Văn hóa việt trong tiểu thuyết vạn xuân


LTS: Vạn Xuân (nguyên tác Dix Mille Printemps) là bộ tiểu thuyết đồ sộ của nữ văn sĩ người PhápYveline Féray, viết về cuộc đời Nguyễn Trãi và cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc Minh của nhân dân ta. Cuốn sách bán rất chạy sau khi được phát hành lần đầu tiên năm 1989 tại Pháp. Năm 1997, bản dịch tiếng Việt với tiêu đề Vạn Xuân được Nxb Văn học ấn hành. Cuốn sách được xem là một trong những tác phẩm hay nhất của người nước ngoài viết về Việt Nam. Nữ văn sĩ Y. Féray từng được chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị (năm 2002). Bài viết dưới đây đề cập đến sự am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam của tác giả nước ngoài cũng như tài năng của bà trong việc lồng ghép các biểu hiện văn hóa đó vào một câu chuyện văn chương đầy cuốn hút.

Vạn Xuân là một bản anh hùng ca lớn về nền văn hiến Đại Việt đầy khí phách và nhân hậu. Thành công rực rỡ của tiểu thuyết này đã chứng minh cho chúng ta thấy, mặc dù mỗi dân tộc khác nhau đều có những bản sắc văn hóa khác nhau nhưng nhân loại là một, văn minh là một. Nếu không thì tại sao một văn sĩ phương Tây lại có thể am hiểu về văn hóa Việt đến vậy? Viết về văn hóa, phong tục tập quán Việt, tác giả tỏ ra có những hiểu biết sâu sắc về xã hội trung đại Việt Nam khi nói về niềm tin vào thế giới tâm linh, tin vào định mệnh, khi mô tả cụ thể một đám tang, một lễ thí nhi, một đám rước, những tục lệ, rồi cả những thành ngữ, tục ngữ, ca dao… được dẫn rất hợp lý và rất nhiều trong tác phẩm.

Trước hết, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh của truyền thống văn hóa Việt, đó là vấn đề thế giới tâm linh. Thế giới này hiển hiện rõ rệt trong tác phẩm làm cho người đọc không thể không nhận ra, để từ đó càng cảm thấy nể phục tác giả. Người Việt quan niệm rằng con người khi chết chỉ mất đi phần xác, nhưng vẫn còn lại phần hồn. Phần hồn này luôn quanh quẩn bên cạnh người sống. Người sống có thể hỏi ý kiến, xin phép, khấn nguyện… điều gì đó với người đã chết. Tục thờ cúng ông bà của ta từ xưa cho đến nay vẫn thế. Tất cả những vấn đề trên đều là dấu ấn văn hóa tinh thần của người Việt. Từ xưa đến nay, cúng viếng đã là nét truyền thống và là việc làm thường xuyên của dân tộc Việt. Coi trọng những người đã khuất, ý thức được sự thiêng liêng của mồ mả tổ tiên, nên đối với người Việt, mồ mả tổ tiên là vô cùng quan trọng, bởi thế ta có thể hiểu được tại sao trong tiểu thuyết, người dân lại phẫn nộ như vậy khi chứng kiến cảnh “thân quyến của vua chúng ta, từ trẻ nít đến người già đều bị chúng tàn sát, mồ mả tổ tiên ngài bị chúng lăng nhục” và trách Nguyễn Trãi: “Lẽ nào ngài sẽ xử sự như một người con bất hiếu trong khi ngài nắm trong tay đầy đủ phương tiện báo thù?” (tr.809). Sự tức giận của người đại diện dân chúng trong tiểu thuyết cũng là một điều dễ hiểu.

Tiểu thuyết cho thấy người Việt tin có hai thế giới âm – dương, có lẽ vì thế mà tác phẩm nhiều lần nói đến hình ảnh người trên trần thế cúng tế để giải thoát cho các linh hồn chết oan ở cõi âm (những âm hồn lang thang, cha mẹ Lê Lợi…). Điều này được làm thường xuyên tại các chùa vào dịp rằm tháng Bảy. Những oan hồn này đáng thương, đáng được cứu vớt nên được nhà Phật – với tấm lòng từ bi, bác ái, với bát cháo lá đa gọi những oan hồn này về và nhờ phép Phật siêu linh tịnh độ giúp đưa họ về cõi niết bàn. Đó là niềm tin bất biến thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Trong truyện, những người còn sống tin con người khi chết trong chiến trận sẽ thành những con ma lang thang: “Hồn ma khát máu báo thù này hiện đang lang thang trong bóng tối cõi âm! Và còn biết bao dũng sĩ vô danh khác nữa có thể tới hàng chục ngàn đã rưới đẫm lên mảnh đất Đại Việt bằng máu của chính mình” (tr.804). Tin là có vong linh nên trước sự tàn sát của lũ giặc, những người dân Việt đã thề rằng: “Sẽ dâng những trái tim và bộ lòng đang thoi thóp của chúng để hiến tế vong linh các nạn nhân vô số kể của chúng” (tr.804).

Nhìn chung thế giới tâm linh luôn hiện diện trong tiểu thuyết Vạn Xuân. Người sống cúng bái trân trọng người chết là để nhớ ơn người đi trước, người chết luôn phù hộ độ trì cho việc làm ăn sinh sống của người đang sống và luôn dõi theo những thành công hay thất bại của họ để an ủi, giúp đỡ, chỉ đường chỉ lối (trong tiểu thuyết đó là cảnh Hoàng thân Trần Nguyên Đán về báo mộng cho cháu ngoại là Nguyễn Trãi, vua Lê Thái Tổ về báo mộng cho con là vua Lê Thái Tông…).

Con người với số phận mong manh, luôn khao khát vươn tới một cái gì vững bền, hạnh phúc, chắc chắn, sung sướng… cho nên nếu họ không đạt được trong cuộc sống thực thì họ gửi những khát vọng đó vào trong những giấc mơ, vào việc thề nguyền, khấn nguyện, cầu xin… như một thế quân bình. Trong cuộc sống, để vơi bớt những phiền muộn, âu lo, người Việt ta xưa nay vẫn nghĩ và làm như vậy. Cúng tế, cầu Phật, cầu tiên, bói toán, mộng mị… là những điều không thể tách khỏi đời sống văn hóa Việt, nếp sống Việt.

Khi phải giải thích những trớ trêu, nghịch cảnh, những sự trùng hợp ngẫu nhiên của số phận, người Việt thường dựa vào những cái gọi là mệnh, nghiệp, duyên, kiếp… Điều này cũng in dấu trong tiểu thuyết. Nguyễn Trãi được mô tả như có một sợi dây định mệnh theo suốt cuộc đời. Ngoài thế giới thực, ông còn như sống trong một thế giới vô hình, tuy không nhìn thấy được nhưng luôn luôn ám ảnh, chi phối và dường như nó có quyền năng vô hạn để có thể chỉ lối, đưa đường cho ông (như quẻ bói mà bà ngoại ông coi cho ông lúc mới sinh, có thể thấy rằng ở đây thày tướng số cũng góp phần chi phối câu chuyện)… Từ lúc mới sinh, tính cách của cậu bé Trãi (tên này có nghĩa là con kỳ lân) đã được phát lộ như một định mệnh thông qua cuộc thí nhi (thử trẻ) – đây cũng là một phong tục của người Việt từ trước tới nay. Ngày thôi nôi, sinh nhật đầu tiên, trước mắt cậu bé Trãi người ta để 4 thứ: một vài quả án chữ triện, cung tên, bút nghiên, cày bừa – tượng trưng cho 4 con đường sự nghiệp: đứa bé sẽ là quan văn, tướng võ, nho sinh hay là điền lực? Đầu tiên Nguyễn Trãi “chộp lấy cung và mũi tên”, nhưng rồi “đưa cung tên lên quá đầu và ném đi thật xa trong một cử chỉ cương quyết” (tr.125). Tiếp theo, Trãi “nắm lấy những quả án nhà quan” nhưng cũng lại “bỏ rơi xuống một cách hờ hững” (tr.126). Cuối cùng “cậu bé Trãi một tay nắm lấy nghiên mực còn tay kia nắm lấy cán tre của ngọn bút lông giữa ngón cái và ngón trỏ, gọn gàng và thoải mái như đang chuẩn bị vẽ lên một vài nét chữ” (tr.126). Kết thúc cuộc thí nhi, vị tổ phụ tuyên bố: “Thằng bé sẽ tinh thông việc binh đao chẳng kém gì những nhà thao lược lớn nhất của chúng ta, nhưng trên hết mọi sự nó sẽ yêu thích hòa bình và an lạc… chắc chắn nó sẽ làm quan và là một trong những ông quan lớn nhất, nhưng nó sẽ luôn luôn coi thường những vinh dự do chức vụ mang lại…” (tr.127).

Bà hoàng (vợ Hoàng thân Trần Nguyên Đán – bà ngoại của Nguyễn Trãi) xét cháu của mình sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt nên đã đến thầy bói để lấy số tử vi cho Nguyễn Trãi. Thầy bói, bằng phương pháp tử vi, căn cứ trên những nguyên lý âm dương, thiên căn và địa căn, cũng như những tính toán về các tương ứng giữa “thân” và “mệnh” dựa trên năm, tháng và giờ sanh phán rằng: “Đứa nhỏ sẽ trở thành một người có phẩm chất rất cao quý” đồng thời “là một chiến sĩ đầy lòng dũng cảm và sức mạnh”, nhưng “Sẽ rất nhiều xương rơi máu đổ” (tr.117).

Và cuộc đời của Nguyễn Trãi sau này nghiệm lại tất cả đều đúng với lời tiên đoán của vị tổ phụ và thầy bói, bên cạnh những thành công cũng xuất hiện những bi kịch thảm khốc: “Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc, bị xác nhận là đã xúi giục tỳ thiếp Thị Lộ của mình đầu độc Đức vua… phạm tội nặng nhất trong thập đại ác. Nguyễn Trãi sẽ bị chém đầu cùng với tất cả thành viên gia tộc của y (nhánh cha, mẹ và vợ)” (tr.996). Thật đúng với câu nói: con người ta có thể chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh?

Trong tiểu thuyết còn có nhiều tình tiết cho thấy người Việt rất tin vào những linh cảm trong cuộc sống, rất tin vào số mệnh…Vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà. “Bao nhiêu tin đồn thất thiệt lan khắp mọi nẻo đường. Dù Trãi không muốn tin rằng những tin đồn khủng khiếp ấy là xác thực nhưng một nỗi âu lo khủng khiếp như kìm chặt ông lại. Có nên tin vào các điềm dữ không? Trãi không ngớt mường tượng lại cảnh ngôi miếu thờ thần Rắn của Hoàng thân bị đám lính tùy tòng đức vua say rượu phá phách. Hình ảnh ấy được kết hợp với hình ảnh Thị Lộ bị tống ngục” (tr.989). Nhưng làm sao Trãi có thể cưỡng lại lời phán “nhị không tứ họa” đã được ghi trong tử vi của ông?

Trên đường về kinh thành những mong để cứu Thị Lộ, như một định mệnh, Nguyễn Trãi nằm mơ thấy đạo sĩ Vô Kỷ (người mà thực tế đã chết cách đấy nhiều năm) nói: “- Hãy nhớ lại những lời ta nói khi mà ngươi rời khỏi doanh trại Bồ Đề. Mau quay bước trở lại, ẩn mình vào giữa vùng rừng núi và đừng lo chuyện gì khác ngoài việc bảo toàn mạng sống riêng mình” (tr.993). Nguyễn Trãi một lần nữa không nghe lời mộng báo, bước tiếp trên con đường mà dường như số mệnh đã đặt ra cho ông và cuối cùng phải chịu một kết cục thảm khốc.

Trong tiểu thuyết Vạn Xuân không chỉ có không khí lễ hội (lễ sắc phong của Lê Lợi) mà còn có thế giới trời, phật, thần thánh, ma quỷ; còn có chiêm bao, mộng mị, bói toán… Những điều này hầu hết đều tồn tại thường xuyên trong đời sống dân tộc Việt. Một năm, nước ta có nhiều loại tết khác nhau, đều liên quan đến việc cúng bái tổ tiên và thần linh…, những biểu hiện truyền thống văn hóa tinh thần dân tộc ta. Trong truyện có cảnh vua Lê Lợi long trọng làm lễ bái kiến Long Quân Thủy Thần ở hồ Lục Thủy: “Ngay từ hừng đông từng đoàn từng đoàn người đã lũ lượt kéo nhau đến bờ hồ… Đây thật đúng là ngày lễ hội. Kể từ ngày chiến thắng quân Ngô, tại lý do này hay lý do khác, dân chúng Đại Việt không ngừng thả giàn bày ra các cuộc vui chơi thoải mái…” (tr.841).

Tục kiêng cữ khi sinh nở của người Việt cũng được tác giả miêu tả khá chi tiết. Trước hết đó là tục “cắm cây cung bằng cành dâu treo ở cửa buồng để chỉ dấu hiệu người phụ nữ chuẩn bị sinh” (tr.363). Đó là tục nằm lò than trong thời gian ở cữ, kiêng khen trẻ con vì sợ có thể “lôi kéo tà ma, đó là oan hồn của những đứa bé chết khi mới sinh, của các thiếu nữ lìa đời mà chưa được yêu đương, của những người bị hành hình, của lớp người ăn mày, dân đi lang thang chết bụi chết bờ vùi lấp bên đường, những cô hồn vất vưởng vì không ai hương khói tìm cách trả thù người sống…” (tr.105). Để bảo vệ đứa bé mới sinh, người ta “chôn nhau trước cửa chính khuê phòng, khá sâu và xa nơi trồng cây cỏ gà để thằng bé khỏi bị nôn ọe, sài chốc và sưng mí mắt… treo ở cửa da rắn và cành gai, dâng hương hoa cho bà cô và con ranh, con lộn” (tr.105). Người ở cữ thì phải tránh gió lùa vì sẽ có hại cho sức khỏe nên luôn ở trong phòng có “các cửa sổ được gắn lại bằng những giấy dầu và một màn trướng dày che khuất cửa ra vào” (tr.105). Tiểu thuyết còn nêu rõ tục lệ con trai thì ở cữ 7 ngày, con gái thì ở cữ 9 ngày. Sau khi em bé được 3 ngày tuổi thì làm lễ cúng mụ và đặt tên… Có thể nói những phong tục đó đến nay vẫn còn tồn tại trong đời sống nhân dân Việt.

Còn có nhiều phong tục, tập quán khác được nhắc đến, đó là: tục ăn trầu, tục treo bình vôi đã cũ không dùng nữa lên cây đa trong làng, tục xăm mình, nhuộm răng đen, hút thuốc lào, tục bỏ muối vào miệng người chết, leo lên mái nhà để gọi hồn người chết, tục thắt Hồn Bạch để hồn người chết nương tựa vào, tục đốt miếng ván quan tài đã mục dưới giường người bệnh để chữa bệnh khó thở, tục cắt máu ăn thề, tục chọn ngày tốt trước khi đi xa hay làm một việc gì quan trọng, tục coi bói xem tuổi, tục bẻ đũa hay bẻ một đồng tiền là dấu hiệu của cuộc hôn nhân tan rã và người phụ nữ có quyền tái giá… Tất cả đều được mô tả chi tiết tỉ mỉ trong tiểu thuyết.

Ngoài ra, tác giả còn tỏ ra am hiểu văn thơ, ca dao, tục ngữ Việt Nam khi vận dụng rất nhuần nhuyễn nội dung, ý nghĩa các câu ca dao, tục ngữ trong các tình huống cụ thể hợp lý và làm cho tiểu thuyết tăng phần hấp dẫn…

         Trên đây là một số nội dung văn hóa, phong tục tập quán được thể hiện trong tiểu thuyết Vạn Xuân. Khi viết về vấn đề nào tác giả cũng triển khai một cách tường tận, sát thực nhưng hết sức sống động, tự nhiên. Đọc Vạn Xuân chúng ta không khỏi cảm thấy thích thú, say mê bởi lịch sử và văn hóa nước nhà được người nước khác quan tâm tìm hiểu. Tác giả là một văn sĩ phương Tây, nhưng vốn hiểu biết về văn hóa Việt Nam của bà khiến chúng ta cảm thấy kính nể. Hơn nữa cuốn tiểu thuyết này càng thêm hấp dẫn bởi nó viết về một nền văn hóa vào chính thời điểm mà cả dân tộc đứng lên bảo vệ bản sắc và tự do của mình (giai đoạn lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Minh, gắn liền với cuộc đời của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi). Và như Huy Cận đã nói trong lời Giới thiệu tiểu thuyết: Vạn Xuân thể hiện “bức tranh toàn cảnh của thời thế. Vạn Xuân quả thật là một bản anh hùng ca lớn về nền văn hiến Đại Việt đầy khí phách và nhân hậu”.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010

Tác giả : Lê Thị Quỳnh Hảo

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *