Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang – Kết quả và kinh nghiệm


Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng với việc ban hành cơ chế chính sách đúng với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh khá toàn diện.

1. Những kết quả đạt được

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ra Nghị quyết chuyên đề số 145-NQ/TU ngày 14-7-2011 về xây dựng NTM đến năm 2020. Trong đó, xác định mục tiêu: “Đến năm 2020 có 50% tổng số xã đạt xã NTM, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản còn 45%, thu nhập của người dân nông thôn gấp 2,5 lần trở lên so với hiện nay” (1).

Để thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2020 đạt kết quả cao, “toàn tỉnh đã huy động được khoảng 12.828,8 tỷ đồng”(2). Trong đó, ngân sách Trung ương: 1.866,8 tỷ đồng (chiếm 14,6%); đối ứng từ ngân sách địa phương: 4.712,8 tỷ đồng (chiếm 36,7%); lồng ghép từ các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn nông thôn: 2.476,7 tỷ đồng (chiếm 19,3%); nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và nguồn vốn khác: 647,1 tỷ đồng (chiếm 5,0%) và cộng đồng dân cư đối ứng kinh phí thực hiện: 3.125,3 tỷ đồng (chiếm 24,4%). Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia hiến hơn 334ha đất các loại, trên 610.000 ngày công lao động, phá dỡ khoảng 214.000 m2 tường rào để xây dựng công trình công cộng.

Hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung xây dựng, cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường trục thôn, liên thôn tạo được phong trào rộng khắp, lan tỏa; diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp hơn; hạ tầng cơ sở đã và đang tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn. Theo đó, giao thông nông thôn xác định là khâu đột phá, động lực cho phát triển kinh tế, xã hội nên được tập trung dành nhiều nguồn lực thực hiện. Toàn tỉnh đã cứng hóa được thêm khoảng 7.147km đường giao thông (từ nguồn vốn NTM thực hiện trên 2.934km; cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh thực hiện trên 4.213km). Cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh không chỉ phát huy được nội lực trong nhân dân, tạo phong trào cứng hóa đường giao thông, người dân đồng tình hưởng ứng, chủ động đóng góp, hiến đất, ngày công mà còn có tác dụng đẩy mạnh tiến độ đăng ký xã hoàn thành NTM; có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

Công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Trong 10 năm cứng hóa 689,5km, nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương từ 20% năm 2010 lên 43,6%, bảo đảm thực hiện tưới tiêu chủ động trên 80%. Theo đó, góp phần quan trọng cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hệ thống lưới điện tiếp tục được ngành điện quan tâm đầu tư, nâng cấp thay thế 1.194 trạm biến áp và trên 2.760km đường dây dẫn điện, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, 100% số xã, thôn đã có điện, gần 100% số hộ được sử dụng điện, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân. Trường học các cấp được quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị; xây dựng mới, cải tạo trên 2.579 phòng học, phòng chức năng. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 90,4%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 89,8%, (tăng 43,4% so với năm 2011), góp phần đảm bảo tốt điều kiện học tập cho học sinh. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư ở các xã đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư và thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa trong xây dựng, có trên 82% xã có nhà văn hóa xã, trên 92% thôn, bản có nhà văn hóa thôn. Đến tháng 2-2020, số xã hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội đạt cao: “Có 157/203 xã đạt tiêu chí giao thông, 159/203 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 200/203 xã đạt tiêu chí điện, 166 xã đạt tiêu chí trường học, 117/203 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa” (3).

Sản xuất nông nghiệp có nhiều điểm mới theo hướng phát huy thế mạnh từng địa phương, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất, dần hình thành được thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp theo từng vùng như: huyện Sơn Động có các sản phẩm từ rừng như: mật ong, nấm, cây dược liệu; huyện Lục Ngạn chuyên vùng cây ăn quả; huyện Tân Yên có lợi thế vùng cây ăn quả, thủy sản và chăn nuôi; huyện Yên Thế có điều kiện thuận lợi về chăn nuôi gà đồi, trồng chè; huyện Việt Yên trồng rau sạch… Xúc tiến thương mại, tạo thị trường đầu ra ổn định cho nông sản được lãnh đạo tỉnh và các huyện, thành phố chú trọng với hàng loạt giải pháp. Qua đó, đưa sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa của tỉnh tham gia các kênh tiêu thụ, phân phối theo chuỗi liên kết tại một số tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất được các địa phương quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các địa phương đã thực hiện được 249 mô hình ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 411.292m2 nhà màng, nhà lưới. Nhiều mô hình điển hình cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình dưa lưới trồng trên giá thể 2-3 vụ/năm, lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha/vụ; mô hình hoa lily 1 vụ/năm, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/vụ; 02 mô hình vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao quy mô 63ha tại huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa và nhiều mô hình ứng dụng cao trong các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp.

Dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu được triển khai điểm tại xã Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng) đã trở thành phong trào trong nông nghiệp. Từ năm 2013-2018 các địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa 16.962ha; diện tích bình quân mỗi thửa sau dồn điền, đổi thửa cơ bản đều trên 700m2/thửa; đã tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Triển khai được 163 cánh đồng mẫu, hiệu quả kinh tế từ sản xuất cánh đồng mẫu cao hơn sản xuất đại trà từ 20-40%. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung liên kết với doanh nghiệp, đóng góp tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hiện toàn tỉnh có 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng. Một số sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, mẫu mã đẹp, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, được thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến như: mỳ gạo Chũ, vải thiều, gà đồi Yên Thế, trà Hoa vàng, rượu làng Vân, mật ong rừng Tây Yên Tử, nấm Lim Xanh và một số sản phẩm rau củ quả… góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, dần thích nghi với cơ chế thị trường, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 105 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3,2 lần so với năm 2011 và gấp 1,8 lần so với năm 2015). Đến tháng 2-2019, toàn tỉnh có “159/203 xã đạt tiêu chí thu nhập, 158/203 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, có 195/203 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, có 171/203 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất” (4).

Văn hóa, giáo dục, y tế đạt kết quả cao, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM đạt nhiều kết quả: có 88,9% gia đình văn hóa, 80,8% làng văn hóa, 52,5% xã văn hóa NTM. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng lên, quan tâm xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, xây dựng mới, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị cho trên 120 trạm y tế xã, 98,3% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Hiện có 98,8% người dân tham gia BHYT. Chất lượng giáo dục duy trì ổn định; công tác đào tạo nghề cho nông thôn được quan tâm chú trọng, gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Có trên 267.500 lao động được học nghề, 66,6% lao động đã qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 46,5%. Đến tháng 2-2020, “có 168/203 xã đạt tiêu chí văn hóa, có 195/203 xã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo; có 194/203 xã đạt tiêu chí y tế” (5).

Công tác vệ sinh, môi trường tiếp tục được quan tâm, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Toàn tỉnh có 109 xã có tổ vệ sinh môi trường chuyên trách, 2.400 tổ, đội tự quản làm vệ sinh môi trường duy trì hoạt động; 89 bãi chôn lấp rác thải quy mô huyện, xã, cụm xã xử lý cho 136 xã, 59 lò đốt công nghệ, 166 bãi rác thải cấp thôn và 575 điểm tập kết trung chuyển rác thải; 3 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng của huyện Việt Yên đã được cơ quan chuyên môn chứng nhận cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý; trên 72,5% khu dân cư ban hành hương ước, quy ước có nội dung bảo vệ môi trường; tổ chức thu giá dịch vụ môi trường đạt 64,4% số xã; thực hiện xây mới, cải tạo 1.046 công trình vệ sinh trường học; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 88,5%, rác thải được xử lý đạt 87,3%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, bể tự hoại đạt trên 99%. Đến tháng 2-2020, có “114/203 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm” (6). Hệ thống tổ chức chính trị, an ninh, trật tự xã hội được củng cố, giữ vững góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Có 173 xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị xã hội và tiếp cận pháp luật, 199 xã đạt tiêu chí quốc phòng và an ninh.

Bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng NTM ở tỉnh Bắc Giang còn tồn tại một số hạn chế, bất cập: kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn chênh lệch; chất lượng đạt chuẩn tiêu chí ở một số địa phương còn thiếu bền vững; các xã đặc biệt khó khăn có bình quân tiêu chí đạt chuẩn thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh; mạng lưới thu gom, cơ sở hạ tầng cho xử lý rác thải chưa được đầu tư đồng bộ; sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới còn ít…

2. Bài học kinh nghiệm

Một là, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chương trình. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, lấy thực chất, việc nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu; phải kiên trì, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Hai là, vai trò của con người là yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình với phương châm: “Người dân là chủ thế, công tác tuyên truyền là giải pháp hàng đầu, sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định”. Do vậy phải tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thực sự làm chủ thể trong xây dựng NTM; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng nội dung được công khai minh bạch, tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu, được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, phong phú, làm cho dân hiểu rõ lợi ích, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia đóng góp ý kiến, ngày công, tiền của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Ba là, quan tâm bố trí nguồn lực kịp thời và chính sách phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân; có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung trọng tâm, nhiệm vụ ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện.

Bốn là, tập trung chỉ đạo, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất để tăng năng suất, từ đó nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây là mục tiêu cốt lõi, là cơ sở huy động nguôn lực cho xây dựng NTM, góp phần xây dựng NTM bền vững.

Năm là, thường xuyên tổng kết thực tiễn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, xử lý nghiêm những sai phạm trong xây dựng NTM.

________________

1. Tỉnh ủy Bắc Giang, Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14-7-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, Bắc Giang, 2011, tr.3.

2, 3, 4, 5, 6. Tỉnh ủy Bắc Giang, Ban Cán sự đảng UBND, Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14/7/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, Bắc Giang, 26-2-2020, tr.6, 7, 12, 13.

Tác giả: Đinh Thị Thanh Hà – Hoàng Công Vũ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *