Đào tạo ngôn ngữ cho cán bộ văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số


1. Ngôn ngữ và văn hóa

Ngôn ngữ, theo cách hiểu của ngôn ngữ học, “là sự tập hợp các đơn vị và quy tắc (phát âm, dùng từ, đặt câu) đã được xã hội quy ước và quy định. Những quy ước và quy định này chính là cơ sở mà các thành viên của cộng đồng có thể dựa vào đó để tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thành viên khác cùng cộng đồng” (1). Nói cách khác, ngôn ngữ là “một hệ thống dấu hiệu nhiều tầng được người bản ngữ chấp nhận, ghi nhớ, hiểu và sử dụng trong khi giao tiếp với cộng đồng” (2).

Cũng như mối quan hệ giữa ngôn ngữ với kinh tế, địa lý, toán học… ngôn ngữ là phương tiện, cầu nối để mở rộng giao lưu trao đổi, mở rộng tầm hiểu biết về văn hóa giữa các cộng đồng. Sự hình thành ngôn ngữ còn là tiền đề nhiều mặt của sự hình thành văn hóa. Mặc dù theo cách sắp xếp hình thức, ngôn ngữ nằm trong phạm trù văn hóa. Ngôn ngữ được coi là một phương tiện duy nhất có khả năng giải mã cho tất cả các loại hình nghệ thuật gắn với phạm trù văn hóa. Ngôn ngữ có khả năng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, phản ánh một cách tương đối tập trung tiến trình phát triển văn hóa của cộng đồng.

Theo nhà ngôn ngữ học Thụy Sỹ Ferdinand de Saussure, người cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại cũng như nhiều nhà khoa học xã hội khác, “ngôn ngữ và văn hóa nói chung đều là những thiết chế trừu tượng, chúng dần dần được hình thành cùng với sự phát triển của con người và xã hội” (3). Ngôn ngữ “không chỉ là tiền đề tạo ra đối tượng văn hóa, mà hơn thế từ trong chiều sâu, trước hết, nó là tiền đề tạo ra con người, đồng thời, từ đó con người tạo tiếp những tiền đề chủ quan và khách quan để hình thành cho mình đối tượng văn hóa” (4).

Trên nhiều cấp độ, ngôn ngữ là tiền đề cho đối tượng văn hóa phát triển và ngược lại, sự phát triển của văn hóa tạo tiền đề trở lại cho ngôn ngữ phát triển.

2. Ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Lãnh thổ Việt Nam có 54 dân tộc sinh sống, kết thành cộng đồng xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước trong suốt những năm dài lịch sử và để lại cho các thế hệ mai sau. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng, có lịch sử lâu dài gắn bó với tổ quốc Việt Nam. Với chính sách dân tộc, đoàn kết, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, từ lâu, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rất rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và phát triển nền văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự đa dạng về ngôn ngữ, cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam cần có ngôn ngữ chung để các dân tộc giao tiếp được với nhau, bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đó cũng chính là sự thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Có nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch đã được công bố, trong đó xác định tiếng Việt có vai trò là công cụ giao tiếp đồng thời là công cụ phát triển xã hội của tất cả các dân tộc trong môi trường đa dân tộc như ở nước ta. Chính sách sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam không chỉ phù hợp với tư tưởng tiến bộ nhân loại về quyền bình đẳng giữa các dân tộc mà còn phù hợp với nhu cầu thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số trong nước, góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ trương phổ cập tiếng phổ thông (tiếng Việt) cho tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bình đẳng ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau, không có nghĩa là không tạo điều kiện để tiếng mẹ đẻ của các dân tộc được duy trì, phát triển. Ngay từ năm 1943, khi chưa giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra trong Đề cương Văn hóa: “Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại và được bảo đảm”. Tư tưởng, đường lối chính sách đúng đắn này đã được thể hiện nhất quán, rõ ràng trong các hiến pháp của nước ta từ đó đến nay.

Hiến pháp năm 1960, sự tôn trọng và quan tâm đến quyền được sử dụng và phát triển tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số được khẳng định.  Hiến pháp năm 1980 và năm 1992 một lần nữa nhấn mạnh điều đó (5). Mới đây, trong điều 42, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ rằng: công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Để thực thi những quyền cơ bản về ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số trong các luật của Nhà nước, nhiều biện pháp hướng dẫn cụ thể đã được xây dựng và thực hiện. Theo Quyết định 53-CP ngày 22-2-1980 của Hội đồng Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, khẳng định: “Tiếng nói và chữ viết hiện có của các dân tộc thiểu số được Nhà nước tôn trọng, duy trì, giúp đỡ và phát triển”. Thông tư số 01-GD/ĐT ngày 3-2-1997 của Bộ Giáo dục Đào tạo Hướng dẫn việc dạy tiếng nói và chữ viết các  dân tộc thiểu số, đã cụ thể hóa Quyết định 53-CP ngày 22-2-1980 của Hội đồng Chính phủ. Theo tinh thần Quyết định 53-CP ngày  22-2-1980 của Hội đồng Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, Luật phổ cập giáo dục tiểu học đã được Quốc hội thông qua 16-8-1991, tại điều 4 có ghi: “Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt. Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học”.

Trên thực tế, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều địa phương có các dân tộc thiểu số ở miền Bắc đã tổ chức nhiều hoạt động dạy chữ Thái, Tày, Nùng và Mông. Từ sau năm 1975, một số dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng được học tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, việc dạy và học tiếng mẹ đẻ tại các địa phương này còn nhiều bất cập và chưa hiệu quả.

 3. Dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Được sự đồng ý của Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có học phần Ngôn ngữ của một số dân tộc tộc thiểu số (Chăm, Khơme, Ê đê, Ba na, Mnông). Học phần có thời lượng 8 tín chỉ, tương đương 120 tiết học, mỗi tiết học được tính 50 phút. Sinh viên của khoa có thể lựa chọn để học một ngôn ngữ dân tộc thiểu số để phù hợp với nhu cầu và môi trường công tác tương lai của mình. Nội dung học phần gồm có hai phần: cơ sở ngôn ngữ tiếng dân tộc (sự ra đời, những từ vựng và ngữ pháp cơ bản, cấu tạo chữ, thể thức viết và đọc); tìm hiểu, rèn luyện ngôn ngữ, văn hóa dân tộc qua các văn bản cụ thể.

Theo kết quả khảo sát của một số nhà nghiên cứu, nhiều phiếu thống kê cho rằng, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số chỉ giữ vai trò là phương tiện trao đổi trong cộng đồng theo nghĩa đơn giản nhất. Việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số tại các địa phương mới chỉ dừng lại ở mục đích có tiếng nói để sử dụng trong cuộc sống.

Mục đích của việc dạy và học ngôn ngữ một số dân tộc thiểu số ở Trường Đại học Văn hóa TP.HCM là: tìm hiểu ngôn ngữ của tộc người trong bức tranh văn hóa 54 dân tộc ở Việt Nam, hỗ trợ công cụ nghiên cứu và quản lý về văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Với mục đích rõ ràng, nhà trường xác định đúng đối tượng giảng dạy là sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, đồng thời, đào tạo ngắn hạn tiếng dân tộc thiểu số cho các cán bộ hiện đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Là cán bộ nghiên cứu và quản lý văn hóa dân tộc, các cán bộ đó cần phải biết tiếng của dân tộc mình nghiên cứu và tổ chức các hoạt động văn hóa. Đây là hướng đi đúng và cần thiết trong chương trình đào tạo văn hóa dân tộc thiểu số của nhà trường.

Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đào tạo các cán bộ cho ngành văn hóa cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Chính từ cơ sở này, nhà trường nên chọn ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn Trung Bộ và Nam Bộ. Hiện nay, một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa có chữ viết, hoặc một số dân tộc thiểu số có chữ viết được xây dựng từ bộ chữ latinh. Nếu để giảng dạy nhằm mục đích hỗ trợ công cụ nghiên cứu về các dân tộc thiểu số, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thì nên chú trọng đến những ngôn ngữ có văn tự, có chữ cổ truyền thống (tiếng  Chăm, Khơme).

Tập bài giảng là phương tiện cơ bản và bắt buộc cho việc giảng dạy của trường. Tuy nhiên, hiện nay, tập bài giảng, tài liệu giảng dạy một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số chưa có. Nhà trường khi xây dựng chương trình đào tạo phải đồng thời nghiên cứu, biên soạn tập bài giảng, trong tương lai là các giáo trình.

Bên cạnh tập bài giảng, giảng viên cũng là một vấn đề cần quan tâm của nhà trường. Yêu cầu về giảng viên cho môn học này ngoài phương pháp sư phạm, chuyên môn về ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) của dân tộc thiểu số còn đòi hỏi giảng viên có kiến thức về ngôn ngữ học và văn hóa của dân tộc đó. Vì vậy, việc đầu tư tìm nguồn giảng viên, đào tạo giảng viên dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số là việc làm cần thiết, cấp bách, đáp ứng yêu cầu đào tạo các cán bộ ngành văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Ví dụ: chương trình đào tạo ngôn ngữ tiếng Khơme, yêu cầu về giảng viên cho học phần này ngoài phương pháp sư phạm, chuyên môn về ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) còn đòi hỏi giảng viên có kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Khơme. Nên tìm nguồn giảng viên giảng dạy ngôn ngữ Khơme là các sư người Khơme đã hoàn tục, có bằng cấp phù hợp làm thày giáo dạy tiếng Khơme cho sinh viên. Những người này vừa am hiểu văn hóa người Khơme, được đào tạo bài bản tiếng Khơme trong nhà chùa, đặc biệt có tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc Khơme.

Vấn đề đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho các cán bộ là người Kinh hiện đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng vô cùng quan trọng. Là cán bộ nghiên cứu, quản lý văn hóa dân tộc, các cán bộ đó cần phải biết ngôn ngữ dân tộc để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa.

Ngôn ngữ giao tiếp là cần thiết, càng cần thiết hơn đối với cán bộ công tác tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc lựa chọn ngôn ngữ để đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội, đào tạo nguồn giảng viên vô cùng quan trọng. Hy vọng rằng Trường đại học Văn hóa TP.HCM sẽ đi đầu trong việc đào tạo tiếng dân tộc thiểu số, là địa chỉ đáng tin cậy cho các học viên có quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc.

Ngôn ngữ là dấu hiệu cơ bản để con người phân biệt các tộc người khác nhau. Ngôn ngữ là tiêu chí đầu tiên để xác định thành phần dân tộc, là một trong số các đặc trưng của tộc người. Một vị sư cả người Khơme đã đưa ra đề xuất rằng nhà nước cần xem xét lại việc biết nói tiếng dân tộc là tiêu chí xác định thành phần dân tộc. Dần dần tiến tới lấy tiêu chí biết đọc, biết viết.

Đào tạo ngôn ngữ dân tộc cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa là sơ sở quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt khu vực phía nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Hy vọng các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học sẽ cùng đồng thuận, quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thúc đẩy việc đào tạo ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số tại trường đại học Văn hóa TP.HCM.

____________

1, 3, 4. Nguyễn Lai, Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.15, 129, 193.

2. Ferdinand de Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa học Xã hội, 2005, tr.8.

5. Hiến pháp Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.124.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THẾ DŨNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *