Ở Đông phương, xét chi li cội nguồn từ hình chữ đến điển tích, thì chữ ngưu (trâu) gộp vào thành những câu hoặc những thuật ngữ không đẹp như: “Ngưu đầu mã điện” (đầu trâu mặt ngựa)… chỉ với số lượng rất hạn chế. Về cơ bản, bản thân nó chủ yếu gắn với rất nhiều cái hay, cái đẹp. Như câu cổ ngữ: Ngưu giấc quải thư chỉ điển Lý Mật vừa cưỡi trâu vừa đọc sách, thường treo sách ở đầu sừng trâu. Điển này tương ứng với hình chữ: một bên là chữ giác (sừng), một bên là chữ ngưu gộp thành chữ giải. Cho nên trong thi Hương thời xưa, người đỗ đầu gọi là “giải nguyên” (đứng trên hết mọi cử nhân). Từ đó, hình ảnh trâu (trước tiên là sừng trâu) gắn với người học vấn. Không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian Trung Quốc và Việt Nam thường truyền tụng những người lỗi lạc như Ninh Thích (đời Tề Hoàn Công), Đào Duy Từ (đời chúa Nguyễn nước ta) đã gõ vào sừng trâu làm bài ca tỏ chí phò dân giúp nước của mình. Tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn đời Trần cho rằng mình “tuổi trẻ đã có chí nuốt trâu”. Song không chỉ nói riêng mình, tả cái khác các bậc trí tuệ cũng dùng hình ảnh trâu. Phạm Ngũ Lão viết câu thơ hùng hồn: “Ba quân hùng hổ nuốt sao ngưu”, Hồ Chủ tịch viết vần thơ đầy hào khí: “Quân hùng khí mạnh rung ngưu đẩu”…
Gắn với học vấn, nên hình ảnh trâu càng gắn với những suy ngẫm triết lý về những vấn đề thiết yếu trong đời sống. Như câu: “Cát kê yên dụng ngưu đao” (cắt tiết gà sao dùng dao mổ trâu) gắn với vấn đề sử dụng người tài phải đúng chỗ. Hoặc vấn đề hòa bình: trong bài phú của Phan Bội Châu có câu: “Phóng ngưu Đào Lâm dã”, lấy điển trong Kinh thư: khi Chu Võ Vương đánh Thương Trụ xong đem trâu kéo thả ở cánh đồng Đào Lâm, tỏ cho thiên hạ biết không còn dùng võ khí chiến tranh nữa. Hoặc truyền thuyết thay mới: Khi vua Lý Thái Tông mới sinh, ở Trường Yên có con trâu nhà thay sừng mới, người giỏi chiêm nghiệm đoán sẽ có sự canh tân, nó thể hiện ước mơ đổi mới của nhân dân…
Hình ảnh trâu còn gắn với quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có câu thơ: “Than ôi, trâu xanh qua Tây quan” là xuất phát từ sách Quan trung ký: chỉ Lão Tử cưỡi trâu chu du phương Tây tỏ rõ Đạo giáo đã lan tràn đến đấy. Trong các bài kệ, các truyện ngụ ngôn Phật giáo của nước Trung Quốc, Ấn Độ, hình ảnh trâu cũng hiện lên, thể hiện những suy nghĩ như truyện ngụ ngôn Ấn Độ Giết cả đàn trâu nhằm phản ánh việc phật tử xuất gia, chỉ sơ ý phạm một giới điều, đã không sám hối lại còn phá giới thêm. Người tu hành như thế khác nào kẻ giết trâu.
Gắn với tôn giáo, trâu không thể không gắn với lễ hội, vũ nhạc cổ truyền. Sách Chu Lễ của Trung Quốc nói về “đốt lửa thui trâu” để cầu thần. Sách Lã Thị xuân thu của họ chép về ca nhạc đời Cát Thiên Thị (một vua đời Nguyên thủy) có ghi bộ múa là “bát sĩ tróc ngưu” (8 lực sĩ bắt trâu).
Ở Trung Quốc cũng như ở nước ta xưa kia phổ biến lễ tiến xuân ngưu (lễ dâng trâu mùa xuân) vào ngày lập xuân, nhằm đuổi khí lạnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mạ xanh lúa tốt. Nó càng thể hiện rõ con trâu có vai trò đặc biệt trong nông nghiệp. Vị trí của trâu ngày càng tỏ rõ. Điều này ăn khớp với lịch sử văn hóa vật chất nước ta. Như kết quả khảo cổ đã thống kê được ở giai đoạn văn hóa Gò Mun xương trâu bò nhà đã chiếm tỷ lệ 38,7%, đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn, ở Đình Chàng xương ấy đã tăng lên 68,7% so với toàn bộ xương răng của các gia súc khác. Sách Tiền Hán thư chép rằng người Lạc Việt có 5 giống gia súc, trong đó trâu xếp hàng đầu. Từ đó đến nay, ở nước ta ngày càng thấm thía câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nước ta đã xuất hiện những vùng nuôi trâu nổi tiếng như làng Yên Mỹ thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) với câu tục ngữ: “Lúa đồng Ngâu, trâu Yên Mỹ”…
Để phục vụ cho nền văn minh Đông phương, trong đó có nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam ấy, từ xưa ở các nước Đông phương đã tích lũy, hệ thống hóa thành tri thức nhiều ngành chuyên môn như hội họa, y học, quân sự, thiên văn, pháp luật mà trong đó hình ảnh con trâu rất đậm nét.
Về hội họa: Tranh dân gian Đông Hồ về chọi trâu sắc nét, thể hiện tinh thần thượng võ, trí tuệ minh triết của người Việt. Đặc biệt là bức tranh chăn trâu với hình ảnh một chú bé ngồi đè lên những bông sen trên lưng trâu, đang say sưa thả hồn theo tiếng sáo mình thổi. Trên đầu chú bé là một chiếc lá sen được cường điệu lớn hơn bình thường nhưng vẫn hài hòa cân đối, phù hợp với hai câu thơ ghi trên tranh: “Hà diệp cái thanh thanh” (lá sen che màu xanh xanh) và “Thiên thanh lộng suy dịch” (trời xanh lồng lộng trong tiếng sáo thổi). Hình tượng lá sen che trên đầu chú bé như hình tượng cây nêu, biểu tượng của thái cực. Đấy là sự vươn lên để hòa nhập tát cả với thiên nhiên, đạt tới bản thể tạo hóa. Khi tâm hồn con người thanh thản vô tư như trẻ nhỏ thả hồn trong tiếng sáo thì người ấy sẽ bao trùm cả trời xanh, hòa nhập vào vũ trụ. Hình tượng thoát tục của bức tranh này gần gũi với nhân sinh quan đạo giáo, vừa thể hiện tính minh triết Phật giáo gắn với quan niệm minh triết có từ thời văn hóa Lạc Việt. Tranh Đông Hồ còn có hình tượng “Nhất tướng phúc lộc điền”. Tính nhân bản của bức tranh này là sự thể hiện trực tiếp ước mơ về sự giàu đủ vườn ruộng phúc lộc của con người. Chiếc nón trên đầu chú bé bay lên cao như sự vươn lên của trí tuệ, gắn với chú ngồi vững trên mình trâu thể hiện sự chế ngự được bản ngã. Rõ ràng, hội họa về trâu ở nước ta vừa đẹp đẽ về nghệ thuật, vừa đẹp đẽ về ý nghĩa minh triết.
Về y học: Lĩnh Nam bản thảo của Lê Hữu Trác cho rằng thịt trâu là một loại thức ăn có giá trị, bổ. Tác phẩm ấy tổng kết hàng loạt vị thuốc cổ truyền lấy từ thịt, sừng, tai, da tới răng trâu.
Về quân sự: Điền Đan ở Trung Hoa thời cổ đại đã dùng chiến thuật “Đốt lửa đuôi trâu” để đánh bại kẻ thù. Thực tiễn sinh động ấy, đã được các sách binh pháp Đông phương tổng kết. Trong Hổ tướng khu cơ, Đào Duy Từ danh tướng nổi tiếng của chúa Nguyễn ở miền Nam nước ta có nói đến “Ngưu trận”. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã dùng cách đánh đó trong Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong chiến tranh, trâu đã được sử dụng một cách linh hoạt như ở trận Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn cưỡi voi qua sông, voi sa lầy, ông đã dùng trâu thay thế. Năm 1623, tướng Nguyễn Cửu Kiều nhận mật thư và bảo ấn của phi chúa Trịnh Tráng là Ngọc Tú trốn vào Nam, quân Trịnh ở đằng sau đuổi theo rất gấp, ông nhờ cưỡi trâu vượt sông mà thoát nạn.
Về thiên văn: Người ta hay nói tới Ngưu đẩu là hai ngôi sao trong nhị thập bát tú. “Ngưu nữ” là hai vì sao Khiên Ngưu và Chức Nữ, gắn với chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ nổi tiếng ở phương Đông. Những tri thức thiên văn ấy phục vụ trực tiếp cho đời sống nông nghiệp, đúng như thơ của Đặng Huy Trứ, nhà canh tân thời Tự Đức:
Huyền Vũ chân tinh kiện khí chung
Điền viên canh tác hệ tam nông
(Cái thần khí của ngôi sao Ngưu (trâu) chung đúc lại, quan hệ đến việc cày cấy của ba vùng).
Những câu này rút trong bài Cấm giết trâu, thể hiện pháp luật thời Nguyễn.
Về pháp luật: Từ lâu ở Đông phương đã có những luật lệ cấm mổ trâu. Ví dụ như ở nước ta, dưới triều Lý Nhân Tông đã có những luật lệnh cấm mổ trâu, xử phạt bọn mổ trâu. (Bà Ỷ Lan, mẹ Nhân Tông rất chú ý tới luật này). Lý Anh Tông đã xuống chiếu cho 3 nhà hợp làm một “bảo” để bảo vệ trâu. Hồ Hán Thương cho phép dân ai nộp trâu sẽ cho tước phẩm… Ngoài luật còn có lệ, có những làng như làng Yên Mỹ, Thanh Trì cả làng không ăn thịt trâu… Manh hơn, phong phú hơn có khi “phép vua thua lệ làng” tạo ra nhiều bản sắc riêng của các làng. Triều đình không tự đặt ra luật lệ, không tự phong thần cho người gắn với lệ tục mà chỉ tiến hành, chỉ đi theo khi những thứ đó đã có ở các địa phương. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: Ở chân núi xã Đồ Sơn huyện Nghi Dương có đền thờ thủy thần. Tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền thấy hai con trâu đang chọi nhau nên hàng năm lấy ngày mùng 10 tháng 8 chọi trâu để tế thần. Lịch triều phong tặng Điểm Tước đại vương. Nhưng dân lại linh hoạt ca rằng:
Dù ai buôn bán đâu đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Với những dân tộc ít người ở xa xôi hiểm trở, triều đình càng khó can thiệp thì những lệ tục của dân ở đấy càng có điều kiện tỏ rõ nét riêng, phong phú sinh động như lễ hội đâm trâu của người Cor ở Trà Bồng (Quảng Ngãi)… Lễ hội này chứa đựng tín ngưỡng cổ truyền của chính dân Cor không gì có thể trộn lẫn, ngăn trở từ phía trên nên những tục lệ, chủ yếu là những mĩ tục vẫn được lưu truyền nhiều đời đến nay.
Chứng tỏ, trong nền văn hóa Đông phương hình ảnh trâu hiện lên thật sâu đậm. Có thể mượn hai câu thơ cũ để kết thúc bài này:
Đông phương văn vật hữu hình ngưu,
Xuân lực ba lan bút diễm kiều
(Đông phương văn vật rõ hình trâu
Sức xuân tràn sóng bút đẹp màu).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009
Tác giả : Đinh Công Vĩ
Bài viết cùng chủ đề:
Vật tổ, câu chuyện một ảo ảnh khoa học
Vận dụng quan điểm hồ chí minh về xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị
Hoa đào – một biểu tượng xuyên văn hóa