Cơ hội phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại Đồng Tháp

Cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen Tháp Mười. 
 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở phần cuối của bán đảo Đông Dương, phía Bắc giáp vùng kinh tế Đông Nam Bộ, phía Tây giáp Campuchia, phía Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông giáp biển Đông, gồm 13 tỉnh, thành: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Với đặc thù là vùng có nhiều hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, ĐBSCL có tài nguyên nông nghiệp và du lịch đặc sắc, được xem là hai ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực. Bên cạnh đó, nơi đây tập trung nhiều cộng đồng dân tộc người như Kinh, Hoa, Chăm, Khơ me tạo nên bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt sự thành công của chương trình xây dựng Nông thôn mới là tiền đề để thuận lợi cho việc khai thác du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng ta đều biết, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu sang nền kinh tế phát triển Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp. Các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Vì vậy, việc phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững tại Việt Nam là rất cần thiết.

Phát triển bền vững (PTBV) là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu hàng đầu cho phát triển của Việt Nam. Mục tiêu PTBV cũng được khẳng định ở các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, trở thành những định hướng quan trọng cho các ngành, trong đó có du lịch. Thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề PTBV, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đồng Tháp cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, có trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp thuần túy có giá trị kinh tế thấp, không đem lại đời sống ấm no cho người dân. Trong khi đó, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là loại hình đang được ưa chuộng và phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây. Hơn nữa, loại hình du lịch này không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp, loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở tỉnh phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, bước đầu mang lại kết quả hết sức khả quan. Như cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen Tháp Mười, thời điểm bắt đầu, chỉ có 5 hộ dân khai thác loại hình du lịch trải nghiệm với các dịch vụ: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen, đến nay đã có 10 hộ dân tham gia khai thác loại hình du lịch cộng đồng này. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình mỗi tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách, vào những dịp cao điểm như lễ, Tết, trung bình một ngày có trên 1.000 lượt du khách đến đây tham quan và trải nghiệm.

Tiếp theo thành công của cánh đồng sen, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung cũng đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Hiện Lai Vung có 10 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận, 3 điểm tham quan và trải nghiệm làng nghề thủ công, 1 homestay Ngôi nhà Quýt đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 145.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 45 tỷ đồng.

Một trong những mô hình du lịch cộng đồng thành công nhất là Làng hoa Sa Đéc. Hiện, Làng hoa Sa Đéc có 4 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, 1 điểm du lịch – khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy land – Hùng Thy, 4 homestay (trong số đó có 3 điểm du lịch cộng đồng được công nhận 3 sao theo tiêu chí sản phẩm OCOP thuộc ngành dịch vụ du lịch nông thôn, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch), 1 điểm tham quan quy trình sản xuất bột và trải nghiệm ẩm thực bánh dân gian từ bột Sa Đéc, Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao và 1 điểm dừng chân bán hàng đặc sản, hàng lưu niệm và sản phẩm OCOP,… là các điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn. Ngoài việc được tận hưởng cái đẹp bên ngoài, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng, ngắm nhìn các tiểu cảnh phong phú và hấp dẫn trên đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao.

Năm 2019, Làng hoa Sa Đéc được Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn đưa vào danh mục chỉ đạo điểm xây dựng Làng Văn hoá Du lịch Sa Đéc trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là một trong 10 làng Văn hóa du lịch của cả nước và là Làng văn hóa du lịch thứ 2 của khu vực ĐBSCL.

Tại các huyện trong tỉnh cũng đã lan tỏa và phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp khai thác các giá trị văn hóa bản địa và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương như Farmstay Việt Mê Kong, Farmstay Ao nhà, homestay – nhà hàng Vườn xanh, Homestay Tư Cá Linh, trang trại dưa lê ECOFAM, Trang trại nông sản Đồng Tháp AQUA PONIC,… đã thu hút nhiều du khách gần xa đến trải nghiệm.

Du lịch cộng đồng đang là xu thế và khách du lịch tìm đến các sản phẩm du lịch này ngày một tăng nhưng thực tế du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp ban đầu là tự phát. Tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch cộng đồng dù khá cao song chủ yếu quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch cộng đồng còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ du khách, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm, dịch vụ bổ trợ. Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng của tỉnh còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng để hấp dẫn du khách, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp. Phần lớn người dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, dù đã được hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách, nhưng hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp. Để du lịch cộng đồng đi vào bài bản và phát triển theo hướng bền vững thì ngành Du lịch Đồng Tháp cần tập trung các giải pháp, cụ thể sau: tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng có ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa địa phương mình, từ đó truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến, quy trình đón tiếp và phục vụ khách tại điểm, kỹ năng chăm sóc khách hàng cho cộng đồng; sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng chương trình du lịch, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch, kết nối tour tuyến….

 Đồng Tháp cũng nhận thức rõ, để mô hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững thì vấn đề cơ chế chính sách rất quan trọng. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 210/2018/NQ-HĐND, Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trong tỉnh.

Sở VHTTDL Đồng Tháp cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng như: triển khai xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các huyện, thị, thành phố để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp; có chính sách hỗ trợ tương xứng. Xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp phải được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao.

Để tránh các sản phẩm du lịch đơn điệu và trùng lặp, việc xây dựng các sản phẩm chủ đạo, khai thác các yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là rất quan trọng. Hằng năm, Sở VHTTDL đều tổ chức cho các hộ làm du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế các mô hình phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại một số tỉnh, thành trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức và kinh nghiệm làm du lịch.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng đang tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; gắn chặt du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương… nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Tác giả: Nguyễn Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *