Để các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả. Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu đã thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cán bộ văn hóa xã Nậm Xe tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại bản Mấn 1
Sau khi tiếng loa tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng Hà Nhì về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, kết hợp với tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại xã Ka Lăng (Mường Tè) vẳng xa vào những cánh rừng đại ngàn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Giàng A Lình chia sẻ: “Là huyện vùng cao biên giới, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, ngoài các hình thức tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc đến từng người dân, hộ gia đình, phát tờ rơi, hay thông qua các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ… thì các hình thức tuyên truyền pano áp phích, tuyên truyền song ngữ bằng xe thông tin lưu động cũng rất hiệu quả”. Đồng quan điểm với Giàng A Lình, anh Lỳ Hà Xu ở bản Tù Nạ xã Ka Lăng bộc bạch: “Được nghe tuyên truyền bằng tiếng của dân tộc mình, chúng tôi thấy hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của cá nhân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng thời, hiểu rõ hơn về những việc phải làm của mỗi cá nhân, và mọi người dân trong bản, trong xã đối với thông điệp 5k về phòng, chống Covid-19”.
Với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu chiếm trên 86%, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, nhận thức pháp luật nhiều mặt hạn chế, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật còn hạn hẹp. Vì vậy, để nâng cao nhận thức, hiểu biết, thực hiện pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đồng thời xác định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch; đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nếu Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thường xuyên phát sóng các chương trình bằng tiếng dân tộc như: Mông, Dao, Hà Nhì… vào các khung giờ phù hợp để thu hút đồng bào; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có chuyên trang thơ song ngữ; Báo Lai Châu xây dựng số báo dành cho đồng bào vùng cao, phát hành hàng tuần với những hình ảnh sắc nét, thông tin ngắn gọn, dễ hiểu… thì các tổ chức đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… thường xuyên cử cán bộ, hội viên xuống từng bản, gia đình tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương bằng tiếng của chính đồng bào.
Lực lượng chức năng tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Cung Mù Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ
Đặc biệt, Sở VHTTDL ngoài việc duy trì thường xuyên các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh như: Hội diễn đội văn nghệ quần chúng các đội văn nghệ mạnh, tiêu biểu; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc… còn thường xuyên tổ chức sản xuất phim tuyên truyền, lồng tiếng phim bằng tiếng dân tộc như: Mông, Thái… để công chiếu phục vụ đồng bào các dân tộc biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gắn với hoạt động của các Nhà văn hóa, mô hình phòng chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, Đội văn nghệ cơ sở…
Sau khi cán bộ văn hóa xã kết thúc phần tuyên truyền phổ biến pháp luật về các nội dung: “xây dựng gia đình văn hóa, không sinh con thứ 3, thực hiện quy ước của bản…” bằng tiếng dân tộc với đồng bào dân tộc Dao tại bản Mấn 1 xã Nậm Xe (Phong Thổ), Chủ tịch UBND xã Đặng Xuân Thanh chia sẻ: “Để bà con hiểu sâu, nắm rõ từng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những quy định cụ thể của địa phương thì việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bằng tiếng dân tộc của chính đồng bào là điều cực kỳ cần thiết. Bởi có những nội dung nếu nói bằng tiếng phổ thông bà con sẽ không hiểu hết nghĩa, hoặc có khi không rõ nghĩa”.
Thông qua các hội diễn góp phần phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân
Đến nay, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tuyên truyền 424 băng rôn; 287 pano; treo 4.242 cờ các loại tại các trục đường chính, khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh… về cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Tuyên truyền trên 8.600 buổi phát loa truyền thanh tại cơ sở; gần 2.000 buổi tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động; phát 208.695 tờ rơi; tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền miệng, thu hút gần 2.000.000 lượt người nghe, xem về phòng, chống Covid-19 đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian tới, các cấp các ngành tiếp tục chung sức đồng lòng, đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, nhằm nâng cao đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)