Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc dàn dựng và tổ chức biểu diễn kịch nói tại TP.HCM


Kịch nói – một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ phương Tây với điểm mạnh luôn mang hơi thở của thời đại, có tính thích ứng cao được khán giả Việt Nam nói chung, khán giả Sài Gòn – TP.HCM nói riêng đón nhận một cách nhiệt thành. Kịch nói Sài Gòn – TP.HCM đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và để lại dấu ấn đẹp trong nền nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, kịch nói đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thị trường khán giả, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những thành tựu đáng kinh ngạc về khoa học đã thâm nhập vào hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, thì kịch nói cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng chung đó.

     1. Vài nét về kịch nói Sài Gòn -TP.HCM và những thành tựu đạt được

     Người Pháp đã mang theo kịch nói vào Việt Nam khi xâm lược nước ta. Ngoài việc đưa các đoàn kịch, các đoàn nghệ thuật từ Pháp sang biểu diễn, họ còn xây các nhà hát để biểu diễn loại hình nghệ thuật này, trong đó có Nhà hát Lớn (nay là Nhà hát thành phố) khánh thành vào năm 1900. Từ đây, những người theo Tây học, tầng lớp trí thức đã được xem kịch, học kịch và dần dần hình thành nên kịch nói của vùng đất Nam Bộ với cái cách rất tài tử. Đến năm 1918, vở kịch đầu tiên của người Việt diễn ở Sài Gòn theo lối văn biền ngẫu với tên gọi Gia Long tẩu quốc hay còn gọi Hoàng tử cảnh du Tây đã chính thức khẳng định kịch nói của người Việt biểu diễn đã ra đời ở Sài Gòn.

     Nếu như kịch Bắc chính thống được ra đời sớm hơn, thì kịch Nam Bộ được xem là sinh sau, đẻ muộn với nhiều con đường. Nhưng có những con đường chính cần được nhắc đến. Con đường thứ nhất đó là nghệ sĩ Kim Cương và các ban kịch, đoàn kịch của các nghệ sĩ miền Nam (trước giải phóng đã có mặt tại Sài Gòn). Họ đã sáng tạo nên những vở diễn phù hợp với văn hóa và nhu cầu của công chúng trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Con đường thứ hai là các nghệ sĩ, đạo diễn được học tập, đào tạo tại “cái nôi” đội Văn công Nam Bộ, trong số đó có các nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc đến sự đóng góp của các nghệ sĩ kịch nói trong chiến khu trở về sau khi đất nước thống nhất. Sân khấu kịch nói TP.HCM sau này được bổ sung những diễn viên, nghệ sĩ từ các trường lớp chuyên nghiệp như Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh), Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, từ phong trào sân khấu của thành phố.

     Kịch nói TP.HCM đã từng một thời phát triển rực rỡ. Có giai đoạn, nếu các rạp kịch phía Bắc phải đóng cửa thường xuyên, thì kịch Nam Bộ – TP.HCM liên tục “nở nồi”, nhiều sân khấu kịch ra đời theo chủ trương xã hội hóa (XHH) mà ta thường gọi là kịch xã hội hóa, trong đó Sân khấu Nhỏ 5B trực thuộc Hội sân khấu TP.HCM là sân khấu XHH đầu tiên ở Việt Nam. Hình thức biểu diễn “Sân khấu nhỏ” và các sân khấu kịch XHH ra đời, tồn tại, cạnh tranh cùng sân khấu công lập đã tạo nên bức tranh đa sắc màu của kịch nói tại TP.HCM. Người Sài Gòn đã bắt đầu thích xem kịch nhiều hơn và chính khán giả đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của kịch nói Nam Bộ – TP.HCM.

     Khi cuộc sống đã trở nên bức thiết với các vấn đề về kinh tế, phần lớn khán giả không thích xem những vở kịch chính luận thì hài kịch đã lên ngôi, cho đến nay vẫn chiếm lĩnh về số lượng các vở diễn trên sân khấu TP.HCM. Khi cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều người không có đủ thời gian để đến rạp hát ngồi xem hết một vở kịch dài, thì những người làm kịch ở TP.HCM rất nhanh chóng thích nghi với loại hình kịch cà phê giúp khán giả vừa giải trí, vừa thư giãn theo “gu” của mình. Hiện nay, kịch cà phê vẫn là một mảng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân thành phố. Khi phong trào phim kinh dị, phim ma của phương Tây hút khán giả, thị trường kịch nói ở TP.HCM đã nhanh chóng bắt kịp xu thế với việc cho ra lò loại “kịch ma – kịch có yếu tố kinh dị” và những vở kịch này nhanh chóng tạo nên hiện tượng sốt vé. Rõ ràng kịch nói đã từng một thời là loại hình nghệ thuật mang tính thích ứng và mang hơi thở của thời đại rất cao.

     Tuy nhiên hiện nay, thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng thành phố đã thay đổi nhiều. Những vở diễn chạy theo “phong trào”, theo “xu thế” kiểu kịch “hài nhảm”, kịch kinh dị không còn đất để mà “hot” như xưa. Trong khi, những người làm kịch ở thành phố chưa tạo ra được những sản phẩm mới đủ sức thay thế, cạnh tranh với vô vàn sản phẩm giải trí khác, nên sân khấu kịch nói TP.HCM hiện nay phần lớn lại tiếp tục rơi vào cảnh vắng khán giả.

     2. Công nghệ 4.0 với việc dàn dựng các tác phẩm kịch nói tại TP.HCM

     Mặc dù kịch nói Sài Gòn – TP.HCM đạt được những thành tựu đáng kể, để lại những dấu ấn trong thời gian qua. Nhưng hiện nay, kịch nói thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sáng đèn hằng đêm, vì khán giả ngày càng ít. Nhiều sân khấu kịch nói ra đời hoành tráng, nhưng đã đóng cửa im lìm chỉ sau một thời gian ngắn. Số lượng xuất diễn tại các sân khấu một thời vang bóng cũng giảm dần theo thời gian.

     Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên, nhưng một trong những lý do đáng chú ý chính là các sân khấu ngày càng xuống cấp, hệ thống kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, hạ tầng rạp hát quá lạc hậu. Có rạp hát được đầu tư xây mới nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu dàn dựng và biểu diễn bởi tư duy thiết kế và xây dựng nhà hát quá xưa cũ. Khó khăn đó lại chồng chất khi các loại hình nghệ thuật, giải trí khác đặc biệt là phim ảnh, truyền hình… với công nghệ hiện đại đã góp phần đẩy sân khấu kịch nói xuống bước đường cùng.

     Thực tế hoạt động biểu diễn sân khấu kịch nói ở thành phố hiện nay cho thấy, sau hàng trăm năm phát triển thì hiện chúng ta vẫn còn loay hoay với các bục, bệ, phông, màn, pa nô… với cách xử lý vốn đã có “tuổi đời” cách đây nhiều thập niên. Hệ thống ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật tại các sân khấu biểu diễn kịch nói quá lạc hậu, số lượng và chất lượng các loại đèn par cũng đặc biệt hạn chế. Trong khi sân khấu rất cần những loại đèn chuyên dụng với công nghệ hiện đại để xử lý nghệ thuật, cắt và tạo không gian cho nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Trong khi đó, hệ thống âm thanh cũng đứng đầu bảng xếp hạn về mức độ lạc hậu trong số các dụng cụ chuyên dụng phục vụ trong các vở diễn. Nhiều khi, diễn viên đang thoại thì “mất” luôn cả tiếng, hay âm thanh “rột rẹt” là chuyện thường ngày. Thực tế đó đã hạn chế rất nhiều sự sáng tạo của các đạo diễn, nhất là những đạo diễn khao khát muốn xử lý nghệ thuật, muốn dàn dựng các vở diễn hoành tráng, hiệu quả với sự trợ giúp của công nghệ để tạo ra sức hút cho khán giả.

     Nếu hoạt động biểu diễn kịch nói của thành phố còn mang đậm dấu ấn kiểu lao động thủ công, với sự góp sức của “sức mạnh cơ bắp” là chính, thì nhìn ra không gian biểu diễn của các sân khấu trên thế giới sẽ thấy, họ không chỉ sử dụng hết các công năng, cả về các chiều ngang, sâu, cao, cả bên dưới sàn diễn, mà phần lớn đều có sự can thiệp của công nghệ, thậm chí là tự động hóa. Hệ thống điều khiển ánh sáng hiện đại, hoàn toàn tự động trong điểu khiển, pha màu, nhuộm màu, các loại đèn kỹ xảo tạo hiệu ứng, công nghệ 3D mappin…; hệ thống âm thanh luôn đạt những chuẩn mực cao nhất của thế giới. Và trong tương lai gần, với sự trợ giúp từ những thành tựu của công nghệ 4.0, khán giả quốc tế lại tiếp tục có được những cảm xúc tuyệt vời từ những hiệu ứng được tạo ra bởi công nghệ. Khi đó, người đạo diễn và cả diễn viên sẽ có điều kiện hoàn hảo nhất để thể hiện hết khả năng sáng tạo nghệ thuật trên sân khấu kịch nói.

      Mặt khác, phần lớn các đạo diễn, lực lượng được xem là máy cái để tạo ra các vở diễn hiện nay không được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Một số đạo diễn nổi tiếng được học từ nước ngoài nhưng nay đã khá lớn tuổi và được đào tạo trong giai đoạn công nghệ lạc hậu trước đây, số lượng còn hoạt động nghệ thuật rất ít. Các đạo diễn trẻ không còn mặn mà với việc dàn dựng kịch nói vì không mang lại lợi nhuận nhanh và nhiều như truyền hình, điện ảnh… Số còn lại dù có tâm huyết với nghề cũng không thể tiếp cận với công nghệ bởi nó khá mới, cần phải có lộ trình và thời gian, ngay cả khi học trong nhà trường thì các môn học có liên quan đến công nghệ, kỹ thuật dành cho các đạo diễn trong tương lai cũng rất hạn chế nếu không muốn nói là dường như bằng không. Đạo diễn không am hiểu về công nghệ thì không thể tìm kiếm được sự hỗ trợ công nghệ từ các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác dàn dựng như: thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo… Việc đào tạo khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các đạo diễn trẻ hiện nay được coi là không đáng kể. Rõ ràng nếu không chuẩn bị kịp thời cho các đạo diễn tương lai một cách tương xứng với việc ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ thì không thể tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của công chúng trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

      3. Công nghệ 4.0 trong việc tổ chức biểu diễn kịch nói tại TP.HCM

     Việc tổ chức biểu diễn hiện nay tại các sân khấu kịch nói trên địa bàn TP.HCM được xem là khá nghiệp dư và mang tính “ăn may”. Công tác marketing, phát triển khán giả, truyền thông, bán vé, xin tài trợ là những khâu còn non kém của các sân khấu kịch nói tại thành phố. Khán giả xem kịch theo thói quen, biên độ phát triển khán giả mới thấp và ngày càng nhiều khán giả trung thành đã không còn mặn mà đi xem. Khán giả đi xem phần lớn mua vé tại địa điểm biểu diễn, một vài sân khấu cũng tổ chức bán vé online nhưng không nhiều và các thao tác vẫn còn nhiêu khê. Việc in vé, xét vé, đón tiếp khán giả vẫn theo“công nghệ” thủ công, gây phiền hà và mất nhiều thời gian của khán giả.

     Với sự phát triển của khoa học, công nghệ trong giai đoạn hiện nay, các nhà hát nên tận dụng kịp thời và áp dụng trong việc tổ chức các chiến lược quảng cáo, quảng bá, marketing, các chiến dịch truyền thông với các hình thức phong phú để thu hút khán giả, tìm nhà tài trợ. Một ví dụ đơn giản có thể tận dụng như sử dụng công nghệ để mỗi khi nhà hát ra mắt vở diễn mới chỉ cần một thao tác trên điện thoại thông minh là tất cả các khán giả thân thuộc sẽ nhận được tin nhắn thông báo, kèm theo là các chế độ ưu đãi cho các suất diễn đầu tiên. Sử dụng công nghệ để gửi đến khán giả của mình những lời chúc trong các dịp lễ, Tết, các dịp kỷ niệm quan trọng, ngày sinh nhật chắc chắn sẽ góp phần tác động rất mạnh đến việc giữ chân và lôi kéo khán giả đến với sân khấu của mình. Khán giả đến rạp xem kịch có thể tự chọn cho mình những vị trí ngồi thuận tiện, hợp lý bằng các loại máy móc được trang bị đầy đủ về công nghệ cũng khiến khán giả cảm thấy thoải mái và tiện nghi hơn. Sử dụng điện thoại thông minh để đặt vé, thanh toán cũng như ra vào cửa mà không cần phải in vé sẽ góp phần giảm chi phí in ấn, lại thuận tiện cho khán giả. Thông báo lịch diễn, thành phần nghệ sĩ, phát trailer cho từng vở diễn bằng các tiện ích của công nghệ 4.0 chắc chắn sẽ mang đến nhiều lợi thế trong việc tìm kiếm khán giả…

     4. Một vài kiến nghị, đề xuất

     Xuất phát từ thực trạng trong việc dàn dựng và tổ chức biểu diễn với nhiều hạn chế, đồng thời cũng nhận thấy những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại cho sự tồn tại và phát triển của kịch nói TP.HCMnói riêng, kịch nói cả nước nói chung trong tương lai. Vận dụng công nghệ trong phát triển nghệ thuật là vấn đề lớn, là một người đang hoạt động trong lĩnh vực kịch nói, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra một số đề xuất và kiến nghị sau.

     Một là, cần đầu tư xây dựng các rạp hát hiện đại đủ tiêu chuẩn, với hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hướng đến công nghệ 4.0. Không thể có một tác phẩm hay nếu sân khấu còn quá nghèo nàn, lạc hậu. Một sân khấu được thiết kế với diện tích hợp lý, tận dụng được tất cả các chiều ngang, sâu, rộng, cao… khu vực hậu đài đủ rộng cho việc vận chuyển cảnh trí và tập trung diễn viên. Sân khấu đó với hệ thống ròng rọc, pít – tông, bàn nâng phông, phuy, màn có thế đóng mở thuận tiện, tất cả được điều khiển bằng máy móc và công nghệ tự động có thể nhanh chậm theo ý đồ của đạo diễn sẽ là một không gian biểu diễn hoàn hảo trong thời đại công nghệ 4.0. Hệ thống âm thanh, đặc biệt là ánh sáng với các công nghệ hiện đại, những chiếc micro rất nhỏ, không làm vướng bận sự sáng tạo của nghệ sĩ, một dàn ánh sáng có thể di chuyển đổi màu, chia cắt không gian theo lập trình… cần là một trong các đích đến của sân khấu kịch nói trong thời đại của thế giới công nghệ.

     Hai là, đưa các học phần liên quan đến công nghệ 4.0 vào trong giáo trình giảng dạy dành cho đạo diễn, họa sĩ và các ngành liên quan đến sân khấu. Sân khấu cho dù có hoành tráng, đạt chuẩn, hệ thống âm thanh, ánh sáng dẫu có hiện đại nhưng nếu không có con người hiểu và giỏi công nghệ thì cũng bằng không. Vì vậy, ngoài việc giảng dạy các học phần như hiện nay thì nhất thiết phải đưa các môn liên quan đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ 4.0 vào chương trình đào tạo đạo diễn, diễn viên sân khấu nói chung và nghệ thuật nói riêng. Bên cạnh đó, cần đào tạo các họa sĩ thiết kế mỹ thuật biết ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế sân khấu một cách thuần thục.

     Ba là, nâng cao tay nghề cho các kỹ thuật viên phụ trách về kỹ thuật và các vấn đề có liên quan đến việc biểu diễn của các nhà hát bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0. Hiện nay, các kỹ thuật viên điều khiển âm thanh, ánh sáng và các trang thiết bị kỹ thuật khác tại những nhà hát biểu diễn kịch nói tại TP.HCM phần lớn chưa tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nên việc cần thiết là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao tay nghề cho họ. Đạo diễn dù có muốn xử lý các mảng miếng hiện đại, độc đáo mà kỹ thuật viên không thực hiện được thì giá trị của công nghệ 4.0 khó đạt mức độ yêu cầu.

     Bốn là, các nhà hát cần đầu tư hệ thống tự động ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc marketing, phát triển khán giả, quảng bá tác phẩm, tìm nguồn tài trợ. Có thể nói khán giả xem kịch nói hiện nay tại TP.HCM là đối tượng khán giả thành thị, việc sử dụng điện thoại thông minh đã trở nên thông dụng hơn bao giờ hết. Chính vì lẽ đó, cần ứng dụng các công nghệ thông qua điện thoại để đặt vé, bán vé, thanh toán, nhận các thông tin kịp thời về các vở diễn sắp ra mắt, cũng như các chế độ ưu đãi dành cho khán giả của từng sân khấu. Sử dụng công nghệ để khảo sát khán giả, từ đó biết được nhu cầu họ cần xem các vở diễn nào, thích diễn viên, đạo diễn nào, thì các sân khấu sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu của đa số khách hàng, từ đó giữ chân được khán giả trung thành, phát triển được khán giả mới.

 

Tác giả: Hoàng Duẩn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *