Đặc trưng, giá trị di tích tiền đông sơn ở lưu vực sông hồng

Tiền Đông Sơn là thời kỳ trước, phát triển trực tiếp lên văn hóa Đông Sơn. Thời kỳ này gồm 3 giai đoạn văn hóa phát triển từ Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun, có niên đại cách đây khoảng 4000 – 2800 năm trước CN. Giai đoạn văn hóa Gò Mun nằm ở bước phát triển cao nhất của hệ thống các di tích Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng, một khúc chuyển quan trọng sang văn hóa Đông Sơn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi phát hiện di chỉ Phùng Nguyên mở đầu giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn, đến nay đã nghiên cứu hàng trăm di tích thuộc giai đoạn văn hóa này. Để hiểu biết toàn diện về di tích cần phải nghiên cứu cả một hệ thống các di vật. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập về đặc trưng, giá trị của các di tích Tiền Đông Sơn.

Đặc trưng các di tích Tiền Đông Sơn

Đặc trưng khu cư trú

Các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn phân bố trên một không gian rộng lớn, cơ bản bao gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Hà Nội, Bắc Ninh, tập trung dọc theo tả, hữu ngạn sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Đuống… Đây là vùng đất chuyển tiếp từ trung du xuống đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các di tích Tiền Đông Sơn thường nằm ở vị trí cao, trên đồi, gò cao, gần nguồn nước, gắn bó với rừng, nhằm tránh tác động của thiên tai, tạo không khí trong lành, thoáng mát. Việc lựa chọn nơi cư trú như vậy rất thuận lợi cho điều kiện sống, sinh hoạt hàng ngày, cũng như việc khai thác các tiềm năng kinh tế của cư dân Tiền Đông Sơn.

Qua vài nét phác thảo về địa bàn cư trú của cư dân nền văn hóa Tiền Đông Sơn, cho thấy ngay từ buổi sơ khai con người đã tỏ rõ khả năng thích ứng, tận dụng, hòa hợp với môi trường tự nhiên như một bản năng, quy luật tất yếu vì sự sinh tồn của mình.

Cấu tạo địa tầng văn hóa

Tầng văn hóa có thể ví như những trang sách ghi lại dấu ấn về đời sống, sinh hoạt của con người. Việc nghiên cứu các lớp đất, nhất là tầng văn hóa, có một ý nghĩa rất quan trọng. Đối với tầng văn hóa thì màu sắc, độ dày, mỏng, kết cấu đơn giản hay phức tạp, di vật nhiều hay ít đều là những tiêu chí chủ yếu, để nhà khảo cổ xác định rõ tính chất đặc điểm của một di tích khảo cổ học. Tầng văn hóa là đặc điểm phản ánh rõ, đầy đủ, khách quan nhất về tất cả các mặt đời sống trong quá khứ của cư dân Tiền Đông Sơn.

Di tích cư trú phát hiện được trong các văn hóa Tiền Đông Sơn đều ở ngoài trời. Địa tầng trong các giai đoạn văn hóa hết sức đa dạng về độ dày, mỏng, sự kế tiếp các giai đoạn văn hóa trong cùng một di tích. Có di tích tầng văn hóa gồm cả ba giai đoạn phát triển, thể hiện sự kế tiếp giữa các giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, như ở Đồng Đậu, Đình Chàng. Đây là một trong những đặc thù của các văn hóa thuộc thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng. Bởi đó là những văn hóa phát triển kế tiếp nhau mang tính chất nội tại của một cộng đồng ổn định. Sự khác nhau về mặt văn hóa cơ bản chỉ là sự khác nhau về trình độ. Thời gian tồn tại cho thấy dân cư đã cư trú ổn định, liên tục trong một thời gian lâu dài. Điều này đang dần được hé mở bởi công sức tìm tòi, phát hiện, nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học trong hơn nửa thế kỷ qua.

Các di chỉ xưởng

Di chỉ xưởng là một đặc trưng, thành tố quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội của cư dân văn hóa Tiền Đông Sơn. Giai đoạn tiền sơ sử Việt Nam với ba trung tâm sản xuất nghề thủ công: trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; đồng bằng Trung Bộ; đồng bằng miền Đông Nam Bộ. Văn hóa Phùng Nguyên là điển hình của vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, với hàng chục di tích được xác định chắc chắn là di chỉ xưởng chế tạo đồ đá. Từ các tư liệu khảo cổ học cho thấy một số công xưởng đã chuyên môn hóa trong sản xuất sản phẩm. Chẳng hạn di chỉ xưởng Gò Chè chế tác công cụ đá là chính, Bãi Tự chế tác mũi khoan, Tràng Kênh chủ yếu chế tác vòng trang sức… Tính chất công xưởng của các di tích này được thể hiện rõ qua hàng loạt di vật đá được phát hiện. Có thể nói, đây là khu vực công xưởng chế tác đá tiền – sơ sử lớn nhất, chưa từng gặp bất cứ nơi nào ở Việt Nam.

Việc phát hiện di chỉ xưởng qua các giai đoạn văn hóa cho thấy sự tiến bộ về tư duy cũng như tay nghề của người thợ thủ công, chứng tỏ xã hội đã có xu hướng phân công lao động giữa nghề nông với nghề thủ công. Đồng thời, cũng cho thấy một bước phát triển trong tư duy của cư dân từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Gò Mun. Nếu như ở văn hóa Phùng Nguyên nghề thủ công cơ bản là chế tác đá, sang văn hóa Đồng Đậu đã thấy xu hướng phát triển nghề luyện kim, đến giai đoạn Gò Mun thì đã chứng tỏ một bước tiến dài trong tư duy nhận thức của cư dân ở các vùng văn hóa này. Các yếu tố này là cơ sở cho việc hình thành một nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng.

Nghiên cứu các di chỉ xưởng sẽ có giá trị, ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt lịch sử, mà còn có giá trị về văn hóa, khoa học. Ngay từ buổi sơ khai dựng nước bằng những kỹ thuật thủ công, người Phùng Nguyên đã chế tác được những hiện vật đá trang sức hết sức tinh tế. Đây chính là kho tàng tri thức của người Phùng Nguyên cần một sự liên ngành nghiên cứu, bảo tồn, khai thác.

Các di tích trong tầng văn hóa

Vết tích nền nhà

Trong văn hóa Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ phát hiện được rất ít dấu tích nền nhà, những phát hiện này thường là một số mảng nền đất vàng hoặc cháy đỏ; đến giai đoạn văn hóa Đồng Đậu, trong đợt khai quật lần thứ tư di chỉ này, nền nhà đã xuất hiện, hình dạng khá vuông vắn, với chiều dài, chiều rộng, các hố, cột với kích thước, khoảng cách hợp lý. Đến văn hóa Gò Mun vẫn tiếp tục phát hiện các nền nhà, nhưng thường bên cạnh hay trên mặt nền còn phát hiện được những bếp nguyên thủy được đắp bằng đất sét rất cẩn thận. Như vậy, từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, qua mỗi giai đoạn phát hiện vết tích nền nhà ngày càng rõ nét hơn, với sự xuất hiện của bếp lửa càng khẳng định chắc chắn thêm loại hình di tích này.

 Bếp lửa, lò nung

 Trong văn hóa Phùng Nguyên, hầu hết trong các cuộc khai quật dấu tích bếp lửa rất mờ nhạt. Chỉ tới khi phát hiện bếp lửa trong đợt khai lần thứ tư ở di chỉ Đồng Đậu, chúng ta mới biết tới hình dạng của các bếp lửa Phùng Nguyên một cách khá chắc chắn. Đến văn hóa Gò Mun thì với hình dạng, đặc thù của bếp đã hiển lộ, có ý kiến cho rằng bếp có thể có 2 loại hình, một loại khoét xuống lòng đất, một loại đắp thành hình trên mặt đất gần như bếp hiện nay. Lò nung đồng được phát hiện ở giai đoạn Đồng Đậu cũng cho thấy sự tiến bộ hơn với văn hóa Phùng Nguyên trong kỹ thuật phát triển nghề luyện kim. Đến giai đoạn Gò Mun thì nghề luyện kim ngày càng phát triển hơn, con người thời kỳ này đã chế tạo nhiều hiện vật đồng rất nghệ thuật, tinh tế. Các bếp có hình dạng, quy mô, kích thước không giống nhau. Đa số các bếp đều chứa di vật khảo cổ, xương thú vật. Phần nhiều bếp lửa nằm trong các hố đất đen ở những độ sâu khác nhau, có bếp nằm rất sâu so với mặt sinh thổ. Qua đây cho thấy mật độ bếp Phùng Nguyên ở di tích Đồng Đậu khá dày, đa dạng.

Hố đất đen

Trong nền đất vàng (nền nhà nhân tạo), hoặc nền đất tự nhiên nơi cư trú của các văn hóa Tiền Đông Sơn, chúng ta đều bắt gặp các hố đất đen. Đa phần các hố đất đen đều ăn sâu xuống sinh thổ. Nguyên nhân xuất hiện ra các hố này do nhiên tạo, nhân tạo. Trong các di tích văn hóa Phùng Nguyên, các hố đất đen xuất hiện nhiều; vị trí, kích thước hình dạng không tuân thủ một nguyên tắc nào. Khiến bước đầu có thể còn lúng túng khi tìm lời giải đáp về chức năng của chúng. Song, khi các hố đất đen này xuất hiện ở các giai đoạn sau như có dấu ấn của sự sắp đặt nhiều hơn, thì chức năng của chúng bắt đầu được lý giải từ nhiều góc nhìn khác nhau. Loại trừ các hố đất đen không mang dấu ấn con người tạo ra, các hố còn lại nơi thì chứa đồ phế thải, nơi thì có than tro bếp… khiến cho cách lý giải về chức năng của các hố đất đen cũng rất phong phú, có ý kiến cho rằng đó là vết tích của bếp, hố chứa rác thải, lỗ cọc. Bên cạch đó cũng không ít ý kiến cho rằng trước khi trở thành hố rác, thì các hố đất đen này là do con người lấy đất để làm gốm. Nhìn chung các ý kiến trên đều có cơ sở, có tính hợp lý nhất định. Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nội dung, chức năng của loại hình di tích này.

Dấu tích về động, thực vật

Người Phùng Nguyên sống chủ yếu bằng nghề nông. Nghề chăn nuôi, săn bắn, thu lượm, đánh cá chỉ có vị trí thứ yếu. Trên thực tế, chúng ta hiện biết quá ít về các dấu tích động, thực vật. Qua hàng ngàn năm lịch sử, dấu tích động vật còn lưu tồn trong văn hóa Phùng Nguyên rất hiếm, đa phần bị mủn nát không thể nghiên cứu được. Một số kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này cho thấy, cư dân Phùng Nguyên đã biết nuôi trâu, bò, gà… Ngoài động vật nuôi, người Phùng Nguyên còn săn bắn một số thú hoang dã như lợn rừng, hươu nai, hoẵng… Lao, giáo, tên mài nhẵn, chắc chắn, là vũ khí tốt giúp người Phùng Nguyên săn bắn các loại thú sẵn có trong các khu rừng hay đồi gò xung quanh khu cư trú.

Từ văn hóa Phùng Nguyên đến Gò Mun, cư dân ngày càng chủ động hơn trong việc nuôi trồng động, thực vật. Nếu ở văn hóa Phùng Nguyên dấu tích của hạt lúa còn khá mơ hồ, thì đến văn hóa Đồng Đậu, qua nghiên cứu những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu, các nhà khoa học chứng minh đã có những hạt lúa tẻ, nếp xuất hiện. Trong văn hóa Gò Mun phát hiện được cả hầm ngũ cốc, nơi cất giữ lương thực tích lũy. Việc nuôi trồng các loài động, thực vật ở các giai đoạn văn hóa sau ngày càng có xu hướng mở rộng, phát triển hơn các giai đoạn trước, đây cũng là nhu cầu phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên.

Ngoài các di tích nơi cư trú, trong tầng văn hóa còn có di chỉ mộ táng. Đây là nguồn tài liệu giúp chúng ta có thể tìm hiểu được đời sống của con người thời xưa về nhiều mặt như tập tục, tín ngưỡng, đời sống vật chất, tinh thần, sự phân hóa xã hội, nguồn gốc chủng tộc, thân phận của người đã chết… Mặc dù loại hình di tích này đến nay phát hiện được còn rất ít, nhưng với những nguồn tài liệu, thông tin hiện có, chúng ta cũng đã phần nào hiểu được cư dân Phùng Nguyên có tục chôn cất người chết ngay tại nơi cư trú. Trong khi các di tích mộ táng giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, phát hiện còn lẻ tẻ, mặc dù đã khai quật trên diện tích hàng ngàn mét vuông mà chưa tìm thấy một khu mộ như ở văn hóa Phùng Nguyên. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đã nghĩ tới có một khu nghĩa trang riêng của người Đồng Đậu, Gò Mun, thể hiện sự tiến bộ về mặt nhận thức giữa cõi sống, cõi chết.

Giá trị lịch sử, văn hóa các di tích Tiền Đông Sơn

Giá trị lịch sử

Giá trị lịch sử của các di tích Tiền Đông Sơn được xác định ở hai khía cạnh: các di tích này phải chứng minh một sự kiện lịch sử cụ thể hoặc là gắn với danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa tiêu biểu; các di tích phải góp phần chứng minh sự phát triển kinh tế, kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của một thời kỳ lịch sử hoặc của một triều đại nào đó trong toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử dân tộc.

Giá trị lịch sử của các di tích Tiền Đông Sơn được xác định bởi cách tiếp cận thứ hai, vì qua đặc trưng các di tích giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn đã góp phần chứng minh sự phát triển kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, nghệ thuật của xã hội, của các vùng văn hóa trong tiến trình lịch sử từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun.

Về kỹ thuật, giai đoạn Phùng Nguyên chế tác được những hiện vật đá trang sức là những khuyên tai, hạt chuỗi, vòng tay hết sức tinh tế, chuyển dần sang luyện kim ở các giai đoạn sau, thể hiện bước nhảy vọt về nhận thức, trình độ kỹ thuật của cư dân Tiền Đông Sơn.

Về kinh tế, ngoài việc trồng lúa, chăn nuôi, đánh cá, săn bắn (bắt) các loại thú rừng thì việc phát hiện các di chỉ xưởng cho thấy văn hóa Phùng Nguyên là điển hình của vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ về sản xuất nghề thủ công chế tác đá, làm gốm, luyện kim cho thấy đời sống kinh tế văn hóa có bước phát triển cao.

Cấu tạo địa tầng một số di tích tầng văn hóa gồm cả ba giai đoạn phát triển từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, phản ánh khá rõ và khách quan về sự phát triển liên tục trong đời sống xã hội của cư dân Tiền Đông Sơn.

Đồng thời các di tích Tiền Đông Sơn chính là nguồn sử liệu chứa đựng nội dung về lịch sử các mặt hoạt động trong đời sống xã hội Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng. Nếu được lưu giữ, bảo quản tốt thì sẽ hữu ích cho các ngành khoa học tiếp cận nghiên cứu.

Giá trị văn hóa

Các di tích Tiền Đông Sơn là di sản văn hóa vật thể do con người sáng tạo ra. Các di tích này có thể coi như cuốn sách văn hóa, nội dung chứa đựng toàn bộ hoạt động trong đời sống văn hóa của cư dân từ văn hóa Phùng Nguyên đến Gò Mun. Đọc cuốn sách này chúng ta biết được cư dân Tiền Đông Sơn chọn nơi cư trú như thế nào, sống ổn đinh lâu dài hay thường xuyên thay đổi nơi cư trú, họ sinh sống bằng nghề gì, đời sống kinh tế ra sao. Qua nghiên cứu đặc trưng các di tích có thể thấy những giá trị cơ bản trong đời sống văn hóa của cư dân giai đoạn này như sau:

Nơi cư trú thích ứng, tận dụng được môi trường tự nhiên. Các di tích Tiền Đông Sơn thường nằm ở vị trí cao, nhằm tránh tác động của thiên tai, muỗi, thú dữ, đồng thời tạo không khí trong lành, thoáng mát, gần nguồn nước, tỏ rõ khả năng thích ứng, tận dụng, hòa hợp với môi trường tự nhiên. Đối với địa bàn văn hóa Tiền Đông Sơn, cách chọn lựa này đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị.

Cư trú có tính ổn định. Một số di tích tầng văn hóa gồm cả ba giai đoạn phát triển, thể hiện sự kế tiếp giữa các giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, như ở Đồng Đậu, Đình Chàng. Đây là một trong những đặc thù của các văn hóa thuộc thời đại đồng thau Việt Nam ở lưu vực sông Hồng. Bởi đó là những văn hóa phát triển kế tiếp nhau mang tính chất nội tại của một cộng đồng ổn định.

Đời sống kinh tế đa nghề rất phát triển. Ngoài nghề trồng lúa là chính, cư dân tiền Đông Sơn còn biết nhiều nghề phụ khác rất đa dạng như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn thú hoang dã, đánh bắt cá, xe sợi dệt vải, đan lát, chế tác đá, luyện kim…

Đời sống tinh thần phong phú. Cư dân Tiền Đông Sơn biết làm đẹp, quan tâm đến đến nghệ thuật, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của mình. Điều này thể hiện qua đồ trang sức, tượng nghệ thuật. Mặc dù có nhiều loại đồ trang sức tuyệt mỹ bằng đá ngọc nephrite, nhưng người Phùng Nguyên vẫn sản xuất một số loại vòng bằng đất nung rất đẹp, khá độc đáo như: vòng có mặt cắt ngang chữ nhật, chữ T, dạng tang trống. Việc các nhà khảo cổ học phát hiện, nghiên cứu mộ táng giúp cho chúng ta có thể tìm hiểu tập tục, tín ngưỡng, đời sống vật chất, tinh thần, sự phân hóa xã hội, những vấn đề về nguồn gốc chủng tộc của người được chôn cất trong ngôi mộ.

Các di tích Tiền Đông Sơn bị chôn vùi trong lòng đất hàng ngàn năm, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, khắc nghiệt mà vẫn còn lại với thời gian là điều hết sức quý giá. Đó là bằng chứng vật chất xác thực nhất, ghi lại dấu ấn của con người thời đã qua. Các di tích Tiền Đông Sơn có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, là sản phẩm kết tinh công sức, trí tuệ của chủ nhân văn hóa thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng. Qua đặc trưng, giá trị các di tích cơ bản đã phác thảo được bức tranh khái quát, sinh động về đời sống của cư dân chủ nhân các vùng văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun; là cơ sở cho sự hình thành một nhà nước sơ khai thời kỳ Hùng Vương. Mặc dù còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu, nhưng với những thành tựu mà các nhà khoa học đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy các di tích Tiền Đông Sơn xứng đáng là một bộ phận trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam. Điều này rất quan trọng cho việc đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác giá trị di tích, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN SỸ TOẢN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *