Đặc trưng nghệ thuật kiến trúc đình làng đồng bằng bắc bộ


Kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ là sự tiếp nối liền mạch của kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam và đạt đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc dân tộc. Ở những ngôi đình sớm nhất TK XVI còn lại đến ngày nay như Thụy Phiêu, Lỗ Hạnh, Tây Đằng… chúng ta đã nhận thấy ở đó “có cấu trúc hết sức hoàn chỉnh. Từ những dấu tích chiều cao của sàn cho đến chiều cao của gác thờ, chiều cao của giọt gianh… tất cả đều nói lên rằng loại hình kiến trúc này đã trải qua những thời gian dài ứng nghiệm thử thách mới có được tỷ lệ thích hợp như vậy”(1).

Bezacier, học giả người Pháp, chuyên nghiên cứu về nghệ thuật Đông Nam Á, nhận xét: “Trong số các biểu hiện nghệ thuật thì kiến trúc vốn là miếng đất hoạt động thông dụng nhất và đặc thù nhất của trí tuệ Việt Nam”. Dù chưa khẳng định nét đặc sắc bản địa của kiến trúc đình làng, Bezacier cũng công nhận: ”Đình làng trung tâm toàn bộ hoạt động xã hội Việt Nam thời cổ, cũng là nơi ít chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Trung Hoa”(2).

Kiến trúc đình làng từ TK XVI đến TK XIX đầu XX, đã hình thành, phát triển và thoái trào theo thời gian. Với độ dài thời gian như vậy, chúng ta có độ lùi nhất định để có thể rút ra một số đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ.

 

1. Đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc đình làng

         Tính chỉnh thể toàn vẹn và thống nhất

Kiến trúc đình làng từ TK XVI, chỉ với một tòa đại đình đã thể hiện tính chỉnh thể toàn vẹn và thống nhất, hợp thành từ những bộ phận có kết cấu phức tạp. Bộ khung gỗ chịu lực, với hàng trăm cấu kiện liên kết bằng mộng theo không gian ba chiều, như: cột cái, cột quân, cột hiên, bộ vì, các con rường, các xà, dầm… tạo thành bộ khung hình hộp – một tổ hợp với cấu trúc hợp lý và khoa học; thành phần bao che công trình: hệ mái, với kỹ thuật chồng đè với hoành, rui, mè, ngói; hệ thống ván bưng, tảng kê chân cột…

Tất cả các bộ phận từ chính đến phụ, từ đơn giản đến phức tạp, từ to lớn như cột cái đến nhỏ bé như cái then tàu, đều liên kết chặt chẽ, hợp lý và bổ sung cho nhau để tạo thành ngôi đình làng.

Với quan niệm của người Việt, ngôi đình làng là một thực thể sống động và linh thiêng. Do vậy, ở đình làng chứa đựng sự hài hòa giữa các yếu tố âm dương. Đó là số gian của đình bao giờ cũng lẻ: 3, 5, 7… (= dương); số hàng cột của vì kèo bao giờ cũng chẵn: 4 hoặc 6 (= âm). Các bộ phận của khung gỗ được liên kết bằng mộng, phần gờ lồi của cấu kiện này khớp vào phần lõm của cấu kiện khác cũng được cho là tuân theo nguyên tắc âmdương.

Ngôi đình là yếu tố dương, thì phía trước đình thường là sông hoặc hồ, ao, giếng – yếu tố âm… Hài hòa âm – dương là một chỉnh thể toàn vẹn và thống nhất của thiên nhiên đã được áp dụng vào kiến trúc đình làng – một chỉnh thể toàn vẹnthống nhất của văn hóa, do con người tạo ra.

         Theo thời gian ngôi đình làng được bổ sung thêm nhiều hạng mục kiến trúc khác như hậu cung, tiền tế, tả vu, hữu vu, cột biểu hoặc cổng tam môn… thì các công năng của nó không phá vỡ chỉnh thể của cảnh quan kiến trúc, mà liên kết, bổ sung, tiếp nối với tòa đại đình để tạo nên một tổng thể kiến trúc đình làng. Trong bố cục mặt bằng, tòa đại đình vẫn là thành phần chính. Các hạng mục kiến trúc khác không lấn át, che khuất tòa đại đình, mà chỉ là những thành phần phụ trợ. Tính chỉnh thể toàn vẹn và thống nhất của kiến trúc đình làng còn thể hiện ở chỗ có sự liên kết hợp lý giữa các mặt đối lập, tương phản lẫn nhau như: mảng lớn – mảng nhỏ, đặc – rỗng, chính – phụ, cao – thấp… của ngôi đình làng.

         Tính đăng đối

Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam nói chung và kiến trúc đình làng nói riêng đều tuân theo nguyên tắc tính đăng đối.

Tổ tiên người xưa của người Việt là người Phùng Nguyên đã nắm vững qui luật đối xứng trong trang trí hoa văn. Với tư duy trừu tượng cao, người Phùng Nguyên đã sử dụng nhiều kiểu đối xứng như: đối xứng gương (các nhà sinh học còn gọi là đối xứng lưỡng trắc), đối xứng trục (hay đối xứng quay), đối xứng tịnh tiến.

Thật ra, trong nghệ thuật cổ Việt Nam, với tính dân gian đậm đặc, nó không đạt tới sự đối xứng toán học, mà chỉ là sự đăng đối và do đó sinh động hơn.

Tính đăng đối chi phối toàn bộ kiến trúc đình làng. Từ qui hoạch cảnh quan đến mặt cắt dọc và mặt cắt ngang của các khối kiến trúc. Các thành phần kíến trúc được bố cục cân xứng qua một trục. Trên qui hoạch mặt bằng, đường “thần đạo” nằm trên đường trục đó. Nó xâu chuỗi một loạt hạng mục kiến trúc từ hồ (ao hoặc giếng), cột biểu (hoặc nghi môn) bình phong đến hai dãy tả vu, hữu vu, tiền tế, tòa đại đình, hậu cung.

Tính đăng đối với bản chất của nó là sự lặp lại có qui luật và chính nó tạo ra một đơn vị họa tiết, mang tính chất trang trí. Tính đăng đối tạo nhịp điệu, làm cho ngôi kiến trúc trở nên giàu tính trang trí, tác động đến thị giác tạo ấn tượng thẩm mỹ.

Tính đăng đối của kiến trúc cũng tác động đến cảm giác, tạo sự ổn định, bền vững, thể hiện nhu cầu thường hằng của cư dân nông nghiệp.

         Cân bằng ổn định và linh hoạt

Ở trong môi trường khí hậu có sự thay đổi với biên độ lớn và thất thường như bão lụt, hạn hán, nắng nóng, lạnh giá… thì nhu cầu thường trực của con người là sự cân bằng ổn định. Chỉ có như vậy mới có điều kiện để tồn tại và phát triển. Các loại hình kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, trong đó có kiến trúc đình làng đều có xu hướng phát triển chiều ngang, như bám chặt xuống đất tạo thể cân bằng ổn định. Bộ mái lớn, đồ sộ xòe rộng che kín ngôi kiến trúc, vừa tránh mưa hắt có thể làm hại chân công trình, như dân gian nói: “nước mưa cưa trời”, vừa có thể chống chọi với những cơn gió giật thường xảy ra ở đồng bằng làm tốc mái công trình.

Bộ khung cột đình to lớn, nặng nề (chu vi cột cái của đình Cao Thượng, Bắc Giang là 2,14m, cột cái của đình Chu Quyến, Hà Nội là 2,50m), chịu lực của toàn bộ sức nặng bộ mái tác động từ trên xuống theo chiều thẳng đứng. Do liên kết theo kiểu hình hộp, nên ngôi đình có thể chịu được lực tác động theo chiều ngang. Ngôi đình làng có khả năng chống chịu với những cơn địa chấn tốt hơn rất nhiều so với các công trình kiến trúc hiện đại, được xây dựng bằng bê tông cốt thép.

Kiến trúc đình làng có mô thức cân bằng ổn định để chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt, đồng thời môi trường thiên nhiên cũng đòi hỏi con người phải linh hoạt để thích ứng với nó. Toàn bộ kiến trúc đình làng được liên kết bằng mộng, theo nguyên lý lắp ghép, rất động và linh hoạt. Khi cần phải thay thế một bộ phận bị hư hỏng cũng thuận tiện mà không ảnh hưởng đến toàn bộ. Nhiều ngôi đình đã nâng cao hàng mét (gọi là kiệu đình) để tôn nền chống lụt như đình Chèm (Hà Nội), đình Thổ Hà (Bắc Giang)…

Kiến trúc đình làng với đặc trưng cân bằng, ổn định và linh hoạt là hệ quả của thế ứng xử của cư dân đồng bằng Bắc Bộ đối với môi trường sống, vừa chế ngự, hạn chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vừa linh hoạt khôn khéo tận dụng những điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển.

         Tầm thước và giản dị

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, chính quyền trung ương tập quyền có khả năng tập hợp lực lượng cho chiến tranh chống ngoại xâm, nhưng khó tập trung được sức người, sức của cho việc xây dựng những công trình to lớn. “Xã hội Việt không có tầng lớp quý tộc rõ rệt với những đặc quyền, đặc lợi về sản xuất, về ruộng đất. Công xã nông thôn không bị phá vỡ cơ cấu mà chỉ bị làm biến đổi từng mặt. Xã hội Việt là tập hợp các làng – những tế bào độc lập đứng cạnh nhau. Chính nền kinh tế làng xã phân tán cũng khiến người Việt không đủ điều kiện tạo dựng được những công trình kiến trúc to lớn”(3),

Đối với người Việt, cư dân trồng lúa nước mà động tác lao động sản xuất chủ yếu là cúi xuống đất, thì ngôi đình làng đã là to lớn, đồ sộ lắm. Nhưng ngôi kiến trúc đó dài thường không quá 30m, rộng không quá 15m, giọt gianh nhà dân thường là 4 thước đến 5 thước, thì ở đình làng từ dạ tàu xuống mặt nền thường từ 6 thước 5 đến 7 thước (mỗi thước là 2 gang tay, hoặc 40cm). Nhiều ngôi đình diềm mái còn xà thấp nữa, chỉ đến 1,90m tính từ cạnh dưới dạ tàu, như đình Quang Húc (Hà Nội). Đình làng có kích thước to lớn vừa đủ, phù hợp với tầm thước người Việt về mặt nhân chủng học.

 

Tính tầm thước và giản dị của kiến trúc đình làng thể hiện ở tỷ lệ tương quan giữa ngôi đình làng và cảnh quan thiên nhiên, giữa các bộ phận của từng cấu kiện với kiến trúc đình làng. Ngôi đình làng đã đạt độ chuẩn giữa các tương quan ấy, tạo hiệu quả thẩm mỹ về sự hài hòa đẹp mắt. “Mặt đứng, mặt bằng và mặt cắt đình Chu Quyến được tổ hợp bởi các hình tam giác đều (có góc 600) và tam giác vuông đồng dạng (có các góc vuông là 900, 600 và 30”(4).

Bezacier nhận xét mối quan hệ giữa ngôi đình và cảnh quan: “Ít khi người Việt Nam chú ý xây dựng công trình theo chiều cao; ngược với Tây phương, người Việt Nam xây dựng công trình theo kiểu phát triểntrải rộng chúng trong những không gian rộng lớn mà ở đó… ở cuối lối đi ấy thường sẽ xuất hiện giữa những mặt hồ đầy nước và lung linh ánh sáng, hình ảnh soi bóng một công trình mái cong đồ sộ, cột gỗ, vách gỗ và chính trong những mặt hồ đó, công trình như được bay bổng lên”(5).

Từ xa nhìn vào, cũng như nhìn từ phía trong ngôi đình, nhìn chung ngôi đình làng cho ta cảm giác với ấn tượng giản dị và ấm cúng. Bộ mái lớn mà hiền hòa, thời gian ngả mầu rêu. Tất cả các cấu kiện gỗ đều để mộc, không sơn phết cầu kỳ như kiến trúc Trung Hoa (trừ một số ít đình 4 cột cái gian giữa được sơn son để tạo sự linh thiêng và thường được sơn vào đời Nguyễn). Bên cạnh những đầu dư, rường cánh, bẩy, cốn, cửa võng… được chạm trổ công phu, còn lại các cột, xà, kẻ, hoành, rui… đều để trơn.

Đình làng, còn gọi là “nhà việc” gắn với đời sống nơi thôn dã, có những tỷ lệ, kết cấu và công năng phù hợp với những chức năng và những nhu cầu “thực dụng” của những người nông dân Bắc Bộ.

         Hòa hợp với thiên nhiên

Kiến trúc đình làng là công trình to lớn nhất ở làng, nhưng nó không vượt trội, phá vỡ cảnh quan xung quanh. Từ việc chọn vị trí, hướng của đình làng, người ta luôn chọn những giải pháp để tận dụng, khai thác những lợi thế của thiên nhiên và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ thiên nhiên, khí hậu. Bezacier nhận xét: “Cái đặc tính Việt Nam trong nghệ thuật kiến trúc của họ chính là ở cái chất cơ bản về phong cảnh của nó, mà đặc điểm này được bắt nguồn từ nguyên tắc “phong thủy”, một nguyên tắc hài hòa không thể thiếu được giữa công trình và phong cảnh thiên nhiên đó và nếu như trong tự nhiên còn thiếu cái hài hòa đó thì bàn tay nghệ nhân phải tạo ra nó”(6).

Ngôi đình làng hòa đồng và “đối thoại” với thiên nhiên. Ở những ngôi đình cổ TK XVI-XVII, xung quanh thông thoáng để thiên nhiên ùa vào trong đình. Bộ mái đình lớn có tác dụng điều hòa vi khí hậu, không gian đình để ánh sáng chan hòa vào bên trong, luồn lách phản chiếu và làm nổi rõ những mảng chạm khắc trên các cấu kiện của kiến trúc. Thiên nhiên trong nghệ thuật chạm khắc nối liền với thiên nhiên xung quanh ngôi đình. Các cây cối cổ thụ thường được trồng phía sau và hai bên đình, bao bọc lấy ngôi kiến trúc, tạo nên nền cảnh của cảnh quan đình làng, đồng thời cây cối lại trang điểm cho đình làng thêm đẹp đẽ và ấm cúng.

Ngôi đình làng là nơi con người tìm thấy sự gắn bó, hòa điệu với thiên nhiên, cũng như tìm thấy sự đồng cảm con người với con người.

 

2. So sánh kiến trúc đình làng với kiến trúc cổ Trung Hoa

Trong kiến trúc đình làng, các cột có tiêu chuẩn to, mập và chắc chắn, “đầu cán cân, chân quân cờ”. Mái đình lớn, nặng, xà thấp, có xu hướng che chân công trình (vừa tránh mưa, vừa tránh nắng trực xạ), chiếm 2/3 chiều cao của đình, mặt mái dốc và phẳng. Cấu tạo mái theo kiểu “tàu đao, lá mái”. Phổ biến loại một tầng bốn mái. Mái lợp ngói mũi hài, lợp 2 lớp (ngói chiếu và ngói phủ), để tránh cuồng phong làm tốc mái, đồng thời làm cho ngôi đình ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

Kiến trúc cổ Trung Hoa, sản phẩm của vùng bình nguyên khô ráo, các cột có xu hướng thanh nhã và thon mảnh, cột có nhiều loại: tròn, vuông hoặc bát giác. Mái Trung Hoa nhẹ, đầu mái thẳng, thường chiếm 1/2 độ cao kiến trúc, để lộ thân công trình. Mặt mái không dốc lắm và hơi cong lõm. Mái kiến trúc cổ Trung Hoa khá phổ biến kiểu “mái hạ, mái thượng”, chồng diêm tám mái. Mái có cấu tạo dựa trên kết cấu “tầu hộp” và hệ “đấu củng” nhiều tầng lớp và chi tiết. Mái được lợp bằng ngói ống, hoặc ngói âm dương và chỉ lợp một lớp.

Màu sắc công trình cũng có nét khác biệt. Đình làng Việt Nam có màu tự nhiên, mộc mạc, rêu phong cổ kính của mái ngói, nguyên sơ của gỗ. Công trình kiến trúc có xu hướng trầm, mộc mạc, hướng nội như bị hút xuống đất và lẫn vào không gian cảnh quan. Kiến trúc Trung Hoa có màu rực rỡ của sơn (thường là màu đỏ) ở cấu kiện gỗ, màu men vàng, xanh của ngói ống. Công trình duyên dáng, uyển nhã, có xu hướng nổi bật, hướng ngoại, cầu kỳ.

Do có sàn đình, cho nên thềm và nền đình làng Việt Nam thường ít được chú trọng chăm chút và thường thấp hơn thềm và nền của kiến trúc Trung Hoa. Nền đình gian giữa thường không lát gạch, các gian còn lại đều lát ván sàn. Kiến trúc đình làng là kiến trúc mở, để thoáng xung quanh. Do vậy, ngôi kiến trúc gần gũi với con người, toát lên tính dân chủ. Chạm khắc của đình làng cũng nhiều và phong phú hơn kiến trúc chùa đền Trung Hoa. Điêu khắc đình làng làm cho các kết cấu gỗ trở nên mềm mại, uyển chuyển, không gian kiến trúc trở nên sinh động hơn. Đặc biệt, chạm khắc đình làng không chỉ có trang trí kiến trúc, mà chứa đựng giá trị về văn hóa, lịch sử, dân tộc học, nghệ thuật học…

Thềm và nền của kiến trúc cổ Trung Hoa được chú trọng hơn. Nền thường được xây lát bằng gạch, thềm được bó lát bằng đá, gạch. Các chùa đền Trung Hoa có tính khép kín bằng hệ thống tường vách bao quanh. Điêu khắc trang trí kiến trúc cũng hạn chế hơn.

Sự khác biệt giữa kiến trúc đình làng với kiến trúc cổ Trung Hoa được thể hiện qua bảng sau:

 

TT

Thành phần

kiến trúc

Kiến trúc đình làng

 Việt Nam

Kiến trúc cổ

Trung Hoa

1

Cột

To – mập – tròn

Nhỏ – thon – tròn, vuông, bát giác

2

Mái

 

Thấp – nặng – cong =2/3

chiều cao công trình.

Phổ biến loại 1 tầng 4 mái.

Cao – nhẹ – thẳng = 1/2

chiều cao công trình.

Phổ biến loại 2 tầng 8 mái

3

Cấu trúc mái

Mặt mái dốc thẳng

“tầu đao, lá mái”

Mặt mái hơi cong lõm

“tầu hộp, hệ đấu củng”

4

Nền, thềm

Thấp

Cao

5

Màu sắc

 công trình

Trầm – tự nhiên

Rực rỡ – nhân tạo

6

Ngói

Mũi hài, lợp hai lớp,

không phủ men

Ống, lợp một lớp,

phủ men nhiều màu

7

Chạm khắc

Nhiều

Hạn chế

8

Quan hệ

với cảnh quan

Hòa hợp, lẫn vào cảnh quan

Tương phản, nổi bật trên cảnh quan

9

Kiến trúc

Mở, có sàn

Khép kín, không có sàn

 

 

 

Nghệ thuật kiến trúc đình làng đồng bằng Bắc Bộ đạt đỉnh cao của kiến trúc truyền thống dân tộc, có nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Qua ngôi đình làng lịch sử, có thể nhận thấy bản sắc văn hóa của dân tộc được hun đúc, chắt lọc qua thời gian.

_______________

1. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân, Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, 1993, Hà Nội, tr.40.

2, 5, 6. Theo Nguyễn Đức Thiềm, Góp phần tìm hiểu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1996, tr.134, 135.

            3, 4. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.329.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009

Tác giả : Nguyễn Văn Cương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *