Những năm tháng đã qua


       LTS: Giới mỹ thuật Việt Nam, từ 1 đến 10-10 vừa qua, đã được thưởng lãm một triển lãm hiếm có tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội: 76 trong bộ sưu tập khoảng 200 bức ký họa của một số họa sĩ kháng chiến, trong khoảng thời gian 1947-1967, ở cả hai miền Nam Bắc. Điều gây chú ý: chủ nhân của bộ sưu tập cũng như ý tưởng làm sách này là một người Thái Lan, ông Tira Vanichtheeranont, kỹ sư ngành điện từng có thời gian dài sống ở Việt Nam. Triển lãm gợi lại trong giới mỹ thuật Việt Nam một câu hỏi lớn về vai trò trong việc sưu tập, giữ gìn những sáng tác đã đi vào lịch sử của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc kháng chiến. Xin giới thiệu cuốn sưu tập tranh đáng quý này qua bài viết của họ.

Trong ngàn họa sĩ đang vẽ, người ta chỉ mới biết vài chục người, hay vài trăm người. Và rồi cũng chỉ biết những gì họa sĩ đưa ra, mà không biết để đi đến những tác phẩm hội họa là cả một quá trình học hỏi và nghiên cứu. Ký họa, ghi chép, nghiên cứu, phác thảo… nói tóm lại là đời sống đằng sau của tác phẩm, bếp núc của họa sĩ không dễ gì thâm nhập vào. Đối với những ai hành nghề hội họa, thì được tận mắt nhòm ngó cái bếp của họa sĩ là điều rất thú vị. Nó cho biết họa sĩ thành thật nghĩ gì, tay nghề thực sự của anh ta và những ý tưởng nghệ thuật đã được truyền tải hay còn nằm trong cặp vẽ.

Có thể nói trong một thời gian dài chiến tranh loạn lạc, họa sĩ Việt Nam coi vẽ ký họa như là tác phẩm chính thức, bởi vì không dễ có điều kiện quay trở lại nơi đã vẽ, không dễ có chất liệu và thời gian thể hiện. Một lối vẽ ký họa hoàn chỉnh như một bức tranh hình thành, khi vẽ họa sĩ chú ý sắp xếp bố cục luôn, do đó những tài liệu của họa sĩ Việt Nam không giống với nghiên cứu cho một bức họa, mà có thể đem ngay ra treo như một bức họa. Như vậy có những bức vẽ trực tiếp, người ta thường vẽ rất lâu, một vài ngày, thậm chí một vài tuần, nhưng nó không kỹ như xu hướng cổ điển của các nghệ sĩ phương Tây trước TK XIX, và nghệ sĩ Việt Nam vừa không ưa sự tả thực quá lệ thuộc tự nhiên, vừa không đạt đến đỉnh cao nhất của tay nghề cổ điển. Họ dừng lại ở một bút pháp hiện thực phương Đông, và đó là con đường mà họ chọn. Con đường này cũng là độc đáo, không giống với bất cứ trường hợp nào ở Trung Quốc hay Đông Nam Á.

Bộ sưu tập tranh này, bao gồm phần lớn các ký họa, nghiên cứu và phác thảo của các họa sĩ Việt Nam, chủ yếu từ khoảng những năm 1947 đến những năm 1967. Một số bức họa lẻ tẻ có thời gian lâu hơn, hoặc muộn hơn, nhưng giai đoạn 1947-1967, rất đặc biệt của xã hội Việt Nam, và do đó cũng tạo ra những nét đặc biệt trong sáng tác nghệ thuật. Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài từ năm 1946-1954, và bắt đầu ác liệt từ năm 1947, với chiến dịch Việt Bắc. Từ 1954-1964, miền Bắc Việt Nam được thanh bình mười năm, rồi bắt đầu hứng chịu những cơn bão bom đạn, còn miền Nam, thì cuộc chiến có thể nói đã hình thành ngay sau hiệp định Genève năm 1954, hoặc là khủng bố, trả thù, tù đày, hoặc là cả hai bên đang chuẩn bị cho những cuộc đánh lớn, từ năm 1959. Những họa sĩ Việt Nam đã vẽ trong hoàn cảnh như vậy, một chút thời gian ngắn hòa bình, còn lại là chiến tranh triền miên. Bên cạnh đó là cuộc cải cách ruộng đất, từ năm 1953 – 1956, để lại những hậu quả nặng nề trong tâm khảm người Việt. Có những họa sĩ như Phan Thông (1921-1987), vừa vẽ trong kháng chiến chống Pháp, năm 1958, ông đã có mặt ở Trường Sơn vẽ đoàn voi đi tải lương và đạn dược. Như vậy hầu hết cuộc đời của người nghệ sĩ này trong chiến trường. Bộ tranh về cải cách ruộng đất của ông hết sức đặc sắc. Cũng ngay trong kháng chiến chống Pháp, nhiều người Việt đã được sang Trung Quốc và Đông Âu. Có thể nói đây là lần đầu tiên những người kháng chiến biết đến một thế giới khác, tất nhiên là những nước xã hội chủ nghĩa, và những bức họa về nước ngoài là ấn tượng nhẹ nhàng của thời ấy, con người ấy, bên cạnh người Việt.

Những họa sĩ đi kháng chiến, có thể nói, ít điều kiện sáng tác hơn các đồng nghiệp còn lại. Họ không có xưởng vẽ, sống bằng lương như một cán bộ hay binh lính thông thường, chất liệu vẽ rất hiếm, ngoài trường Mỹ thuật, không ai được vẽ mẫu khỏa thân, sáng tác tuy là việc riêng nhưng có định hướng phục vụ cho công việc xây dựng đất nước và chiến tranh. Và việc chính là vẽ tranh tuyên truyền cổ động cho kháng chiến với yêu cầu rõ ràng về bút pháp là vẽ theo phương pháp hiện thực, sau này được nâng lên thành lý luận: phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên cuộc sống muôn vàn gian khó không phải không có giá trị với sự hình thành của nghệ thuật. Cuộc sống càng phức tạp, biến động, oái oăm càng nhiều vẻ cho nghệ thuật phản ánh, mặt khác nghệ thuật là ước vọng tinh thần khi thực tế không rất khó thực hiện được. Xem tranh của những họa sĩ đi kháng chiến rõ ràng là có nhiều vấn đề hơn những bộ phận họa sĩ khác, dù rất nhiều sáng tác có thể mới dừng lại ở ghi chép, ký họa chiến trường, trực họa đời thường, chứ chưa thành nghệ thuật cao to gì. Đối tượng nghệ thuật cũng được định hướng rõ ràng: vẽ về công nông binh, vẽ cho công nông binh hiểu. Vẽ tranh xong cuộn lại cho vào ba lô và thỉnh thoảng mang tranh xuống các đơn vị bộ đội, căng lên dây thép cho mọi người xem như kiểu triển lãm lưu động. Ngoài những yêu cầu đó, ai muốn vẽ gì riêng cho mình cũng có thể nhưng tất nhiên không nên trưng bày ra ngoài… Dễ thấy là trong hoàn cảnh chiến tranh chống Pháp, họa sĩ không thể có nhiều các chất liệu sơn mài, sơn dầu. Phần lớn chỉ vẽ bút chì, màu nước trên giấy, có lẽ từ nguồn nguyên liệu ít ỏi mang theo từ ngay năm 1946. Hai chất liệu khác cũng khá phổ biến là in khắc gỗ và đá (lithography), có thể kiếm được trong rừng và in tranh đồ họa là cách phổ biến rộng rãi những chính sách và đường lối của nhà nước kháng chiến đến nhân dân.

Những ký họa chiến tranh của các họa sĩ Mai Văn Hiến, Phan Thông… được vẽ ngay trong những năm tháng ở rừng. Cho đến mãi sau này, các họa sĩ Việt Nam cũng thường vẽ bộ đội như vậy, thực ra là ít cảnh đánh nhau đổ máu, những con người bên phía đối phương hầu như không có mặt. Có thể lối chiến tranh của bộ đội Việt Nam là đánh du kích, ẩn nấp, chờ đợi và phục kích, chứ rất ít khi dàn trận đánh lớn, mà thời đó gọi là đánh công kiên, hoặc là trường trận. Tuy nhiên có ba chiến dịch lớn, quân chủ lực Việt Nam mở những trận đánh lớn với Pháp, là chiến dịch Việt Bắc năm 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953-1954. Trong các ký họa chiến trường, họa sĩ chủ yếu vẽ bộ đội tập bắn, nghỉ ngơi, hành quân, ghé thăm bản làng, chơi với trẻ con, họp tiểu đội, đại đội, chở lương, tải đạn, xưởng quân khí… Không thể phủ nhận những tài liệu này rất sinh động, nhưng khó có thể làm cho họa sĩ về sau xây dựng được những tác phẩm lớn về chiến tranh. Bởi vì nó chỉ có tầm nhìn một phía, rất thơ mộng với cuộc sống quân ngũ, mà không nói được nhiều bản chất của chiến tranh.

Nhưng bên cạnh đó, những ghi chép về đời sống thường nhật rất tinh tế. Mọi họa sĩ đều có năng lực tả thực tốt. Họ vẽ rất nhanh trên đường công tác, chớp nhoáng ghi nhận lấy những ấn tượng của cuộc sống. Trước xã hội công nghiệp, quang cảnh của người Việt dù nghèo nhưng rất đẹp đẽ. Những bản làng trong thung lũng, trên sườn non, ven sông ven suối; Những ngôi làng ở đồng bằng Bắc Bộ bao giờ cũng có những mái đình mái chùa mái cong cổ kính và thâm nghiêm; những làng thuần nông nhà tranh vách đất và những làng có nghề thủ công kinh tế đã khá hơn được xây cất đường ngang ngõ tắt bằng gạch; những người thiểu số Tày, Thái, Mường, Dao… với vẻ chất phác và y phục nhiều hoa văn; những người nông dân Việt Nam, quần nâu áo vải, chít khăn đội nón, đi chân đất, những làng chài với lão ngư vạm vỡ đan lưới… Tất cả tự nó đã rất nên thơ và thuần phác của một xã hội chưa bị đời sống thị trường thao túng, môi trường chưa bị ô nhiễm vì không hề có công nghiệp. Mai Văn Nam, Nguyễn Tiến Chung là những họa sĩ nông dân theo nghĩa đen. Họ yêu quý những người nông dân, làng mạc và vẽ về họ bằng một tình cảm chân thành đơn giản. Một loạt bức họa của Mai Văn Nam về những bản người Thái rất đặc sắc. Ông lần mò trên vùng núi Tây Bắc, qua mỗi làng ở vài ngày, ông phát hiện sự thuần nhất ở kiến trúc nhà sàn, những người phụ nữ mặc váy cao, áo ngắn và búi tó. Một số chi tiết trong tranh ngày nay không còn thấy nữa, ví dụ trong một bức họa tất cả đàn bà Thái ở đấy đều quấn váy nhưng mình trần, và trên nóc chái nhà có cái khau cút hình chéo. Đó là những đặc điểm có tính chất dân tộc học, mà qua những bức họa cách đây sáu bảy mươi năm này có thể tìm lại những phong tục tập quán đã phôi phai.

Bộ tranh về cải cách ruộng đất của Phan Thông có lẽ đến bây giờ là một tư liệu độc nhất vô nhị. Khi vẽ bộ tranh này, Phan Thông làm theo yêu cầu tuyên truyền nói lên sự nghèo khổ của nông dân bần cùng và sự ăn sung mặc sướng và tội ác của địa chủ cường hào, sự phấn khởi của nông dân sau khi được chia ruộng đất. Nội dung tranh chỉ có thế và cả bộ tranh được sắp xếp như một câu chuyện. Có những bức ông vẽ theo tưởng tượng, có những bức ông vẽ trực tiếp từ thực tế của cuộc cải cách ruộng đất. Những bức vẽ trực tiếp từ hiện thực mới quan trọng, ông phát hiện một thực tế không lấy gì làm vui vẻ, sự hận thù u tối nằm sẵn trong lòng người nông dân và những quyết định chết người do thiếu học của họ. Có lẽ thực tế này làm ông khiếp đảm rời miền Bắc, và như trên đã nói, năm 1958, đã thấy những tranh ông vẽ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vẽ về cách mạng và lãnh tụ là một phần quan trọng trong sự nghiệp của nhiều họa sĩ Việt Nam. Trong bộ sưu tập này, ngoài tranh vẽ về chiến tranh, nhiều họa sĩ dành thời gian đến thăm căn nhà sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An và căn cứ địa Pác Bó ở Cao Bằng. Tôn Đức Lượng, Mai Văn Nam, Mai Văn Hiến đều có những bức tranh về ngôi nhà lá đẹp đẽ tiêu biểu cho kiến trúc tre gỗ của nông dân Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ. Cảnh vật thay đổi ít nhiều theo thời gian, nhưng cho đến nay, ngôi nhà của Bác Hồ vẫn được lưu giữ tốt thành di tích. Những bức họa cho thấy tình cảm thương mến thầm lặng của các nghệ sĩ với vị lãnh tụ, bởi bản thân họ cũng là những người đi theo cách mạng một cách trong sáng. Những bức họa về Bác Hồ ở Pác Bó được Mai Văn Hiến vẽ năm 1969, năm Hồ Chủ tịch qua đời, có lẽ đem lại cho họa sĩ nhiều xúc động. Ông hẳn có ý đồ xây dựng một loạt tác phẩm về Hồ Chí Minh trong thời tiền khởi nghĩa, nên đã ký họa nhiều cảnh vật rừng suối thật sinh động, vào làng bản vẽ những nông dân người Tày, rồi hình dung Bác Hồ trong bộ quần áo chàm của người Tày. Có thể nói loạt tranh này được chuẩn bị rất công phu, nhưng chúng ta lại không biết sau này Mai Văn Hiến có chuyển thể sang tranh sơn dầu hay không?

Nguyễn Như Huân, Mai Văn Hiến… là những họa sĩ có nhiều dịp sang Đông Âu, đặc biệt do Mai Văn Hiến làm công tác đối ngoại của hội Mỹ thuật Việt Nam nên ông có nhiều cơ hội ra nước ngoài. Việc vẽ cũng được coi là công tác, khi về họ nên trưng bày các ký họa của mình cho mọi người xem. Những bức ký họa chì và thuốc nước của các họa sĩ tất nhiên là cảnh vật, con người và cuộc sống nói chung ở nước ngoài. Do đều đến các nước xã hội chủ nghĩa, nên các họa sĩ hay vẽ những cảnh công trường, nhà máy đồ sộ, nhộn nhịp, những phong cảnh thành phố, những khu triển lãm thành tựu quốc dân hoành tráng… những cái mà người dân Việt Nam lúc đó mơ ước. Bên cạnh đó không ít tranh phong cảnh làng quê, và con người, đặc biệt những cô gái phương Tây mà bao giờ họa sĩ cũng yêu quý. Nỗi niềm nhớ đến tổ quốc làm cho họ thỉnh thoảng cũng vẽ về nước nhà, ví dụ như Nguyễn Như Huân ngồi ở Matxcơva mà vẽ cảnh ngôi nhà dài ở bản làng Tây Nguyên, có lẽ theo một bưu ảnh giới thiệu về Việt Nam. Qua bức tranh này, chúng tôi phát hiện nhiều bức họa của các họa sĩ khác nhau vẽ theo bưu ảnh, hoặc lấy tư liệu từ bưu ảnh, chủ yếu trong các chuyến đi nước ngoài.

Truyện tranh là một phần thú vị trong bộ sưu tập này. Bao gồm truyện Xềnh Hang của Mai Văn Nam và truyện Anh Ân của Tôn Đức Lượng. Lúc đó các họa sĩ dựa vào một cốt truyện do các nhà văn, hay nhà chính trị biên soạn, nội dung đều là những người nông dân nghèo bị thực dân phong kiến bóc lột dã man, cách mạng về đem lại ấm no hạnh phúc cho họ. Tất cả các tranh đều vẽ tay, chữ viết bằng bút sắt thông thường, hoặc vót cật tre ra viết. Nhà in sẽ tùy theo bản thảo có thể phơi chụp in lưới, hay in khắc gỗ thành nhiều bản và phát không cho thanh thiếu niên. Vấn đề của truyện tranh thì không có gì lớn, mà chính là nó được các họa sĩ tài năng vẽ ra một cách cẩn thận, nên có thể coi mỗi trang là một bức tranh nhỏ. Thời gian đó, mọi họa sĩ đều phải làm thêm để kiếm tiền. Vẽ minh họa báo, vẽ bìa sách, vẽ truyện tranh hầu như mọi người đều chia nhau cho có việc và có thêm chút thu nhập. Do vậy mà họa sĩ cho ngành xuất bản này không chuyên nghiệp, bù lại mỗi người vẽ mỗi cách, lại là họa sĩ sáng tác nên chất lượng nghệ thuật và tính độc bản của truyện tranh Việt Nam lúc đó khá cao.

Những tác phẩm hiện thực của một thời đã để lại rất nhiều điều về cuộc sống và con người do nghệ sĩ đã có cái nhìn chân thực. Chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác kết hợp với chủ nghĩa tập thể trong cuộc sống làm cho người nghệ sĩ lúc đó ít phát triển cá tính. Khoảng cách giữa lối vẽ từ người này đến người kia rất hẹp đến mức, nếu người nước ngoài mới xem tranh Việt Nam cứ tưởng do một người vẽ. Sự chưa hình thành con người cá nhân, cái cá thể duy nhất không giống ai trong sáng tạo, là bước cản trở những nghệ sĩ tài năng này trở nên lớn lao hơn. Mặt khác, trong truyền thống nghệ thuật phương Đông, người ta không quan trọng sự khác nhau ở bề mặt, ví dụ tượng Phật, tranh sơn thủy rất khó nhận ra phong cách cá nhân ở đó, mà quan trọng ở sự tác động của tình cảm khác biệt lên những hình dáng giống nhau. Điều đó buộc chúng ta phải có cái cảm nhận tinh tế để soi rọi vào đời sống bên trong tác phẩm để xem từng nghệ sĩ suy nghĩ gì, có những tâm tư thầm kín như thế nào trong hoàn cảnh không phải bất cứ việc gì cũng có thể nói ra được.

Mặc dù ít nhiều biết đến chủ nghĩa hiện đại, nhưng các nghệ sĩ khi đó chẳng có một chút tư liệu nào, trừ một vài bức họa in trên họa báo Liên Xô. Tất cả các sách vở nói về nghệ thuật hiện đại đều không được đưa vào Việt Nam (những năm 1950-1970), và trong sáng tác người ta coi chủ nghĩa hiện đại là nghệ thuật tư sản phương Tây hiện đại, đầy rẫy sự độc hại. Sau năm 1980, nghệ thuật hiện đại mới được các nghệ sĩ trẻ công khai tiếp nhận. Năm 1993 mới có triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên và cũng bị phản đối dữ dội, còn cho đến nay, việc trưng bày tranh ảnh khỏa thân vẫn rất hạn chế. Trong hoàn cảnh của năm sáu mươi năm về trước, không thể đòi hỏi nhiều ở người nghệ sĩ Việt Nam. Họ không thể sống độc thân, không vợ không con, để chỉ có lao vào nghệ thuật. Sự trưởng thành của một nghệ sĩ Việt Nam lúc đó là, ban đầu là người lính cầm súng ra trận, sau là một cán bộ, công chức làm nghề nghệ thuật và hưởng lương, lương thực theo nghề đó, còn sáng tác là việc riêng, nhưng đem ra triển lãm thì có những điều kiện nhất định. Hầu như không có triển lãm cá nhân, chủ yếu là triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm một lần, và được xét duyệt cẩn thận. Mọi bức tranh được coi là có vấn đề đều không được trưng bày, tranh phong cảnh và chân dung thuần túy cũng chịu số phận như vậy. Từ đó hình thành một loại tranh gọi là phong cảnh sinh hoạt, nghĩa là có công nhân, nông dân lao động tập thể trong một bối cảnh nhất định.

Bộ sưu tập này là một tập hợp hình ảnh sinh động về con người và đất nước Việt Nam trong khoảng 20 năm cách đây nửa thế kỷ. Rất nhiều điều không còn ai quan tâm nữa, rất nhiều phong tục tập quán đã phôi pha, cũng như rất nhiều khung cảnh xóm làng, chùa chiền đã thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng đời sống nông thôn tươi đẹp biến thành các tiểu đô thị lộn xộn đầy rác và những dòng sông ô nhiễm. Tất cả, vô hình chung, làm cho những bức tranh ở đây thêm giá trị vì chúng chân thực ghi lại những gì đã qua và đang biến mất. Bản thân con cháu của những họa sĩ và những nhà sưu tầm trong nước không còn thiết tha với chúng nữa, nhiều kỷ niệm không vui không cần thiết nhắc đến, nên may mắn đã đến với ông Tira, nhà sưu tập người Thái, có được những bức họa này. Những bức họa có thể làm rung động bất cứ ai khi tìm hiểu về Việt Nam, đất nước và con người, quá khứ và hiện tại, với vô vàn chi tiết thú vị. Ngay cả việc mọi họa sĩ đều vẽ khi ít liên hệ với nhau, người Nam kẻ Bắc, người còn người mất, người trong chiến trường, người ở hậu phương, nhưng khi tập hợp công việc của họ lại, vẫn thấy hình như họ đều có những suy tư cơ bản rất chung. Cho nên tập hợp thành sưu tập thì ngẫu nhiên, nhưng nội dung xã hội trong các tác phẩm hội họa vẫn như nhiều con suối chảy vào một dòng sông, rồi lại bão tố hoặc êm đềm ra biển Đông.

        Nghệ thuật là dòng chảy bất tận của những khao khát không bao giờ thực hiện theo đúng ý muốn, vì thế nghệ sĩ cứ đi mãi, đi mãi không bao giờ dừng lại với mọi cám dỗ của sáng tạo, và bên cạnh nó là danh vọng, tiền tài, sự thỏa mãn các ý tưởng cá nhân. Chủ nghĩa phong kiến đặt ông vua, quốc gia, gia đình lên trên các cá nhân; cá nhân không đóng vai trò gì trong xã hội phong kiến. Nghệ sĩ đứng hàng công dân thứ ba không ký tên vào tác phẩm. Chủ nghĩa xã hội, vai trò tập thể cũng lớn hơn cá nhân. Nghệ sĩ tên tuổi hình thành, nhưng cá tính sáng tạo không phát triển. Các nghệ sĩ hiện tại cố gắng áp đặt cái cá nhân và cá tính sáng tạo của mình vào nghệ thuật, nhưng khó khăn thay, họ luôn bị thị trường và các dự án tài trợ khuất phục. Xem ra con đường để đi đến những cá thể, cá tính tuyệt đối trong sáng tác còn nhiều gian nan nữa. Những ký họa một thời cho thấy các nghệ sĩ tìm mình trong sự hòa đồng, hòa đồng với nhân quần xung quanh và với tự nhiên, thậm chí thầm lặng giấu mình trong từng bức họa, nét vẽ. Cho nên những tài liệu hội họa này ẩn chứa nhiều điều thú vị tinh tế, khi mà tâm hồn ai chẳng tự trọng, chẳng da diết yêu thương.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 317, tháng 11-2010

Tác giả : Phan Cẩm Thượng – Nguyễn Anh Tuấn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *