Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở Trà Cú


Trà Cú là huyện vùng sâu, cách tỉnh lỵ Trà Vinh 34 km về phía Tây Nam, phía Đông giáp huyện Châu Thành, Cầu Ngang; phía Tây giáp sông Hậu; phía Nam giáp huyện Duyên Hải; phía Bắc giáp huyện Tiểu Cần, diện tích tự nhiên 31.242 ha, có 15 xã và 2 thị trấn với 124 ấp, khóm. Toàn huyện có 155.147 người, với 42.665 hộ, mật độ dân số 497 người/km2. Huyện có 3 nhóm dân tộc chính là Kinh – Khmer – Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 62,69%, dân tộc Kinh chiếm 36,71%, dân tộc Hoa chiếm 0,6%. Các dân tộc cùng chung sống đan xen từ rất sớm ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện và có truyền thống đoàn kết gắn bó trong sinh hoạt đời sống, sản xuất, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Các VĐV tham gia thi đấu môn Đẩy gậy tại điểm chùa Khmer
 

Huyện Trà Cú vinh dự được chọn là một trong 7 huyện để xây dựng Đề án huyện văn hóa. Ngày 22/6/2005 Bộ VHTTDL ban hành Công văn số 2263/BVHTTDL-VHDT, “Về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa giai đoạn I (2006 – 2010)” và Công văn số 1235/BVHTTDL-VHDT (ngày 21/4/2011) “Về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa giai đoạn II (2011 – 2015)”. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, địa phương gặp rất nhiều thuận lợi trong việc lồng ghép các chương trình để hướng tới mục tiêu sống còn bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong thời đại mới.

Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1270/TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Trà Cú đã gặt hái được thành tựu nổi bật, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hiệu quả tác động và ý nghĩa lớn của Đề án đã tạo cho mỗi người dân, mỗi địa phương, đơn vị có ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tích cực chủ động trong tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó, cơ bản xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bài trừ tệ nạn xã hội…, nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, ấp, khóm, xã, thị trấn văn hóa. Điều đó được thể hiện ở việc nhân dân tự tổ chức các hoạt động sáng tạo trong phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (thành lập các câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, hát với nhau, đội văn nghệ quần chúng Khmer, đội múa Sa dam, đội lân sư tử, CLB cờ tướng, võ thuật, đầu tư xây dựng các sân bóng đá, phòng tập thể dục, thể thao…), giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên, đã tạo thêm sức sống mới, động lực mới để nhân dân trong huyện thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà ngày một bền vững.

Hằng năm, huyện chủ động phối hợp với Ban Quản lý Di tích tỉnh lập hồ sơ khoa học xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh đối với các di tích, di sản phi vật thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, các loại hình di sản phi vật thể. Trong 10 năm qua, huyện đã phối hợp với tỉnh thực hiện 3 hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể được Trung ương xếp hạng Di sản phi vật thể quốc gia gồm: loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chầm riêng Chà pây, loại hình múa hát Rô băm, Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Ban Quản lý Di tích tỉnh lập 6 hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có 7 di tích đã được xếp hạng, công nhận gồm 1 di tích khảo cổ học cấp Quốc gia (tại ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh) và 6 di tích cấp tỉnh gồm: Chùa Long Thành (xã Lưu Nghiệp Anh); Chùa Long Trường, Chùa Chông Bát (xã Tân Hiệp); Chùa Mé Láng (thị trấn Định An); Chùa Chà (xã Thanh Sơn). Đặc biệt, loại hình nghệ thuật tự đàn hát Chầm riêng Chà pây của đồng bào Khmer được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể cấp quốc gia cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây cũng là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện vinh dự có 2 nghệ nhân  được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về ngành nghề dệt chiếu bông 2 mặt là bà Ngô Thị Xuân và Ngô Thị Pho (cô Hai Pho) ở xã Hàm Tân. Huyện còn quan tâm hỗ trợ đúng mức các Lễ hội Nguyên tiêu thắng hội cúng ông Bổn, ông Bảo của đồng bào dân tộc người Hoa; Lễ Dâng y Kathyna của người Khmer….

Hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Trad Cú có những chuyển biến rõ nét. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: kiến trúc nhà ở, trang phục, nhạc cụ dân tộc, ca múa hát, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực… được khai thác, bảo tồn và phát huy đúng mức. Hằng năm, vào các ngày lễ hội, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi từ huyện đến cơ sở. Hiện Trà Cú có 114 đội kéo co, 6 đội lầu cấu, 44 đội ngũ âm, 15 đội Sa dam, 30 đội chằn khỉ, 16 đội lân sư tử; 11 CLB đờn ca tài tử, 16 CLB văn nghệ, 2 đội tuyên truyền lưu động cơ sở, 1 đội ghe ngo; 1 đội thuyền rồng… hằng năm đều tham gia các giải cấp tỉnh và khu vực, giúp công tác bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số người Khmer, người Hoa ngày càng đi vào chiều sâu và họat động có hiệu quả, từng bước phục vụ tốt nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân.

 Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy: Cụ thể, huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai tổ chức dạy học môn tiếng Khmer theo Thông tư số 24/2014/TT-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình khung môn tiếng Khmer cấp Tiểu học và Trung học cơ sở; Kế hoạch 88/KH-SGDĐT ngày 2/10/2014 của Sở GD&ĐT bảo đảm có hiệu quả theo chương trình khung quy định. Hiện, toàn huyện có 21 trường dạy, trong đó 19 trường tiểu học và 2 trường THCS tổ chức dạy học môn tiếng Khmer, có 113 lớp, 2.918 học sinh.

Từ những lớp học này, đội ngũ cán bộ, đảng viên Khmer được đào tạo, bổ nhiệm, bố trí công tác tại các đơn vị, địa phương ngày càng tăng (cán bộ Khmer tăng 2,7%; cấp ủy của huyện là người Khmer tăng 4,6%; đảng viên người Khmer tăng 10,6%); tiếp tục phát huy tốt vai trò của lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề phát sinh trong dân tộc. Riêng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở thường xuyên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bộ máy ngành văn hóa được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới hiện nay. 

Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng mừng lễ hội Ok Om Bok

Tác giả: Huỳnh Lam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *