Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có ngành Giáo dục. Bài viết nêu thực trạng đào tạo trong quá trình chuyển đổi số tại một số trường đại học; đề xuất các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục đại học nhằm thích ứng với chuyển đổi số quốc gia.
1. Thực trạng công tác đào tạo đại học trong quá trình chuyển đổi số
Giáo dục là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm và đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động. Quá trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là yếu tố quan trọng, không chỉ với ngành mà còn ảnh hưởng lớn đến xã hội cả trước mắt và lâu dài. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục phải: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa; 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học (1).
Chuyển đổi số nhằm hướng đến đại học thông minh là quá trình thay đổi toàn diện tất cả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy trình và nhân lực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu: …đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (2). Đề án chỉ rõ định hướng đến năm 2025: Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy – học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo (3). Sau đó, hàng loạt các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục cũng được ban hành và dần hoàn thiện hành lang pháp lý như: quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, quy chế đào tạo từ xa…
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát kéo dài tại Việt Nam, ngành Giáo dục đã phải thay đổi hình thức đào tạo để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Các cơ sở giáo dục đại học chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho hơn 300 trường đại học, cao đẳng. Có thể nói, dịch COVID-19 đã đặt ra cho các trường đại học nhiều thách thức trong công tác đào tạo, nhưng cũng tạo ra các cơ hội thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số để phù hợp với tình hình thực tế.
Việc số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, thẩm định, chia sẻ học liệu số… đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực và vật lực để đảm bảo kho học liệu số đầy đủ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo của sinh viên đại học. Hiện nay, vấn đề xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, bài giảng điện tử…) mới phát triển tự phát, chưa thành hệ thống, rất khó để kiểm soát chất lượng và nội dung học tập.
Năm 2021, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến đào tạo trực tuyến trong thời kỳ dịch COVID-19. Tùy theo diễn biến dịch COVID-19 tại các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học chủ động quyết định việc tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp, đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng. Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học triển khai áp dụng quy trình đánh giá các học phần theo hình thức trực tuyến phải đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp. Việc tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận trực tuyến ở trình độ đại học phải đáp ứng thêm một số quy định: đánh giá thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên; được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học; diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra trong trường hợp có yêu cầu (4).
Theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, hơn 70% cơ sở giáo dục đại học đã triển khai hệ thống thư viện điện tử và triển khai hệ thống học tập E-Learning liên thông, chia sẻ học liệu, tài liệu số với các cơ sở đào tạo đại học khác nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, một số thông tư mới ban hành trong năm 2021 đã cho phép hình thức đào tạo trực tuyến trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thời gian qua, một số trường đại học cho sinh viên bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học, bảo vệ tốt nghiệp và tuyển sinh đầu vào trực tuyến nhằm đảo bảo tiến độ công tác đào tạo.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đang từng bước xây dựng mô hình Đại học số, Đại học thông minh. Do vậy, việc số hóa 100% nguồn học liệu là mục tiêu cần sớm hoàn thiện. Trong 20 tháng chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, bằng sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng để chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin – Thư viện đã thu thập, số hóa, bổ sung, tổ chức, lưu trữ và phục vụ hệ thống học liệu số đa dạng, phủ kín các ngành học của Trường. Hiện tại, Trung tâm có 268.805 học liệu số và hơn 114.000 học liệu in để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập. Trong số đó, có hơn 102.000 quyển sách số, giáo trình số, sách nghiên cứu tham khảo… được số hóa, thu thập, bổ sung vào kho học liệu.
Cổng thông tin Tri thức số đã được khai trương tại Trung tâm Thông tin – Thư viện trường Đại học Quốc gia Hà Nội (tháng 10-2021) nhằm kết nối và tích hợp dữ liệu của nhiều thư viện số độc lập thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm tập trung, cung cấp nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu và toàn văn từ các kho tri thức số của hệ thống như: luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, sách, giáo trình thuộc mọi lĩnh vực khoa học… tùy theo chính sách và mức độ chia sẻ của từng thư viện tham gia (5).
Trường Đại học Giao thông Vận tải đã xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và phòng học thông minh với giá trị lên tới 53 tỷ đồng; đầu tư thiết bị chuyển lõi mạch và hệ thống cáp quang trị giá gần 10 tỷ đồng; thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến bước đầu thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống; trang bị hệ thống điều hòa các phòng học; 15 tỷ đầu tư hệ thống máy trạm ảo, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống camera giám sát, khung kiến trúc trường đại học điện tử; trung tâm thông tin thư viện.
Từ tháng 2-2020, Nhà trường đã triển khai giảng dạy và học tập trực tuyến đối với sinh viên hệ chính quy. Nhà trường tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tuyến trên hệ thống Usmart.utc.edu.vn như: làm việc, hội họp, bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học, thi tuyển sinh cao học… Đặc biệt, việc bảo vệ đồ án tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp lần đầu tiên được tiến hành bằng hình thức trực tuyến. Nhà trường đã thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu: thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số; thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu và học liệu. 100% các giảng đường được đầu tư trang bị bảng thông minh, điều hòa nhiệt độ, thiết bị dạy học đạt chuẩn khu vực; cung cấp nguồn học liệu, phần mềm quản lý thư viện điện tử, cải tạo nội thất thư viện, cung cấp thiết bị cho thư viện đáp ứng mục tiêu chiến lược của Nhà trường về phát triển cơ sở vật chất, hiện đại hóa thư viện, tạo không gian thư viện hiện đại và linh hoạt. Hệ thống thư viện điện tử được đầu tư, các phần mềm phục vụ số hóa thư viện được trang bị, hệ thống thư viện được liên thông với các thư viện trong nước.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án “Thiết lập hệ thống quản trị Nhà trường theo mô hình Đại học điện tử” nhằm từng bước ứng dụng ICT vào chuẩn hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quá trình quản lý và tác nghiệp phù hợp với thực tiễn hoạt động. Đa số các hoạt động của nhà trường đã thực hiện thành công chuyển đổi số ở mức độ số hóa các quy trình quản lý và tác nghiệp, một số bước đầu sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động quản lý. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhà trường đầy đủ, hiện đại; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động hợp tác phát triển.
Khi dịch COVID-19 diễn ra, các hoạt động của nhà trường như tuyển sinh, nhập học, tổ chức đào tạo, đánh giá, cấp phát văn bằng… vẫn được triển khai bình thường trên môi trường số. Hiệu quả của chuyển đổi số còn thể hiện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân, một số hoạt động đã giảm còn 50% nhân lực, 70% thời gian thực hiện.
Năm 2021, Trường Đại học Xây dựng đã tổ chức thi môn vẽ mỹ thuật theo hình thức trực tuyến ứng dụng Zoom Cloud Meetings và hệ thống tổ chức thi mỹ thuật năm 2021 qua địa chỉ trang web http://vmt.nuce.edu.vn. Các thí sinh khi dự thi sử dụng bút chì đen trên giấy vẽ khổ A3 và nộp bài trực tuyến trên hệ thống tổ chức thi vẽ mỹ thuật năm 2021 http://vmt.nuce.edu.vn và gửi bài thi gốc qua bưu điện bằng chuyển phát nhanh về Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh năm 2021 bằng hình thức trực tuyến. Tất cả các thí sinh của các chuyên ngành: Diễn viên chèo, Nhạc công Kịch hát dân tộc, Diễn viên cải lương (liên thông), Huấn luyện múa, Biên đạo múa đại chúng, Thiết kế mỹ thuật hoạt hình, Thiết kế đồ họa kỹ xảo, Nghệ thuật hóa trang, Quay phim, Đạo diễn, Diễn viên kịch – điện ảnh – truyền hình, Đạo diễn âm thanh – ánh sáng sân khấu đều dự thi trực tuyến qua ứng dụng Zoom, bản quyền do trường quản lý.
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức phần thi năng khiếu tuyển sinh đại học trực tuyến năm 2021 cho hơn 2.000 thí sinh qua hệ thống thi trực tuyến LotusLMS. Nhà trường phối hợp với VietED chuẩn bị về công nghệ, hướng dẫn sử dụng hệ thống thi trực tuyến LotusLMS, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ thi trực tuyến.
2. Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc chủ động sớm thực hiện chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích gì cho các trường đại học, khi thực hiện theo lộ trình chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ nhân sự, đào tạo, cơ sở hạ tầng công nghệ, tài chính, khoa học công nghệ, đến quản lý, điều hành. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học, xin đề xuất một số giải pháp:
Về phát triển nguồn nhân lực
Để vận hành cơ chế chuyển đổi số trong các trường đại học, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng cũng như sự thành công của mỗi trường đại học.
Nội dung quá trình chuyển đổi số trong đào tạo đại học không chỉ áp dụng với người dạy và người học, mà còn với người đứng đầu quản lý các cơ sở đào tạo đại học. Chính vì vậy, cần kiện toàn đội ngũ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, công nghệ số, nền tảng số và an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở các trường đại học. Đồng thời, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số, các hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo qua môi trường ảo.
Về công tác đào tạo
Các trường ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác đào tạo như tuyển sinh, nhập học, tổ chức đào tạo: dạy – học, đánh giá thi – bảo vệ tốt nghiệp, cấp phát văn bằng… Tiến hành số hóa toàn bộ bài giảng, giáo trình, xây dựng kho dữ liệu số, học liệu số, lựa chọn đối tượng số hóa, thực hiện số hóa, lưu trữ nguồn học liệu số, tổ chức dữ liệu số hóa phù hợp với các nhu cầu khai thác phục vụ công tác đào tạo, sử dụng dữ liệu và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin phục vụ học trực tuyến. Các trường nhanh chóng đưa nguồn học liệu lên mạng kết hợp với các nguồn học liệu quốc tế có sẵn khác để nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến. Hiện nay, cùng với phương thức học trực tuyến, học liệu số dần lấn át học liệu truyền thống với nhiều lợi thế như về âm thanh, hình ảnh sinh động trực quan, chia sẻ dễ dàng rộng khắp, lưu trữ, tìm kiếm nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Phát triển các Chương trình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cho các lĩnh vực đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, theo lộ trình được cá nhân hóa cho phù hợp điều kiện, năng lực học tập của từng người học. Đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành có tích hợp công nghệ số. Thiết kế các khóa đào tạo ngắn hạn, các chương trình bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người học.
Các trường đại học cần huy động đầu tư về công nghệ để phát triển các hệ thống ứng dụng, thúc đẩy tạo học liệu số thứ cấp trên cơ sở kho học liệu số sẵn có, đó là các hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phân tích dữ liệu lớn (data analytics), hệ thống trợ lý ảo, học máy; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để phát triển nội dung học liệu số sát với yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính sư phạm, nâng cao hiệu quả của học liệu số.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng số và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng
Trong quá trình chuyển đổi số, cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho một hệ sinh thái số, môi trường của Đại học thông minh từ nền tảng công nghệ số: Hạ tầng ICT, Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, hệ thống thiết bị thông minh, tích hợp Dữ liệu lớn, và IoT để tái cấu trúc lại dịch vụ và sản phẩm, tạo đột phá về môi trường trải nghiệm giáo dục đại học. Tối ưu hóa hệ thống, quy trình hiện tại. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất đồng bộ cho hoạt động dạy, học và nghiên cứu cũng như cho các hoạt động quản lý quá trình đào tạo. Cần có chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin, nâng cấp kỹ năng phổ quát về công nghệ thông tin cho người dạy và học.
Phát triển các ứng dụng, nền tảng số phục vụ tuyển sinh trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tra cứu văn bằng chứng chỉ và các dịch vụ giáo dục đào tạo trực tuyến khác phục vụ người học…
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học có thể được coi là điều kiện để phát triển các cộng đồng học tập chuyên nghiệp cho cả người dạy và người học thông qua các diễn đàn trực tuyến. Để chuyển đổi số ngành Giáo dục thành công, người dạy phải có đầy đủ kỹ năng sử dụng công nghệ, đồng thời cũng cần có sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ từ người học, từng bước thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia.
__________________
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vanban.chinhphu.vn, 3-6-2020.
2, 3. Thủ tướng Chính phủ, Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, moet.gov.vn, 23-5-2017.
4. Lê Thị Mai Hoa, Dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch COVID-19, tuyengiao.vn, 13-9-2021.
5. Khai trương Trung tâm Tri thức số: Kết nối thư viện số dùng chung – Đổi mới sáng tạo, vnu.edu.vn, 1-10-2021.
Tài liệu tham khảo
1. VNU-LIC đã chuẩn bị sẵn sàng 268.805 học liệu số và hơn 114.000 học liệu in để đón chào năm học mới (2021-2022), lic.vnu.edu.vn, 12-9-2021.
2. Tiến Khoa, VNU-LIC xây dựng tài nguyên số là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số ở ĐHQGHN, vnu.edu.vn, 20-5-2021.
3. Trường Đại học Giao thông Vận tải, Báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Giai đoạn đánh giá: 2016 – 2020), 2021.
4. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chuyển đổi số hướng tới mô hình “Đại học thông minh”, moit.gov.vn, 21-9-2021.
5. Tường Vân, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức thi vẽ mỹ thuật trực tuyến, Laodong.vn, 16-8-2021.
6. Tường Vân, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tổ chức thi trực tuyến để tuyển sinh, Laodong.vn, 3-8-2021.
7. Hơn 2.000 thí sinh thi tuyển trực tuyến Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vnexpress.net, 23-8-2021.
TS ĐỖ TIẾN VƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng