Vào những thập niên đầu của TK XX, cải lương ra đời ở Nam Bộ, giữa lúc công chúng dần quay lưng với sân khấu hát bội truyền thống và lối ca ra bộ cần có một không gian mở để trình diễn. Cải lương ra đời như sự đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng và nghệ thuật biểu diễn. Theo thời gian, cải lương không chỉ được tiếp nhận ở Nam Bộ, mà còn trở thành loại hình sân khấu độc đáo định hình và phát triển ở các vùng văn hóa khác trong nước. Bài viết nhận diện, phân tích chủ thể văn hóa, đặc tính linh hoạt và biểu cảm trong cấu trúc nghệ thuật của loại hình cải lương Nam Bộ. Môi trường tự nhiên – xã hội góp phần hình thành đặc trưng tính cách của chủ thể văn hóa – người Việt ở Nam Bộ. Tính linh hoạt và biểu cảm là những đặc trưng tiểu biểu trong cấu trúc nghệ thuật cải lương. Tính mở trong cấu trúc nghệ thuật cải lương chính là biểu hiện của tính linh hoạt. Nghệ thuật cải lương thể hiện sự ứng biến và linh hoạt trên các bình diện từ chủ thể sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, đến sự vận dụng các phương tiện nghệ thuật trên sân khấu. Chất trữ tình, giàu cảm xúc trong bài bản, làn điệu, diễn xuất của cải lương chính là đặc trưng biểu cảm của loại hình nghệ thuật này.
1. Tính linh hoạt của chủ thể sáng tạo, tiếp nhận và cách vận dụng các phương tiện nghệ thuật
Cải lương ra đời và hình thành trong không gian văn hóa Nam Bộ mang đặc tính mở, sớm có sự tiếp xúc, giao lưu với văn hóa các cộng đồng Hoa, Chăm, Khơme… và văn hóa phương Tây. Nếu nói đến con người Nam Bộ có tính cách mở – với tư cách là đặc tính điển hình, thì tính linh hoạt là một trong những đặc trưng cơ bản trong hệ thống cấu trúc nghệ thuật của cải lương.
Xét từ chủ thể sáng tác, biểu diễn
Trước tiên, tính mở là nguyên nhân của việc các kịch bản sân khấu truyền thống Việt Nam thường có nhiều dị bản: “Sân khấu truyền thống không đòi hỏi các diễn viên tuân thủ một cách chặt chẽ bài bản của tích diễn. Mang trong dạ cái thần, cái ý chính vở, nghệ nhân tùy trường hợp có thể biến báo lời diễn cho thích hợp” (1). Không chỉ riêng lĩnh vực sân khấu, tính mở còn thể hiện sự xê dịch nguyên bản trong các loại hình nghệ thuật ngôn từ ở Nam Bộ như thơ, ca, hò, vè…
Mối quan hệ giữa chủ thể sáng tác và diễn viên thông qua kịch bản cải lương là mối quan hệ bình đẳng, linh hoạt. Khi xử lý kịch bản của tác giả trên sân khấu, người diễn viên không chỉ tuân thủ kịch bản mà còn tham gia sáng tạo kịch bản bằng khả năng ứng tác linh hoạt. Vốn là loại hình ca kịch, sân khấu cải lương đòi hỏi người diễn viên phải có khả năng ứng tác linh hoạt trong diễn kịch cũng như lời ca. Trong ứng xử kịch bản sân khấu cải lương, người diễn viên thường vận dụng tính mở thông qua lối diễn cương. Diễn cương là lối diễn xuất của người nghệ sĩ không mang tính bài bản, nhưng vẫn xuất hiện và tồn tại trên sân khấu cải lương. Đó là lối diễn mà lời thoại và hành động kịch không nằm trong nội dung kịch bản. Thông thường, diễn cương là cách ứng tác của người nghệ sĩ trong những tình huống đột biến, không chỉ bộc lộ khả năng ứng biến, mà còn thể hiện cái “duyên” của người nghệ sĩ trên sân khấu. Mỗi lần biểu diễn luôn thể hiện sự sáng tạo cái mới trên sân khấu.
Ca và nói là đặc trưng của âm nhạc sân khấu cải lương. Một khi trong kịch bản thể hiện hai nhân vật xung đột trong cùng một bài ca, một lớp diễn thì sẽ sản sinh những phản ứng không giống nhau. Chính vì thế người diễn viên không thể đối đáp một cách đơn điệu. Trong lòng câu ca, diễn viên được phép mở ra để nói, nói xong trở lại ca, cứ như thế với điều kiện phải đảm bảo ca cũng như nói không đậm hơn và không sai nhịp. Trong một đoạn lối cũng vậy, tùy tình huống, diễn viên có thể vận dụng các làn hơi khác nhau, đến khi khép lại để vào bài, thuộc điệu thức nào đó, thì diễn viên phải đảm bảo hơi không phá điệu. Cũng như dàn nhạc cải lương, lúc đệm cho người diễn viên ca hay hòa tấu thì người đàn và người ca được thừa nhận quyền tái tạo tác phẩm ban đầu. Trên nguyên tắc, giữ đúng lòng bản của tác phẩm, trong từng câu nhạc có những điểm cụ thể không được vi phạm, ngoài ra có những điểm dành cho tái sáng tạo. Vì lẽ đó, cùng một tác phẩm nhưng người đàn và người ca thể hiện không giống nhau ở mỗi lần biểu diễn. Lần biểu diễn sau có thể hay hơn lần trước, tùy không khí biểu diễn và cảm hứng sáng tạo. Tính mở không chỉ thể hiện cách diễn xuất của người nghệ sĩ trên sân khấu cải lương mà còn bộc lộ qua thành tố ca nhạc.
Xét từ khán giả thưởng thức
Đến với sân khấu cải lương, khán giả xem diễn, nghe hát và vận dụng những kiến thức kết hợp với xúc cảm bản thân để đưa ra sự hưởng ứng, tán thưởng. Vở cải lương khi trình diễn, thông thường kết thúc bài vọng cổ mùi mẫn của diễn viên là những tràng vỗ tay của khán giả từ phía khán đài. Và cũng chính khán giả tạo sự khích lệ cho việc ứng tác của diễn viên trong quá trình biểu diễn. Có thể nói, trong quá trình tạo hiệu quả cảm xúc, thẩm mỹ sân khấu, khán giả mang vị trí gần cân bằng với tác giả và diễn viên.
Xét từ phương tiện nghệ thuật
Trên thế giới, khi nói đến nhạc cụ, trước tiên, người ta phân loại thành các bộ, tiếp đến xem xét mỗi bộ gồm những loại nhạc cụ nào, căn cứ vào cách cấu tạo của chúng lại tiếp tục phân nhỏ hơn thành các họ trực thuộc bộ. Nhìn chung, tất cả các loại nhạc cụ đều được quy về ba bộ chính: bộ gõ, bộ dây và bộ hơi.
Theo sự phân chia đó, nhạc cụ cải lương nằm trong bộ dây và bộ hơi. Âm nhạc trong nghệ thuật cải lương mang tính trữ tình, hơi nhẹ nhàng vì thế chủ yếu dùng đàn dây tơ, dây kim và sáo, không có bộ gõ như trong hát bội. Có tám loại nhạc cụ thường dùng trong sân khấu cải lương như: đàn kìm (đàn nguyệt cầm), đàn tranh, đàn cò, đàn sến, đàn guitar, violon, sáo, cuỗn. Trong khi đó, nhạc cụ của cải lương có sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, đàn sến, và sáo, vốn là những nhạc cụ truyền thống trong âm nhạc Việt Nam, còn có sự hiện diện của loại nhạc cụ du nhập từ phương Tây là đàn guitar và violon. Sự dung hợp các loại nhạc cụ để chuyển tải những thang âm xúc cảm trên sân khấu cải lương, mà không sợ chỏi hay chênh âm điệu, điều này nói lên sự phối hợp linh hoạt, hài hòa của các loại nhạc cụ.
Trên sân khấu hát bội, người diễn viên thường hát theo dàn nhạc theo một hơi hò ấn định, nên thường xuất hiện hiện tượng ráng hơi ở diễn viên. Trong khi đó, nhạc công của sân khấu cải lương luôn điều chỉnh dây hò của nhạc cụ theo hơi cao thấp của diễn viên. Người diễn viên phối hợp âm nhạc và hát theo chính chất giọng thật của mình. Có lẽ, vì thế mà diễn viên cải lương ca khỏe hơn (2).
Xét một cách toàn diện, nhạc cụ với tư cách là một trong những phương tiện nghệ thuật của sân khấu cải lương, thể hiện tập trung nhất tính linh hoạt trong cách sử dụng và phối hợp nhạc cụ nhằm tạo hiệu quả sân khấu.
2. Đặc tính biểu cảm trong cấu trúc nghệ thuật cải lương
Nhìn từ cấu trúc nghệ thuật, tính biểu cảm trong nghệ thuật cải lương thể hiện tập trung trên các bình diện: nội dung kịch bản, bài bản, làn điệu, diễn xuất.
Nội dung kịch bản: Tính biểu cảm, chất trữ tình là một trong những đặc trưng của loại hình cải lương. Nội dung kịch bản cải lương có cốt truyện xúc động, giàu tình cảm. Đó là những câu chuyện xã hội, tình cảm; có tính trữ tình sâu sắc, soạn giả khai thác triệt để những tình tiết làm nên nỗi bi thương. Có thể nói, những câu chuyện tình yêu là đề tài phổ biến của sân khấu cải lương, cải lương có thế mạnh xây dựng những cuộc tình tay ba, tay tư, và gần như trở thành nguyên tắc cấu trúc nghệ thuật. “Nhìn lại trên 1000 tác phẩm cải lương đều có lối dẫn dắt truyện: tử biệt – sinh ly – chia lìa – gặp lại, mang nội dung trữ tình, đi sâu khai thác những xung đột tình cảm, tạo cái bi, hài” (3). Nhìn một cách khái quát, tác phẩm cải lương kinh điển để lại dấu ấn trong lòng khán giả Nam Bộ nhiều nhất thường là những vở diễn về gia đình và tình yêu như: Lá sầu riêng, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Người vợ không bao giờ cưới, Vợ và tình… Những soạn giả cải lương nổi tiếng là tác giả viết nhiều về chủ đề tình yêu như Trần Hữu Trang, Hà Triều – Hoa Phượng, Năm Châu… Tác phẩm cải lương thường được xây dựng trên những xúc cảm cơ bản như: bi, hài, anh hùng ca. Xúc cảm anh hùng ca thường xuất hiện trong những vở cải lương cách mạng. Đa phần, soạn giả cải lương xây dựng kịch trên xúc cảm bi và hài. Trong đó, xúc cảm bi được xem là cảm xúc chủ đạo, hướng khán giả xúc động với những câu chuyện tình nhân thế.
Kịch bản cải lương chứa đựng cả hai xúc cảm bi và hài. Cảm xúc bi trong kịch bản cải lương không phải là những bi kịch không lối thoát, bi cảm nhưng không tuyệt vọng. Vượt qua cái bi như con người vượt qua số phận, vượt qua những trở lực của cuộc đời để hướng đến hạnh phúc trọn vẹn. Những nhân vật hiện diện trên sân khấu cải lương chính là những con người mang tính cách rất Nam Bộ – mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu với khó khăn để mưu cầu hạnh phúc. Niềm vui xum họp luôn là kết cục của những vở cải lương, phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam. Nếu như cảm xúc bi trong cải lương được tác giả tập trung khai thác ở diễn xuất, tình tiết, âm nhạc, lời ca; thì cảm xúc hài lại tập trung trong lối diễn xuất của diễn viên có tính ngoại hình nhiều hơn là nội tâm nhân vật. Nhân vật hài xuất hiện nhằm làm giảm tính bi lụy của cảnh diễn hay tiết chế tính xung đột của hành động kịch. Cái hài trong cải lương là sự điểm xuyết vào chuỗi bi lụy kéo dài, những nhân vật hài của cải lương chỉ xuất hiện thoáng qua cùng với các nhân vật chính, như xóa đi nỗi buồn bằng cách chọc cười vô tư. Cải lương thiếu cảm xúc hài sẽ nặng nề và ảm đạm. Chứa đựng trong một kịch bản cải lương là sự sắp xếp hợp lý các hành động kịch mang cảm xúc bi và hài. Điều này, nghệ thuật cải lương không chỉ mang dấu ấn của văn hóa khu vực mà còn phản ánh bản sắc văn hóa vùng. Trong cuộc sống người Nam Bộ luôn vượt thoát những ưu sầu, phiền lụy, hướng đến niềm vui tươi, hạnh phúc (4).
Bài bản, làn điệu: Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm, là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Con người mượn âm nhạc làm phương tiện biểu hiện để chuyển tải cảm xúc đến đối tượng tiếp nhận. Nói đến âm nhạc trong cải lương, các nhà nghiên cứu: Vương Hồng Sển, Sỹ Tiến, Ngô Đức Thịnh đều có nhận xét thống nhất cho rằng bài bản, làn điệu của cải lương luôn thể hiện tính biểu cảm, chất trữ tình trong cấu trúc nghệ thuật. Soạn giả sáng tác, tổ chức bài bản, làn điệu phù hợp với nội dung kịch. Bài bản là những bài nhạc có văn bản như những bản nhạc Bắc, bản nhạc lễ cung đình Huế, bản nhạc Tàu… Làn điệu là tên gọi các điệu thức trong ca nhạc cải lương như giọng Bắc, giọng Nam, giọng Oán, giọng Quảng, giọng tân nhạc…
Lịch sử nghệ thuật cải lương có 20 bài bản gốc mang ý nghĩa trụ cột, gồm có “sáu Bắc, ba Nam, bốn Oán và bảy Hạ”. Sáu Bắc gồm những bản: Lưu thủy trường, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản. Ba Nam gồm những bản Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung. Bốn Oán gồm những bài: Tứ đại oán, Phụng cầu hoàng, Phụng hoàng, Giang Nam. Bảy Hạ (bảy Cò): Ngũ đối hạ, Ngũ đối thượng, Long Đăng, Tiểu khúc, Xàng xê, Long ngâm, Vạn giá. Đó còn được xem là những bài tổ của nghệ thuật cải lương. Bên cạnh, còn có những bài bản thuộc sáng tác mới như: Vân thiên tường, Phụng cầu hoàng, Giang Nam… hay những bài bản mang nguồn gốc từ hý khúc Trung Quốc đã được Việt hóa như: Ú líu ú xăng, Ngũ điểm tạ, Xang xừ líu, Bắc sơn trà, Khóc hoàng thiên, Liễu thuận nương, Sương chiều… Với nghệ thuật cải lương, ba điệu thức quan trọng là Bắc, Nam và Oán cùng tồn tại và gắn bó với nhau trên sân khấu. Trong đó, điệu thức Oán luôn giữ vai trò chủ đạo. Hơi Oán (giọng Oán) được xem là điệu thức chính và chủ đạo trong cải lương Nam Bộ. Các bài bản chủ chốt của cải lương, từ khi ra đời cho đến nay đều là những bản Oán tiêu biểu như Tứ đại oán, Dạ cổ hoài lang và Vọng cổ. Do cải lương mang tính biểu cảm, trữ tình với những lớp (màn) diễn tả nội tâm nhân vật, tự sự thì điệu Oán thể hiện tốt hơn Bắc và Nam. Điệu Oán có thể kết hợp cùng với Bắc và Nam thực hiện có hiệu quả mô hình “từ điệu chuyển hơi” trên sân khấu cải lương.
Sự hiện diện của vọng cổ trong kịch bản cải lương góp phần làm tăng tính biểu cảm của sân khấu cải lương. Như ta biết, bản thân bài vọng cổ là những bài ca trữ tình, diễn tả sắc thái tình cảm thắm thiết, sâu sắc. Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản Vọng cổ (Dạ cổ, Dạ cổ hoài lang) vào năm 1920 ở Nam Bộ trong cảm thức đau khổ, vợ chồng chia tay trong nỗi sầu thương, da diết. Nguyên bản Vọng cổ ca bằng giọng Bắc, nhịp đôi. Sau khi ra đời, bản Vọng cổ nhanh chóng chiếm được tình cảm của công chúng đương thời. Trên cơ sở nguyên bản, Vọng cổ không ngừng được cải biên theo thời gian, từ nhịp đôi nguyên thủy tăng lên nhịp 64; từ giọng Bắc biến thể ra giọng Nam có pha hơi Oán. Quá trình tiếp nhận và cải biên bản Vọng cổ thể hiện thị hiếu âm nhạc của con người Nam Bộ, yêu chuộng những bài ca giàu sắc thái biểu cảm, đậm chất trữ tình.
Bài bản và làn điệu có vai trò quyết định đối với một tác phẩm sân khấu cải lương. Nói cách khác, bài bản và làn điệu là nền tảng hình thành kịch bản cải lương. Sự kết hợp ăn ý giữa bài bản và làn điệu mang lại hiệu quả sân khấu trong cách diễn tả tình cảm nhân vật và hành động nhân vật. Nhìn chung, dường như khó có thể phủ nhận tính biểu cảm trong hệ thống bài bản, làn điệu của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Những sắc thái biểu cảm, trữ tình thấm đẫm trong từng lời ca, tiếng hát trên sân khấu cải lương. Khán giả đến với cải lương Nam Bộ như thể tìm đến những câu chuyện đời, chuyện người, để lắng nghe những bài ca tiếng nhạc chất chứa nỗi nhớ, niềm thương.
Diễn viên, diễn xuất: Đặt các thành tố trong cấu trúc nghệ thuật cải lương theo hệ quy chiếu về tính biểu cảm, chúng ta sẽ nhận ra rằng các thành tố có tính thống nhất và chặt chẽ. Bên cạnh nội dung kịch bản, bài bản, làn điệu, người nghệ sĩ cải lương phải luôn ý thức lối diễn xuất cho loại sân khấu trữ tình.
Diễn viên cải lương thường thể hiện tính biểu cảm trong tính cách, dung mạo và điệu bộ. Tài năng của người diễn viên được đánh giá bằng sức thu hút khán giả. Thông thường, những diễn viên được đánh giá là tài năng, chính là những người thông qua hình tượng nhân vật sân khấu để lấy nước mắt của khán giả. Cũng như trong quá trình biểu diễn, người diễn viên ứng tác thường để góp phần tăng hiệu quả bi của màn diễn, vở diễn. Khi nói đến người diễn viên cải lương, dường như cần phải hội đủ bốn yếu tố “thanh, sắc, tài, duyên”. “Thanh sắc” được hiểu với hàm nghĩa giọng hay, người đẹp; “tài duyên” mang ý nghĩa diễn xuất phải có điệu bộ màu mè, có tấn kịch, thu hút được khán giả.
3. Kết luận
Người Việt ở Nam Bộ vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể tiếp nhận nghệ thuật cải lương. Cải lương ra đời xuất phát từ nhu cầu sáng tạo và thị hiếu thẩm mỹ mới của công chúng Nam Bộ vào những năm 20 của TK XX. Môi trường văn hóa, tính cách văn hóa của chủ thể có sự tương tác nhất định đối với loại hình nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Cải lương có khả năng tổng hợp các loại hình nghệ thuật khác. Đồng thời, cải lương thiết lập quan hệ bình đẳng, linh hoạt giữa chủ thể sáng tác, biểu diễn và thưởng thức. Sự linh hoạt của loại hình còn thể hiện tập trung trong cách thức sử dụng những phương tiện nghệ thuật tạo hiệu quả biểu diễn. Tính biểu cảm, chất trữ tình thể hiện rõ trong những sáng tác cải lương từ nội dung kịch, bài bản, làn điệu đến lối diễn xuất của người diễn viên.
________________
1. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2004, tr. 310.
2.Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.229.
3. Tuấn Giang, Nghệ thuật cải lương, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, 2006, tr. 479.
4. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004, tr.290.
Tác giả: Nguyễn Thị Trúc Bạch
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn