Ở xã hội hậu hiện đại, “cái ngã của con người chập chờn đâu đó ở ngoại biên thế giới, chứ nào phải chiếm lĩnh trung tâm như ảo tưởng của mình” (1). Con người bị gạt ra ngoài cuộc sống của gia đình, cộng đồng, “bị đá văng ra khỏi thế giới” (Kafka). Lo âu vì bị đẩy ra ngoại biên, con người Nam Bộ trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư cố gắng bằng mọi phương cách hòa nhập vào cộng đồng để trở thành trung tâm, là trung tâm. Cố gắng ấy giống như một cú lội ngược dòng, lạc hướng với quy luật phát triển của xã hội, đặc thù của văn chương hậu hiện đại: phi trung tâm, giải tôi…
1. Biến mất để được kiếm tìm, nhớ thương
Biến mất để được kiếm tìm, nhớ thương là sợi chỉ xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Đây là quan niệm mới mẻ, táo bạo của những người trẻ nói chung, con người Nam Bộ hậu hiện đại nói riêng. Trong xã hội vốn hoang phí sự dửng dưng, dè xẻn tình yêu thương, để trở thành trung tâm, con người buộc phải có động thái gây chú ý, bằng cách tạm thời hoặc vĩnh viễn rời khỏi dòng đời xô bồ. Họ nghĩ rằng sự biến mất của mình sẽ làm cho ai đó hoặc hụt hẫng, trống vắng hoặc sung sướng, hả hê.
Từ Cánh đồng bất tận trở về trước, nỗ lực không vô tăm, vô tích của con người Nam Bộ được phóng rọi từ điểm nhìn của người ở lại. Hình ảnh kẻ ra đi luôn xâm chiếm, chi phối bầu khí quyển của người ở lại. Nếu bé Cải (Cải ơi), vợ ông Sáu (Biển người mênh mông) biến mất từ đầu đến cuối thiên truyện thì anh Sáng (Một dòng xuôi mải miết), người đàn bà buôn hàng bông (Dòng nhớ), gã chồng làm nghề thợ gặt (Cái nhìn khắc khoải), đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc)… lại thoáng ẩn, thoáng hiện. Nhưng dẫu thế nào, họ cũng gây ra nỗi nhớ thương, sự kiếm tìm cho những người thân yêu. Ông Năm Nhỏ quên sao được những lần dắt con Cải đi hái xoài chín, dạy con lội sông, chơi diều, cõng con đi tắt mấy vạt đồng đến khám bệnh chỗ ông bác sĩ già. Ông Sáu dành cả đời đi tìm người gá nghĩa mà không có niềm vui được bồng con, bế cháu. Rồi Sáng, “trạc ba sáu, ba bảy tuổi” nhưng “già dặn, chững chạc trầm lặng”, “mùa gặt năm nào cũng xuôi ghe chở bầy vịt đổi đồng về xóm Rạch Giồng” vì “nhớ má và muốn gặp em” (2)… Chỉ bấy nhiêu chi tiết thôi nhưng đủ để khi ra đi, hình ảnh, dấu ấn của anh Hai, dì Ba… Nam Bộ vẫn còn in đậm trong tâm trí người ở lại.
Trong nhiều sáng tác sau này, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu ý thức về việc biến mất như là cách để chống lại sự lãng quên của cuộc đời, thấy mình vẫn còn hiện hữu, có ý nghĩa với một ai đó. Hai chị em Di và Phiên (Khói trời lộng lẫy) khi kiệt cùng sức lực vì thương yêu, thù hận, để mình tan biến vào khói nhen lên từ những nếp lá mục hóa thân thành một dáng hình huyễn hoặc trong ánh sáng rực ngời. Với Sông, Nguyễn Ngọc Tư đã rốt ráo đề cập tới một vấn đề mà con người Nam Bộ hậu hiện đại ý thức triệt để, mãnh liệt. Trôi dạt, biến mất vừa là định mệnh, vừa là phương cách thoát khỏi nỗi lo âu mang tên ngoại biên. Ánh không cùng hành trình đi dọc sông Di với Ân nhưng lại được Ân nhắc tới nhiều lần. Chị vẫn có mặt trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại giữa Ân và sếp, trong những lần Ân hỏi thăm về chị khi dừng chân bên đường. Bối là kẻ có khoái cảm với sự vần vũ của trời đất, thích “bắt lấy khoảnh khắc của một tia sét lóe lên, một bầu trời đen tối đầy thịnh nộ, một cơn lốc xoáy” (3). Xu và Ân cũng chọn cách trút bỏ mọi mất mát, tan vỡ, gây nhớ thương cho người mẹ mải loay hoay với các cuộc tình, làm day dứt những người đàn bà ưa phản bội. Bảy năm Sinh không vết tích (Biến mất ở Thư Viên) là bảy năm Hảo ngóng trông, tìm kiếm, phỏng đoán và lãng quên hạnh phúc hiện tại. Hảo rạo rực, tươi tắn, đầy sức sống khi giả thiết Sinh biến mất vào trang sách, trở nên vô cảm với sự quan tâm, hy sinh của chàng trai kém mình tám tuổi. Nỗi đau thốt lên thành lời “nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi” (4) và hóa thành hành động “đi vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong veo” với hy vọng mình còn tồn tại, còn có ý nghĩa. Biến mất chồng lên biến mất để lại khoảng trống toang hoác trong tâm hồn người ở lại.
2. Tận hiến để cuộc đời không mờ nhạt, vô nghĩa
Ở một thái cực khác, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư lựa chọn cách sống tận hiến cả thể xác lẫn tinh thần để không mất tăm, mất tích giữa dòng đời vô thường. Họ muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người theo những cách khác nhau. Tất cả mọi người sống trên cù lao Mút Cà Tha chỉ chết vì già, không chết bởi bệnh tật. Trưởng ấp Tư Mốt (Thương quá rau răm) đã cố gắng làm những gì có thể nhằm giữ chân bác sĩ Văn. Những điều ấy không ràng buộc được bác sĩ Văn, nhưng tình cảm chân thành, hành động sốt sắng, lời nói mộc mạc của người nông dân bộc trực, hồn hậu, vì tương lai của bốn mươi ba nóc nhà sống ở cù lao thật xúc động. Không băn khoăn quá nhiều chuyện được mất, cô gái điếm Sương (Cánh đồng bất tận) tìm cách sà vào lòng người đàn ông đầy thù hận, giành phần nấu cơm, thổi lửa, đem cá vô xóm bán, đổi thân xác cứu lấy đàn vịt… Sương nỗ lực sưởi ấm trái tim chai lì cảm xúc của cha hai đứa trẻ, xua tan không khí u ám, buồn tẻ phủ ngập chiếc ghe thiếu vắng hơi người vợ, người mẹ. Tiếc là, sự tận hiến của cô bị đáp trả bằng thái độ lạnh lùng, cười cợt, bị giày xéo bởi sự hả hê, ác độc từ con người đã đổ vỡ niềm tin. Sương buộc phải ra đi. Cô gái điếm chỉ xuất hiện ở một thời đoạn trong chuỗi ngày lang thang bất tận của gia đình chị em Nương – Điền, song bằng vẻ hồn nhiên đến tưng tửng, lòng yêu ghét rạch ròi mà mãnh liệt, đã gieo vào cuộc sống của hai đứa trẻ bất hạnh niềm mến thương, hy vọng. Nếu sự quên mình của Tư Mốt là ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng thì sự hy sinh của Sương được mách bảo bởi bản năng của một người phụ nữ từng trải, nhạy cảm.
Đối với một số nhân vật, sự cho đi tạo cho cuộc đời họ tính chất của người nghệ sĩ: niềm vui không vụ lợi, sự đam mê, sự vượt phóng ra ngoài những cái thông thường. Chỉ là những con người nghèo khổ, ít học nhưng dì Bảy (Tình lơ), bà và Bé (Rượu trắng), Nhàn (Tro tàn rực rỡ)… luôn sẵn sàng trao những gì tốt đẹp nhất, nồng nàn nhất cho người thân yêu. Hạnh phúc lớn nhất của họ là được sống vì người khác, cả chịu đau khổ vì người khác. Bà cần mẫn, kỳ công lấy rễ cây Chơn Nhơn từ Trảng Cò về phơi ba sương, chín nắng, sao vàng, mài mịn rải vào những thùng ủ, chưng cất lên thứ rượu làm mê dụ bao người. Còn Bé vụng về gửi mong nhớ qua những chăm sóc nho nhỏ. Bé tự tẩm rượu ấm mềm, nguyện hiến dâng cho anh phó chủ tịch xã vừa được cất nhắc lên huyện. Nhàn lại chấp nhận cuộc sống tạm bợ, bất trắc đến dại khờ, mù quáng, kiên nhẫn nhặt nhạnh lá dừa, vác từng cây gỗ làm tổ thay ngôi nhà chồng vừa quẹt ga đốt.
Một cảm quan thấm đẫm trong nhiều sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là các nhân vật thường đeo đuổi đến cùng với những điều mình nghĩ, mình tin. Đó là một dạng biểu hiện khác của cách sống tận hiến. Họ cô đơn lựa chọn hoài bão riêng, loay hoay, trăn trở tìm hướng giải thoát, chấp nhận rủi ro, mất mát, miễn thấy mình được tồn tại, hiện hữu. Một Út Hên (Đảo) suốt ba năm thấp thỏm chờ đợi vai diễn chính. Bữa được giao vai cô ca ve cắt cổ tay để trốn đầu gấu, “Út Hên nghĩ mình phải diễn vai này hết mình mới được. Cô làm máu chảy thật, chảy đến trôi lớp vải băng bó, trôi cục thuốc gò dùng để rịt vết thương” (5). Một bà ngoại (Đi bụi) muốn dành những năm tháng cuối đời để sống cùng ông bạn già. Dầu gió, thuốc huyết áp, áo ấm… luôn sẵn sàng trong túi xách. Bộ sưu tập bản đồ đánh dấu chi chít những con đường dự định sẽ đi qua. Nhưng hàng núi công việc không tên phục vụ đám con cháu ích kỷ cứ níu chân bà. Đằng đẵng hai mươi năm thêu dệt mộng ước, một buổi đẹp trời, có nắng sáng nhuộm con đường loang ướt thành một dòng sông rờ rỡ, bà ngoại quyết bỏ lại tất cả phía sau, tìm về biển, nơi thân xác của người bạn già đã hóa thành tro.
Chẳng ồn ào, lớn tiếng, con người Nam Bộ hậu hiện đại trong tác phẩm của nữ nhà văn đã lựa chọn thái độ sống tích cực, khỏe khoắn, dâng tặng tất cả những gì có thể cho đời, cho người.
3. Hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ
“Hậu hiện đại vốn không lập thuyết, không muốn trở thành đại tự sự. Thế nhưng, trong quá trình tồn tại và tác động đến mọi mặt đời sống, nó đã để lại dấu ấn nhất định” (6). Trong hành trình thoát khỏi nỗi lo âu mang tên ngoại biên để trở thành trung tâm, con người Nam Bộ hậu hiện đại lựa chọn con đường đi có cội rễ sâu bền, vĩnh cửu nhất. Đó chính là việc không chối bỏ bản năng thầm kín, sự quyết tâm đoạn tuyệt với lầm lỡ, khát khao kiếm tìm cái đẹp.
Con người sinh ra luôn có nhu cầu được sống cho mình, sống đúng là mình. Bản năng thầm kín ấy được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả trong các tác phẩm với cái nhìn nhân bản, ở nhiều góc độ khác nhau. Khi là niềm mơ ước về một tổ ấm gia đình, lúc lại là sự khát khao, ham muốn nhục dục. Những con người Nam Bộ luôn đau đáu về một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc, thứ mà họ lỡ đánh mất hoặc bị đánh cắp. Câu nói ngây thơ của Điền (Cánh đồng bất tận) mới xót xa làm sao: “Phải chi ông già nầy là ông nội mình, thương đỡ chơi, nghen Hai” (7). Sự hằn học của Diễm Thương (Cải ơi): “Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha mẹ mà không thèm, còn tui, người ta quăng ở đây mười tám năm, mà không ai trở lại tìm, tui chờ hoài” (8) thật tội nghiệp. Tất cả đều mong mỏi một bến đậu. Tổ ấm gia đình trở thành đích đến của hành trình sống vốn nhiều nhọc nhằn, đổ vỡ.
Một ham muốn bản năng khác của con người Nam Bộ mà Nguyễn Ngọc Tư quan tâm khai thác là tính dục, “phần bản năng có ý nghĩa quan trọng bậc nhất trong việc quyết định sự tồn tại của con người” (9). Nhà văn chọn viết về những con người có ham muốn rất người, rất đời này vì đó là dạng nhân vật thường có nội tâm “phức tạp, vật vã đấu tranh với bản năng, lý trí, với chính mình, với cái nhìn chật chội của xã hội”, khác kiểu nhân vật đèm đẹp xuất hiện ở giai đoạn sáng tác trước của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể kể đến những người căng tràn sức sống, yêu và sẵn sàng dâng hiến như cô sinh viên (Của ngày đã mất), Bé (Rượu trắng). Cô sinh viên thẳng thắn bày tỏ: “được nằm kế bên thày, thích lắm”, cô cắn vào tay thày, để lại những dấu răng trên da thịt thày. Mười bảy tuổi, Bé tự tay tẩm rượu ấm mềm, mở sẵn cửa chái, lên giường nằm, “mong được người ta ôm xiết một lần, lúc chia tay” (10). Ở Sông, Nguyễn Ngọc Tư còn mạnh dạn viết về nhu cầu xác thịt của những người đồng tính, vốn khác người, luôn “vùng vẫy làm sao để sống như mình muốn, như chính mình” (11). Rời xa Tú, bạn tình đã không còn thuộc về mình, nhưng ký ức các cuộc ái ân vẫn làm Ân bồi hồi. Đi dọc sông Di, Ân nhiều lúc khó kiềm chế được nhu cầu thỏa mãn tình dục. Ân muốn chạm vào gương mặt nhỏ nhắn, thanh tú của Bối, gói nó bằng hai tay. Trong hành trình đến chân, thiện, mỹ với nỗ lực thoát khỏi sự vô tăm, vô tích, con người Nam Bộ hậu hiện đại, trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, chẳng hề ngại ngần phô bày khát khao bản năng thường bị khuất lấp, chối bỏ, góp phần hiển lộ các trạng thái đa dạng và chân thật của đời sống.
Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt quan tâm đến những con người đang cố gắng phản kháng, ngăn cản sự hoành hành của cái xấu, cái ác. Ông già (Hiểu lầm nhỏ về gia tài của cô gái nhỏ) kiếm sống nhờ bọn “giang hồ bệ rạc, du đãng hết thời” nhưng thương thắt ruột, thắt gan đứa con gái xanh, mảnh như nhánh trúc. Hiểu lầm về mất mát mà đứa con gái phải chịu đựng nên trong hoàn cảnh của mình, ông chỉ có thể “hất cái pít tông ngun ngút lửa” vô lòng thằng Giang Hồ Con để “cháy tiêu cái công cụ cưỡng hiếp con gái nhà lành”. Trong khoảnh khắc thiu thiu bên anh Tìm Nội, em (Gió lẻ) nhìn thấy anh Tìm Nội cho xe lao vào ông Buồn đang chậm rãi làm tín hiệu mở đường ở phía trước, đã “ngã người giằng tay anh Tìm Nội và kiệt sức níu chiếc xe trôi nghiêng về phía mình” (12). Hành động của ông già, của em rất nhanh, không so đo tính toán, chẳng màu mè, phô trương. Họ ứng xử theo sự thôi thúc của lương tri, theo tiếng gọi của bản năng hướng thiện nguyên sơ.
Con người Nam Bộ hậu hiện đại trong guồng quay điên đảo của thời cuộc vẫn biết ăn năn, sám hối. Dù là cảm giác day dứt của người cha thấy tuyệt vọng vì mớ kiến thức không đủ để trợ giúp con gái trên trường quay một gameshow (Chuồn chuồn đạp nước) hay những ám ảnh quặn thắt của hai người đàn bà: một “mải đi theo những đường chỉ tay như mê lộ” (13) đã làm thất lạc đứa con trai bé bỏng (Coi tay vào sáng mưa), một gặp gỡ người tình trên cái chòi lá trong cơn vần vũ đất trời, tuyệt vọng nghĩ về trận bão đời sẽ hành hạ, quăng quật các con sau khi sự thật bị phát giác (Một chuyện hẹn hò). Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư không né tránh sai lầm, vấp ngã, vẫn có những khoảng lặng tĩnh tâm, những quyết định bất ngờ nhưng thanh thản. Người cha “nghĩ mông lung, tụi chuồn chuồn đã chơi với mình suốt một tuổi thơ sao không để cho mình thấy, hay là mình đã từng thấy nhưng cuộc sống thành thị khiến mình quên đi” (14). Người mẹ chào giã biệt người tình “nhảy ào xuống nước, nhanh như một cái nháy mắt… bươn bả vẹt sóng, nôn nả về phía bờ lá xa xăm” (15). Chị muốn đoạn tuyệt với xấu xa, lầm lỡ. Chị đã không thể chạm tay vào bờ đất nhưng các con chị có thể được ngẩng đầu. Hành trình hướng thiện cay đắng, gian nan mà ấm áp niềm tin, hy vọng. Đến với cái chân, cái thiện thực chất con người đã đạt đến cái đẹp. Nhưng anh Hai Nam Bộ có chất chịu chơi, phóng khoáng, không thỏa mãn với cái gì hiền hòa, bằng lặng. Nếu Vĩnh (Sầu trên đỉnh Puvan) đã đi gần khắp các châu lục, khám phá bao ngọn núi, dòng sông, vùng đất đẹp nhất, khao khát được xem hoa sầu nở trên đỉnh Puvan thì Tam (Tro tàn rực rỡ) “có khi đứng, khi quỳ, giữ một khoảng cách vừa phải với lửa, say đắm, tê mê ngắm chúng cho đến khi cái lưỡi đỏ khát thèm liếm láp đến mẩu gỗ cuối cùng” (16). Cái đẹp là mục đích sống của Vĩnh, điều anh chờ đợi, chinh phục, giúp anh xóa đi cảm giác trống rỗng. Khi được chiêm ngưỡng những “bông sầu đang chuyển sang phớt tím, trong vắt, hắt sáng lên vùng trời tối tăm mưa gió” anh nghĩ không gì có thể đẹp hơn. Vĩnh thấy mình ngơ ngác, hoang mang, rời rã. Anh chọn cái chết như để bảo toàn cái đẹp. Trong khi đó, ánh sáng lộng lẫy của tro tàn lại làm Tam thấy mình được sống một cuộc đời khác, có ý nghĩa hơn những tháng ngày say xỉn, ngủ vạ vật bên hiên nhà, làm dịu đi những mất mát, tủi hờn vì đứa con đuối nước dòng kinh. Có say sưa đứng ngó mái lá bị lửa ăn rào rào thì Tam mới còn hiện hữu trong câu chuyện kể của bà con xóm Thơm Rơm, mới làm nỗi thèm khát được chồng nhìn thấy của người đàn bà cồn cào, xa xót hơn bao giờ hết. Ở đây, cái đẹp đã là phương cách để tồn tại, là cố gắng tận cùng của nỗ lực không vô tăm vô tích.
Bằng tài năng văn chương thiên bẩm, trái tim giàu trắc ẩn, Nguyễn Ngọc Tư sâu sắc, tinh tế khi viết về những con người Nam Bộ không buông xuôi, luôn nỗ lực thoát khỏi sự vô tăm, vô tích. Nhu cầu được là chính mình, khao khát sống cuộc đời có ý nghĩa, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ luôn dạt dào trong tâm hồn họ. Đó là dòng chảy được khơi nguồn từ thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông, giúp họ không bị bứng khỏi cội rễ, lạc điệu với truyền thống của dân tộc, bản sắc của vùng đất tân lập.
_______________
1. Nhật Chiêu, Thiền và hậu hiện đại, Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.49.
2. Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2011, tr.107-111.
3. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2013, tr.44.
4, 5, 13, 16. Nguyễn Ngọc Tư, Đảo, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2014, tr.12, 11, 68, 140.
6, 9. Lê Huy Bắc, Văn học hậu hiện đại – Lý thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2012, tr.316, 237.
7, 8. Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2011, tr.194, 11.
10. Nguyễn Ngọc Tư, Khói trời lộng lẫy, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2010, tr.118.
11. Nld.com.vn
12, 14, 15. Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2008, tr.171, 25, 122.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : PHẠM THỊ THU THỦY
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài