Đại học văn hóa hà nội, nửa thế kỉ nhìn lại


         Nửa thế kỷ, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Đại học Văn hóa Hà Nội (ĐHVHHN) luôn phấn đấu không ngừng để ngày nay trở thành một trong những cơ sở đào tạo trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), sánh vai nhiều trường đại học trong cả nước, cùng nhân dân xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bả sắc dân tộc.

1. Vài nét về lịch sử

Chỉ gần 5 năm, sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp kết thúc (tháng 5-1954), giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống, ngày 26-3-1959 Trường Cán bộ Văn hóa – tiền thân của Trường ĐHVHHN – ra đời theo quyết định số 134/VH – QĐ của Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL). Lúc đó trường lớp rất đơn sơ, chủ yếu là tranh tre, nứa lá, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của cán bộ giảng viên vô cùng khó khăn. Học viên là những cán bộ, chiến sĩ làm công tác tác văn hóa thuộc mọi miền của cả nước về tham dự các lớp học bồi dưỡng ngắn hạn về chính trị và nghiệp vụ văn hóa. Giảng viên của trường vừa giảng dạy, vừa tự học tập để nâng cao trình độ. Buổi ban đầu lập nghiệp thật lắm gian nan.

Năm 1961, theo quyết định 127/VH – QĐ của Bộ Văn hóa, trường được đổi tên và nâng cấp thành Trường Lý luận và Nghiệp vụ Văn hóa. Trong thời gian này, nhà trường đã mở các lớp bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý của ngành văn hóa, còn được gọi với cái tên là “lớp Triết – Mỹ”. Cũng thời gian ấy, lớp chuyên tu đại học văn hóa quần chúng và thư viện do chuyên gia Liên Xô giảng dạy cũng được mở. Điều đặc biệt, năm 1961 lớp đại học thư viện khóa I được khai giảng và đào tạo trong 4 năm. Bên cạnh các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, nhà trường bắt đầu đào tạo hệ trung cấp cho 4 ngành: Thư viện, Văn hóa quần chúng, Bảo tồn Bảo tàng và Phát hành sách. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, thày và trò của trường đã sơ tán về Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Các hoạt động giảng dạy và học tập vẫn được duy trì trong điều kiện khó khăn của thời chiến. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, không ít học viên đang học tập đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, có người hy sinh. Học viên của trường sau khi tốt nghiệp đã trở thành các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 5-9-1977, theo quyết định 246/CP – QĐ của Thủ tướng Chính phủ, trường được nâng cấp thành Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hóa, với chức năng và nhiệm vụ mới là đào tạo ngành nghiệp vụ văn hóa bậc cao đẳng. Trong thời gian này trường đã mở rộng quy mô và đào tạo các lớp đại học ngành thư viện, văn hóa quần chúng, bảo tàng và phát hành sách. Cuối tháng 11-1979, lớp chuyên tu đại học viết văn khóa I khai giảng khóa đầu tiên. Đội ngũ giảng viên luôn nỗ lực nâng cao trình độ, vì thế trong vòng 5 năm trường đã có một đội ngũ giảng viên khá vững vàng, trong đó nhiều người tham gia giảng dạy bậc đại học.

Với những cố gắng bền bỉ về xây dựng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, sau 23 năm, một lần nữa trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp thành ĐHVHHN theo quyết định số 228/CP – QĐ ngày 04-9-1982. Đây là mốc quan trọng trong quá trình phát triển để ĐHVHHN trở thành cơ sở đào tạo cán bộ văn hóa có trình độ đại học lớn nhất của ngành văn hóa.

Từ 1982 đến nay, ĐHVHHN không ngừng phát triển về đội ngũ giảng viên, về quy mô đào tạo và tăng cường xây dựng cơ sở vật chất. Năm 1989 khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số ra đời; năm 1992 chuyên ngành Thông tin – Cổ động được thành lập; năm 1993 chuyên ngành Văn hóa Du lịch bắt đầu được đào tạo. Năm 1995 quy mô được mở rộng khi Viết văn Nguyễn Du và Viện Văn hóa sát nhập vào trường.

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, ĐHVHHN cũng có những bước chuyển để phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước. Đến năm 2000, khoa Văn hóa Du lịch tách khỏi khoa Bảo tàng để trở thành khoa độc lập; khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình Văn học được hình thành từ trường Viết văn Nguyễn Du; khoa Văn hóa Quần chúng thay đổi mục tiêu đào tạo và đổi tên thành khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật; khoa Phát hành sách đổi thành khoa Phát hành Xuất bản phẩm. Tháng 12-2008, khoa Văn hóa học chính thức được thành lập.

Năm 1991 đánh dấu một bước phát triển của nhà trường, khi khoa Sau đại học được thành lập và chính thức đào tạo bậc thạc sĩ với 2 ngành Văn hóa học và Thư viện học. Sau 17 năm đào tạo thạc sĩ, ngày 18-02-2008 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 197/QĐ – TTg, giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ cho ĐHVHHN. Tiếp đó, ngày 07-4-2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 1591/QĐ – BGDĐT, giao nhiệm vụ cho nhà trường đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học Thư viện và Văn hóa học. Việc chính thức được nhận nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ là mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự phát triển về quy mô và trình độ đào tạo của ĐHVHHN, đồng thời cũng mở ra một triển vọng mới cho việc đào tạo cán bộ và chuyên gia văn hóa trình độ cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh sự phát triển không ngừng trong việc đào tạo hệ chính quy, nhà trường còn mở rộng liên kết đào tạo tại chức với các tỉnh thành trên cả nước. Từ năm 1982, bắt đầu đào tạo hệ đại học tại chức cho các cán bộ ngành văn hóa ở các tỉnh thành trong toàn quốc. Sau 27 năm đào tạo hệ đại học tại chức, đã có gần 6.000 sinh viên tốt nghiệp. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo trên 3000 sinh viên, với 52 lớp tại 35 tỉnh thành phố, từ Hà Giang đến Cà Mau. Qua công tác đào tạo tại chức, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ gắn bó và dành được sự ủng hộ của nhiều Sở VHTTDL, các trường Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tình cảm của địa phương dành cho trường đã tạo ra động lực mới để nhà trường tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Hàng nghìn cán bộ văn hóa được đào tạo hệ đại học vừa làm, vừa học đã góp phần to lớn cho sự phát triển của ngành văn hóa nói riêng và đất nước nước nói chung.

Đến nay, ĐHVHHN có 8 khoa với các ngành đào tạo: Thư viện – Thông tin, Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật, Bảo tàng, Phát hành Xuất bản phẩm, Văn hóa Du lịch, Văn hóa các dân tộc thiểu số, Sáng tác, Lý luận và Phê bình Văn học, Văn hóa học. Nhà trường đào tạo ở 4 cấp độ: cao đẳng, đại học (hệ chính quy và tại chức), thạc sĩ và tiến sĩ.

Khoa Sau đại học đào tạo 3 ngành bậc thạc sĩ là Văn hóa học, Thư viện học và Quản lý Văn hóa, 2 ngành đào tạo nghiên cứu sinh: Văn hóa học và Thư viện học. Khoa Tại chức đào tạo cử nhân các ngành: Quản lý Văn hóa, Thư viện – Thông tin, Văn hóa Du lịch, Bảo tàng và Phát hành Xuất bản phẩm.

2. Những thành tích nổi bật

Trong nửa thế kỷ xây dựng, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ĐHVHHN đã có những bước phát triển vững chắc, toàn diện, tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo và các bậc học; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh hợp tác giao lưu quốc tế.

Về đào tạo

Trong 50 năm qua trường ĐHVHHN luôn là cơ sở đào tạo lớn nhất của Bộ VH,TT&DL. Nhà trường đào tạo được trên 20.000 cử nhân văn hóa, gần 1.000 thạc sĩ. Các lớp bối dưỡng ngắn hạn cũng đã cung cấp kiến thức nghiệp vụ văn hóa cho hàng nghìn học viên.

Hiện nay, trường đang đào tạo với quy mô 3.797 sinh viên hệ chính quy, 335 học viên cao học và nghiên cứu sinh, trên 3.000 sinh viên hệ tại chức. Tổng lưu lượng trung bình trên 7.000 người học mỗi năm. So với quy mô đào tạo những năm 90 của thế kỷ trước, số lượng sinh viên đã tăng 3,5 lần.

Nhà trường mở rộng liên kết với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ VHTTDL), Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) trong đào tạo bậc thạc sĩ.

Suốt nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ sinh viên ra trường đã tích cực lao động cống hiến trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong đó, không ít người trở thành lãnh đạo, quản lý, đại biểu quốc hội, các chuyên gia văn hóa có trình độ chuyên môn cao ở các cơ quan văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tham gia các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, không ít người trở thành văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có 51 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tiêu biểu như: nhà thơ Hữu Thỉnh – đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Y Phương, Dạ Ngân, nhạc sĩ Văn Thành Nho, Thái Văn Hóa, ca sĩ Ngọc Anh – giải Nhì Sao Mai toàn quốc, giải Vàng Đông Nam Á, ca sĩ NSƯT Vi Hoa, sinh viên Nguyễn Hoàng Nhung – giải Hoa hậu Dân tộc Việt Nam lần thứ nhất… Nhiều cán bộ văn hóa chủ chốt của Lào và Cămpuchia cũng được đào tạo từ ngôi trường này.

Nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học được đặc biệt quan tâm. Việc làm này vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, làm cho nội dung đào tạo gần với thực tế, vừa nâng cao trình độ của cán bộ, giảng viên. Nhiều đề tài đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề: văn hóa truyền thống, văn hóa nghệ thuật, chính sách và quản lý văn hóa… phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường cũng như việc ứng dụng trong hoạt động thực tiễn xã hội.

Chỉ tính riêng từ năm 1993 đến nay cán bộ, giảng viên nhà trường đã thực hiện 55 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 81 đề tài nghiên cứu cấp trường, biên soạn 89 giáo trình; tổ chức 38 hội thảo khoa học trong nước và 7 hội thảo quốc tế, nhiều cuộc hội thảo thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học trong toàn quốc và quốc tế tham gia. Hàng chục công trình nghiên cứu của Viện Văn hóa được công bố xuất bản thành sách và phổ biến rộng rãi. Đó là chưa kể hàng trăm bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành và hàng chục đầu sách được xuất bản của các cán bộ, giảng viên.

Nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được chú trọng. Hàng năm nhà trường đều tổ chức hội thảo khoa học sinh viên cấp khoa và cấp trường. Nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc của sinh viên đã đạt các giải nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Trường hai lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về thànhh tích nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên

Từ số lượng giảng viên ít ỏi, chưa được đào tạo bài bản của ngày đầu thành lập, nay đã phát triển thành một đội ngũ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đảm đương được nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Điều đáng quý là các giảng viên đều có ý thức phấn đấu học tập, nâng cao trình độ. Nhà trường đã tạo những điều kiện thuận lợi, khuyến khích giảng viên học tập như: giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy hàng năm, hỗ trợ 50% học phí, thưởng tiền cho những người bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng được đào tạo bài bản, tâm huyết với công việc, góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Đến nay, nhà trường có 280 cán bộ, giảng viên. Trong đó có 144 giảng viên với 31 tiến sĩ (10 PGS), đạt 21,52%; 108 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Tính bình quân giảng viên đạt trình độ trên đại học đạt 96,52%. Đó là chưa kể một số giảng viên đang học cao học, nghiên cứu sinh, chuẩn bị bảo vệ luận văn, luận án trong thời gian tới. Trường có 10 giảng viên được phong tặng Nhà giáo Ưu tú.

Ngoài đội ngũ cơ hữu, trường còn có sự tham gia của trên 100 giảng viên thỉnh giảng trình độ cao đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, tiêu biểu như GS Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Tô Ngọc Thanh, Phạm Đức Dương, Hoàng Vinh, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính, Trần Lâm Biền… Nhiều nhà khoa học, giáo sư nổi tiếng từng tham gia giảng dạy ở trường như cố GS Đặng Thai Mai, Nguyễn Khắc Viện, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hồng Phong, Trần Đình Hượu, Trần Quốc Vượng, Từ Chi…, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Phạm Tiến Duật… Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Quan hệ quốc tế

Trong thời hội nhập, ĐHVHHN đã tích cực đẩy mạnh quan hệ quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo. Nhà trường quan tâm duy trì các mối quan hệ cũ và phát triển quan hệ mới. Đến nay đã đặt quan hệ và hợp tác với nhiều trường, viện cũng như các tổ chức phi chính phủ thuộc Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Áo, Bỉ, Úc, Niu Di Lân, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào.

Thông qua các mối quan hệ, nhà trường đã nhận được sự giúp đỡ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, cấp học bổng cho các giảng viên và sinh viên, giao lưu văn hóa nghệ thuật.

Về xây dựng cơ sở vật chất

Từ ngôi trường đơn sơ được xây dựng sau chiến tranh, đến nay Trường ĐHVHHN có cơ ngơi khá khang trang, với các khu nhà cao tầng dành cho học tập, làm việc và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đó là 2 khu nhà cao 5 tầng với hệ thống phòng học, phòng làm việc; khu ký túc xá sinh viên có 4 đơn nguyên cao 5 tầng đủ chỗ ở cho gần 900 sinh viên; nhà văn hóa với 559 ghế ngồi dành cho các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật; khu nhà giáo dục thể chất 4 tầng; thư viện, nhà ăn… Tổng diện tích mặt bằng xây dựng hơn 19.000m2.

Nhà trường tích cực đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy và học tập như hệ thống trang âm phòng học, thư viện điện tử, phòng máy tính, máy chiếu… Hệ thống internet được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên và sinh viên cập nhật kịp thời thông tin và tri thức mới. Các điều kiện của cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đã góp phần vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

3. Phương hướng phát triển

Trước quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, Trường ĐHVHHN phải xác định mục tiêu và chiến lược phát triển để không ngừng đi lên, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục đa dạng hóa các cấp độ và các loại hình đào tạo. Mở các ngành đào tạo mới mà xã hội có nhu cầu như Văn hóa học, Xuất bản, báo chí, Gia đình học, Nghệ thuật…

Thứ hai, có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhân tố quan trọng của việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo với thực tiễn, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường tính tích cực chủ động của sinh viên.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Nguyễn Văn Cương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *