Con người, nguồn nhân lực và văn hóa là một đề tài kép, nếu chúng ta đọc kỹ Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và bài viết của GS, TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được công bố sau Đại hội (1). Nhìn nhận một cách tổng thể hệ thống đề tài: Con người, nguồn lực về văn hóa đã được nhiều nhà khoa học, các ngành: nhân học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học khảo chứng, biện giải, đánh giá về mặt học thuật và thực tiễn đời sống, một cách tương đối có hệ thống kể từ Đại hội Đảng IX trở đi.
1. Con người là ai?
Một định nghĩa vừa mang tính chất triết học, vừa có ý nghĩa thực tiễn: Con người là kẻ mang trong mình năng lực tổ chức cuộc sống, kẻ sáng tạo ra thiên nhiên thứ hai, sáng tạo ra văn minh, chính bản thân con người là một bộ phận của thiên nhiên, được thiên nhiên tạo nên để giúp thiên nhiên tự nhận thức về mình và cải tạo mình. Con người theo bản tính tự nhiên là nhà sáng tạo; khắp nơi và bằng mọi cách, con người mong muốn đem lại vẻ đẹp cho cuộc đời. Con người đã sáng tạo ra thiên nhiên thứ hai gọi là văn hóa. Tất cả những gì tốt đẹp nhất, có giá trị xã hội đều do con người sáng tạo nên. Con người còn sáng tạo ra Thượng đế, các vị thần – thánh, tưởng tượng các vị thần của mình là đấng toàn trí, toàn năng ban cho loài người khát vọng cao cả: Chân – Thiện – Mỹ. Con người khao khát dùng sức mạnh của mình để làm cho cuộc sống trên trái đất phong phú, công bằng và tốt đẹp.
Nói con người là nói đến nhân dân, kẻ sáng tạo ra mọi giá trị, mà còn là cội nguồn duy nhất và vô tận của những giá trị tinh thần. Một nhà văn hóa bậc thày của văn hóa nhân loại – M.Gorki, coi nhân dân là nhà triết học, nhà thơ đầu tiên kể về thời gian, vẻ đẹp và thiên tài đã sáng tạo ra tất cả những trường ca vĩ đại, những vở bi kịch trên trái đất, mà vĩ đại nhất giữa những tấn bi kịch đó là Lịch sử văn hóa nhân loại. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là hòa hợp, phụ thuộc lẫn nhau, chỉ không có chuyện chống thiên nhiên. Sự khôn ngoan của con người chính là ở chỗ biết làm cho thiên nhiên “ngoan ngoãn” phục vụ con người.
2. Nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển con người
Từ văn kiện các Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX đến Đại hội XIII (2021) đều coi trọng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nói nguồn lực tức là nói nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển con người, là một trong ba khâu đột phá đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ba loại vốn: vốn tự nhiên (rừng, biển, hầm mỏ,…), vốn cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị), vốn người (kỹ năng lao động, tri thức công nghệ, phần mềm máy tính…) thì vốn người là quan trọng nhất. Nguồn nhân lực ở mỗi nước có nội dung khác nhau. Ở phương Tây, nguồn nhân lực là một cấu trúc gồm con người, trí tuệ và đất (Man, Mind, Land). Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, đất chật (chỉ chiếm 0,3% diện tích quả đất), sự lựa chọn của người Nhật là kỹ thuật phương Tây cộng với đạo lý dân tộc. Việt Nam là nước văn hiến, văn hóa Việt Nam là nguồn lực tinh thần của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, cấu trúc của nó có mấy nội dung được coi là điểm tựa của phát triển: những giá trị truyền thống về tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử; những giá trị tiềm ẩn thuộc cấu trúc: nhà, làng, nước. Nói đến nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển con người cần tính đến những thành tựu, những tri thức mới do những phát minh của khoa học và công nghệ hiện đại đem lại. Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng là bốn trụ cột của nền kinh tế trí thức hiện đại. Một ví dụ: máy tính nối với vi mạch bán dẫn silicon, mạch quang học khép kín, kỹ thuật số, lý thuyết mạng đang được máy tính phát triển đến thế hệ máy tính từ điển bách khoa, số lượng máy tính được sản xuất vào năm 2000 gấp trên 4.000 lần so với năm 1990. Dẫu vậy, con người và những nhân tố văn hóa hiện đại vẫn là trung tâm của phát triển, bởi nói như A. Toffler (2), máy tính dù có hiện đại đến đâu cũng có lúc sai vì máy tính do con người làm ra.
3. Con người và chiến lược văn hóa
Nghiên cứu con người khó hơn nghiên cứu những tài liệu viết về con người. Vì sao vậy? Vì cuộc sống xã hội luôn chuyển động về phía trước, con người sống trong xã hội cũng không thể đứng yên, mà phát triển đa dạng, đa chiều. Các nhà khoa học cho rằng, nếu lịch sử loài người là lịch sử con người, thì các khoa học về nhân học phải là trung tâm của: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật… Khái niệm người, con người là một hệ thống tích hợp mang đặc điểm của vũ trụ, sinh học, tâm sinh lý, đặc điểm xã hội phản ảnh: cơ, sinh, xã hội, tâm lý. Cấu trúc con người nói chung và cấu trúc nhân cách nói riêng bao gồm nhiều yếu tố đan xen: tinh thần và vật chất, tâm linh và thể xác, lý tưởng và hiện thực… Vì vậy, việc quan tâm đến khoa học về nhân học cần được nghiên cứu, tổng hợp để tránh sa vào chủ nghĩa duy tâm máy móc, siêu hình. Từ lý luận cơ bản đó, chúng ta mới hiểu thấu đáo con người văn hóa là nguồn lực nội sinh của phát triển.
Chiến lược văn hóa, theo tôi, có ba nội dung cần chú ý:
Một là, Chủ nghĩa Mác và chiến lược văn hóa theo nghĩa rộng là chiến lược về con người. Con người theo nghĩa đen không chỉ là động vật xã hội, mà còn là động vật chỉ có thể trở thành cá nhân trong xã hội. Trong thời kỳ đầu của phong trào Cộng sản quốc tế, do phải tập trung vào đấu tranh giai cấp, Mác chưa đi sâu vào chiều rộng và bề sâu của cá nhân, cá tính con người. Đối với Việt Nam, Đảng ta đã thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Đảng ta nhấn mạnh sâu sắc vấn đề văn hóa và con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và kế thừa tư tưởng đó, ngày nay Đảng ta xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Hai là, con người có trước văn hóa.
Xin lấy ví dụ: Nói đến thời đại Phục hưng trước hết phải có những con người khổng lồ sáng tạo ra một nền văn hóa rực rỡ với tên tuổi của Raphael, Mikenlang, Leonardo da Vinci…
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, chúng ta biết đến những nền văn minh với tên tuổi của Newton, Copernich, Darwin…
Đầu TK XX trở đi, các nhà nhân chủng học, khoa học xã hội đã khám phá ra con người đa diện: sinh học, xã hội, tâm lý, tâm linh…
Ở phương Đông với những nền văn minh, văn hiến đều do các nhà hiền triết kiến tạo nên.
Ba là, con người sáng tạo ra văn hóa, văn hóa và con người. Trong triết lý phát triển, con người xã hội phải là con người với những nhân tố nhân văn, dân chủ, tự đấu tranh để thu hẹp dần những hiện tượng tiêu cực, bản năng, thiếu văn hóa. Đầu tư cho con người có kỹ năng, tri thức bao giờ cũng có lợi cho quốc kế dân sinh. Tri thức, của cải, văn hóa hòa giải có thể coi là tam giác vàng quyền lực của một nhà nước văn minh, tiến bộ.
Trong bài viết: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội là một hướng đi căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa của chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao (3).
Trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nếu chiến lược con người là mục tiêu, thì chiến lược văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Bởi nhân tố con người là chủ thể mọi sự sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất, tinh thần, mọi nền văn minh quốc gia. Tất cả những gì tốt đẹp nhất, có giá trị nhất đều do con người sáng tạo nên được gọi là văn hóa. Con người với tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra, nên mới có đất nước. Đất nước có nền văn hiến, có các bậc anh tài là đất nước văn minh, ngược lại đất nước lạc hậu, chậm tiến, đói nghèo… đều do con người. Ý nghĩa triết học văn hóa ở vốn người, vốn văn hóa dân tộc là ở đó.
Trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn thành tựu của CNXH ở một nước từ chậm phát triển trở thành một nước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại như hôm nay là nhờ sức mạnh của một “tam giác vàng” quyền lực: Con người, nguồn nhân lực và văn hóa dân tộc – hiện đại.
Bốn là, trí thức là tầng lớp người dù đạo đức và tài năng khác nhau, phẩm chất và cống hiến xã hội không giống nhau, nhưng tất cả đều có một lý tưởng chung: phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, có thể nói: Trí thức là linh hồn của văn hóa dân tộc. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, giới trí thức khoa học, văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã quả quyết: “Phi trí bất hưng”. Để giúp trí thức văn nghệ sĩ thực hiện ba điều cốt lõi “đức, tài, công”, cũng là ba nhiệm vụ lâu dài, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hữu quan về văn hóa, văn nghệ và đội ngũ các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ cần lấy việc quy tụ tài năng làm trọng, mà việc phát hiện, sử dụng, bảo vệ hiền năng là những hằng số, còn việc xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức, đãi ngộ, chế độ nhuận bút, kinh phí đầu tư sáng tác… được coi là những biên số, bởi chúng cần được thay đổi tùy theo giai đoạn lịch sử.
Không phải ai cũng có thể phát hiện tài năng, phải là người hữu đức, hữu tài mới có sức cảm hóa, thu hút nhân tài. Thời phong kiến, các vua đời Nguyễn rất quan tâm đến việc chiêu tập hiền tài. Vua Minh Mạng lo lắng khi nhân tài chưa được quy tụ đã hỏi các đình thần: “Trẫm lo chấn hưng văn giáo mà nhân tài ít thế?”. Tự Đức viết: “Nhân tài là cội gốc để làm chính sự, muốn chỉnh lý chính sự tất phải cần nhân tài”. Trước đó, vua Thiệu Trị đã ban hành dụ: “Cần tìm người ẩn dật, sơ sót người hiền ở chốn thôn quê”. Đủ biết việc cai trị dân thời nào cũng vậy, đều lấy việc dùng hiền tài làm gốc. Thời hiện đại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo cấp cao có ý thường trực phát hiện tài năng. Đến với giới trí thức, văn nghệ sĩ, ông thường nhắc đến đầu tiên là phải tạo cho từng người có cái gì đó riêng, một cá tính sáng tạo, một bản lĩnh nghệ thuật, một phong cách độc đáo, bởi nghệ thuật không phải là sự sản xuất hàng loạt.
Chính sách xây dựng nguồn nhân lực ở nước ta trong thời bình cũng như trong thời chiến đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận: quy tụ, phát hiện tài năng, tôn trọng hiền tài: Khoa học giáo dục (GS Tạ Quang Bửu); Y học (GS Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ); Triết học (Trần Đức Thảo); Văn học (Đặng Thái Mai và nhiều hiền nhân khác)… Dù là nhà khoa học thì ai cũng nhắc đến Descartes – người đặt nền móng cho khoa học (tự nhiên và xã hội) từ TK XVIII đến ngày nay. Descartes là nhà toán học, vật lý học, triết học nổi tiếng ở Pháp. Ông là người báo hiệu thời đại mới, người chủ thuyết có ảnh hưởng tầm quốc tế nhờ thuyết duy lý – thực tiễn, xây dựng nền móng vững chắc theo tinh thần khoa học hiện đại. Nhờ đó mà khoa học – văn hóa thoát khỏi cảnh tù hãm từ nhiều thế kỷ trong bốn bức tường của giáo hội. Văn minh châu Âu từ TK XVIII, mặt nào cũng có những thành tựu rực rỡ là nhờ công trình đồ sộ: Bàn về phương pháp luận của Descartes. Phương Tây kêu gọi khoa học phải nổi dậy theo luận thuyết: Tư duy là tiếng nói để tìm chân lý. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Sự tranh biện để tìm ra ánh sáng”. Từ tư duy thực nghiệm người ta phải chú ý đến lôgic và toán học. Nó cho hai giá trị: cái đúng và cái sai, nay thêm một giá trị nữa là: xác xuất. Từ đây, khoa học xâm nhập vào các ngành nghiên cứu nhân văn như lịch sử, văn học, xã hội học, tâm lý học và văn học, nghệ thuật… Duy lý và thực tiễn chính là triết học phát triển trong thời đại chúng ta, trong đó có thể đã và đang ứng dụng vào quy trình quy tụ và bảo vệ tài năng là một hằng số trong hệ thống xây dựng nguồn lực con người.
________________
1, 3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa ở Việt Nam, nhandan.vn, 2021.
2. Alvin Toffler (1928 -2016), Nhà tương lai học người Mỹ với công trình Thăng trầm quyền lực và những công trình nghiên cứu dự báo tương lai của toàn cầu, được giới khoa học nhiều nước chú ý
GS, VS HỒ SĨ VỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng