ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG VĂN HÓA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG


Với tư cách là hạt nhân của xã hội, gia đình là nơi sản sinh, nuôi dưỡng con người, duy trì, phát triển nòi giống. Trong điều kiện hiện nay, việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là vấn đề quan trọng, góp phần ngăn chặn có hiệu quả sự tấn công của tệ nạn xã hội, những nguy cơ dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Thứ nhất, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ căn bản đầu tiên, quan trọng, gần gũi, lâu dài để hình thành, phát triển gia đình. Sự yêu thương, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận được nảy sinh từ cuộc sống, từ chung sức làm ăn, cùng nhau gánh vác trách nhiệm gia đình. “Tình nghĩa ấy đòi hỏi phải trân trọng bằng tình yêu thủy chung, bằng sự tôn trọng lẫn nhau… Từ thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận mà đòi hỏi vợ chồng phải quan tâm, tôn trọng lẫn nhau, đây không chỉ là yêu cầu về mặt đạo đức, mà trong những thời kỳ lịch sử nhất định còn là đòi hỏi của pháp luật” (1). Hiện nay, mối quan hệ vợ chồng ở khu vực  ĐBSH mặc dù chịu sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của đời sống xã hội, có nhiều thay đổi theo chiều hướng như: tôn trọng lợi ích cá nhân, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên trong gia đình được khuyến khích, phát triển, mối quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái ngày càng được bình đẳng, dân chủ hơn… Nhưng điều đó không có nghĩa là gia đình mới hiện nay không còn sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên, không còn chuẩn mực, phép tắc, tôn ti, trật tự trong gia đình. Trên thực tế, những chuẩn mực đạo đức của gia đình truyền thống vẫn được kế thừa, phát huy, được đưa vào quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình, thành tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; đây được coi là cơ sở, xuất phát điểm để tạo nên sự hạnh phúc, phát triển bền vững của mỗi gia đình. Việc kế thừa, phát huy những chuẩn mực của mối quan hệ vợ chồng ở khu vực ĐBSH được thể hiện thông qua kết quả số gia đình được bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tại các tỉnh được duy trì, không ngừng tăng hàng năm, cụ thể: Hà Nội 87%, Hải Dương 86,6%, Thái Bình 82,3%, Vĩnh Phúc 85%, Hưng Yên 90%, Nam Định 79,6%… Các tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, các cuộc thi, xây dựng được nhiều mô hình, câu lạc bộ về gia đình như: gia đình hạnh phúc, gia đình thủy chung, gia đình hòa thuận… Nhiều gia đình đã phấn đấu trở thành những tấm gương điển hình, tiên tiến, làm gương cho các gia đình khác noi theo. Nhờ đó, những chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ vợ chồng như sự yêu thương, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận được kế thừa, phát huy; là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, dưới tác động của cơ chế thị trường, của sức mạnh vật chất, làm cho mối quan hệ vợ chồng của nhiều gia đình bị biến đổi nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy, trong những năm gần đây, xu hướng ly thân, ly hôn có chiều hướng gia tăng không chỉ riêng ở khu vực ĐBSH mà diễn ra khắp nơi, trên mọi miền của đất nước. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là do mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình, kinh tế, bạo lực gia đình, lý do sức khỏe… Đây là tình trạng đáng báo động, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội, cần phải tìm ra nguyên nhân, biện pháp để gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước. Thứ hai, phát huy sự từ, hiếu, đức hy sinh trong mối quan hệ cha mẹ, con cái. Chuẩn mực đạo đức giữa cha mẹ, con cái là từ, hiếu, đức hy sinh, trong đó từ là nhân từ, độ lượng, tình yêu, sự quan tâm, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Từ là điểm xuất phát, cơ sở để hình thành hiếu, là chuẩn mực đạo đức được coi là nết đứng đầu của con người trong quan hệ gia đình. Có từ, hiếu thì ắt sẽ có sự hy sinh mọi mặt để tạo nên gia đình êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc. Xã hội Việt Nam truyền thống coi đạo hiếu là tiêu chuẩn hàng đầu trong đạo làm người. Làm người mà không biết ơn cha mẹ, không yêu thương, nuôi dưỡng, báo hiếu cha mẹ thì con người đó bị xã hội lên án, khinh rẻ. Trong điều kiện hiện nay, nội dung của đạo hiếu cũng có những thay đổi nhất định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thời đại, song đề cao, giáo dục chữ hiếu vẫn là một trong những nội dung cơ bản mà các gia đình thuộc khu vực ĐBSH giáo dục, mong muốn con cháu họ có được. Cha mẹ truyền thụ đạo hiếu cho con cái của họ thông qua sự nêu gương với ông bà, với người lớn tuổi trong gia đình, thông qua sự hiền từ, dạy dỗ, bảo ban, bằng hành động, sự hy sinh bản thân cha mẹ đối với con cái. Như vậy, từ, hiếu, đức hy sinh vẫn là một trong những chuẩn mực, nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cha mẹ, con cái trong gia đình, cần được tiếp tục lưu giữ, kế thừa, phát huy để xây dựng gia đình trong điều kiện xã hội có nhiều đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cũng có tác động không nhỏ đến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Trong những năm gần đây ở khu vực ĐBSH nói riêng, cả nước nói chung, vẫn còn tồn tại nhiều người con bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa, thiếu tôn trọng, hỗn láo với ông bà, cha mẹ; hoặc trường hợp cha mẹ sát hại con, tước đi quyền sống của những đứa trẻ vô tội. Ngoài ra, một số người cho rằng việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ như một gánh nặng đối với họ, một số gia đình kinh tế khó khăn thì thường lảng tránh trách nhiệm hoặc có một số gia đình khá giả thì nghĩ rằng chỉ cần chu cấp tiền để nuôi cha mẹ cho xong nhiệm vụ là hoàn thành báo hiếu… Những hiện tượng tiêu cực về chữ hiếu đòi hỏi sự quan tâm, giải quyết ngay từ chính mỗi thành viên trong gia đình, toàn xã hội. Công tác khuyến học ở các địa phương là một nét đẹp văn hóa cần phát huy gìn giữẢnh Bảo Châu   Thứ ba, phát huy sự gương mẫu, hòa thuận của ông bà với con cháu, sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của con cháu đối với ông bà. Mối quan hệ giữa ông bà, con cháu trong gia đình là mối quan hệ ruột thịt, gần gũi, thiêng liêng. Sự gương mẫu, hòa thuận của ông bà đối với con cháu, sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của con cháu đối với ông bà là một giá trị quan trọng trong gia đình. Trong những năm gần đây, các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH về cơ bản đã phát huy, làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, duy trì được mối quan hệ tốt đẹp giữa ông bà, con cháu trong gia đình. Đồng thời, nhận thức rõ được vai trò quan trọng của ông bà, người cao tuổi trong việc giữ gìn, phát huy nề nếp, gia phong, gia giáo, gia đạo của mỗi gia đình cũng như gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc. Thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, năm 2016, tỉnh Hưng Yên đã trao giấy chứng nhận danh hiệu gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền cho trên 4.000 gia đình trên địa bàn tỉnh; ở tỉnh Hải Dương thì hàng năm công nhận gần 7.000 gia đình đạt danh hiệu này. Cùng với đó, công tác thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông bà, cha mẹ cũng được các gia đình chú trọng, tạo sự liên kết tình cảm giữa các thế hệ trong mỗi gia đình, dòng họ. Bên cạnh những mặt đạt được, trên thực tế ở khu vực ĐBSH hiện nay, nhiều gia đình sau khi kết hôn đã tách ra ở riêng nên con cái họ không có nhiều điều kiện để tiếp xúc, gần gũi với ông bà. Nhiều gia đình bố mẹ mải kiếm tiền không có thời gian giáo dục con cái; do gia đình bố mẹ ly hôn dẫn đến con cái suy sụp tâm lý, chán nản; cha mẹ quá giàu có, nuông chiều, luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của con nên con trẻ dễ xa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, cần phải có sự giáo dục, phát huy những giá trị, chuẩn mực đạo đức của gia đình truyền thống, có sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia thường xuyên với con trẻ ngay từ trong chính các gia đình. Để gia đình thật sự là tổ ấm, là nơi hình thành nên những nhân cách đẹp, chốn bình yên của mỗi con người. Thứ tư, phát huy tình thương yêu, hòa thuận, gắn bó, keo sơn giữa anh, chị, em trong gia đình. Anh, chị, em được sinh ra, lớn lên dưới sự chăm sóc của cha mẹ, thường sống với nhau suốt thời thơ ấu dưới một mái nhà, nên tình cảm, trách nhiệm đạo đức được nảy sinh, phát triển, bền chặt. Anh chị em phải thương yêu, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Kế thừa những giá trị đó, các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH đã không ngừng vun đắp cho mối quan hệ anh, chị, em trong gia đình thêm gắn bó keo sơn, bền chặt. Theo kết quả khảo sát tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình về vai trò, tầm quan trọng của mối quan hệ anh, chị, em trong cuộc sống của gia đình thì đại đa số khẳng mối quan hệ này có vị trí rất quan trọng. Mối quan hệ giữa anh, chị, em trong gia đình là điều đáng quý, đáng trân trọng, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi mà các gia đình đều có cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thì việc sống trong môi trường năng động, phát triển, làm cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình cũng như các giá trị đạo đức, chuẩn mực trong gia đình bị biến đổi, đôi khi có xu hướng mai một dần. Do áp lực kiếm tiền, sự giáo dục con cái trong nhiều gia đình bị buông lỏng dẫn đến người con nhiều khi không ý thức được bản thân, không tự tu dưỡng, rèn luyện được đạo đức trở nên hư hỏng, hỗn láo hoặc nhiễm vào các tệ nạn xã hội… Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều khu công nghiệp mọc lên ở các địa phương, khiến cho nhiều gia đình trở nên giàu có một cách nhanh chóng do có đất được đền bù cao, dẫn đến hiện tượng anh chị em trong gia đình bất hòa, cãi vã, mâu thuẫn, kiện tụng, sát hại lẫn nhau vì tranh giành tài sản. Điều này đòi hỏi việc cần thiết tạo lập, củng cố, phát triển mối quan hệ thương yêu, hòa thuận, gắn bó, keo sơn giữa anh, chị, em trong gia đình. Trong điều kiện hiện nay, để phát huy giá trị đạo đức của gia đình truyền thống với tính cách là một động lực tinh thần thôi thúc mỗi người phấn đấu, là một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hóa, đòi hỏi việc xây dựng gia đình văn hóa ở vùng ĐBSH cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội trên địa bàn về vai trò, tầm quan trọng của đạo đức gia đình, những nét đẹp của đạo đức gia đình truyền thống trong sự hình thành, phát triển nhân cách của mỗi người. Việc giữ gìn, phát huy, thường xuyên giáo dục những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp họ thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống với hiện đại, làm cơ sở để rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân là điều quan trọng. Tóm lại, cần tiếp tục kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị truyền thống của dân tộc để hướng đến xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước nói chung, vùng ĐBSH nói riêng. _______________ 1. Nguyễn Thị Thọ, Giá trị đạo đức của gia đình Việt Nam truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, 2014, tr.98, 99.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *