Đặc điểm văn hóa sư phạm quân sự của giảng viên trẻ các trường quân đội

Giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội là những sĩ quan mới vào nghề, được đào tạo cơ bản tại các học viện, trường đại học trong và ngoài quân đội (số ít đào tạo ở nước ngoài), được tuyển dụng, biên chế ở các khoa giáo viên của các nhà trường quân đội, trực tiếp làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có tuổi đời không quá 35, tuổi nghề dưới 5 năm. Văn hóa sư phạm quân sự (VHSPQS) của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội là tổng thể những giá trị văn hóa của chủ thể giảng viên trẻ, đang hình thành, phát triển trong toàn bộ quá trình lao động sư phạm quân sự, biểu hiện giá trị nhân cách của họ trong các mối quan hệ sư phạm ở nhà trường quân đội.

Về cơ bản, VHSPQS  của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội, được thể hiện trên những nội dung sau: 

Một là, VHSPQS của giảng viên trẻ là văn hóa trong nhân cách người sĩ quan – người thày mới bước vào nghề ở các nhà trường quân đội

Hoạt động sư phạm ở các nhà trường quân đội là cơ sở hình thành, phát triển và là nơi giảng viên trẻ thể hiện các giá trị cốt lõi của VHSPQS. Đặc điểm nổi bật trong VHSPQS của giảng viên trẻ là văn hóa nhân cách của người mới bước vào nghề, có kinh nghiệm thực tiễn sư phạm chưa nhiều. Hệ thống các phẩm chất, năng lực cũng như các tố chất sư phạm quân sự của người cán bộ, chỉ huy đang được củng cố và từng bước hoàn thiện. Ở họ đang có sự chuyển hóa sâu sắc về khí chất, năng lực, tính cách để trở thành nhà giáo quân đội. Quá trình hình thành, phát triển VHSPQS của giảng viên trẻ cũng là quá trình hoàn thiện nhân cách của họ. Giảng viên trẻ dưới góc độ văn hóa trong hoạt động sư phạm quân sự luôn mang tính định hướng tích cực, nhân đạo và nhân văn, phản ánh nhân cách của cán bộ quân đội với đặc trưng chính trị là sự tuyệt đối trung thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân. Trong nhà trường quân đội, nhân cách của giảng viên trẻ có ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ đến học viên và các quan hệ với đồng nghiệp.

Hai là, VHSPQS của giảng viên trẻ biểu hiện ở phẩm chất, năng lực sư phạm của họ trong quá trình lao động sư phạm quân sự

Phẩm chất của giảng viên trẻ là tổng hợp các yếu tố, tính chất phản ánh giá trị xã hội của họ, phù hợp với yêu cầu, chuẩn mực của quân đội và xã hội. Được thể hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức. Trước hết, phẩm chất chính trị của giảng viên trẻ là tổng hợp các đặc tính của họ về mặt chính trị, bao gồm các yếu tố cơ bản: nhận thức chính trị, thái độ chính trị và hành vi chính trị. Biểu hiện ở việc hiểu biết và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Phẩm chất chính trị tạo ra năng lực tự khẳng định tính chủ thể về chính trị trước tình hình chính trị tác động đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội.


  Ảnh Trọng Hải  

Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của giảng viên trẻ bao gồm các yếu tố: ý thức đạo đức, thái độ đạo đức và hành vi đạo đức, được thể hiện ở lòng yêu ngành, yêu nghề, tinh thần tích cực học tập, trau dồi trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm và tư cách của người thày. Giảng viên trẻ phải có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực và trung thực, điều này vừa là sự thể hiện ở bản lĩnh, vừa là ý thức tự giác trong việc tu dưỡng và rèn luyện, giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội; đề cao tính tổ chức, kỷ luật; thực hiện nghiêm các quy chế, quy định. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của giảng viên trẻ được củng cố và lan tỏa sẽ là mệnh lệnh không lời khiến cho mọi học viên cảm phục, tự giác làm theo. Thực tế cho thấy, một tấm gương sáng của người thày có sức lan toả rất lớn đến cả một lớp người, ngược lại một thói quen xấu, một hành vi thiếu chuẩn mực của người thày có thể làm mất niềm tin cả một thế hệ. Tình yêu nghề và yêu thương học trò sẽ giúp cho giảng viên trẻ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năng lực trong VHSPQS của giảng viên trẻ là tổng hợp những yếu tố tạo nên khả năng cần thiết để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Năng lực của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội bao gồm: năng lực trí tuệ và năng lực chuyên môn. Năng lực trí tuệ là khả năng nhận thức, tiếp cận tri thức khoa học, khả năng nắm bắt, phân tích, đề xuất giải pháp trong hoạt động thực tiễn. Tri thức khoa học của giảng viên trẻ là vốn kiến thức khoa học chuyên ngành, liên ngành mà họ tích lũy được trong quá trình đào tạo và tự học thông qua hoạt động thực tiễn quân sự, giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học của mỗi người. Song tùy vào môi trường công tác và tính chất nhiệm vụ của các nhà trường, đòi hỏi giảng viên trẻ phải chủ động tiếp thu lượng kiến thức sao cho có kết cấu hợp lý để nâng cao tầm trí tuệ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn đảm nhiệm. Năng lực chuyên môn là tri thức, kỹ xảo, kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của người giảng viên. Năng lực chuyên môn của giảng viên trẻ phụ thuộc vào các yếu tố như: trình độ kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng; kinh nghiệm thực tiễn; ý thức trách nhiệm đảng viên. Kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp sư phạm quân sự của giảng viên trẻ được thể hiện ở những thủ pháp, cách thức hành động đã được củng cố và tự động hóa, là khả năng vận dụng kiến thức, kỹ xảo để giải quyết nhiệm vụ của nhà sư phạm một cách sáng tạo và hiệu quả. Đó là những hành động đã đạt đến trình độ thuần thục, các thao tác sư phạm được hoàn thành nhanh chóng, chính xác, đạt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng cao. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo hệ thống các kỹ năng sư phạm, thể hiện qua việc tổ chức thành thạo và hiệu quả hoạt động dạy học ở tất cả các khâu từ việc xây dựng chương trình, xác định mục tiêu và xây dựng đề cương môn học, hoạch định phương hướng tổ chức hoạt động dạy học, đến việc thiết kế kịch bản dạy học hiệu quả cho từng chương, từng bài học và kiểm tra đánh giá năng lực người học. Quá trình này đòi hỏi giảng viên trẻ phải rất công phu, nghiêm túc.

Ba là, VHSPQS của giảng viên trẻ là những giá trị được thể hiện trong các quan hệ ứng xử, lối sống, phong cách sư phạm quân sự của họ

Quan hệ ứng xử của giảng viên trẻ là việc giải quyết các quan hệ trong môi trường hoạt động sư phạm quân sự, gồm quan hệ ứng xử với bản thân; ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp; ứng xử với công việc theo đúng nguyên tắc, quy định chuẩn mực về tư cách người cán bộ, đảng viên của Đảng trong quân đội. Đây vừa là điều kiện đảm bảo hoạt động sư phạm của họ đạt được mục đích, vừa có một vị trí quan trọng trong cấu trúc VHSPQS của giảng viên trẻ. Quan hệ ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ là tinh thần nghiêm túc phê bình và thật thà tự phê bình thông qua việc tự đánh giá để thấy mình có ưu điểm, hạn chế, từ đó tự điều chỉnh bản thân. Tự phê bình và phê bình phải khéo, tinh tế, có tình đồng chí, đồng nghiệp nhằm xây dựng tập thể đoàn kết, phát triển. Thực hiện nội dung trao đổi về chuyên môn, kinh nghiệm dạy học, phương pháp dạy học, xử lý tình huống dạy học, trao đổi, đánh giá thông tin về các sự kiện, các mối quan hệ trong nhà trường, xã hội. Quan hệ ứng xử với người học là nhân tố chủ yếu tạo nên môi trường giáo dục thuận lợi cho sự hình thành, phát triển nhân cách của giảng viên trẻ và học viên. Mối quan hệ của giảng viên trẻ với học viên nhằm truyền đạt kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học viên, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập, kinh nghiệm sống. Thái độ của giảng viên trẻ khi giao tiếp với học viên phải nghiêm túc, ân cần, nhân ái; hành vi giao tiếp chuẩn mực, mô phạm; khoảng cách giao tiếp linh hoạt, phù hợp. Quan hệ ứng xử với công việc là sự tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của nhà trường, của ngành. Công bằng trong giảng dạy, đánh giá đúng thực chất năng lực, tôn trọng nhân cách, đối xử công bằng, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

Lối sống của giảng viên trẻ là những hình thức, hành vi sinh hoạt, làm việc, những hoạt động, cách xử sự đã trở thành ổn định, thành đặc điểm riêng của cá nhân. Lối sống của giảng viên trẻ có sự tích hợp nhân cách người sĩ quan – đảng viên – nhà giáo. Được thể hiện ở lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị và đoàn kết, gần gũi; tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tích cực đối với công việc; có ý thức tự học, tự rèn và ý chí, khát vọng vươn lên làm chủ tri thức, hoàn thiện bản thân; tích cực, chủ động trong dạy học; nghiêm khắc và đặt yêu cầu cao với bản thân, khiêm tốn, cầu thị, ham học hỏi và tích cực tự học, tự rèn. Lối sống gắn liền và là một biểu hiện đậm nét của đạo đức cá nhân, vì vậy, khi nhận diện và đánh giá phẩm chất đạo đức của giảng viên trẻ nhất thiết phải xem xét lối sống của họ.

Phong cách sư phạm quân sự của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội là cách thức làm việc ổn định, mang sắc thái của mỗi người và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, khí chất cá nhân, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện làm việc, sinh hoạt, sự giáo dục, rèn luyện… của giảng viên trẻ. Phong cách sư phạm quân sự của giảng viên trẻ có ảnh hưởng lớn tới việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, được thể hiện ở tác phong làm việc khoa học, có kỷ luật, tính thẩm mỹ sư phạm cao, có trách nhiệm và hiệu quả; tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học, có kế hoạch, có trách nhiệm trong công việc; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; diện mạo bên ngoài (trang phục, đầu tóc, đi đứng, cử chỉ) chuẩn mực.

Như vậy, các thành tố VHSPQS của giảng viên trẻ ở các trường quân đội có mối quan hệ chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, được định hình trong nhân cách giảng viên trẻ. Những yếu tố đó có sự vận động, biến đổi, phát triển theo yêu cầu của thực tiễn giáo dục – đào tạo. Sự phát triển đó là một quá trình không ngừng vươn lên trong lao động sáng tạo, khoa học của giảng viên trẻ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : ĐỖ NHƯ HIẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *