Công tác phát triển nguồn nhân lực của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), xác định: “phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; xây dựng Lâm Đồng thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng của vùng Tây Nguyên” (1).

Trên cơ sở định hướng trên, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề chủ trương phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn mới, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thực tế. Ngày 19-4-2017, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động số 36-CTr/TU, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực “Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đảm bảo số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp; từng bước hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo… Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ doanh nhân nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị và hội nhập quốc tế” (2). Cùng với phát triển khoa học và công nghệ, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, một trong những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Ngày 16-11-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó xác định: “Chủ động hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, thương hiệu trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế trong việc thực hiện chiến lược xây dựng Lâm Đồng trở thành một trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, trong đó có nguồn nhân lực ngành dịch vụ du lịch. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho lao động lĩnh vực: du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển du lịch” (3).

Nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển, ngày 18-4-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”. Đây là lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng ra nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nhân lực một cách khách quan, khoa học, Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định phương hướng phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức của tỉnh đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định về vị trí việc làm và cập nhật kiến thức mới, kỹ năng thực thi công vụ; 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số biết và sử dụng thông thạo tiếng dân tộc tại địa bàn công tác; 100% viên chức quy hoạch chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; 100% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm; 8-9 bác sĩ/ vạn dân; 1,2-1,5 dược sĩ đại học/ vạn dân; thu hút khoảng 15.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, trong đó có 85% lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ; khoảng 63,5% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp”(4).

Để đạt được các chỉ tiêu đặt ra đáp ứng yêu cầu phát triển, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đưa ra hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện và có tính khả thi về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh:

Một là, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa, gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Trung ương. Cấp ủy các cấp tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn sâu; có năng lực thực thi công vụ và tham mưu tổng hợp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn công việc được giao. Đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dự nguồn, lãnh đạo quản lý, cán bộ nữ, cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ trẻ, đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh quy định trước khi bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu ứng cử, tránh tình trạng bổ nhiệm khi chưa đạt chuẩn. Xây dựng đề án và thực hiện việc thi tuyển đối với chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng, ban của huyện và sở, ngành của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực lãnh đạo, quản lý, dự báo, hoạch định… xác định đây là khâu đột phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.

Hai là, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành doanh nghiệp và nguồn nhân lực phục vụ sản xuất trên các lĩnh vực. Quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế, xây dựng đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo, có trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm. Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ doanh nhân nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý và hội nhập quốc tế… hướng tới phát triển được một số doanh nghiệp mạnh, tập đoàn kinh tế lớn của địa phương. Đẩy mạnh hỗ trợ công tác đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng quản lý cho cán bộ, người lao động hiện đang công tác và phục vụ trong ngành Du lịch theo hướng đạt chuẩn quốc gia và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên. Tăng cường các hình thức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn giúp lao động du lịch gián tiếp trở thành những người lao động du lịch bán chuyên nghiệp.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Hằng năm, bố trí một phần trong tổng chi thường xuyên ngân sách của tỉnh, kết hợp với huy động các nguồn lực trong các doanh nghiệp, của xã hội để thực hiện việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực dự báo, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho người học. Tăng cường năng lực đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực một cách đồng bộ, gắn đào tạo với sử dụng, khắc phục dần tình trạng mất cân đối về đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề, giữa các ngành, nghề đào tạo như hiện nay. Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực; tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy, thu hút, giữ chân những cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, giảng viên có năng lực, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc đến làm việc tại Lâm Đồng; khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo tăng tính tự chủ về mọi mặt, nhất là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Bốn là, thường xuyên bổ sung, rà soát chương trình, nội dung đào tạo nguồn nhân lực. Thực hiện rà soát, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương. Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm. Tăng cường giáo dục tác phong làm việc chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho người học. Lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn, công nghệ đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế, thí điểm đối với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Đổi mới phương pháp dạy và học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Đa dạng hóa các phương thức và chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp, các cơ sở đào tạo phải chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa truyền thống của địa phương, nhằm xây dựng nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tiếp cận, thích ứng nhanh với sự phát triển trong tình hình mới.

Năm là, tăng cường xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đào tạo. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề; cử giáo viên đi đào tạo, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và ngoài nước. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong, tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên. Thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất, tinh thần tạo động lực cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; có chính sách nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục.

Có chính sách khuyến khích nghệ nhân ở các làng nghề, nông dân, công nhân lao động, sản xuất giỏi tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ở địa phương. Nghiên cứu ban hành chế độ ưu đãi, hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo.

Sáu là, đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đối với đào tạo nghề cho lao động xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, chú trọng các ngành, lĩnh vực thế mạnh; bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; trên cơ sở đó sắp xếp lại các trường nghề, điều chỉnh lại các ngành nghề đào tạo nhằm phát huy năng lực của các cơ sở đào tạo cho phù hợp với thực tế địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đối với đơn vị sự nghiệp: thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu và đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công, điều chỉnh cơ cấu đội ngũ trong đơn vị sự nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín nhằm huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, căn cứ vào tình hình thực tế, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đó là quá trình tự hoàn thiện, dần nâng cao nhận thức, phương pháp tổ chức thực hiện, mục tiêu của công tác phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2015-2020 đã có những chuyển biến tích cực. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, tạo thành động lực để Lâm Đồng nhanh chóng trở thành một tỉnh dịch vụ, công, nông nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên và cả nước.

___________

1. Văn kiện Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, 2015, tr.6.

2. Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chương trình Tỉnh ủy số 39- CTr/TU ngày 19-4-2017 của tỉnh ủy Lâm Đồng về Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ, Hội nghi lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, 2017, tr.5-6.

3. Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, 2015, tr.5.

4. Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18-4-2017 của Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, 2017, tr.4.

Tác giả: Nguyễn Văn Tú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *