TK XVIII, cũng đã để lại dấu vết ngoạn mục trong thiết kế công trình này. Nâng hàng hiên của tiền đường ngôi chùa, nối giữa cột quân và cột hiên là những bộ vì khum, trên đó ghép những mảng gốm chạm hoa cúc, hoa sen cùng văn chữ thọ khá cầu kỳ.

Tòa Tam bảo gồm bảy gian tiền đường, ba gian thượng điện, tạo thành dạng hình chữ đinh với 12 cột chính, mỗi cột cao tới 7m bằng xi măng giả đá ganito màu hồng nhạt. Tuy nhiên, màu hồng này, dù tạo cho toàn bộ công trình độ sáng và vẻ tinh khôi như những cánh sen hồng, nhưng trong một kiến trúc cổ như chùa, thì có vẻ không phù hợp và làm giảm vẻ đẹp của nhiều mảng trang trí gốm tinh xảo trên các kèo.

Có lẽ những nhà thiết kế đầu TK XX chỉ thay thế toàn bộ hệ thức cột bằng cốt thép xi măng, nhằm hướng đến sự bền vững của công trình cũng như đảm bảo chiều cao của ngôi chùa như mong muốn. Còn hệ thống lót mái và các hoành vẫn giữ nguyên theo lối truyền thống để tạo nên một không gian khoáng đạt, mát mẻ phía bên trong. Khác với đa phần các ngôi chùa miền Bắc, lợp ngói mũi hài, hoặc ngói vẩy hến, chùa Hưng Ký lại dùng dạng thức ngói ống lợp kiểu âm dương, như các công trình chùa Huế. Mỗi đầu của hàng ngói, đều được gắn chữ thọ. Trên bờ nóc mái, chính giữa là chiếc nậm đựng nước cam lồ Phật. Và, người ta cũng nhận ra, các kiến trúc sư đã đem hệ thức trang trí mái của các công trình có tính chất vương phủ triều Nguyễn ra Bắc. Nhưng thay vì dùng pháp lam để đặt trên nóc mái, thì họ đã chế tác toàn bộ các trang trí này bằng gốm mem màu. Hai con rồng chầu vào bình cam lồ ở giữa, phía dưới là các dạng thức bát bửu của nhà Phật. Phần cổ diêm của tòa nhà là các bức tranh gốm cầu kỳ lấy đề tài trong Tây du ký, tả lại 81 tai ách khổ nạn của Đường Tăng gặp phải khi đi Tây Trúc lấy kinh.

Đỉnh cao của sự tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Huế ra Bắc cũng như thẩm mỹ phương Tây trong kiến trúc chùa Hưng Ký có lẽ phải kể đến kiến trúc nhà bia sát ngay phía sau thượng điện. Với lối kiến trúc tứ trụ dựng lên 2 tầng, nhưng thực chất là một tầng và mái giả, phía dưới là những cột vuông kiểu Pháp soi rãnh và tạo vòm, xen giữa tứ trụ, ở bốn góc, khảm các câu đối bằng gốm. Trên các vòm cửa và phần cổ diêm là các bức tranh liên hoàn Tứ môn xuất du của Thích Ca Mâu Ni tu hành đắc đạo, tích truyện Quan âm Thị Kính cùng các biểu tượng như dơi ngậm chữ thọ, hay các vân hình kỷ hà, tạo nên một hệ trang trí dày đặc và cầu kỳ. Giữa nhà là tấm bia tạo bằng đá liền khối, vuông 1,1m, cao 2,7m. Phía trên tạc hình mái cong mui luyện, chóp tạc hình bông sen nở. Diềm bia trang trí dây leo hoa lá. Lòng bia có hai mặt khắc chữ Hán, hai mặt còn lại khắc chữ quốc ngữ có nội dung tương tự.

Có thể coi việc dựng chùa Hưng Ký ở Bắc cũng giống như việc xây lăng Khải Định ở Huế. Người ta có thể đọc được cái cảm hứng mạnh mẽ trong việc khám phá ra những chất liệu mới, hiện đại cho các công trình vĩnh cửu. Những cột xi măng và gốm men màu dường như đã không phai nhạt theo thời gian. Bên cạnh sự ảnh hưởng đậm nét thẩm mỹ cung đình Huế và những nhân tố kiến trúc Pháp thịnh hành trên đất Hà Nội lúc bấy giờ, lối kể các câu chuyện Phật giáo bằng các trang trí gốm màu trên nóc mái, các bờ tường và cổ diêm lại ít nhiều chịu ảnh hưởng của các hội quán người Hoa. Mặc dầu vậy, chùa Hưng Ký vẫn đậm dấu ấn của một ngôi chùa Bắc Bộ với lối thức nội đinh (công) ngoại quốc rất phổ biến và có thể xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cuối vương triều Nguyễn trên đất Bắc.

Điêu khắc

So với đa phần các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, có lẽ chùa Hưng Ký là nơi đặt ít tượng nhất. Chỉ có một bức tượng Adiđà ở vị trí trung tâm Phật điện, quanh bốn phía có bốn vị Bồ Tát và một pho Thích Ca Cửu Long, đã tạo nên sự giản dị hiếm có của một ngôi chùa thờ Phật. Tuy nhiên, bù vào số lượng ít ỏi đó, các bức tượng đều có kích thước lớn.

Nếu những pho tượng ở chùa Bà Đá (phố Nhà Thờ, Hà Nội), được tạo tác cuối TK XIX đã được xem là các điêu khắc gỗ lớn nhất trong số các điện Phật ở nội thành Hà Nội thì tượng Adiđà và cặp tượng Quan Âm, Thế Chí ở chùa Hưng Ký còn được dựng cao lớn hơn. Chính giữa điện Phật là tượng Adiđà cao 3,86m, đặt trên một bệ gạch xây tròn cao 1,30m, rộng 2,30m; do đó tổng chiều cao của tượng là hơn 5m. Toàn pho tượng được tạc theo dạng thức kết già toàn phần, hai tay tượng thu vào trong lòng kết ấn tam muội. Gương mặt Phật tĩnh lặng, thanh thản, mắt khép hờ hơi cúi xuống. Dái tai hai bên dài gần chạm vai, đầu được tạc dạng tóc xoắn ốc khá đều đặn. Có lẽ cũng do kích thước đồ sộ của pho tượng nên chất liệu đã được đổi từ gỗ sang gạch rồi phủ sơn ta. Do đó, pho tượng này được cố định ở trung tâm Phật điện, và có phần không được trau chuốt như những tác phẩm được tạc bằng gỗ. Tuy nhiên, kích thước khổng lồ ấy đã cho thấy tính chất nhất quán trong việc thiết kế, xây dựng và tô đắp tượng Phật ở chùa Hưng Ký.

Riêng hai pho Quan Âm (bên trái), Thế Chí (bên phải) trong điện Phật cũng được tạc bằng gỗ với chiều cao 3,3m. Hai pho này là sự tiếp thu gần như trọn vẹn hình thức của các pho Bồ Tát đứng của chùa Bà Đá. Tuy nhiên, thêm vào hình tượng lửa tam muội tượng trưng cho việc diệt trừ ngu tối, người ta đã đặt bình cam lồ và cuốn kinh cho mỗi pho tượng để định danh chính xác cho các pho tượng này. Mũ tỳ lư của hai vị Quan Âm này cũng được chạm khắc theo lối thông thường với các hình hoa cúc, phía trên là hình mặt trời và hai cây châm hình mây lửa được cài dựng sang hai bên, đem lại vẻ duyên dáng cho pho tượng. Bên cạnh đó, việc tạo ra các nếp áo buông chùng thành những nếp lớn nhỏ từ tay đến thân, khiến cho pho tượng mang vẻ đẹp nữ tính.

Kế hai bên pho Quan Âm và Thế Chí, hai pho tượng Hộ Pháp cũng có kích thước lớn. Tuy nhiên, do đặt trong một không gian điện đường rộng rãi, nên các tác phẩm này dường như vẫn không mang tính chất thị uy mà có phần gần gũi.

Một trong những nét đặc sắc hiếm có của chùa Hưng Ký so với các ngôi chùa khác ở Hà Nội là việc tạo tác hệ thống động Thập Điện Diêm Vương ở hai gian đầu hồi tòa tiền đường. Chúng là một sự hòa điệu tuyệt vời giữa kiến trúc bê tông cốt thép với các trang trí bằng gốm. Theo dân gian, hệ thống tượng người, quỷ, Diêm vương đều do ông Thức, một nghệ nhân của làng Bát Tràng nặn bằng đất, quét màu, tráng men rồi đem nung. Mỗi bên đều được tạo hình thành dạng thức 3 tầng thế giới với thủ pháp tạo sự tương phản rất rõ rệt. Trung tâm là Ngũ điện Diêm vương với 5 vị phán quan ngồi luận công, xét tội. Tầng dưới là địa ngục, nơi giam cầm những người mà kiếp trước ở trần gian đã phạm vào những điều răn cấm của nhà Phật. Tầng trên là cảnh hoan hỷ tự do của những người mà kiếp trước ăn ở trong sạch, phúc hậu… Khung cảnh trên thập điện có con cò sải cánh bay trong bầu trời bao la, vì kiếp trước ăn hiền ở lành nên được thảnh thơi, thoải mái. Bên dưới là cửa ngục có cảnh dạ xoa hành hạ những kẻ kiếp trước ăn ở thất đức.

Tại khu chùa còn có đình Tam Thánh và điện Mai Sau. Điện Mai Sau nay vẫn còn giữ được tiền tế, thiêu hương, cung cấm, ngũ môn. Sân điện có bể nước và non bộ. Đặc biệt, hòa điệu với bức gốm màu được chế tác trên nóc mái, nhà bia là các bức tranh Bát tiên quá hải, Liễu Hạnh quy, tượng Quế Nương, Nhị Nương, Thánh Thiên, những tác phẩm tạo hình vô giá từ đất và men. Chúng không chỉ ghi nhận những thành tựu về nghệ thuật mà còn chứng tỏ sự thành thạo về kỹ thuật gốm men màu cũng như óc thẩm mỹ tinh tế của người xưa cho các công trình kiến trúc tôn giáo.

Chùa được dựng xong năm 1932, tính đến nay đã được hơn 80 năm. Trong chừng ấy thời gian, trải qua những cuộc chiến tàn khốc nhưng dường như ngôi chùa vẫn giữ được phần lớn dáng nét xa xưa, như thể cái nghĩa lý của Phật giáo vẫn rạng tỏ muôn đời. Ở thời điểm đầu TK XX, chùa Hưng Ký có thể được xem là một sự thành công lớn về việc vận dụng lối cách mới và vật liệu hiện đại trong việc xây dựng chùa chiền, nơi mà trước đó, gỗ vẫn được xem là vật liệu truyền thống và có thể chuyển tải được mọi giá trị tư tưởng. Đồng thời, do được xây dựng vào giai đoạn giao thời nên trong kiến trúc, điêu khắc cũng như nghệ thuật trang trí, chùa Hưng Ký cũng là một điển hình cho sự tiếp thu, pha trộn nhiều luồng văn hóa vào trong một tổng thể chung. Nó cũng ghi nhận những dấu ấn văn hóa mới cho nghệ thuật Phật giáo trên đất Hà thành.

_______________

1. Bài thơ trên văn bia khởi dựng chùa Hưng Ký do Lã Nam Mai soạn năm 1933, nguyên văn: Bên Long thành dựng ngôi chùa/ Nào tiên, nào phật điểm tô muôn màu/ Việc thần đạo nói bàn sao xiết/ Phía Hà thành tô nét tài hoa/ Danh lam do Bắc Kỳ ta/ Thực là bậc nhất thuyền gia lâu dài.

2. Doãn Đoan Trinh, Hà Nội – di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam xb, Hà Nội, 2002, tr.286.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013

Tác giả : Trang Thanh Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *