Cộng đồng các dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch ở sapa

Dựa trên kết quả điều tra nghiên cứu thực hiện tại một số điểm du lịch cộng đồng ở Sa Pa với mẫu khảo sát bằng bảng hỏi định lượng gồm 200 người, cùng 20 phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và quan sát trực tiếp, bài viết tìm hiểu thực trạng vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trong hoạt động du lịch thể hiện trong 3 chiều cạnh chính: cộng đồng trong vai trò bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên, là chủ thể nguồn tài nguyên văn hóa, là nguồn cung cấp nhân lực chính. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung tìm hiểu sự tham gia của cộng đồng với vai trò là nguồn cung cấp nhân lực chính cho du lịch như: hướng dẫn du khách, vận chuyển hàng hóa, cung cấp nhà nghỉ lưu trú, cung cấp dịch vụ biểu diễn văn nghệ, các sản phẩm thủ công truyền thống, nông sản và các sản phẩm phụ trợ khác, đồng thời xem xét thực trạng tham gia quản lý của cộng đồng trong hoạt động du lịch hiện nay.

1. Sự tham gia của cộng đồng DTTS trong hoạt động du lịch ở Sa Pa

Tham gia dịch vụ vận chuyển và hướng dẫn du khách

Ở Sa Pa, cộng đồng các DTTS chính là người am hiểu cách thức di chuyển, cảnh đẹp tự nhiên của điểm du lịch, đặc trưng văn hóa tộc người, vì vậy họ được xem là những hướng dẫn viên lý tưởng cho du khách. Một số tộc người có khả năng ngoại ngữ tốt như Hmông, Dao ở Cát Cát, Tả Van… đã tham gia kinh doanh du lịch. Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu tại bản Cát Cát và Tả Van, đa phần du khách nước ngoài đều lựa chọn hướng dẫn viên là người địa phương, chủ yếu là phụ nữ người Hmông, Dao, thay vì hướng dẫn viên chuyên nghiệp của công ty lữ hành.

Kết quả phỏng vấn sâu ở Sa Pa cho thấy, các hướng dẫn viên cộng đồng ở Sa Pa đều tham gia các khóa tập huấn và được cấp thẻ thuyết minh viên. Theo thống kê của Phòng Văn hóa huyện Sa Pa, hiện bản Cát Cát có 5 hướng dẫn viên người Hmông chuyên nghiệp, Lao Chải có 12 hướng dẫn viên, xã Hầu Thào có 7 người… Điều này đã khẳng định thêm vai trò quan trọng không thể thay thế của cư dân bản địa trong việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn để phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, bản.

Bên cạnh hướng dẫn viên, các tộc người ở  Sa Pa còn cung cấp lực lượng lao động chính cho việc vận chuyển khách tại nhiều điểm du lịch trong vùng. Hoạt động này chủ yếu là do nam giới đảm nhiệm. Nhóm xe ôm ở thị trấn Sa Pa phần lớn là người Hmông ở các thôn xung quanh thị trấn như Cát Cát, Sín Chải thường được du khách thuê nhiều hơn do họ tương đối thật thà và tính giá thường rẻ hơn xe ôm người Kinh. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi cho thấy, có 19% số người được hỏi cho biết có tham gia dịch vụ vận chuyển khách tới các điểm du lịch tại Sa Pa. Theo anh Má A Tráng (người làm nghề xe ôm tại Sa Pa), du khách có thể thuê xe máy tại các khách sạn, nhà nghỉ rồi tự đi đến các điểm du lịch hoặc thuê xe ôm. Giá thuê xe ở Sa Pa thời điểm 2016, trung bình là từ 80 đến 200 đồng/xe máy, tùy theo từng loại xe. Nếu thuê xe ôm, khách sẽ phải trả thêm từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày, hoặc dựa theo từng điểm du khách đến (gần hay xa) mà tính tiền.

Ngoài dịch vụ xe ôm, nam giới người DTTS còn làm nghề vận chuyển đồ đạc cho khách du lịch lên khám phá và chinh phục đỉnh Fansipan. Với loại hình dịch vụ này, số người tham gia hoạt động thường không nhiều và chỉ có ở vài xã như San Sả Hồ và Tả Van. Họ thường được thuê trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chủ khách sạn, những người kinh doanh nhà hàng hoặc hướng dẫn viên du lịch để làm công việc dẫn đường và khuân vác đồ cho du khách. Theo chị Mai (lễ tân khách sạn Victoria Sa Pa), thu nhập trung bình của họ là 150.000-200.000 đồng/ngày, mỗi chuyến đi khoảng 4 – 5 ngày.

Trong việc cung cấp dịch vụ lưu trú cho du khách

Cung cấp dịch vụ ăn nghỉ cho khách tại gia là một trong những dịch vụ chiếm vai trò chính trong việc tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch ở Sa Pa hiện nay. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi tại Sa Pa cho thấy, có 27% số người được hỏi cho biết họ có tham gia dịch vụ cung cấp chỗ ở cho du khách. Hầu hết các gia đình này đều kinh doanh thêm đồ lưu niệm và phục vụ ăn uống cho du khách.

Năm 2008, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), huyện Sa Pa đã chọn bản Cát Cát là một trong hai địa phương tham gia xây dựng thí điểm Dự án Hỗ trợ du lịch bền vững. Cùng với chương trình Biến di sản thành tài sản mỗi cộng đồng, mỗi làng bản có một sản phẩm mang tính đặc trưng giúp người dân xóa đói giảm nghèo của Sở VHTTDL Lào Cai, bản Cát Cát được xây dựng trở thành một trong 13 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh. Nhờ các dự án trên, đồng bào Hmông ở Cát Cát được hướng dẫn các hoạt động đón tiếp, bố trí nơi nghỉ cho du khách có nhu cầu tham quan du lịch, khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con ở địa phương; đồng thời dự án còn hướng dẫn người dân làm du lịch một cách bài bản như vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đón khách, kỹ năng giao tiếp…

Ở xã Tả Phìn, nhiều hộ gia đình người Dao tu sửa nhà ở trở thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách. Nếu như năm 2005, ở xã Tả Phìn chỉ có 2 gia đình tu sửa nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng, thì đến 2009 đã có 11 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Hiện nay, số gia đình làm homestay ở đây là 12 hộ. Ở Nậm Cang, Bản Hồ, Nậm Sài cũng có nhiều hộ xây dựng nhà mới hoặc tu sửa nhà cũ trở thành nhà nghỉ cộng đồng. Các ngôi nhà này đều giữ kiến trúc, khuôn viên, mặt bằng, kết cấu bên trong giống như ngôi nhà cổ truyền, nhưng làm thêm 1, 2 gian ở phía trước cửa nhà làm nhà nghỉ cho du khách. Các phòng nghỉ ở đây đều bố trí theo kiểu nhà nghỉ bình dân, có tủ, bàn ghế, ti vi và có công trình vệ sinh khép kín. Tuy nhiên, vật liệu xây dựng đều là những vật liệu truyền thống gỗ, tre, không sử dụng các vật liệu hiện đại như xi măng, gạch, ngói. Nhờ vậy, số lượng du khách nghỉ tại nhà của người Dao tăng nhanh. Năm 2005 mới có 200 du khách nghỉ tại các nhà nghỉ cộng đồng ở Tả Phìn, đến năm 2015 con số khách nghỉ tại đây là 2.052 người. Ở Nậm Cang, Bản Hồ, Giàng Tà Chải tuy  xa trung tâm huyện lỵ nhưng số du khách nghỉ tại đây cũng tăng nhanh. Bình quân mỗi nhà nghỉ ở các vùng này hàng năm cũng đón từ 300 – 500 lượt du khách.

Tại bản Tả Van Giáy, xã Tả Van hiện có 48 gia đình kinh doanh lưu trú. Theo anh Hà, chủ một homestay lớn nhất ở đây cho biết, trung bình mỗi tháng, gia đình anh đón vài chục lượt du khách lưu trú qua đêm. Ngoài ra, gia đình anh Hà còn bán hàng lưu niệm, kinh doanh ăn uống phục vụ du khách. Anh cho biết trừ hết chi phí, thu nhập mỗi tháng của gia đình anh từ 30 – 40 triệu đồng. Trường hợp như gia đình anh Hà là một trong những hộ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng thành công nhất ở bản Tả Van Giáy.

Phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tại đây cho thấy, trung bình mỗi hộ gia đình có kinh doanh lưu trú thường đón được khoảng 30-50 khách/tháng, thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng, chiếm khoảng 40-50% tổng thu nhập của các hộ gia đình .

Theo báo cáo tình hình hoạt động du lịch cộng đồng huyện Sa Pa của Phòng VHTT huyện, tính đến năm 2016, toàn huyện Sa Pa có 107 cơ sở homestay, tập trung chủ yếu tại các xã Tả Van (48 cơ sở), Bản Hồ (31 cơ sở), Tả Phìn (12 cơ sở). Doanh thu của các hộ gia đình này khá cao, bình quân đạt 35.000.000 – 40.000.000 đồng/hộ/năm (xã Tả Van), đời sống của người dân địa phương được cải thiện đáng kể. Thu nhập từ du lịch chiếm từ 10 – 40% trong tổng thu nhập của nhiều hộ gia đình.

Trong việc cung cấp các dịch vụ giải trí

Việc cung cấp các dịch vụ giải trí của cộng đồng các DTTS đối với khách du lịch chủ yếu là ở lĩnh vực biểu diễn văn nghệ dân gian. Kết quả điều tra khảo sát tại đây cho thấy, có 5,6% số người được hỏi cho biết có tham gia hoạt động văn nghệ để phục vụ giải trí cho du khách.

Tại các bản như Cát Cát, Tả Phìn, người dân thành lập các đội văn nghệ ngay tại thôn bản để biểu diễn phục vụ khi khách có nhu cầu. Một số đội ở Lao Chải, Sa Pa, San Sả Hồ không chỉ biểu diễn ở làng mà còn trở thành đội văn nghệ không chuyên của các khách sạn Victoria, Bamboo, Châu Long, Hàm Rồng…

Người Dao ở Sa Pa còn biết sử dụng các di sản văn hóa truyền thống để tạo thành nhiều sản phẩm và các yếu tố của sản phẩm du lịch. Cụ thể, ở Tả Phìn, đội văn nghệ đã khai thác các điệu múa chuông, múa kiếm, múa đèn và các điệu nhảy trong lễ pút tồng, các điệu nhảy bát quái để xây dựng các chương trình văn nghệ phục vụ du khách. Ở thôn Nậm Cang xã Nậm Cang, đội văn nghệ lại trích đoạn một số nghi thức độc đáo trong lễ chải miến, lễ cấp sắc hoặc sử dụng các làn điệu kèn pí lè để xây dựng các chương trình văn nghệ. Các làn điệu kèn truyền thống được các đội văn nghệ khai thác, trở thành các điệu kèn đón chào, mời tiệc, tặng quà du khách… Một chương trình biểu diễn của đội văn nghệ thông thường là khoảng 40 phút đến 1 tiếng. Trước kia, việc biểu diễn văn nghệ chỉ để giao lưu với khách trong bữa ăn, khách muốn trả tiền ít nhiều tùy tâm, dần dần một chương trình biểu diễn được khách trả 200.000-300.000 đồng, khách quốc tế có thể trả cao hơn. Và cho đến nay, một chương trình biểu diễn được quy định giá 600.000 – 800.000 đồng.

Trong sản xuất và bán các sản phẩm thủ công truyền thống

Trước đây, khi chưa có du lịch, các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào chủ yếu là để phục vụ đời sống sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng, và chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng du lịch. Từ khi du lịch phát triển, các mặt hàng thủ công truyền thống, ngoài việc phục vụ nhu cầu của gia đình, còn được sản xuất để bán cho du khách. Đặc biệt, khi thấy các sản phẩm thủ công được nhiều du khách ưa thích, người dân càng có ý thức trong việc bảo vệ và phát huy vốn nghề truyền thống. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi tại Sa Pa cho thấy, có 9% số người được hỏi cho biết có tham gia vào việc sản xuất các đồ thủ công truyền thống để bán cho khách du lịch, trong đó chủ yếu là thêu, dệt thổ cẩm và may các đồ như mũ, túi… Ngoài ra, người Mông, Dao ở Sa Pa còn có nghề chạm khắc bạc, rèn đúc, đồ mộc…

Trước đây những nghề này chỉ là nghề phụ mang tính tự cung tự cấp, đáp ứng riêng cho nhu cầu của từng gia đình. Nhưng từ khi du lịch phát triển, họ đã lựa chọn một số nghề để đầu tư tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm cho du lịch, mà điển hình là nghề thêu dệt thổ cẩm. Hội phụ nữ các xã Tả Phìn, Suối Thầu, Nậm Cang đã tổ chức các câu lạc bộ sản xuất thổ cẩm với hàng trăm thành viên tham gia. Theo chị Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Phìn, hiện Hội Phụ nữ xã Tả Phìn có 6 chi hội, với 482 hội viên trong đó có đến 315 hội viên tham gia câu lạc bộ sản xuất thổ cẩm. Các câu lạc bộ này được các tổ chức phi chính phủ tư vấn về mẫu mã, tiêu thụ sản phẩm bước đầu. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn tổ chức lớp dạy nghề miễn phí cho người dân. Nhờ vậy, người tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch hàng tháng đều có thu nhập từ 400.000 – 600.000 đồng/người. Một số hội viên vừa sản xuất vừa trực tiếp bán sản phẩm, mỗi tháng thu nhập từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Đây là mức thu nhập khá cao đối với một dân lao động người Dao ở Sa Pa hiện nay.

Tại Sín Chải (xã San Sả Hồ), các chị em phụ nữ đều biết dệt vải, thêu thùa may vá, đây là nguồn cung cấp các sản phẩm thổ cẩm chủ yếu cho khách du lịch ở địa bàn huyện Sa Pa. Các sản phẩm phổ biến để bán cho du khách hiện nay gồm: ví tiền, túi xách, thêu trên gối, trên trang phục, làm tranh trang trí… Sự độc đáo về các mẫu hoa văn trang trí của nghề thêu đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch.

Các nghề thủ công khác như chạm khắc bạc cũng là một nghề thủ công truyền thống của người Mông và người Dao ở Sa Pa, song hiện nay nghề này đã bị mai một nhiều. Chẳng hạn ở Sín Chải trước đây có 3 người thợ đánh bạc, nay chỉ còn duy nhất ông Má A Máo. Người Dao ở Tả Phìn, Nậm Cang trước đây còn có nghề làm trống, nghề đóng đồ mộc ghép các thùng gỗ đựng nước… để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngày nay do nhu cầu của du khách, nên một số gia đình đã sản xuất nhiều đồ lưu niệm bằng mộc để bán như trống, thùng gỗ ngâm chân. Tại Tả Phìn, ông Lý Phủ Kinh đã tập hợp một số nghệ nhân thành lập câu lạc bộ sản xuất các loại trống và đồ lưu niệm có thương hiệu, uy tín trên thị trường, được bày bán ở nhiều cửa hàng ở thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa. Trung bình mỗi tháng câu lạc bộ sản xuất được từ 20 – 40 chiếc trống trung bình và trống đại cùng nhiều trống nhỏ làm đồ lưu niệm. Mỗi tháng các nghệ nhân của câu lạc bộ đều có thu nhập từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng/người.

Ngoài ra, người Dao đỏ ở Tả Phìn còn có nghề làm thuốc lá tắm cung cấp cho du khách. Riêng ở thôn Sả Xéng xã Tả Phìn huyện Sa Pa có 11 hộ kinh doanh nghề tắm lá thuốc. Các thôn Nậm Tống, Nậm Cang, Giàng Tà Chải… đều có các hộ kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc. Bình quân mỗi gia đình hàng tháng thu nhập được từ 500.000 – 2.000.000 đồng từ dịch vụ lấy và chế biến thuốc lá cho du khách tắm. Đặc biệt, Tả Phìn còn có Công ty cổ phần các sản phẩm bản địa bao gồm hơn 40 hộ gia đình trong xã chuyên sản xuất các loại thuốc tắm của người Dao để bán ra thị trường. Sản phẩm của công ty ngày càng được nhiều khách thập phương trong và ngoài nước biết tới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

2. Một số vấn đề đặt ra

Nhìn chung, cộng đồng các DTTS tại Sa Pa tham gia vào hoạt động du lịch chủ yếu là nhóm người trẻ tuổi. Nhóm người từ 50 trở lên có số lượng tham gia ít hơn. Trong số đó, tỷ lệ nữ chiếm số lượng lớn hơn nam. Công việc chính của họ là tham gia dẫn khách du lịch, bán hàng thổ cẩm, bán hàng nông sản. Nam giới phần lớn tham gia vào việc vận chuyển (xe ôm), mang vác đồ cho khách…

Số lượng người tham gia, về căn bản là mang tính thời vụ, không cố định vì đối với họ du lịch hiện vẫn chỉ là một nghề phụ bên cạnh nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Việc tham gia vào hoạt động du lịch chủ yếu là vào khoảng thời gian nông nhàn, đặc biệt là sau khi thu hoạch xong.

Ngoài lực lượng lao động trực tiếp, phần lớn hộ gia đình trong các thôn bản đều có hoạt động du lịch cộng đồng tại bản như giữ gìn bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, làm các sản phẩm thủ công truyền thống… để phục vụ phát triển du lịch.

Có thể nói, Sa Pa là một trong những điểm du lịch cộng đồng phát triển mạnh nhất ở khu vực miền núi phía bắc. Hầu hết các tộc người ở đây như người Mông, Dao, Giáy, Tày vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, ẩm thực… Đây là nguồn tiềm năng quan trọng để các cộng đồng DTTS phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm du lịch ở các thôn bản tại nhiều điểm du lịch còn khá đơn điệu, nghèo nàn, phần lớn được khai thác dựa trên những tiềm năng sẵn có như nhà ở, lễ hội, nghề thủ công truyền thống… chưa có sự đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới.

Dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng căn bản còn đơn điệu, nhiều ngôi nhà chưa đủ điều kiện để phát triển thành nhà nghỉ homestay. Các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch còn mang nặng yếu tố thị trường, sản phẩm thủ công truyền thống còn nghèo nàn, chưa chú trọng đến nhu cầu của khách du lịch. Một số điểm du lịch cộng đồng như Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van… đã có sự vận dụng, khai thác một số giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương để phục vụ phát triển du lịch như: bảo tồn, phục dựng các làng nghề truyền thống, phục dựng các lễ hội, thành lập các đội văn nghệ biểu diễn, tạo sản phẩm du lịch… Tuy nhiên, còn mang tính hình thức, thời vụ vì không có người tham gia làm nghề thường xuyên. Thậm chí những ngày lễ lớn, các công ty lữ hành thường thuê các nghệ nhân làm nghề đến để trình diễn là chủ yếu. Một số phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương được khai thác thành sản phẩm du lịch như chợ tình Sa Pa, hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách, lễ hội truyền thống… đều mang nặng tính trình diễn và bị thương mại hóa, làm mất đi sức hút đối với du khách

Ngoài ra, du lịch cộng đồng ở các địa phương còn thiếu các nguồn lực để phát triển. Thực tế cho thấy, do điều kiện địa lý ở những vùng cao xa xôi nên các bản du lịch cộng đồng còn chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, các công ty du lịch, tổ chức và cá nhân cho hoạt động du lịch. Cơ sở hạ tầng về đường xá đi lại, các công trình công cộng của bản còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch mới chưa được chú trọng đầu tư, dẫn tới các sản phẩm du lịch ở đây chưa có sự độc đáo, không hấp dẫn với du khách. Bên cạnh đó nguồn lực đầu tư cho đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch còn hạn chế. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối trong hoạt động du lịch giữa người dân địa phương và khách, công ty lữ hành du lịch còn hạn chế. Bởi vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng ở các điểm du lịch cần sự đầu tư nguồn lực từ bên ngoài và huy động nguồn nội lực từ bên trong, trong đó cần khuyến khích sự tham gia đóng góp của người dân địa phương vào hoạt động du lịch.

Cộng đồng DTTS chính là nguồn lao động chủ yếu trong phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa. Việc nâng cao vai trò quyết định của người dân có thể giúp cho họ vượt qua được sự kiểm soát của các công ty du lịch và các nhóm quyền lực khác. Với tư cách là lực lượng lao động chủ chốt tại điểm đến, cộng đồng địa phương xứng đáng có tiếng nói và được hưởng lợi chính từ quá trình phát triển du lịch.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *