Chùa khơme tại làng văn hóa – du lịch các dân tộc việt nam


Đồng bào Khơme hầu hết đều theo đạo Phật, nên chùa có một vai trò, vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống nói chung và đời sống văn hóa của đồng bào phật tử Khơme nói riêng.

Chùa là trung tâm văn hóa lớn, ngoài sinh hoạt tín ngưỡng, chùa còn là nơi giáo dục đào tạo con người trở thành người có tri thức, đức hạnh, sống có ích cho xã hội; là nơi gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết di sản văn hóa, cổ vật quý, thư viện lưu trữ, phổ biến những sách cổ, kinh điển, giáo lý, sách báo, tác phẩm văn học nghệ thuật, phong tục tập quán và lễ hội của người Khơme. Đồng bào Khơme gắn bó với ngôi chùa từ khi còn trong bụng mẹ cho đến cuối đời.

Khu chùa Khơme tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm nhiều hạng mục nằm trên diện tích khoảng 0,8ha, tiếp giáp với hồ nước. Trong khuôn viên chùa, chính điện được coi là tâm điểm, đây cũng là công trình quan trọng nhất. Từ chính điện, theo các hành lang mà tỏa ra các hạng mục khác được bố trí xung quanh và liên kết với nhau bằng đường nội bộ. Không gian chung của ngôi chùa luôn được người Khơme tôn trọng, do đó họ quan tâm tô điểm cho thật đẹp và thanh tao, ngoài các vị sư tu học, còn cho khách thập phương đến thưởng ngoạn, tham quan không gian chùa, đây cũng là một hình thức tôn vinh giá trị nghệ thuật của người Khơme. Kiến trúc Khơme được thể hiện rõ trong từng công trình. Đó là các chi tiết trang trí mang đậm tính tín ngưỡng dân tộc mình. Các chi tiết này thường mô tả hoa lá, các vị thần có ảnh hưởng tới cuộc sống con người, vạn vật hữu linh…

Trước khi vào chùa phải qua cổng chính, đi theo bậc thang xuống dưới qua 2 cổng nữa mới đến chính điện. Đây là sự kết hợp văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam, giữa văn hóa của người Kinh với người Khơme. Cổng chính hay tam quan là tên gọi của mỗi nền văn hóa khác nhau, sự khác biệt ở chỗ, khi vào các ngôi chùa Khơme, qua tam quan phải đi lên trên cao mới tới chính điện nhưng ở đây tất cả mọi người đi qua cổng chính, sau khi bước xuống bậc thang, mới bắt đầu tới chùa. Cổng chùa được trang trí đẹp, tên gọi theo phiên âm của người Khơme là khalomthave. Được thiết kế theo môtip cổng chính tại chùa Khléang, Sóc Trăng, gồm 4 cột, giữa các cột đều bố trí lối đi, 2 cột ngoài nối liền với hệ tường bao, phần mái tam quan có diện tích 9,67m2 và chiều cao từ chân tới đỉnh mái là 7,90m. Cổng tam quan, tường rào được trang trí các chi tiết, con giống, họa tiết hoa văn được đắp nổi hoặc được đúc bằng bê tông cát vàng có lõi thép, sơn nhũ vàng. Cổng chính được đặt trên lối đi dẫn thẳng vào chính điện.

Chính điện được xây dựng tại trung tâm khuôn viên với kiến trúc cổ xưa, đồng thời được trang trí một cách trang trọng, nền được xây dựng cao ráo và xây riêng biệt, cách xa các dãy sala và nhà tăng. Chính điện (pre vihear) là tòa nhà quan trọng nhất, dùng làm nơi thờ phụng đức Phật, nơi dành cho các sư hành lễ, nên thường nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên chùa. Từ sân tới nền chính điện phải qua 3 cấp, mỗi cấp được bao quanh bởi một vòng rào theo bốn phương, mỗi hướng đều có cổng vào.

Phía trước và phía sau đều có 2 cửa đi vào điện, ở cửa có 3 bậc cấp lên cốt nền của chính điện. Xung quanh điện là tường bao được trang trí bởi các họa tiết hoa văn, tranh sơn dầu, phù điêu cả trong lẫn ngoài, dọc hai bên có 2 dãy cửa sổ mở để lấy sáng và thông thoáng. Bên trong điện và ngoài hiên được trang trí bởi các dãy cột trụ bê tông tròn gắn họa tiết hoa văn đúc sẵn sơn nhũ. Toàn bộ cửa đi, cửa sổ đều làm bằng gỗ căm xe, ván panô chạm họa tiết 1 mặt. Mái lợp bằng ngói vảy cá, riềm mái được đúc sẵn bằng bê tông hoa văn 1 mặt được gắn vào đầu hệ cầu phong. Các chi tiết trên bờ nóc, bờ mái, con sơn đầu cột, các con giống góc mái, tượng trên các trụ lan can và chi tiết trang trí… đều được đúc bằng bê tông có lõi thép.

Phần mái chính điện được kết cấu gồm hệ thống 4 mái chồng lên nhau với khoảng cách nhất định. Ba gian giữa kết cấu 1 mái cao gồm 3 cấp, ba gian kế tiếp kết cấu 1 mái ba cấp thấp hơn. Hai mái trên hợp thành góc 600, hai mái dưới, độ dốc thấp hơn khoảng 25 – 300. Vì kèo được đúc bê tông, xà gồ, cầu phong, lito được làm bằng gỗ, lợp ngói theo kiểu vảy cá. Hai đầu hồi được đóng bít kín hình tam giác, trên có chạm trổ hình tia lửa, hoa văn rất sặc sỡ, sinh động.

Trang trí nội thất của ngôi chính điện rất quan trọng là một bộ phận thiết yếu gắn liền với kiến trúc, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ. Các bức tranh phù điêu, sơn dầu và các vật dụng, hình tượng rất phong phú về đề tài, thể loại cũng như về chất liệu, có thể làm từ gỗ, đá, kim loại, xi măng. Các loại hình nghệ thuật này luôn liên kết hài hòa với kiến trúc, mục đích vừa để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để trang trí tôn thêm vẻ đẹp.

Tượng phật chính được bố cục theo nguyên tắc đối xứng qua trục mặt hướng đông, lưng hướng tây, tạo hình một tam giác gồm tượng phật lớn ở cao và 2 tượng ngồi hai bên bằng nhau với tư thế bình yên thả lỏng phần thân còn gọi là tư thế bình an.

Phần bệ vuông gọi là bệ đệm đất, cát (ta nóp ca sat) tiếp đến là chân quỳ, phần lõm, pích, lõm và cành sen đây là nguyên tắc chính trong kiến trúc của người Khơme.

Trên cổng lên chính điện: mặt hướng ra ngoài là biểu tượng mặt re hu chap chanh, mặt hướng vào trong là biểu tượng te pa nom tiên chắp tay lạy chúc tụng khách thập phương ai đến lễ phật đều được chúc tụng và cầu an hạnh phúc tốt lành.

Ở mỗi chùa Khơme đều có sự gắn bó, hỗ trợ giữa các loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa và hoa văn, các loại hình này được sắp xếp kết cấu hài hòa có thể gọi là một tổng hợp nghệ thuật để thỏa mãn tinh thần cho đồng bào, mặt khác còn phục vụ cho mục đích lý tưởng của tôn giáo, nhưng Phật giáo không phải là tôn giáo thoát tục lánh xa cuộc đời mà cùng với cộng đồng xây dựng cuộc sống ngày thêm tốt đẹp, thực hiện đúng phương châm đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội. Với 31 bức tranh sơn dầu, phù điêu trong chính điện chùa đều thể hiện đề tài Phật giáo, tiểu sử đức Phật vẽ trên tường có ghi chú từng cảnh một.

Nhìn chung, hội họa trong chùa Khơme đã đem lại sự hấp dẫn, lôi cuốn và phản ánh được tình cảm, thị hiếu, thẩm mỹ, là một bộ phận quan trọng cần được quan tâm tất yếu trong nền nghệ thuật truyền thống của người Khơme vì nó đang phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Hoa văn Khơme là sự kết hợp những đường cong mềm mại, uyển chuyển, đó là sự thay đổi nhịp nhàng những tình tiết điệu của đường nét, kết hợp những khối lồi lõm sinh động, sự đậm nhạt của màu sắc tạo nên vẻ đẹp kỳ diệu sắc sảo.

Tháp góc: là nơi để tro cốt của các vị hòa thượng có chức sắc, có công lớn với nhà chùa qua nhiều thế hệ. Tháp góc có mặt bằng hình vuông kích thước 2,14 x 2,14m, một mặt có cửa rộng 0,40m, chiều cao là 5,10m. Tháp chủ yếu xây bằng gạch chỉ, ở các cốt phân tầng được đổ bê tông cốt thép. Cửa vòm 0,40 x 0,57m có 2 cánh sắt, bịt tôn, toàn bộ mái xây liền với thân tháp bằng gạch, các chi tiết trên tháp nóc, thân tháp đắp họa tiết bằng xi măng. Ở độ cao gần 3,0m của thân tháp có hộc chứa tượng phật nhỏ cao 0,30m.

Nhà thiêu: (tipasha) là một gian nhỏ, xây gạch, vôi vữa, xi măng, dưới là lò chất củi, trên là một giá vừa cho 1 chiếc quan tài, trên nóc đặt ống khói, được đặt cách xa trung tâm chùa. Trước kia, người Khơme không thờ người chết tại nhà, không cúng giỗ; xác chết sau khi thiêu sẽ được đặt trong các tháp quanh chùa. Đây là nơi hỏa táng, người Khơme có tục lệ, mỗi khi phật tử tu tại chùa, khi chết đều được hỏa táng tại đây. Nhà thiêu có mặt bằng hình vuông, diện tích khoảng 20m2 với chiều cao trên 10m, cửa được bố trí thoáng 4 mặt, ở chính giữa có xây lò thiêu bằng gạch chịu lửa. Nhà thiêu chủ yếu sử dụng hệ cột khung bê tông cốt thép kết hợp xây gạch, toàn bộ cửa đều để thoáng, gồm 2 tầng mái đổ bê tông dán ngói vảy cá, giữa mái có xây tháp vuông nhiều tầng thu nhỏ dần lên cao bằng gạch. Các chi tiết, con giống, họa tiết hoa văn… đều được đúc sẵn bằng bê tông hoặc đắp bằng xi măng, sơn màu vàng.

Vườn tháp: mỗi gia đình, dòng tộc có kinh tế khá giả đóng góp nhiều cho nhà chùa, để lo hậu sự sau này của mình thường xin phép nhà chùa cho 1 khoảng đất để xây tháp cho dòng tộc của mình. Trong dòng tộc đó, khi có người chết, sau khi hỏa thiêu sẽ được đặt vào trong tháp của dòng tộc mình. Vườn tháp bao gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ, được bố trí thành một cụm theo thể tự do. Vườn tháp cũng được đặt gần nhà thiêu, tạo thành một thể thống nhất. Các họa tiết hoa văn tháp được đắp bằng xi măng, bên ngoài sơn màu vàng và màu xanh.

Nhà để ghe ngo: là nơi để ghe ngo tránh mưa, nắng nhưng tối thiểu 1 năm phải được hạ 1 lần vào dịp lễ hội hoặc vào một lễ nào khác được chỉ định. Nhà ghe ngo là một dạng nhà để thuyền có kích thước hơn 100m2, toàn bộ kết cấu nhà được làm bằng gỗ căm xe, mái lợp ngói vảy cá, nền nhà láng xi măng cát.

Nhà thuyền: là nơi chỉ để cho các vị hòa thượng, khách quý, ban giám khảo hoặc các thành phần quan trọng khác trong lễ hội đua ghe ngo. Khu nhà thuyền nằm cạnh hồ, có diện tích khoảng 170m2. Nền nhà được đổ bê tông, phía trên lát gạch ceramic, mái nhà chính được làm bằng gỗ, trên lợp ngói vảy cá. Như nhiều công trình công cộng khác của người Khơme, đặc điểm nổi bật của nhà thuyền là hệ mái. Mái nhà gồm 2 tầng có độ dốc khác nhau có chiều cao hơn 9,0m. Trong đó mái chính gồm 2 mái có độ dốc vút cao, hai hồi mái bít bằng ván gỗ chạm họa tiết cầu kỳ. Tầng mái dưới gồm 4 mái có độ dốc tương đối. Mái ngói được kết thúc bằng diềm chạm hoa lá, các bờ chảy đều trang trí biểu tượng rắn thần Nara.

Sala: là ngôi nhà được xây đầu tiên trước khi dựng chùa, có thể coi là nhà hội của phật tử, sư sãi. Khác với chính điện, sala được xây theo kiểu nhà sàn với những hàng cột chắc, khỏe, mặt sàn cách mặt đất 1,50m. Trong sala cũng có bàn thờ Phật thích ca ngồi theo thế kiết già, quay mặt về hướng đông.

Nội thất sala được chia làm nhiều gian: một gian rộng rãi để tiến hành lễ dâng cơm và dùng làm nơi tổ chức sinh hoạt theo phong tục, tập quán cổ truyền; một gian dùng để tiếp khách; một khu vực nhỏ để dàn nhạc ngũ âm và là nơi các nhạc công hòa nhạc trong buổi lễ. Trên cách tường, trần nhà thường được trang trí nhiều bức tranh tứ đại cảnh, các họa tiết hoa văn màu sắc sặc sỡ lộng lẫy… Đây là nơi để ăn (độ chay tăng) của các vị sư, hòa thượng. Hàng tháng có 4 ngày, các phật tử đến cúng thường tập trung tại sala để dâng cho các sư tăng độ. Sala có diện tích khoảng 110m2 được lát bằng gạch ceramic. 4 phía đều có 5 bậc cấp lên, cửa đi vào bố trí ở 2 đầu hồi gồm 4 cửa 2 cánh. Xung quanh tường bao, phía trong tường được trang trí bằng các bức tranh sơn dầu phù điêu, dọc tường hai bên có 2 dãy cửa sổ. Trong và ngoài nhà được bố trí các dãy cột tròn gắn họa tiết đúc sẵn. Kết cấu chủ yếu là hệ cột khung bê tông, toàn bộ cửa đi cửa sổ đều làm bằng gỗ căm xe, ván panô chạm 1 mặt, mái lợp bằng ngói vảy cá, các chi tiết, con giống, họa tiết hoa văn… đều được đúc sẵn bằng bê tông hoặc đắp xi măng, sơn nhũ. Nội thất của sala cũng rất quan trọng, được trang trí điện phật, trên tường có những bức tranh nói về luật nhân quả mang tính giáo dục.

Am thờ: là nơi thờ thần Net ta (đạo sĩ), mẹ đất, bà chúa đất, các phật tử đến đây thắp hương chỉ cầu khấn phù hộ tốt nhất cho họ liên quan đến nhà cửa đất đai… Am thờ có diện tích khoảng 70m2. Hệ khung bê tông, phần mái được làm bằng gỗ, trên lợp ngói vảy cá, nền nhà lát gạch. Mái nhà gồm 2 tầng cao khoảng 9,0m có độ dốc khác nhau, trong đó mái chính gồm 2 mái có độ dốc vút cao, hai hồi mái đắp họa tiết cầu kỳ. Tầng mái dưới gồm 4 mái có độ dốc tương đối. Mái ngói được kết thúc bằng diềm đắp hoa lá. Các bờ chảy đều trang trí biểu tượng rắn thần Nara. Mặt tường bên trong được trang trí bằng các phù điêu và tranh sơn dầu.

Tam giác hướng tây: thể hiện ông Ay sây (đạo sĩ) tay cầm bình nước thánh màu nhiệm và họa tiết Angko: chim crốt và hoa văn trang trí; chim hoon và hoa văn tel với cỏ; Ha nu man (vua khỉ) và trang trí họa tiết Angko; Riết chi sây và họa tiết Angko là vật bốn chân có tiếng kêu vang dội.

Tam giác hướng đông: Đức phật Thích ca mâu ni ngồi nhập định tiên và họa tiết Angko; đức Phật ngồi tịnh thiền 49 ngày đêm; Tạo hình (Too) vật trang trí các trị chùa hoặc nhà; Đức phật bát bộ trong nhà bằng ngọc; Tượng thờ, tượng tròn mẹ đất, bà chúa đất người trông coi mọi mạch nước trong đất và giúp phật chống lại thế lực của ma vương; vị đạo sĩ Ay sây bảo vệ và phù hộ cho con người, làng xóm người Khơme được an vui và hạnh phúc, luôn có bình nước thánh để chúc tụng.

Cột cờ: là điểm tập trung ngoài trời của các phật tử trong khu chùa để kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Cột cờ được treo cờ tổ quốc và dưới là lá cờ tôn giáo, nằm phía sau nhà chính điện, trước nhà thuyền và sala. Dưới chân có 3 linh vật Pân co ngậm đầu rắn chụm lại thể hiện thế kiềng để giữ cột cờ được vững chãi.

Ao sen: khi Phật giác ngộ tìm được chân lý thì hoa sen luôn đỡ bước chân ngài thể hiện sự thánh thiện cao cả. Được xếp đặt gần tam quan chùa và vườn tháp. Mặc dù không có hành lang dẫn từ tổng thể chùa, nhưng ao sen vẫn có sự liên hệ mật thiết với các công trình khác bằng những con đường dạo xếp đá lát.

Nói đến phật giáo Khơme là nói đến chùa, sư sãi và phật tử. Mọi hoạt động theo tín ngưỡng tôn giáo, việc học hành và sinh hoạt của các vị sư phần lớn đều thực hiện tại chùa, cho nên người ta khẳng định chùa là trung tâm hoạt động của Phật giáo Khơme.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : PHẠM LÊ TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *