Con trâu trong dòng chảy văn hóa việt


 

Trong mười hai con giáp, trâu là loài vật thiết thân, gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam suốt trường kỳ lịch sử. Chẳng rõ con trâu trước bạ trên địa dư trái đất từ bao giờ, chỉ biết các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch trâu có niên đại cách nay hàng chục vạn năm trên các hang động ở miền Bắc nước ta: Thẩm Khuyên, Phai Vệ… Trong các di tích thuộc văn hóa Hòa Bình (cách nay trên dưới một vạn năm), người ta cũng thấy xương trâu bò được các bậc tiền nhân gửi lại. Và cách nay 5.000 – 6.000 năm thì con trâu bắt đầu được thuần phục, nuôi dưỡng cùng với sự ra đời của nền nông nghiệp lúa nước (Trần Quốc Vượng). Lần giở tập đại thành Kho tàng tục ngữ người Việt 3.000 trang khổ lớn (16.098 câu), có hơn 100 đơn vị câu nói về loài vật này. Quan trọng hơn, từ những tục ngữ trâu ấy là biết bao lắng đọng, kết tinh về đường ăn nét ở, thế thái nhân tình, nhẹ nhàng, sâu sắc mà thấm thía.

Với cư dân nông nghiệp xưa, con trâu là cả một khối tài sản vật chất khổng lồ – đầu cơ nghiệp. Thật không gì quý hóa và ý nghĩa như trâu đối với nông dân. Thậm chí, ngay cả những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũng xem trâu là “thước đo” của sự giàu sang sung túc. Ai quên được hình ảnh gã phú ông giàu nứt đố đổ vách khoe mình có ba bò chín trâu trong bài ca dao về thằng Bờm? Bên cạnh cưới vợ, làm nhà thì tậu trâu rõ ràng là việc lớn đối với mỗi gia đình. Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng tuy nói về hạnh phúc của các cặp vợ chồng trẻ lần đầu được làm cha làm mẹ nhưng gián tiếp cho chúng ta biết quan niệm về sự giàu có. Chính vì vậy, người xưa nhắc nhở: Sai con toán bán con trâu – làm ăn, buôn bán không cẩn thận phải bán cả cơ nghiệp, chẳng phải chuyện đùa.

Trâu chết để da, người chết để tiếng là lời răn dạy nhẹ nhàng của người xưa: đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn nên giữ gìn lấy cốt cách, phẩm hạnh. Trâu, dê lúc chết tế ruồi, Sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn để lại bài học về cách ứng xử sao cho hài hòa, êm đẹp. Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được ngày giỗ ông chứa đựng niềm hạnh phúc hiếm hoi no đủ khi con cháu tưởng nhớ ông bà. Quan hệ mua bán sòng phẳng có: Trâu trao trạc (thừng), bạc trao tay. Trâu buộc thì ghét trâu ăn, Quan võ thì ghét quan văn dài quần nói về sự ganh ghét nhỏ nhen, đố kỵ tầm thường thời nào cũng tồn tại. Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết chính là nỗi oan gia mà người dân thấp cổ bé họng thường bị cuốn theo. Những ai bị nhiều tầng bóc lột có thể thấy mình qua hình ảnh: Voi đạp cũng chết, trâu đạp cũng chết; Trâu chậm uống nước đục hay Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo là hiện thực không mấy dễ chịu luôn diễn ra trong cuộc chiến giành sự sống giữa đời thường. Trâu đẻ tháng mười, người đẻ tháng sáu đem lại niềm vui không trọn vẹn, chẳng đúng lúc (tháng mười và tháng sáu là hai tháng bận rộn gặt hái nhất của nhà nông). Kẻ hợm mình về học vấn có thể soi gương qua câu thành ngữ: Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò dốt. Với hình ảnh “trâu” và “cỏ”, người xưa bộc lộ quan niệm hôn nhân trong nội bộ làng xã – o bế, khép kín (đến nay không còn phù hợp): Trâu ta ăn cỏ đồng ta, Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm; Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy… Những cuộc hôn nhân kiểu này, sự chủ động chỉ có ở một phía bởi suy nghĩ: Trâu dắt đến cọc, cọc chẳng dắt đến trâu. Người mải mê kén chọn nhân duyên hẳn có lúc giật mình: Trâu quá sá, mạ quá thì. Người tuổi cầm tinh con trâu, thường tự cho mình vất vả, phải Kéo cày trả nợ

Cũng không phải ngẫu nhiên, hình ảnh “trâu” luôn hiện lên trong sự đối sánh với “bò”: chúng tương đồng về vóc dáng, khối lượng công việc phải đảm nhiệm nhưng sức lực lại nhiều khác biệt: Yếu trâu hơn khỏe bò; Trâu ho hơn bò rống. Và dân gian có cả một núi tri thức để chọn giống, xem tướng trâu bò. Trâu cổ cò, bò cổ giải là cách tìm trâu bò khỏe: trâu cổ tròn, dài; bò cổ ngắn, có ngấn (như cổ con giải). Trâu dắt ra (đồng), bò dắt vào (chuồng) cho kinh nghiệm chọn trâu bò siêng năng. Trâu to ngà (sừng) càng già đường kéo; Trâu khỏe chẳng lọ cày trưa, Mạ già ruộng ngấu không lo bạn điền. Trẻ mục đồng phải thuộc bài học vỡ lòng: trâu dong, bò dắt (vì bò hay đá hậu). Trâu hoa tai, bò gai sừng; Trâu mõm đen, bò lưỡi trắng chỉ loại trâu bò yếu, hết sức cày (tai nhiều lông, sừng xù xì) hoặc không ra gì. Tệ hơn nữa là Trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt (lưỡi trắng) hay Trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy – theo quan niệm duy tâm, trâu bò loại này thường báo điềm không hay cho gia chủ.

Bên cạnh tục ngữ thì ca dao người Việt xưa cũng có những dòng thật xứng đáng về trâu. Này là lời nhắn gửi thiết tha, ân tình sâu nặng của nhà nông với bạn đồng hành chung thủy: Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta, Cấy cày vốn nghiệp nông gia, Ta đây, trâu đấy ai mà quản công, Bao giờ cây lúa còn bông, Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn… Này là bức tranh quê đặc sắc, hàm chứa những giá trị văn hóa vĩnh hằng: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa. Còn có thể nói gì hơn về câu ca dao ấy? Tuy không đến độ “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” nhưng mọi người đều cảm nhận được đằng sau vẻ đẹp lao động thanh bình, hạnh phúc kia là bao cực nhọc, vất vả. Và điều đáng nói hơn, con trâu hiện lên bình đẳng với người như một chủ thể lao động không thể bỏ sót.

Từ dòng chảy văn hóa dân gian, hình tượng con trâu còn đường hoàng đi vào văn chương bác học. Thơ Tam nguyên Yên Đổ có: Trâu già gốc bụi phì hơi nắng, Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người; thơ Bà Huyện Thanh Quan lúc “chiều hôm nhớ nhà” còn đây hình ảnh: Gõ sừng mục tử lại cô thôn. Cũng chính người nữ sĩ tài danh đất Bắc ấy vì quá “nể nang” từng “vượt rào” mà “bút phê” vào đơn xin thịt trâu của một cống sinh (sau khi thi đỗ) rằng: Người ta thì chẳng được đâu, Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm bởi xưa mổ trâu là việc hệ trọng, có thể gây hậu quả xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Trong đời sống nghệ thuật truyền thống, hơn 3.000 năm trước, tượng trâu nghệ thuật bằng đất nung từng xuất hiện trong các di chỉ văn hóa Đồng Đậu. Trâu “có mặt” trong điêu khắc gỗ đình làng TK XVII-XVIII; trong bức tranh tứ bình ngư – tiều – canh – mục đặc sắc với hình em bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo. Chúng ta còn thấy trâu được chạm khắc trên bề mặt trống đồng (trống Vĩnh Hùng). Ngoài ra, trâu là vật hiến sinh quen thuộc trong nghi lễ nông nghiệp; có cả một lễ hội đâm trâu tồn tại đến ngày nay ở vùng đất nóc nhà Đông Dương (Tây Nguyên) liên quan tới phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào người Thượng. Tại Đồ Sơn (Hải Phòng), hội chọi trâu đã trở thành điểm sáng văn hóa có sức hấp dẫn lớn với du khách gần xa: Dù ai buôn đâu bán đâu, Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về, Dù ai buôn bán trăm nghề, Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, chọi trâu là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ trăng (sừng trâu gợi hình ảnh trăng lưỡi liềm), biểu tượng của xung lực vũ trụ. Chọi trâu hàng năm là để tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của trời – đất – người.

Thời hiện đại, trâu không hề vắng bóng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Lúc bị giam cầm trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, giải tới giải lui suốt mười ba huyện ở Quảng Tây, Hồ Chủ tịch không khỏi ngậm ngùi: Trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do, mỗi việc một lời không tự chủ, để cho người dắt tựa trâu bò. Bị đày ải trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Người vẫn thu vào tầm mắt cảnh thôn quê bình dị: Chùa xa chuông giục người nhanh bước, trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay.

Hai nhà văn Trần Tiêu, Nguyên Văn Bổng dù mang nhân sinh quan, thế giới quan khác nhau, có sự cách biệt của hai thời đại, hai thế giới nghệ thuật (trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945), đều có tiểu thuyết cùng tên Con trâu. Đến hôm nay, dẫu hai tác phẩm này đã hết sứ mệnh lịch sử, lùi vào quá vãng thì người ta vẫn không thể phủ nhận: con trâu từng là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn đối với nhiều thế hệ cầm bút. Cũng không thể không nhắc tới ở đây những vần thơ có sức mạnh đi qua thời gian: Ai bảo chăn trâu là khổ?, tôi mơ màng nghe chim hót trên cao (Giang Nam); Mình về ta gửi về quê, thuyền nâu, trâu mộng với bè nứa mai Trâu về xanh lại Thái Bình, nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi (Tố Hữu). Quả thực, “chính con trâu tự nó đạt tới biểu tượng của nền văn hóa, đã giúp cho nhà văn, nhà thơ biết thi vị hóa, đem lại chất lãng mạn cho văn chương” (Đào Thản). Con trâu từ chỗ là tư liệu sản xuất nông nghiệp hiện thực vụt biến thành biểu tượng của sự sống đâm chồi nảy lộc trở lại sau chín năm kháng chiến gian khổ. Rồi giữa những ngày dân tộc sục sôi đánh Mỹ, trâu lại đi vào trang văn Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành với hiệu quả thẩm mỹ lớn – hiện thân cho hồn cốt quê hương, dáng hình xứ sở – phải yêu thương và bảo vệ: Trên cánh đồng xưa, cha ta ngày đêm kéo cày gãi đất và con trâu cũng lầm lụi như người

Còn nhiều, nhiều nữa những con trâu thơ hiện lên như tín hiệu nghệ thuật nhấp nháy, đầy suy tư, trăn trở. Thi sĩ Chế Lan Viên mượn cờ lau, mượn con trâu ra trận của Đinh Bộ Lĩnh nghìn năm trước mà khắc khoải: Lòng ta mục đồng, cũng đi chăn đấy; Con trâu nghé ọ, có cặp sừng bỡ ngỡ, chiều buồn không biết cọ vào đâu. Trâu gắn với kỷ niệm một thời mực tím: Thướt tha áo trắng nói cười, để ta thương nhớ một thời áo nâu, tóc hoe hoe cháy trên đầu, ta và bạn gái cưỡi trâu học bài (Nguyễn Duy). Trâu là “chứng chỉ” để thi nhân bước vào làng thơ: Chăn trâu đốt lửa trên đồng, rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều, mải mê đuổi một con diều, củ khoai nướng để cả chiều thành tro (Đồng Đức Bốn)…

Gần đây hơn, khi đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào năm 2003, các nhà tổ chức Việt Nam đã chọn trâu vàng làm linh vật. Phải nói, sự lựa chọn này khôn ngoan, không có gì sai – cũng chẳng loài vật nào sáng giá hơn trâu… nhưng cách thể hiện hình trâu rất gây phản cảm: đầu trâu, thân người dễ khiến người xem liên tưởng đến một vài câu thành ngữ mà trâu không còn là… trâu nữa: Đầu trâu mặt ngựa, Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã hay Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi (Nguyễn Du). Xin được nói thêm, các biểu tượng văn hóa thế giới như con nhân sư, nàng tiên cá đều có mặt người, mình thú.

Ngày nay ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa tác động mạnh mẽ đến muôn mặt đời sống đất nước. Tại các vùng nông thôn, ngày càng ít dần đi hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau; nhiều nơi, nông dân có máy móc – thiết bị tốt “làm trâu cho người”… nhưng chắc chắn, con trâu chưa hết vai trò lịch sử, đã, đang và vẫn là thành tố cơ bản của văn hóa Việt Nam. Nói đến văn hóa xứ sở, đến hiện đại từ truyền thống mà không nhắc tới con trâu là một thiếu sót lớn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Hà Đan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *