Cốt truyện sự tích động từ thức trong truyền kỳ mạn lục

Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một tác phẩm văn học nổi tiếng của TK XVI. Tuy là văn học viết nhưng truyền kỳ dựa trên cơ sở truyền thống tự sự dân gian, khai thác các môtíp, nhân vật, cốt truyện, thậm chí cả lối kể dân gian. Muốn tìm nét đặc trưng hoặc so sánh ảnh hưởng của truyền kỳ giữa các dân tộc trong khu vực đồng văn, phải xuất phát từ kho tàng truyện dân gian của dân tộc đó. Truyền kỳ lấy yếu tố kỳ ảo làm phương thức thể hiện nội dung nhưng mức độ của cái kỳ ảo phụ thuộc vào truyền thống thẩm mỹ, nhu cầu lịch sử của dân tộc. Bài viết trình bày về một cốt truyện dân gian Việt Nam tiêu biểu, đó là sự tích Động Từ Thức được sử dụng trong Truyền kỳ mạn lục.

Trong Truyền kỳ mạn lục, khi tiếp cận với Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, người đọc chợt nhớ đến cốt truyện dân gian Việt Nam: Sự tích động Từ Thức. Nội dung chính của hai truyện được tóm tắt như sau: Năm Quang Thái đời nhà Trần, có người Hóa Châu làm tri huyện Tiên Du, tên là Từ Thức. Cạnh huyện đường, có một tòa chùa danh tiếng. Trong chùa có một cây mẫu đơn, đến kỳ hoa nở, người đến xem đông như hội. Một hôm, có người con gái xinh đẹp tuyệt vời, vin vào cành hoa không may làm gãy, bị người coi hoa bắt giữ. Động lòng thương, Từ Thức cởi áo gấm chuộc lỗi cho người con gái ấy. Tuy làm quan nhưng không mẫn cán, Từ Thức thường bị quan trên quở trách. Lại thêm tính hay rượu, thích đàn, ham thơ, mến cảnh, Từ Thức bèn trả ấn tín, bá quan rồi về, chu du khắp nơi. Từ Thức vào một hang động, lạc tới cõi tiên, tên gọi Phù Lai. Chàng được bà tiên gả vợ cho. Đó chính là tiên nữ Giáng Hương, người con gái đánh gãy cành hoa ngày ấy. Ở cõi tiên chừng một năm, Từ Thức nhớ quê nên xin về thăm một chuyến. Giáng Hương buồn bã, khóc lóc từ giã chàng và gửi theo một phong thư. Thoắt chốc, Từ đã về đến nhà nhưng từ ngày chàng lên cõi tiên đã 80 năm nên không ai biết chàng cả. Buồn bực, bùi ngùi, Từ Thức muốn lên xe mây đi nhưng xe đã biến thành chim bay đi mất. Mở thư Giáng Hương, Từ Thức mới biết đây là bức thư ly biệt, báo cho chàng biết chàng không bao giờ trở lại cõi tiên được nữa.

Hai truyện đều có kết cấu hai phần. Phần một: Từ Thức gặp tiên, phần hai: bi kịch Từ Thức. Nhân vật chính ở hai truyện là Từ Thức và Giáng Hương. Một số nhân vật phụ lướt qua là hai người con gái áo xanh, bà tiên áo trắng… Các tình tiết, sự việc về cơ bản đều phát triển theo một trật tự: giới thiệu về Từ Thức, Từ Thức cứu Giáng Hương ở hội xem hoa, Từ Thức lạc vào động tiên, được bà tiên gả vợ, Từ Thức nhớ nhà trở lại trần gian, không bao giờ trở lại cõi tiên được nữa. Ở cả hai truyện đều có yếu tố kì ảo, hoang đường. Đó là việc người trần lấy được nàng Giáng Hương trên tiên giới. Yếu tố này lấp lánh sắc màu huyền thoại, hấp dẫn người đọc từ bao đời nay.

Không chỉ gặp gỡ ở những nét tương đồng, độc giả còn nhận thấy sự sáng tạo của Nguyễn Dữ từ cốt truyện dân gian có sẵn. Về mặt hình thức, nếu Sự tích động Từ Thức được truyền miệng theo ngôn ngữ bình dân, từ đời nọ sang đời kia như đặc trưng cơ bản của thể loại dân gian thì Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên được sáng tác bằng chữ Hán, bởi trí tuệ uyên thâm của một nhà nho tài năng. Nếu Sự tích động Từ Thức thiên về cổ tích, giải thích về một cái động tên là động Từ Thức thì truyện của Nguyễn Dữ lại có nhiều yếu tố đời thực, gần với thể ký. Ở Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, người đọc cảm thấy tác giả đang kể lại một câu chuyện có thật vào năm Quang Thái đời Trần. Thậm chí lễ hội hoa mẫu đơn cũng được ông ghi rõ thời gian cụ thể là tháng hai, năm Bính Thân, niên hiệu Quang Thái thứ chín (1396). Chính vì thế, truyện thêm sức thuyết phục. Nguyễn Dữ đã thêm những chi tiết phù hợp với thời đại, tâm lý, tính cách nhân vật. Ông đã viết gọn phần Từ Thức cứu nàng tiên Giáng Hương ở hội xem hoa, tránh lối kể lể dài dòng của truyện cổ tích, kết thúc bằng lời khen ngợi tấm lòng của Từ Thức: “Mọi người đều khen quan huyện là một người hiền đức”. Có lẽ hành động đã thể hiện rõ tính cách của nhân vật. Ngoài ra, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ còn chứa đựng những bài thơ chữ Hán sâu sắc. Truyện vì thế mang đậm dấu ấn của nhà văn, một nho sĩ Việt Nam uyên bác. Lần thứ nhất, khi Từ Thức đề một bài thơ trên vách đá cao nghìn trượng, sau khi chèo thuyền ra bể Thần Phù. Lần thứ hai, những bài thơ chữ Hán được Từ Thức đề lên bức bình phong trắng khi đã kết duyên cùng Giáng Hương. Có đến mười bài thơ Từ Thức đã đề lên bức bình phong đó.

Các bài thơ đều mang đậm phong cách tài hoa của tác giả Nguyễn Dữ, một người học rộng, biết nhiều, luôn say mê sáng tác văn chương. Gửi gắm hình ảnh của mình trong một chàng Từ Thức lãng tử thích rượu, thích đàn, thích làm thơ, ông đã cho người đọc cảm nhận được cái đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, chốn non kì nước biếc. Điều này không hề có trong truyện dân gian Sự tích động Từ Thức, thể hiện dấu ấn của văn học viết qua sáng tác của Nguyễn Dữ. Tính chất nghệ thuật của Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên nói riêng, Truyền kỳ mạn lục nói chung vì thế được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.

Tính chất văn xuôi tự sự của thể loại truyền kỳ cũng được tác giả Nguyễn Dữ thể hiện qua những đoạn văn khắc họa lại cảnh kết duyên của Từ Thức và Giáng Hương. So với truyện dân gian thì sự việc này đã được Nguyễn Dữ viết kĩ hơn về dung lượng. Những câu văn tự sự, miêu tả đã được sử dụng hiệu quả: “Bèn ngay đêm ấy đốt đèn mỡ phượng, rải đệm vằn rồng để hai người làm lễ giao bái. Ngày hôm sau quần tiên đến mừng, có người mặc áo gấm cưỡi con ly từ đàng Bắc xuống, có người bận xiêm lụa cưỡi con rồng từ phía Nam lên, có người đi kiệu ngọc, có người cưỡi xe gió, đồng thời lại họp. Tiệc yến đặt ở tầng thượng trên gác Dao Quang, buông rèm câu ngọc, rủ trướng móc vàng, phía trước đặt một cái ghế bành bằng ngọc lưu ly mà để không. Quần tiên vái chào nhau cùng ngồi ở những ghế bên tả, Từ Thức thì ngồi ở cái giường bên hữu. Ngồi xong, có tiếng truyền hô là Kim tiên đã đến, mọi người đều bước xuống đón cúi lạy chào. Đoạn rồi lên gác tấu nhạc. Tiệc bày mâm bằng mã não, đĩa bằng ngọc thạch, các món ăn đều rất kỳ lạ, lại có những thứ rượu kim tương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được cái của quý như vậy” (1).

So với truyện cổ Sự tích động Từ Thức và rất ít dị bản, sự việc Từ Thức kết duyên cùng Giáng Hương được tác giả Nguyễn Dữ viết kĩ hơn. Yếu tố cổ tích chỉ nằm trong đoạn sau: “Từ Thức thấy không gì đẹp lòng hơn thế nữa. Lập tức đêm hôm ấy trong bữa tiệc tưng bừng có quần tiên tụ hội, hai người chính thức làm lễ giao bôi. Khách tiên từ các động vui vẻ cạn chén chào mừng chàng rể mới đến nhập tịch làng tiên, và chúc tụng cuộc tình duyên tốt đẹp của hai người”.

Truyện dân gian Sự tích động Từ Thức không sử dụng điển tích, điển cố, phù hợp với tính đại chúng, gần gũi, dễ hiểu đối với nhân dân. Tâm trạng của nhân vật, đặc biệt với nhân vật Từ Thức cũng đã được nhà văn khắc họa rõ nét hơn qua Truyền kỳ mạn lục. Đặc biệt, ở đoạn diễn tả nỗi buồn nhớ quê hương của Từ Thức khi đang yên bề gia thất ở cõi tiên. Nếu Sự tích động Từ Thức chỉ đơn giản là sự việc được thể hiện qua đoạn văn tự sự sau: “Ngày lại ngày nối nhau trôi qua, Từ Thức làm rể cõi tiên bấm đốt ngón tay đã được ba năm. Cuộc đời mới hoàn toàn khác với cảnh sống trần gian ngày trước. Cơm ăn áo mặc và mọi vật dụng cần thiết, chàng đều có sẵn, không thiếu một thứ gì. Sắc đẹp tuyệt vời, tính nết hiền dịu của Giáng Hương luôn luôn làm cho chàng thỏa dạ. Chàng lại được đi ngao du các động tiên, thơ ngâm vịnh làm ra thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên, lâu dần, Từ Thức lại thấy như thiếu một cái gì” thì tâm trạng của Từ Thức lại được Nguyễn Dữ miêu tả kĩ lưỡng hơn. Điều đó góp phần tạo nên dấu ấn của nhà văn trong tác phẩm thành văn: “Nhưng Từ, từ khi bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay màu biếc. Những đêm gió thổi, những sáng sương sa, bóng trăng sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được”. “Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng: – Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về” (2).

Bên cạnh đó, nếu Sự tích động Từ Thức chỉ là một truyện cổ tích đơn thuần thì Chuyện Từ Thức gặp tiên lại thực sự là một truyện mang chất ký. Nguyễn Dữ đã đưa yếu tố thực, chi tiết lịch sử, bên cạnh yếu tố kì ảo về nàng tiên Giáng Hương, thế giới của nàng, để làm tăng sức thuyết phục. Giai thoại về Từ Thức có mức độ chân thực cao về mốc thời gian, địa điểm. Các chi tiết này được lưu kỹ lưỡng dù đã trải qua hơn 600 năm. Hầu hết các địa điểm, di tích trong truyện đều có thể được tiếp cận qua các thắng cảnh Việt Nam ngày nay. Ngay từ đầu tác phẩm, người đọc có thể thấy hiện thực xã hội nhà Trần đã làm nên bối cảnh của câu chuyện: “Trong năm Quang Thái, đời nhà Trần. Người ở Hóa Châu tên là Từ Thức, vì có phụ ấm được bổ làm Tri huyện Tiên Du. Bên cạnh huyện có một tòa chùa danh tiếng, trong chùa trồng một cây mẫu đơn, đến kỳ hoa nở thì người các nơi đến xem đông rộn rịp, thành một đám hội xem hoa tưng bừng lắm. Tháng 2 Bính Tý, niên hiệu Quang Thái thứ chín (1396) đời nhà Trần, người ta thấy có cô con gái, tuổi độ mười sáu, phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời, đến hội ấy xem hoa…” (3). Nhắc đến năm Quang Thái, đời nhà Trần chính là một gợi ý để độc giả nhớ tới niên hiệu Trần Thuận Tông, từ 1388 – 1398. Hiện thực xã hội thời ấy phần nào đã được tái hiện qua tác phẩm. Vì sao chàng Từ Thức lại bỏ chốn quan trường? Vì sao chàng lại đắm mình trong những chốn kì thú của thiên nhiên? Vì sao chàng lại đi tìm Giáng Hương và kết duyên cùng nàng tiên ấy? Có thể trả lời những câu hỏi ấy qua tác phẩm này. Chàng Từ Thức đã làm đến tri huyện Tiên Du vẫn không muốn bị ràng buộc vào áng lợi danh. Chàng muốn “một mái chèo về, nước biếc non xanh”, đi du ngoạn vùng sơn thủy hữu tình. Xã hội ấy đen tối đến mức ngay cả các Nho sĩ cũng không muốn đem tài trí ra giúp dân, giúp nước. Giáo lý Nho gia nghiệt ngã từng trói buộc lý trí và hành động của Từ Thức, nay không còn đủ sức cám dỗ, mê hoặc chàng nữa. Chàng đi tìm hạnh phúc trong thiên nhiên diễm lệ nhưng không thành nên tìm đến với tiên giới. Từ Thức kết tinh bao hình bóng, tâm sự kẻ sĩ Việt Nam đương thời, là bi kịch của kẻ sĩ không chốn nương thân. Với Từ Thức, vào cõi tiên có nghĩa là thoát ly xã hội suy đồi, trốn tránh cảnh vì số lương năm đấu gạo mà uốn lưng cong gối, trốn tránh cõi trần nhỏ hẹp, kiếp đời ngắn ngủi. Cảnh cõi tiên cũng khác với cảnh phàm trần đầy rẫy những bất công oan nghiệt. Đó là thế giới hoàn toàn không vướng bụi trần, với những “lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, bám ở lan can, cỏ lạ hoa kỳ, nở đầy trước cửa”. Từ Thức đã thực hiện được những khát vọng trần thế nơi cõi tiên. Từ Thức có được cuộc sống êm đềm, đầy tình yêu thương bên người vợ hiền thục Giáng Hương. Nhà nghiên cứu M.TKatrow trong bản dịch Truyền kỳ mạn lục đã nhận xét rằng Nguyễn Dữ đã suy nghĩ có tính phạm trù về thời đại mình qua hàng loạt những hình tượng điển hình của tầng lớp thống trị đương thời, với một cách đánh giá không thiên vị mà sâu sắc. Diễn biến của cuộc tình duyên giữa chàng Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương cũng chính là tiếng nói bênh vực những nhu cầu tình cảm, khát khao yêu đương thánh thiện của con người mà vòng cương tỏa của xã hội trần gian không cho phép. Mặc dù có sự hoang đường, kì ảo nhưng khát vọng yêu đương của con người là có thật. Tình yêu muôn đời vẫn là một nhu cầu nhân bản, vô cùng chính đáng của con người.

Để hiểu được hiện thực xã hội thông qua Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, nếu không am hiểu về thời đại, giai đoạn lịch sử ấy thì khó có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Đó chính là tính chất bác học của tác phẩm thành văn mà Nguyễn Dữ đã nâng Sự tích động Từ Thức lên một tầm cao mới. Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên từ khi ra đời đã là một truyện đặc sắc, được lưu truyền rộng rãi. Bởi truyện là ước vọng không nguôi của tác giả cũng như kẻ sĩ nói chung: không có tình trong đời sống thực thì đi tìm trong cõi Tiên. Đây cũng là đề tài khá phổ biến mà các nhà văn thời phong kiến đã khai thác nhiều.

Ngoài ra, độc giả còn thấy được khác biệt của Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên so với truyện dân gian qua lời bình giàu ý nghĩa ở cuối truyện: “Than ôi, nói chuyện quái sợ loạn chuyện thường, cho nên thánh hiền không nói. Nhưng việc Từ Thức lấy vợ tiên, cho là thực không ư? Chưa hẳn là không; Cho là thực có ư? Chưa hẳn là có. Có không lờ mờ, câu chuyện tựa hồ quái đản. Nhưng có âm đức thì tất có dương báo, cũng là lẽ thường. Những bậc quân tử sau này khi để mắt đến sẽ liệu mà thêm bớt, bỏ chỗ quái mà để chỗ thường thì phỏng có gì là hại” (4). Lời bình trên đã thể hiện nét riêng biệt, độc đáo của Truyền kỳ mạn lục nói chung, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên nói riêng so với những sáng tác có ảnh hưởng từ truyện dân gian. Đó là trăn trở của nhà văn hay nói cách khác, nhà văn đã lên tiếng thay độc giả về nhân vật, sự việc, ý nghĩa của tác phẩm. Lời bình cũng phần nào thể hiện chính kiến của tác giả về hiện thực bấy giờ. Kết thúc bởi một câu hỏi tu từ, có tính chất bỏ ngỏ để cho người đến sau tiếp tục chiêm nghiệm, đánh giá thêm về tác phẩm.

Từ việc tìm hiểu cốt truyện dân gian Sự tích động Từ Thức được sử dụng trong Truyền kỳ mạn lục, có thể nhận thấy ở đây đã diễn ra hai quá trình. Tác giả vừa mượn một số tình tiết trong truyện dân gian để làm nổi bật ý định chủ quan của mình, đồng thời là sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Dữ. Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên mãi mãi là một áng văn đẹp để lại bao ấn tượng cho người đọc từ khi mới xuất hiện cho đến nay

_____________

1, 2, 3, 4. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn nghệ và Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM, TP.HCM, 1988, tr.104, 112, 100, 113.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ TRÚC QUỲNH

3.3/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *