Dampier và chuyến du hành đàng ngoài


 

Trong số những nhà du hành châu Âu đến thăm và mô tả vương quốc Đàng Ngoài cuối thời trung đại như Samuel Baron, Richard… thì William Dampier được coi là một trong những nhà du hành vĩ đại nhất của thời đại. Ông đã đi vòng quanh thế giới 3 lần và nhiều chuyến đi lại giữa các lục địa Âu – Mỹ, Âu – Á trong khoảng 40 năm hành nghề đi biển. Chuyến du hành của Dampier tới Đàng Ngoài được thực hiện năm 1688, ngay sau khi ông vừa từ miền Tây Ấn vượt Thái Bình Dương sang phương Đông. Ước vọng tìm kiếm một vị trí quan trọng trong những chuyến đi thám hiểm tiềm năng buôn bán của công ty Đông Ấn Anh (EIC) với các nước trên bán đảo Đông Dương đã thôi thúc Dampier đi theo thuyền trưởng Weldon sang Đàng Ngoài, nơi ông đã kỳ công nghiên cứu, quan sát và học hỏi để viết nên những trang sách đầy giá trị về xứ Đàng Ngoài (1).

Dampier và những chuyến du hành vòng quanh thế giới

Dampier sinh năm 1652 tại làng East Coker thuộc vùng Sommersetshire của nước Anh. Bởi cha mẹ đều mất sớm, Dampier sớm rời bỏ trường học để đăng ký làm nhân viên cho một chủ tàu ở vùng Weymouth. Sự nghiệp của ông gắn với biển cả từ đó.

Năm 1673, Dampier tham gia phục vụ cho hải quân Anh trong cuộc chiến tranh với Hà Lan (2). Từ 1674, ông thực hiện chuyến đi biển đầu tiên của mình sang miền Tây Ấn (3) du hành trong vùng Jamaica và tiếp xúc với những người thợ xẻ gỗ huyết mộc ở vịnh Campeachy, đồng thời bắt đầu tiến hành ghi chép nhật ký các chuyến đi của mình. Chuyến đi sang Tây Ấn này đã giúp ông hoàn thành cuốn du hành ký đầu tiên của mình Voyages to Campeachy (Những chuyến du hành sang miền Campeachy). Trận bão năm 1676 đã làm Dampier khánh kiệt và buộc ông nhập hội với bọn cướp biển. Chính ký ức và kinh nghiệm từ trận bão này về sau đã giúp Dampier viết cuốn Discourses of Winds (Bàn về gió). Năm 1678, Dampier trở về nước Anh sau gần bốn năm rưỡi lưu lạc.

Trong thời gian ngắn về thăm quê hương, Dampier lập gia đình và lại tiếp tục đi sang miền Tây Ấn với ước mơ cung cấp các công cụ làm gỗ (cưa, rìu, đục…) cho những người thợ xẻ ở vịnh Campeachy để thu mua gỗ huyết mộc. Ước mơ này nhanh chóng bị bỏ dở: ông dự định trở về Luân Đôn để tham gia buôn bán ở vùng biển Mosquito. Kế hoạch này cũng không thực hiện được bởi khi lưu trú ở miền biển tây Jamaica, ông gặp một hạm đội cướp biển của người Anh và người Pháp. Không cưỡng lại được sự cám dỗ, ông đã nhập hội, đánh cướp thắng lợi thị trấn Porto Bello và một số khu vực khác của người Tây Ban Nha trên miền Tây Ấn. Sau đó đội quân này liều lĩnh sang chặn cướp tàu buôn của người Đan Mạch ở sườn tây bờ biển Phi châu rồi lại quay trở về miền biển Tây Ấn. Tại đây những kẻ cầm đầu lên kế hoạch tuần tiễu vùng biển Thái Bình Dương để chặn cướp những tàu chở bạc của người Tây Ban Nha đi từ Tây Ấn sang Manila (Philippine). Kế hoạch được giữ kín đến nỗi đám thủy thủ không hề biết cho đến khi tàu đã hướng mũi về phía tây. Tại Mindanao (Philippine), bất đồng nổi lên giữa đám cướp biển, tên cầm đầu bị buộc phải ở lại Mindanao trong khi Dampier bị ép đi cùng với đám thủy thủ. Trên đường đi, Dampier đã thuyết phục được đồng bọn thả mình xuống bờ biển hoang của đảo Nicobar nằm chơ vơ giữa biển khơi. Từ đây ông đã tìm cách vượt hàng trăm dặm bằng ca nô để về đến thương điếm Anh ở Achin trên đảo Sumatra (Inđônêsia) và bị ốm rất nặng. Sau khi bình phục, Dampier theo thuyền trưởng Weldon đi Đàng Ngoài vào năm 1688 với kỳ vọng sẽ được công ty Đông Ấn Anh thuê mướn trong các chuyến đi tới sang Đàng Trong, Chămpa hoặc Cao Miên. Ước vọng không thành hiện thực này gây nên tâm lý tiêu cực cho Dampier. Rời Đàng Ngoài, ông đi Malacca và Achin, sang pháo đài St. George ở Ấn Độ rồi lại đi làm kỹ thuật viên quân sự ở pháo đài Bencounli. Tại đây ông mua một thổ dân xăm trổ đầy mình để mang về Anh với ý đồ kiếm sống bằng việc đem thổ dân này đi công diễn. Chuyến hồi hương đầy gian nguy nhưng Dampier vẫn về đến Anh an toàn vào mùa thu 1691, sau 12 năm du hành vòng quanh thế giới.

Sáu năm sau ngày trở về Anh, Dampier cho công bố tập thứ nhất của bộ du hành ký vòng quanh thế giới và chỉ hai năm sau tập thứ hai lại được phát hành. Những công trình này khiến Dampier nổi tiếng và được ngưỡng vọng khắp nước Anh; ấn phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng (Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha…) và bán rất chạy. Tuy nhiên, chỉ vài tuần trước khi tập du hành ký thứ hai của mình ra mắt công chúng, Dampier đã được chỉ định làm chỉ huy của chuyến đi khám phá châu Úc và vùng biển Tân Ghinê trên tàu của Hoàng gia Anh. Trên đường trở về Anh, tàu của Dampier bị rò và bị đắm. Thủy thủ đoàn đã may mắn được một tàu khác cứu giúp và đưa về quê hương an toàn. Tại Anh, Dampier bị kỷ luật nặng, bị trừ toàn bộ lương của chuyến đi và bị cấm làm việc ở vị trí thuyền trưởng của lực lượng hải quân Hoàng gia vì đã cả gan ném viên đại úy hải quân lên hoang đảo trong một cuộc tranh cãi kịch liệt. Tuy nhiên, những kỷ luật trên sớm được bỏ qua dưới áp lực của cuộc chiến tranh Anh – Tây Ban Nha.

Năm 1703, Dampier thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ hai. Từ Anh, ông đi trên chiến thuyền của người Anh sang cướp phá người Tây Ban Nha ở miền Tây Ấn. Chiến thuyền này sau đó bị đánh chìm trong một trận giao chiến với thương thuyền Tây Ban Nha đang trên đường đi Manila. Một số người Anh bị bắt, Dampier và khoảng ba chục người khác chạy thoát lên một hòn đảo. Tại đây họ cướp phá thị trấn Puna, thu chiến lợi phẩm, cướp được một tàu của Tây Ban Nha và vượt Thái Bình Dương sang miền Đông Ấn – nơi họ bị người Hà Lan bắt và cầm tù. Về sau Dampier được thả tự do và trở về quê hương Anh quốc nhưng trong tình cảnh hoàn toàn tay trắng.

Năm 1708, ông lại có chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ ba. Từ Anh, Dampier đi trên một tàu chiến sang miền Tây Ấn để đánh cướp người Tây Ban Nha. Kế hoạch thành công đến nỗi họ không những cướp phá được một thị trấn giàu có mà còn chiếm được một tàu chở đầy kim loại quý của người Tây Ban Nha trên đường đi Manila. Dampier và những người đồng hành vượt Thái Bình Dương, qua châu Á và trở về Anh an toàn, hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ ba của mình với một tài sản khá lớn. Nhưng chỉ sau 3 năm sống trong cảnh giàu sang, Dampier giã từ cõi đời đầy sóng gió của mình ở tuổi 63 (1715), để lại toàn bộ gia tài cho người em họ vì vợ ông cũng đã mất từ lâu (4).

Đàng Ngoài và chuyến đi của Dampier năm 1688

Khi Dampier đến Đàng Ngoài vào năm 1688, tình hình ngoại thương của vương quốc nói chung và hoạt động thương mại của các thương nhân ngoại quốc ở đây nói riêng đã bắt đầu sa sút sau một thời kỳ dài tương đối ổn định. Trong suốt nửa đầu TK XVII, tơ sống và các loại lụa thành phẩm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Đàng Ngoài và phần lớn các thương nhân ngoại quốc đến đây đều có cùng mục tiêu thu mua tơ lụa cho thị trường Nhật Bản giàu có về các nguồn kim loại quý (bạc và đồng), vốn rất cần cho việc đầu tư vào nền thương mại của họ ở châu Á.

Nhật thương và Hoa thương là những nhà buôn châu Á chủ yếu buôn bán ở Đàng Ngoài trong TK XVII. Bởi không được phép đến trực tiếp buôn bán với Trung Quốc lục địa, người Nhật phải tìm cách thu mua tơ lụa Trung Quốc từ các thương cảng trung gian như Hội An (Đàng Trong), Manila (Philippine)… Ngoài ra, họ còn thường xuyên đến Đàng Ngoài để thu mua thêm tơ lụa cho thị trường Nhật. Theo ước tính, trong 32 năm Nhật Bản thực hiện chế độ Châu Ấn thuyền (1604 – 1635), đã có 36 thuyền buôn Châu Ấn của Nhật cập cảng Đàng Ngoài (5). Sau khi Nhật Bản thực hiện chế độ tỏa quốc và cấm Nhật thương ra nước ngoài buôn bán (1635), mạng lưới thương mại của người Nhật ở khu vực Đông Nam Á chủ yếu được thương nhân Trung Quốc và Hà Lan thế chân. Không kể đến một vài người Nhật định cư lại sau năm 1635, có thể nói người Hoa là thương nhân châu Á duy nhất buôn bán phát đạt ở Đàng Ngoài trong TK XVII; tuyến buôn bán quan trọng nhất của họ là Đàng Ngoài – Nagasaki. Mặc dù đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể về kim ngạch thương mại của Hoa thương ở Đàng Ngoài trong TK XVII, những thông tin gián tiếp từ ghi chép của người Hà Lan (và người Anh sau này) cho thấy tổng giá trị xuất – nhập khẩu của Hoa thương ở Đàng Ngoài tương đương với kim ngạch thương mại của người Hà Lan.

Trong số các thương nhân châu Âu buôn bán ở Đàng Ngoài trong thế kỷ này, người Bồ Đào Nha là những người tiên phong. Tuy nhiên, mối quan hệ được khai mở từ năm 1626 về cơ bản không được người Bồ phát huy do họ luôn có thể dễ dàng thu mua đủ số tơ lụa Trung Quốc cần thiết cho nền thương mại với Nhật nhờ có thương điếm Ma Cao (6). Sau khi Mạc Phủ Đức Xuyên cấm người Bồ đến buôn bán từ cuối thập niên 1630, sự quan tâm của người Bồ đến thị trường Đàng Ngoài cũng sa sút hơn trước.

Ngay sau khi lệnh toả quốc của Nhật Bản được ban bố, công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã nhanh chóng thiết lập quan hệ với chính quyền Lê -Trịnh (1637) để xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài sang Nhật. Trong giai đoạn hưng thịnh của mậu dịch tơ lụa VOC – Đàng Ngoài (1637 – 1654), tổng giá trị tơ lụa VOC xuất sang Nhật lên đến 4.662.000 florin (khoảng 1.635.789 lạng bạc nén), trung bình 260.000 florin/năm (7). Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tơ lụa, VOC phải nhập khẩu bạc nén Nhật Bản vào Đàng Ngoài. Bên cạch các hàng hóa khác, ước tính khoảng 1.580.000 lạng bạc Nhật Bản đã được VOC đưa vào Đàng Ngoài trong thời kỳ 1637-1654, trung bình 87.800 lạng mỗi năm. Sự chênh lệch giữa giá mua và bán của tơ lụa Đàng Ngoài đã mang lại lợi nhuận bình quân 100 % cho VOC trong suốt thời kỳ 18 năm kể trên. Sau năm 1655, tơ lụa Đàng Ngoài không còn được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản nữa do sự phổ biến của tơ lụa Bengal. Công ty Đông Ấn Hà Lan vì thế giảm mạnh số lượng tơ lụa Đàng Ngoài thu mua cho Nhật và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm tơ lụa thành phẩm của Đàng Ngoài (the, lụa tấm, lĩnh, hoàng quyến…) về thị trường châu Âu. Hoạt động thương mại của VOC chỉ còn mang tính cầm chừng bởi họ chưa muốn từ bỏ hoàn toàn quan hệ thương mại với Đàng Ngoài, nhất là sau khi vốn đầu tư hàng năm cho buôn bán với Đàng Ngoài bị cắt giảm từ năm 1679. Các mặt hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch: từ tơ sống cho Nhật Bản sang gốm sứ cho thị trường liên đảo Đông Nam Á, vàng cho Coromandel và xạ hương, lụa cho thị trường châu Âu. Năm 1700 người Hà Lan quyết định rời bỏ Đàng Ngoài sau hơn 6 thập kỷ gắn bó (8).

Người Anh đến Đàng Ngoài khi thời kỳ hưng thịnh của ngoại thương Đàng Ngoài nói riêng và khu vực Đông Á nói chung đã cơ bản chấm dứt. Với mong muốn thiết lập quỹ đạo thương mại Đông Á như người Hà Lan đã thực hiện thành công trong suốt hơn nửa thế kỷ trước đó, năm 1672, công ty Đông Ấn Anh phái tàu từ Bantam (Inđônêsia) đến Đàng Ngoài đặt quan hệ thông thương chính thức và được chấp nhận. Tuy nhiên kế hoạch Đông Á của người Anh hoàn toàn thất bại do nỗ lực tái lập quan hệ thương mại với Nhật Bản vào năm 1673 không thành công, chiến tranh với người Hà Lan ở cả châu Á và châu Âu, thương điếm ở Đàng Ngoài chỉ được lập ở Phố Hiến – một thị trấn nghèo nàn và xa trung tâm thương mại Kẻ Chợ… Mãi đến năm 1683, người Anh mới được phép chuyển thương điếm lên Thăng Long nhưng lúc này sự quan tâm của EIC đến thị trường Đàng Ngoài cũng như toàn khu vực Đông Á không còn sâu sắc như giai đoạn trước. Giống như người Hà Lan, thương mại của người Anh ở Đàng Ngoài mang tính cầm chừng vì họ còn nuôi hy vọng mở cầu buôn bán với Trung Quốc lục địa. Sau nhiều năm buôn bán thua lỗ, EIC quyết định bỏ thương điếm Đàng Ngoài năm 1697 và chuyển hướng vào Đàng Trong (9).

Có thể nói mục tiêu của Dampier trong chuyến đi đến Đàng Ngoài là để tìm kiếm một cơ hội nhằm ổn định sự nghiệp của mình gắn với công ty Đông Ấn Anh. Sau khi đã kiệt sức và có phần chán nản với hơn 9 năm phiêu du trên biển từ Âu sang Mỹ, rồi lại vượt Thái Bình Dương về tận phương Đông, Dampier giờ đây muốn tìm kiếm một vị trí có lợi trong các chuyến thám hiểm tiềm năng buôn bán của EIC ở bán đảo Đông Dương. Tại Achin, ông được thuyền trưởng Weldon hứa hẹn khi đến Đàng Ngoài sẽ mua một chiếc thuyền để giao cho Dampier phụ trách việc đi thăm dò khả năng buôn bán với Đàng Trong, Chămpa hoặc Cao Miên. Nhằm tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn của viên giám đốc thương điếm Anh ở Kẻ Chợ trong việc triển khai kế hoạch này, “thuyền trưởng Weldon đã giới thiệu tôi một cách đặc biệt với ông giám đốc thương điếm trong khi ông ta ở trên tàu. Và lý do làm tôi đi thăm thành phố (Kẻ Chợ) là nhằm làm sao cho ông ta bằng lòng giúp tôi, nếu có thể được, trong cuộc hành trình đi Đàng Trong, Chămpa hay Cao Miên mà thuyền trưởng Weldon có ý định giao cho tôi đảm nhận” (chương I). Cũng chính hy vọng này đã thôi thúc Dampier cất công lên Kẻ Chợ lần thứ hai, sau khi Weldon vừa tham gia chuyến đi lấy gạo ở tỉnh Tenan về. Đáng tiếc là tham vọng của Dampier không thành hiện thực; không có chuyến đi nào đến Đàng Trong, Chămpa và Cao Miên được thực hiện như đã dự định. Với lòng ngưỡng vọng dành cho viên thuyền trưởng, Dampier đã khẳng định ngay từ đầu sách: “Lỡ như dự định này không thành thì cũng chẳng phải lỗi ở ông ta” (chương I) trong khi lại gán phần lớn trách trách nhiệm cho viên giám đốc thương điếm Anh ở Kẻ Chợ – “một kẻ ti tiện so với vị trí giám đốc mà hắn ta đang chễm trệ ngồi lên…, một kẻ thiếu tài cán để xoay sở công việc đang nắm giữ – không phù hợp cho bất kỳ một việc thử nghiệm mới nào” (chương V). Ngoài ra, lý do gián tiếp để Dampier đi Đàng Ngoài là do trên tàu của Weldon “có một thầy thuốc rất giỏi trong khi tôi lại đang rất cần đến sự giúp đỡ của ông ta” (chương I) sau khi bị ốm nặng trong cuộc hành trình dài trăm dặm bằng ca nô từ đảo Nicobar sang Achin.

Rời Achin vào tháng 7-1688, Dampier và tàu của Weldon đi qua eo biển Singapore và ngược lên phía bắc, đi dọc bờ biển Chămpa và Đàng Trong để tiến vào vịnh Đàng Ngoài. Tại đây, như tàu của người Hà Lan thường làm, tàu của người Anh buông neo ở trước vùng cửa sông chờ hoa tiêu và thủy triều dâng lên để vượt qua lối hẹp và nông do dải cát bồi ngang cửa sông. Sau khi đã vượt qua cửa sông an toàn, họ buông neo ở một vị trí cách cửa sông chừng vài dặm và chờ quan địa phương đến giám sát nhân sự và hàng hóa. Sau đó, Dampier theo thuyền trưởng Weldon lên Kẻ Chợ một vài ngày để thăm thú và quan trọng hơn là làm quen với viên giám đốc thương điếm Anh để bàn kế hoạch đi thám hiểm khả năng buôn bán với Đàng Trong và những nơi khác thuộc bán đảo Đông Dương. Sau đó Dampier quay lại tàu ở vùng cửa sông trong khi đoàn thuyền của người Anh thực hiện chuyến đi lấy gạo ở Tenan. Ngay sau khi đoàn từ Tenan trở về, Dampier lại hối hả đi bằng đường bộ lên thương điếm Anh ở Kẻ Chợ để tìm hiểu kế hoạch đi thám hiểm Đàng Trong. Từ vùng cửa sông, Dampier đi ngược lên Phố Hiến, ghé thăm vị giám mục người Pháp và đàm đạo với vị linh mục ở đó. Từ Phố Hiến, ông lại đáp đò ngược sông Hồng lên Kẻ Chợ. Sau nhiều ngày vất vả ông cũng lên đến kinh đô nhưng “bên cạnh sự ốm yếu là nỗi thất vọng khi tôi được nghe các tin tức có liên quan. Tôi nhận thấy rằng có vẻ như tôi sẽ không được trưng dụng trong bất kỳ một chuyến đi nào đến các quốc gia lân cận như trước đây tôi đã từng được đề nghị” (chương V). Chán nản, Dampier rời Kẻ Chợ, xuôi dòng trên một chiếc thuyền mà thương điếm Anh thuê để vận chuyển hàng hóa xuống tàu để chuẩn bị nhổ neo xuôi về phương nam. Khoảng cuối năm 1688, Dampier khởi hành cùng tàu của thuyền trưởng Weldon, kết thúc gần nửa năm thăm thú vương quốc Đàng Ngoài.

Đúng theo cách các nhà du hành vẫn thường làm, Dampier đã ghi chép rất tỉ mỉ về vương quốc Đàng Ngoài, không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà cả những sự kiện diễn ra trước đó hàng trăm năm. Về các thông tin được sử dụng trong các tập du hành ký của mình, Dampier khẳng định: “tôi đưa ra các nhận xét của chính bản thân, nhất là đối với xứ Đàng Ngoài, có kèm theo nhận xét của một vài người Anh đã từng ở lại lâu dài trong vương quốc này. Tôi rất tin tưởng vào tài năng và lòng trung thực của họ và đó là những đức tính cần có trong các công việc như thế. Bạn đọc sẽ cảm thấy hài lòng khi được biết những nhận xét ấy là do ai, nhờ vào ai – nếu họ cho phép tôi nói tên của họ ra. Tuy nhiên, hầu như khi nào tôi cũng phân biệt rõ ràng cái gì tôi trông thấy với cái gì tôi được biết dựa vào lời kể lại của người khác”.

Lối trích dẫn trung thực kể trên đã giúp cho các tác phẩm của Dampier thêm phần giá trị và, ngay bản thân tác phẩm mô tả về Đàng Ngoài cũng bộc lộ rõ tính cẩn trọng của tác giả trong trong việc trích dẫn nguồn gốc các thông tin. Có thể nói những quan sát và nhận xét của Dampier từ khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi (nhất là các vùng cửa sông như Domea, Rockbo), thủy triều… đến các ghi chép về phong tục tập quán (ma chay, lễ tết), tôn giáo, kinh tế (nông nghiệp, thương mại, thủ công nghiệp)… đều rất đáng tin cậy và là một trong số những nguồn sử liệu quý trong nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời kỳ trung đại. Không chỉ dừng lại ở việc mô tả, Dampier còn đem so sánh và liên hệ các vấn đề ở Đàng Ngoài với những vùng khác nhau như: thời tiết và lối canh tác nông nghiệp ở Đàng Ngoài và Ấn Độ, tục ăn thề bằng rượu pha tiết gà và tục “uống nước đắng” của người Ghinê ở miền tây châu Phi (chương IV)… Dampier cũng đưa ra những nhận xét xác đáng về tình hình thương mại của người Anh ở Đàng Ngoài cũng như các kiến nghị để cải thiện tình hình, tuy rằng phần nhận xét của ông về viên giám đốc thương điếm có thể có phần chủ quan dưới áp lực của các mâu thuẫn cá nhân. Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý về một số điểm không thật sự chính xác trong các mô tả của Dampier về địa lý, thiết chế chính trị, pháp luật… của Đàng Ngoài. Ví dụ, việc Dampier cho rằng chúa Trịnh bị bệnh hủi có thể bắt nguồn từ việc thương nhân ngoại quốc ghét sự hà khắc của chúa Trịnh Căn nên nói phỉ báng ra như thế.

Tuy nhiên, một cách công bằng mà xét, những sai sót nhỏ nói trên không làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá trị khoa học và lịch sử của những trang viết về Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 của William Dampier. Thật khó có thể lột tả hết nội dung và giá trị của một tác phẩm du hành ký, nhất lại là cuốn mô tả có tính tổng hợp như của Dampier, nội dung chi tiết và những nhận xét xác đáng xin được dành cho quý độc giả sau khi đã đọc trọn vẹn tác phẩm.

_______________

1. Phần mô tả về Đàng Ngoài được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt là chương I đến chương V trong cuốn sách Voyage and Discoveries by William Dampier, London, The Argonaut Press, 1931. Về bản dich tiếng Việt, xin xem: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007.

2. Chiến tranh Anh – Hà Lan lần thứ 2 diễn ra trong các năm 1672 – 1674 (lần 1 trong các năm 1652 – 1654). Năm 1673, hải quân Pháp – Anh liên minh tiến đánh hải quân Hà Lan nhưng bị thất bại và năm sau Anh ký hiệp ước hoà bình với Hà Lan (xem chi tiết từ Boxer C.R, The Anglo-Dutch Wars of the Seventeenth Century, National Maritime Museum Booklet, London, 1974). Trong thời kỳ chiến tranh Anh – Hà Lan lần thứ 2, hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Anh ở Đông Nam Á bị tổn thất nặng nề do sự đánh phá của người Hà Lan. Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài (lập năm 1672) cũng vì thế mà bị cô lập đến tận năm 1676 mới có tàu từ Bantam đến chi viện (Hoàng Anh Tuấn, Kế hoạch Đông Á và thất bại của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài thập niên 1670, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9-2005).

3. Khái niệm Tây Ấn (West Indies) dùng để chỉ chung khu vực trải dài từ sườn tây lục địa châu Phi sang đến sườn tây lục địa châu Mỹ; để phân biệt với vùng Đông Ấn (East Indies) vốn trải dài từ mũi Hảo Vọng (Nam Phi) sang vùng biển Đông Nam Á và đến phần phía tây của Thái Bình Dương.

4. William Dampier, Voyages and Discoveries, London, The Argonaut Press, 1931, xiii-xxxiv.

5. Iwao Seiichi, Shuinsen Boeki Shi no Kenkyu (Nghiên cứu mậu dịch Châu Ấn thuyền), Ko Bun Do, Tokyo, 1958.

6. Souza G.B, The Survival of Empire, Portuguese Trade and Society in China and the South China Sea 1630-1754, Cambridge University Press, 1986.

7. 1 lạng (tale) bạc tương đương 2,85 florin (trước năm 1636) và 3 florin (1636-1666); hoặc tương đương khoảng 2,85 quan tiền (trước năm 1652), khoảng 1,4 quan (thập niên 1650-1660), khoảng 2,5 quan (1676), khoảng 4,27 quan (1694).

8. Về hoạt động của VOC ở Đàng Ngoài: Buch, W.J.M, La Compagnie des Indes Neerlandaises et l’Indochine, BEFEO, 1936 (97 – 196), 1937 (121 – 237); Klein, P. W., De Tonkinese-Japanse Zijdehandel van de Vereenigde Oostindische Compagnie en het Inter-Asiatische Verkeer in de 17e eeuw, Frijhoff W. and M. Hiemstra (eds.), Bewogen en Bewegen, Tilburg, Gianotten B. V., 1986, pp. 152-177; Hoang Anh Tuan, Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700, Leiden, Brill Publishers, 2007.

9. Farrington A, English East India Company Documents Relating Pho Hien and Tonkin, Pho Hien-the Centre of International Commerce in the 17th – 18th Centuries, Hanoi, 1994; Hoang Anh Tuan, From Japan to Manila and Back to Europe: The English Abortive Trade with Tonkin in the 1670s, Itinerario, Leiden, The Netherlands, 3-2005.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 309, tháng 3-2010

Tác giả : Hoàng Anh Tuấn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *