Ninh Bình là đất cố đô hơn 1.000 năm trước. Trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, thì đất Hoa Lư, Ninh Bình, đã là kinh đô của các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông, trong đó 12 năm đầu là triều Đinh (968 – 980), 29 năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980 – 1009) và năm cuối (1009 – 1010) là triều Lý. Tuy chỉ tồn tại 42 năm, nhưng cố đô đã thu phục được rất nhiều nhân tài kiệt xuất từ các nơi tụ hội về đóng góp công sức và cống hiến trí tuệ thống nhất giang sơn dựng nước Đại Việt, triều đại tiêu biểu cho một chế độ trung ương tập quyền chính thống đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Tuy trung tâm chính trị, văn hóa đã chuyển ra Thăng Long, nhưng truyền thống đó vẫn lưu truyền trong lớp hậu duệ của những người được xem là nguyên khí quốc gia, vì vậy đời nào Ninh Bình cũng có các danh nhân để lại dấu ấn trong lịch sử của đất nước.
Thân thế của Nguyễn Tử Mẫn
Nguyễn Tử Mẫn là một danh nhân tỉnh Ninh Bình thuộc đời 6, chi 3, hệ 3 họ Nguyễn Tử, một dòng họ hiếu học và có nhiều nhân vật nho sĩ trí thức có tâm huyết với quê hương đất nước. Cụ sinh năm 1816 ở thôn Đống Cao, xã Giá Hộ, tổng Kỳ Vĩ, nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình.
Đại Nam nhất thống chí có nói đến nhóm Tràng An thất hào (bảy nhân vật nổi danh) đời Lê, quy tập các vị có học, trọng thi lễ, tận tâm tận lực vì quê hương và chăm lo giáo dục con cháu. Đó là Tham nghị đại phu Nguyễn Tử Dự, Hiển trung đại phu Hoàng Trọng Cung, Thừa chính Nguyễn Đoan Tước, Thị độc Ninh Thấu, Hiến phó sứ Nguyễn Đình Chí, Thiêm sự Trịnh Xuân và Tham chính Phạm Kiêm Huyền. Trong nhóm này có Nguyễn Tử Dự (1) (1712-1779, thuộc đời 3 họ Nguyễn Tử) được tôn là Trưởng hào và Nguyễn Tử Mẫn chính là chắt của cụ. Một danh nhân Ninh Bình khác là Tán tương quân vụ Nguyễn Tử Tương (1843-1898)(2), lãnh đạo nghĩa quân Cần Vương ở trấn Sơn Nam cũng là hậu duệ đời 7 của dòng họ này.
Nguyễn Tử Mẫn đỗ cử nhân ân khoa kỳ thi hương năm Tân Sửu (1841) ở trường thi Nam Định, đời vua Thiệu Trị, triều Nguyễn. Cụ được bổ làm Tri huyện huyện Kim Anh (Vĩnh Phúc), rồi Hiệp Hòa (Bắc Giang). Năm 1849, cụ tham gia trong đoàn đón tiếp sứ thần Trung Hoa ở Lạng Giai phía Nam thành Lạng Sơn. Năm 35 tuổi lấy lý do thủy thổ bất phục sức khỏe giảm sút, cụ đã cáo quan về quê mở trường dạy học, nhưng 23 năm sau (1873) khi đã ở tuổi 58, cụ lại phải nhận làm quyền tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình), nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn cụ lại cáo lui. Những năm sau khi từ quan, cụ về quê vừa dạy học, viết sách, làm thơ, dịch thuật, vừa đem công sức và trí tuệ đóng góp xây dựng quê hương.
Trước tác của Nguyễn Tử Mẫn
Sinh thời Nguyễn Tử Mẫn là người ham đọc, làm thơ và viết sách. Hiện ở Viện Hán – Nôm và Thư viện Quốc gia Hà Nội còn lưu giữ các tác phẩm chữ Hán của cụ. Tác phẩm đầu tiên của cụ là Nguyễn Tử tộc phả (gia phả họ Nguyễn Tử), biên tập và viết tựa năm Tự Đức thứ 5 (1852), trùng đính năm Ất Hợi (1875), gồm 196 trang (ký hiệu A 1391) là một trong số ít gia phả soạn công phu và được lưu giữ trong văn khố quốc gia cho đến ngày nay. Gia phả ghi lại tên húy, tên hiệu, sự nghiệp, hành trạng, ngày sinh, ngày kỵ, mồ mả, tên cha mẹ, vợ con của những người họ Nguyễn Tử ở Ninh Bình. Ngoài ra cũng có bài khảo về tên xã, nguồn gốc dòng họ, lệ khoản của làng,… Một tác phẩm quan trọng khác phải kể đến là Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, biên tập năm Tự Đức thứ 15 (1862) gồm 332 trang (ký hiệu A 922). Tập thơ Ám thất đăng diễn ca, 146 trang (ký hiệu A-B-113) do cụ dịch từ chữ Hán của tác giả Sách Ôn Cư Sĩ ra chữ Nôm và được Tích Thiện Đường in năm Tự Đức thứ 28 (1875). Ở tác phẩm này cụ lấy bút hiệu là Phúc Quán Kha Phu. Đây là bản diễn ca khuyên người ta trau dồi đạo đức, tôn kính trời đất, sống hiếu thuận, thương yêu vạn vật. Ngoài ra còn có bản Sơ kính tân trang của Phạm Thái do Nguyễn Tử Mẫn chép lại, biên tập và giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Phạm Thái (82 trang, ký hiệu A1390). Đồng thời, trong cuốn Giai thoại làng nho của Lãng nhân Phùng Tất Đắc, do Nam Chi tùng thư xuất bản năm 1964 ở Sài Gòn có chép 2 bài thơ Tự vịnh, Sáng ngủ dậy muộn và một số câu đối của cụ. Những tác phẩm của cụ có nhiều giá trị lịch sử, thi văn, gắn bó với quê hương và là những tài liệu tham khảo quý về vùng đất kinh đô xưa và hành trạng của lớp nho sĩ thời bấy giờ.
Nhà địa chí uyên bác của Ninh Bình thế kỷ XVII
Nguyễn Tử Mẫn là một người rất am hiểu về địa lý, thiên nhiên, xã hội và văn hóa làng xã vùng Ninh Bình. Trong 10 năm cụ đã sưu tầm, khảo cứu và biên tập cuốn Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên (3), khởi thảo từ năm Tự Đức thứ 5 (1852), viết xong năm 1862. Cuốn này được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in lại năm 2001, do Nguyễn Mạnh Duân dịch từ Hán văn cổ, Nguyễn Thụy ứng dịch bổ sung và hiệu đính. Đây là một trong không nhiều tác phẩm địa chí về một tỉnh ở nước ta viết trong thời kỳ trước khi thực dân Pháp chiếm và đô hộ Bắc kỳ. Cuốn sách “có giá trị đối với những nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu con người, thiên nhiên, xã hội của vùng đất cố đô Hoa Lư” (chú dẫn của nhà xuất bản).
Về phương pháp biên soạn, cụ có cách làm việc thận trọng: “…tôi đã để tâm xem xét, tìm hiểu khắp nơi, khảo sách Tàu, học hỏi sách ta, tìm hiểu về người và đất, chỗ nào ngờ thì tìm hiểu, chỗ nào thiếu thì bổ sung, viết ra thành văn, trình bày thành từng mục, gộp lại thành một tập…” (Lời tựa). Trong tập hợp các dữ kiện, nhiều điều đã được phân định, các sự kiện xác tín cần bổ sung, những tồn nghi để sau ngày khảo cứu tiếp, cái gì đủ cơ sở thì cải chính. Chẳng hạn, về thu thuế ruộng, tập hợp từ các số liệu ở cả 7 huyện của Ninh Bình cụ đã chứng minh số liệu thống kê của triều Tự Đức là thấp hơn so với thực tế cả về diện tích và lượng thuế đã thu. Cách tiếp cận này tỏ rõ một thái độ khách quan, tôn trọng sự thực cần có của một người nghiên cứu khi nhìn nhận những vấn đề lịch sử, địa lý nhân văn, rất đáng học tập.
Từ những khảo cứu và ghi chép khá toàn diện về địa lý tự nhiên cũng như địa lý nhân văn của tỉnh Ninh Bình một cách hệ thống, tác giả đi sâu vào từng phủ, huyện, tổng, xã, làng. Ngoài việc giới thiệu ranh giới địa lý trên cạn cũng như trên biển, hệ thống sông ngòi, cửa biển, núi non, phong cảnh, hang động, thổ sản; tác giả đã chỉ dẫn cụ thể các thành trì, đền chùa, thánh miếu; mô tả các định chế xã hội như dân số, điền địa, thuế quan; các sinh hoạt và quan hệ xã hội, các bậc đế vương, giới khoa bảng… sắp thành 29 mục. Trong đó đề cập đến 41 ngọn núi, 33 sông lớn nhỏ, 7 chợ, 17 bến đò và cầu, 38 lăng mộ, miếu, đền chùa. Hành trạng của 23 nhân vật danh giá từ các đế vương đến các liệt nữ, 11 vị khoa bảng qua 4 triều từ triều Đinh đến triều Nguyễn được tôn vinh. Thi văn của các bậc quân vương, văn nhân để lại trong các thư tịch, khắc trên bia đá, vách núi, hang động,… được sưu tầm và ghi lại khá nhiều.
Di cảo văn thơ Nguyễn Tử Mẫn
Theo những bậc cao niên trong nội tộc, ngoài các tác phẩm đã in ấn, Nguyễn Tử Mẫn còn để lại khá nhiều di cảo viết tay, nhưng rất tiếc qua các thời kỳ loạn lạc, chạy càn, bom đạn…, tác phẩm của cụ đã bị thất lạc không ít. Một số còn lưu giữ được trong thư viện gia đình, đền miếu, hang động chưa sưu tầm được hết. Như đã biết, cụ cố của cụ là Nguyễn Tử Dự, Trưởng hào của Tràng An thất hào, đã viết Bản 24 điều khoản ước (hương ước) khuyên bảo người đời tuân thủ luật pháp, sống có đạo lý, làm việc thiện, tránh điều ác, sống hòa hiếu, đoàn kết trong làng xóm. Dựa vào đó, 120 năm sau (1891), Nguyễn Tử Mẫn đã soạn thành bản nôm 24 bài diễn ca thể lục bát cho dân thôn dễ hiểu, dễ nhớ (4). Cụ cũng soạn Thần phả đền Đô Thiên, làng Thư Diền, xã Ninh Nhất ngày nay.
Trong Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử (5) do Nguyễn Tử Chuấn chủ biên đã sưu tầm một số bài thơ, diễn ca, câu đối chữ quốc âm với nội dung khuyên răn người đời và con cháu trong dòng họ sống phải tôn trọng phép nước, lệ làng, giữ gìn thuần phong mỹ tục. Những tư liệu này thật sự có giá trị về mặt tư liệu cổ, nhất là về địa chí học đối với vùng đất và người Ninh Bình. Mặc dù là người đỗ đạt, các tác phẩm thơ ca, câu đối, của cụ phần lớn viết bằng Hán – Nôm. Cụ có những bài thơ dùng chữ, gieo vần độc đáo, tiêu biểu là bài sau:
Sáng ngủ dậy muộn
Tiếng gà bên gối tẻ tè te
Bóng ác trông ra hé kẽ hè
Núi một hòn cao chon chót vót
Hoa năm thức nở tóe tòe loe
Chim tình bầu bạn kia kìa kịa
Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhe
Danh lợi chẳng màng ti tí tị
Trửa trừa trưa dậy khỏe khòe khoe
Bài này được Văn đàn bảo giám giới thiệu năm 1908, Nam kỳ thư quán in lại năm 1929, Chương dương thi thoại của Phan Khôi in năm 1936 và gần đây Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản năm 1996. Bài thơ đặc sắc ở chỗ ghép 3 chữ cuối câu, cùng vần với nhau, gieo vần thể vĩ tam thanh, có thể xem là xưa nay hiếm. Trong giới thi văn, những lúc liên ngâm đối ẩm nhiều người đã thử họa lại, nhưng từ ấy đến nay chưa bài nào thành công, vì thế được gọi là bài thơ lạ. Lấy làm ví dụ về phát âm, ngữ thanh, ngữ điệu khi dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc, các học viên thấy rất thú vị như những minh họa tốt giúp họ phân biệt các âm tiết khó của tiếng Việt và cách gieo vần nghiêm ngặt của thể thơ thất ngôn bát cú.
Trong nhà thờ Cụ còn lưu lại câu đối:
Hiệp nhi hiệp khả nghĩa khởi giả
Hòa nhi hòa dĩ lễ tiết chi
Cụ có ý khuyên: Họp thì họp nên bàn việc nghĩa, vui thì vui phải giữ lễ tiết.
Trong các câu đối của cụ có những cặp vừa rất đối vừa rất hóm hỉnh, chẳng hạn câu tự vịnh (6):
Vợ cả vợ hai không vợ cả
Con trai con gái có con trai
Nguyên là cụ có hai bà vợ đều đã mất cả và con trai và con gái cụ đều có con trai cả.
Sáng tác của cụ phần nhiều bằng chữ Hán – Nôm, gần đây mới tìm thấy một bài thơ Vịnh động Thiên Tôn của cụ bằng chữ Hán (7) viết năm 1891 (Thành Thái năm thứ 3), khắc ở động Thiên Tôn (huyện Hoa Lư) họa bài thơ cùng tên của Nguyễn Đức Thiếp:
Vịnh động Thiên Tôn
Thiên Tôn sơn động thụ âm sâm
Xuân nhật tòng du đạp tuyết tầm
Nhất tượng tôn nghiêm song động cổ
Lưỡng biên sắc tướng bán nham âm
Quy xà truyền ký kim do tạc
Chung cổ thôi nhân Phật tức tâm
Bất thức sơn tiên hà xứ thị
Sổ hàng cao điểu nhập vân thâm
Dịch thơ:
Động núi Thiên Tôn rợp bóng râm
Dạo chơi ngày tết giẫm sương xuân
Một tượng tôn nghiêm đôi động cổ
Hai hàng sắc tướng nửa non phân
Quy xà truyền việc âu còn nhớ
Chuông trống giục người Phật tại tâm
Chẳng biết nơi nào Sơn Thánh ngự
Mấy đàn chim vút tận mây thâm
(Trần Lâm Bình dịch)
Theo Trần Lâm Bình thì đến thời điểm này đây là bài thơ chữ Hán duy nhất của Nguyễn Tử Mẫn. Với việc tìm thấy bài thơ Đường luật chữ Hán viết theo thể Thất ngôn, bát cú của cụ khắc trên bia đá, hiện đang tọa lạc tại động Thiên Tôn, có thể thấy, đây là một tư liệu quý, giúp ta hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một viên quan Tri phủ yêu nước, một danh nho vùng cố đô Tràng An.
Nguyễn Tử Mẫn với việc xây dựng quê hương
Nguyễn Tử Mẫn đã có những đóng góp to lớn cho dòng họ cũng như công đức cho làng xã và quê hương. Nhờ cuốn gia phả của cụ mà hậu duệ họ Nguyễn Tử biết được nguồn gốc tổ tiên; nhờ các trước tác khác mà thế hệ sau biết được đất nước, con người và những gì diễn ra ở vùng đất Tràng An xưa và tỉnh Ninh Bình cũ vào thời kỳ trước khi quân Pháp đánh chiếm và đặt chế độ đô hộ miền cố đô Hoa Lư. Cụ dành nhiều tâm trí cho việc dạy học và trong số học trò của cụ về sau nhiều người thành đạt. Cụ dành tiền riêng (có được từ dạy học, viết thơ văn, câu đối, dịch thuật) để làm những điều thiện nguyện, tâm phúc như tậu ruộng rồi cúng tiến cho các họ, đắp đường, làm cống, bắc cầu, xây dựng và tôn tạo đền chùa, đắp tượng,… Trong nửa thế kỷ (1843-1893) cụ đã 3 lần sửa chùa Hưng Long, trong 18 năm (1872-1890) đã 2 lần sửa gác chuông chùa, dựng bia đá. Ngôi chùa này tọa lạc tại xã Ninh Nhất ngày nay là một trong những công trình kiến trúc đẹp của tỉnh Ninh Bình. Cũng khoảng thời gian này, đường thôn, đường liên xã, cầu Rưỡng Khê, cống Đầm, đền Đô Thiên và văn từ hàng xã, hàng huyện đã được tôn tạo, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển, đời sống tâm linh và tôn vinh sự nghiệp học hành của nhân dân. Từ đường đại tộc và các từ đường các hệ của họ Nguyễn Tử đều có công lao đóng góp tôn tạo của cụ, trong số đó có 3 ngôi đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, cụ cũng hỗ trợ tôn tạo nhà thờ của các họ khác trong xã, tạo ra bầu không khí thân thiện giữa các cộng đồng chung sống trên một mảnh đất toàn đồng chiêm, núi đá, tuy nghèo khó nhưng ấm áp tình người. Trong xã Ninh Nhất hiện còn giữ được rất nhiều di tích đẹp như: nhà thờ, đền miếu, văn bia, hang động, cây di sản… góp phần làm phong phú cho khu du lịch Tràng An ngày nay.
Với những đóng góp đáng kể vào việc khảo cứu địa lý, lịch sử, thi văn và xây dựng quê hương, cụ đã được phong là danh nhân của tỉnh Ninh Bình, nhà thờ cụ được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và tên cụ được đặt cho một đường phố ở Ninh Bình.
_______________
1. Nguyễn Tử Siêm, Vị trưởng hào của Trang An thất hào và sự nghiệp trồng người, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 352, tháng 10-2012.
2. Nguyễn Tử Siêm, Phong trào Cần Vương ở trấn Sơn Nam và vị Tán tương quân vụ Nguyễn Tử Tương, Tạp chí Xưa và Nay, số 424, tháng 3-2013.
3. Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên (viết xong 1862), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
4. Danh nhân văn hóa Nguyễn Tử Mẫn, Nxb Nhã Nam, 2011.
5. Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử, Ninh Nhất, Ninh Bình, in tháng 12-2004.
6. Báo Hà Nội mới số 320 ngày 15-8-1993.
7. Trần Lâm Bình, vanhocnghethuatninhbinh.org.vn
Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014
Tác giả : Nguyễn Tử Siêm
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ