1. Tổng quan về Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh
Ngày 9-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1590/ QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, theo đó, đến năm 2020 cần nghiên cứu, đánh giá tổng quan (tỷ lệ 1/200.000) và chi tiết (tỷ lệ 1/50.000 – 1/25.000) di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở 25-30 khu vực ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận 5-7 công viên địa chất quốc gia. Trình Tổ chức UNESCO công nhận 2-3 công viên địa chất toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục mở rộng mạng lưới các công viên địa chất quốc gia và công viên địa chất toàn cầu trên phạm vi cả nước, phấn đấu công nhận khoảng 25-30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu.
Nói đến mạng lưới công viên địa chất Việt Nam là đề cập đến một khu vực khá rộng, có ranh giới địa lý – hành chính rõ ràng. Chỉ ví dụ giới hạn ở công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, diện tích đã rộng tới 5.100km2, trong đó diện tích đất liền là 2.500km2, diện tích mặt biển 2.600km2, bao gồm diện tích của 9 huyện, thị xã và thành phố: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Sơn Hà, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Cũng như tiêu chuẩn về công viên địa chất của UNESCO, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh là nơi có các điểm di sản địa chất có giá trị quốc gia hoặc quốc tế (ví dụ điểm di sản địa chất Gành Yến, Đập Thạch Nham, Ghềnh Bà Ngõng, cổng Tò Vò, núi lửa Thới Lới, núi lửa Giếng Tiền, Thạch Ky Điếu Tẩu, thủy điện Cà Đú…), vừa là danh lam thắng cảnh, vừa có giá trị khoa học, giáo dục, phục vụ du lịch địa chất. Trong công viên địa chất còn có nhiều giá trị khác về đa dạng sinh học, lịch sử, khảo cổ, văn hóa, xã hội (di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, di tích văn hóa Chămpa như thành cổ Châu Sa, tháp núi Thiên Bút; Văn hóa Đại Việt có các di tích đình An Hải, chùa Thiên Ấn, điện Trường Bà…). Các di tích lịch sử cách mạng như: đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định, khu di tích thảm sát Sơn Mỹ, di tích chiến thắng Vạn Tường… Tất cả đều là những di sản được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và phát huy, sử dụng một cách bền vững.
Núi lửa Giếng Tiền (huyện Lý Sơn) nhìn từ trên cao.
Ảnh: hanoimoi.com.vn
Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có 4 tuyến tham quan: Bí ẩn nơi đảo thiêng; Lục địa cổ vũ điệu thời gian; Hành trình về những nền văn hóa cổ; Tiếng vọng của biển và ký ức chiến tranh. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của các bảo tàng, nhà trưng bày, các trung tâm thông tin giới thiệu về tuyến du lịch. Đó là sự kết hợp của một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội đua thuyền tứ linh trên đảo Lý Sơn, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội điện Trường Bà, lễ ra quân đánh bắt hải sản, nghệ thuật hát múa bả trạo, trình diễn nghệ thuật bài chòi, lễ hội ăn trâu của người Cor; các làng nghề truyền thống như: làng gốm Mỹ Thiện, làng nghề rèn Minh Khánh, làng nghề làm đường phèn, đường phổi, mạch nha. Đặt biệt là các đối tác chính thức của công viên như nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, homestay và các dịch vụ hỗ trợ khác tại địa phương, nơi có di sản.
Về giá trị di sản địa chất, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có cấu trúc địa chất phức tạp với sự hiện diện của nhiều loại hình đá thuộc nhiều phức hệ lớn của khu vực như đá biến chất, trầm tích, magma có niên đại từ hàng trăm triệu năm đến vài nghìn năm. Di sản địa chất này được hình thành từ sự trượt của vỏ trái đất, chịu sự tác động của đới đứt gãy Trà Bồng và đứt gãy Ba Tơ – Giá Vực trong đất liền đến hoạt động của núi lửa ở khu vực đảo Lý Sơn và ven biển. Đây là khu vực tiêu biểu cho sự tương tác giữa đất liền với đại dương, thể hiện qua sự hình thành các bãi biển và các đầm phá suốt dọc chiều dài ven biển của tỉnh.
Về giá trị văn hóa, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh là khu vực có mật độ dày đặc, hòa quyện các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ các dòng chảy văn hóa khác nhau: văn hóa thời kỳ đồ đá cũ và mới, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Đại Việt, chứa đựng những nét văn hóa vùng núi, đồng bằng và thung lũng, vùng biển đảo. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, sự cộng cư của các dân tộc Việt, Hoa, Hrê, Cor, Ca dong đã tạo nên sắc màu văn hóa phong phú, đa dạng, giao thoa và tiếp biến lẫn nhau. Những di sản văn hóa quý báu ấy thể hiện tính sáng tạo của con người trong suốt quá trình lịch sử tương tác giữa di sản địa chất và tự nhiên.
Tháng 11-2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nộp hồ sơ chính thức cho Tổ chức UNESCO thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và chuẩn bị các công việc tiếp theo sau đó như đánh giá sơ bộ hồ sơ, kiểm tra thực địa tại công viên của các chuyên gia quốc tế về công viên địa chất… Tuân thủ quy định của UNESCO, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có sứ mệnh thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
2. Định hướng phát triển kinh tế bền vững thông qua các loại hình du lịch nổi bật trong công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh
Du lịch địa chất
Du lịch địa chất (geo tourism) là một trong những loại hình du lịch không còn mới mẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành hoạt động quan trọng giúp con người tham quan, tìm hiểu, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Loại hình du lịch này đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định hướng phát triển trên toàn cầu dựa trên bộ tiêu chí chung về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc với mục tiêu cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế và văn hóa – xã hội.
Du lịch địa chất còn tính đến sức chứa tại các điểm di sản nếu không có chiến lược bảo tồn bền vững thì những di sản địa chất, tự nhiên hoàn toàn có thể bị phá hủy và không thể phục hồi. Chưa kể đến xu hướng du lịch truyền thống dựa trên các yếu tố mặt trời, biển, cát (sun, sea, sand) thường mang lại hiệu suất kinh tế thấp nhưng lại sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, còn người dân địa phương chỉ được hưởng lợi nhuận rất ít từ việc kinh doanh nhỏ lẻ. Trong thời kỳ mà con người đang phải hứng chịu hậu quả của việc khai thác tài nguyên quá mức, phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. Với việc xây dựng công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đang từng bước đưa ngành Du lịch địa chất của tỉnh Quảng Ngãi bước đến một thời kỳ phát triển mới của phát triển bền vững trong khu vực vùng Trung Bộ.
Du lịch sinh thái
Tỉnh Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có bờ biển dài hơn 130km với nhiều vũng, vịnh, cửa biển, bãi biển, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, đa dạng về hệ thống động thực vật cả trên cạn, dưới biển, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có hơn 300 địa điểm di sản, trong đó có 89 điểm địa chất và văn hóa tiêu biểu được sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có đảo Lý Sơn là vùng lõi công viên thuộc tuyến du lịch phía Đông với tên gọi: Bí ẩn nơi đảo thiêng. Đảo Lý Sơn có các điểm di sản nổi bật về sinh thái biển, đảo như: núi lửa Thới Lới, núi lửa Giếng Tiền, chùa Hang, chùa Đục, đường bờ biển cổ, nghĩa địa san hô cối xay, thắng cảnh đảo Bé (thôn Bắc)… Nơi đây, còn có hệ động thực vật dưới biển với nhiều loài cá, tôm, san hô, các loại rong mơ, tảo biển có giá trị về đa dạng sinh học phục vụ du lịch sinh thái biển, lặn ngắm san hô và các loại hình dịch vụ biển khác. Hơn nữa, còn là hoạt động trải nghiệm của du khách trong các hoạt động văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống trên đảo Lý Sơn. Về phía Nam là tuyến du lịch: Hành trình về những nền văn hóa cổ với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Đại Việt với các đình, miếu, lăng thờ gắn liền với nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian của cộng đồng dân cư và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Trong đó các di sản nổi bật của tuyến như: đầm nước ngọt An Khê, di tích khảo cổ Sa Huỳnh, làng du lịch sinh thái Gò Cỏ, bia ký Chămpa, bãi biển Châu Me, hang Én ở các phường Phổ Thạnh, Phổ Châu, thị xã Đức Phổ; suối khoáng nóng Thạch Trụ ở xã Đức Lân, làng du lịch nông nghiệp xanh ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức; suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa… Phía Tây là tuyến du lịch: Lục địa cổ – Vũ điệu thời gian, trong đó các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như: khu du lịch sinh thái Cà Đam, thác nước Suối Chè, ghềnh Bà Ngõng… tại huyện miền núi Trà Bồng. Bên cạnh đó, du khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cor, Hre trong đời sống mang đậm dấu ấn của vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi ra phía Bắc là tuyến du lịch: Tiếng vọng của biển và ký ức chiến tranh, có các điểm tiêu biểu như: bàu Cá Cái, khu du lịnh Thiên Đàng, bãi biển Lệ Thủy, nghĩa địa tàu đắm Vũng Tàu, làng du lịch sinh thái Thanh Thủy, thắng cảnh Ghành Yến tại huyện Bình Sơn; bãi biển Mỹ Khê, thắng cảnh Thạch Ky Điếu Tẩu, thắng cảnh Ba làng An, thắng cảnh núi Phú Thọ và Cổ lũy cô thôn. Tuyến này giúp du khách tìm hiểu về các điểm du lịch sinh thái gắn với lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của người dân Quảng Ngãi.
Du lịch cộng đồng homestay
Ban đầu người dân sinh sống trong công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh chưa hiểu được các dịch vụ hỗ trợ du khách theo mô hình du lịch cộng đồng homestay, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cũng như Ban Quản lý công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh thông qua các lớp tập huấn tuyên truyền tại địa phương nên họ bắt đầu biết sử dụng ngôi nhà của mình và dành một phần không gian cho du khách đến ở. Sau này, một số hộ dân đầu tư xây dựng khu nhà riêng cho khách, trong đó có đầy đủ các dụng cụ cần thiết như chính ngôi nhà của mình để du khách trải nghiệm. Du lịch cộng đồng homestay trong công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh tại một số địa phương đã hoạt động khá hiệu quả như ở huyện Lý Sơn và làng Gò Cỏ, huyện Đức Phổ.
Du khách đến ở homestay tại đảo Lý Sơn được sinh hoạt với người dân địa phương và tự nấu món ăn cho mình, được ngủ trên những giường gỗ, bongalau làm bằng gỗ và lá dừa. Được lặn biển ngắm san hô, ngắm cá biển. Tham gia chọn giống, đến cách chăm sóc, thu hoạch hành tỏi theo phương thức truyền thống. Du lịch cộng đồng ở Lý Sơn có sự kết hợp với Tuần lễ văn hóa biển đảo, các công ty du lịch lữ hành để tổ chức các tour như: Một ngày làm ngư dân; Một ngày làm nông dân; Một ngày tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa…
Du lịch cộng đồng homestay tuy không còn mới mẻ đối với mỗi du khách, mỗi người dân địa phương, nhưng để phát triển theo hướng bền vững những thế mạnh du lịch vốn có đó, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi là “miền đất hứa” cho những du khách mong muốn được khám phá trải nghiệm.
3. Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong lãnh thổ công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh
Cho đến nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thuyền thống trong lãnh thổ công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh rất được quan tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển sinh kế ở những vùng nông thôn có kinh tế khó khăn và tạo công ăn việc làm cho người dân. Các kế hoạch giải pháp được thực hiện một cách nghiêm túc để quảng bá sản phẩm làng nghề trên các kênh truyền thông, triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm, kích cầu du lịch làng nghề, đến công tác khảo sát, lập danh mục làng nghề, đánh giá giá trị chất lượng làm cơ sở trình các cấp công nhận làng nghề truyền thống và nhận diện di sản để trình Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thời gian qua, sản phẩm làng nghề truyền thống được biết đến rộng rãi hơn, góp phần phát triển sinh kế người dân. Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu được khảo sát gần đây bao gồm:
Làng gốm Mỹ Thiện: Cách đây 200 năm, ông Phạm Công Đắc, ông Nguyễn Công Ất từ Thanh Hóa di cư vào Quảng Ngãi đã làm những lò gốm đầu tiên tại làng Mỹ Thiện bên sông Trà Bồng, nay thuộc thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Gốm Mỹ Thiện một thời rất thịnh hành ở Quảng Ngãi, là thương phẩm đem bán tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, ngược lên tới Tây Nguyên và xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Lào. Nghệ nhân gốm Mỹ Thiện được triều đình Huế mời về kinh thành để sản xuất gốm cho nhà vua làm tặng phẩm. Làng gốm Mỹ Thiện đến nay vẫn tiếp tục duy trì.
Làng rèn Minh Khánh: Đây là làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời. Sản phẩm rèn Minh Khánh luôn được ưa chuộng trên thị trường trong tỉnh. Thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng rèn Minh Khánh đóng góp rất lớn vào việc sản xuất vũ khí: gươm, dao, mác cho lực lượng dân quân tự vệ, du kích địa phương. Nhiều nghệ nhân của làng còn tham gia rèn đúc vũ khí cho Đội du kích Ba Tơ và Quân khu V phục vụ kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Đường phèn Quảng Ngãi: Làng Ba La – Vạn Tượng xưa, nay là thôn 2 xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi được xem là xứ sở của các loại đường nổi tiếng như đường phèn, đường phổi, đường muỗng… Đến nay, làng nghề sản xuất đường phèn vẫn còn duy trì và phát triển, sản phẩm là một đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi.
Mạch nha Thi Phổ: Làng Thi Phổ, nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, là nơi sản xuất các loại mạch nha nổi tiếng. Từ những năm 1930, mạch nha Thi Phổ từng được bán rộng rãi khắp kinh đô Huế và Hà Nội. Mạch nha được làm từ ngũ cốc (lúa mạch, lúa mì, lúa nếp…) bằng phương pháp lên men tinh bột. Mạch nha có màu vàng hổ phách, dẻo mà không dai, vị ngọt thanh, thoảng mùi hương nếp.
Nước mắm truyền thống Đức Lợi: Làng nghề có hơn hai mươi cơ sở sản xuất, được ưa chuộng nhất là loại nước mắm nhỉ, mắm đục, mắm mực, mắm cái, mắm ruốc.
Làng đúc đồng Chú Tượng: Xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức là nơi có làng nghề đúc đồng Chú Tượng. Làng nghề nằm ở phía Tây Nam núi Vom, giữa một vùng đồng quê yên tĩnh. Vào TK XVII, làng Chú Tượng từng đúc vũ khí cho nhà Tây Sơn (1778-1802), hoặc dưới thời nhà Nguyễn có tên Kinh, tên Hiệt được mời ra kinh đô Huế để đúc tượng cho vua Khải Định (1885-1925) và Khâm sứ Pháp Pierre Pasquier (1877-1934). Làng Chú Tượng đã từng đúc chuông cho chùa Thiên Ấn năm 1845, Chùa Ông năm 1899. Hiện nay, làng đúc đồng Chú Tượng vẫn còn duy trì và được nhiều người tìm đến để đặt mua sản phẩm.
Gốm Phổ Khánh: Gốm Phổ Khánh không men nhưng dáng đẹp, thanh, rất bền do phơi lâu, nung kỹ. Các sản phẩm tiêu biểu như: muỗng nấu đường, nồi niêu, trách, trã, khuôn bánh xèo… Gốm Phổ Khánh được đem bán nhiều nơi ở Quảng Ngãi và các địa phương khác như Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định…
Hương quế Trà Bồng: Làng sản xuất Hương Quế Trà Bồng tại xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng là thủ phủ quế của tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, cơ sở Hương quế Trà Bồng là một trong những điểm chuyên thu mua và bán các sản phẩm quế nổi tiếng như: Nhang quế, tinh dầu quế, túi thơm quế, miếng lót giày hương quế, độc bình bằng quế… và các đồ trang trí làm từ quế.
Tỏi Lý Sơn: Đảo Lý Sơn nổi tiếng cây tỏi thơm ngon, vì tỏi được trồng trên đất đỏ bazan mầu mỡ và lớp cát san hô giàu khoáng chất, kết hợp khí hậu đặc trưng miền biển đảo đã tạo thành loại có giá trị bậc nhất Việt Nam. Tỏi Lý Sơn có thể điều chế ra thuốc trị bệnh và các loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe con người.
4. Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh với những bước đi của một di sản đặc biệt
Trong 5 năm qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở VHTTDL là cơ quan thường trực Ban Quản lý công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức triển khai các chương trình hành động trong công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh như nghiên cứu khoa học, hoàn thiện bộ tiêu chí khoa học và quy trình xác định, đánh giá, phân loại, di sản địa chất, di sản văn hóa; xây dựng kế hoạch phát triển bền vững công viên địa chất và đề ra các giải pháp phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên nói chung và tài nguyên địa chất nói riêng. Và đây cũng là cơ quan tham mưu, tư vấn lập hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh trình UNESCO; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/50.000-1/25.000 về bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất, lồng ghép các quy hoạch chi tiết vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; duy trì trang web, video, bản tin, catalog giới thiệu 4 tuyến tham quan để quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức về di sản địa chất, di sản văn hóa trong công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh; xây dựng chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của di sản địa chất, di sản văn hóa trong công viên địa chất tại các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh trước những rủi ro, thách thức về tự nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, cháy rừng; huy động các nguồn lực tài chính và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện việc bảo tồn di sản, phát triển và quản lý công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh trong tương lai. Xây dựng cơ sở vật chất, các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc thù của công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh để phục vụ du khách, cộng đồng địa phương…
Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có sứ mệnh phát triển kinh tế – xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, đất nước nói chung.
Việc xây dựng công viên địa chất tại các tỉnh vùng Trung Bộ là mô hình phù hợp với chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt quá trình phát triển đất nước. Đồng thời, thông qua mạng lưới công viên địa chất tại Việt Nam, các tỉnh miền Trung Bộ sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, liên kết với nhau nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức, chia sẻ kinh nghiệm về nhiều sáng kiến, các giải pháp về sự phát triển kinh tế bền vững vùng trong bối cảnh mới hiện nay.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả, Địa chí Quảng Ngãi, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008.
2. Nhiều tác giả, Biển đảo Quảng Ngãi – Lịch sử – Kinh tế – Văn hóa, Nxb Lao động, Hà Nội, 2013.
3. Nguyễn Minh Trí, Lý Sơn – Sa Huỳnh diện mạo một công viên địa chất toàn cầu, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi, 2019.
4. Vũ Thế Long và nhóm tác giả, Báo cáo tóm tắt khảo sát, nghiên cứu địa chất, môi trường đảo Lý Sơn, biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, lưu hành nội bộ, 2015.
5. UBND huyện Lý Sơn, Báo cáo giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, lưu hành nội bộ, 2015.
6. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tài liệu Hội nghị thông tin công viên địa chất Lý Sơn, Ban Quản lý công viên địa chất Lý Sơn, 2018.
7. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tài liệu Hội nghị, tập huấn công viên địa chất toàn cầu UNESCO và công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, Ban Quản lý công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, 2019.
8. Võ Minh Tuấn, Đảo Lý Sơn – Những góc nhìn từ biển, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018
VÕ MINH TUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?