Đẩy mạnh chất lượng tuyên truyền, vận động của các đơn vị quân đội trên địa bàn Hà Nội

     Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của các đơn vị quân đội trên địa bàn Hà Nội là toàn bộ hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và động viên, cổ vũ hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân để thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân; củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của các đơn vị quân đội trên địa bàn Hà Nội góp phần trực tiếp và thiết thực trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, anh ninh, đối ngoại… của địa phương. Vì vậy, sự phát triển của tình hình thực tiễn hiện nay đòi hỏi các đơn vị quân đội trên địa bàn Hà Nội phải không ngừng tìm tòi, đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân.

     Để đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, các đơn vị quân đội trên địa bàn Hà Nội cần tập trung vào các vấn đề sau đây.

     Đổi mới công tác tuyên truyền miệng

     Hoạt động này cần bám sát Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-11-2007 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Trong đó, trước hết các đơn vị cần xây dựng đội ngũ báo cáo viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ tuyên truyền miệng trên địa bàn đặc biệt như Hà Nội.

      Để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tùy theo điều kiện của từng đơn vị, có thể tập hợp những đồng chí có phẩm chất, năng lực tuyên truyền miệng tốt để thành lập một đội ngũ báo cáo viên không chuyên trách (bên cạnh báo cáo viên chuyên trách được quy định trong Quy chế công tác Tuyên truyền miệng của Tổng cục Chính trị). Theo đó, khối các học viện, nhà trường, cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn… của quân đội tại Hà Nội có thể lựa chọn những cán bộ, giảng viên, nhà khoa học có uy tín, có tri thức cho đội ngũ này. Khối các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lựa chọn những cán bộ có uy tín, có kiến thức văn hóa, chính trị, lịch sử, xã hội tương đối sâu rộng, đạt kết quả cao trong các cuộc thi báo cáo viên giỏi các cấp ở đơn vị, để thành lập tổ báo cáo viên tuyên truyền miệng. Lực lượng này vừa làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền miệng tại đơn vị, đồng thời cũng là lực lượng xung kích trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong quá trình tiến hành công tác tuyên truyền miệng tại địa phương, tùy vào tính chất nhiệm vụ, nội dung và đối tượng truyên truyền, đơn vị có thể sử dụng báo cáo viên trong lực lượng nòng cốt của mình, đồng thời cũng có thể liên hệ mời các báo cáo viên có uy tín của cấp trên hoặc đơn vị bạn, những chuyên gia đầu ngành của quân đội để đảm bảo công tác tuyên truyền đạt chất lượng, hiệu quả.

      Xây dựng đội ngũ báo cáo viên phải đi đôi với việc thường xuyên bồi dưỡng về nội dung và phương pháp tuyên truyền miệng, nhất là phương pháp tuyên truyền với đối tượng là nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Phải nâng cao chất lượng thông tin theo hướng vừa có thông tin thời sự, vừa có báo cáo chuyên đề đi sâu vào những vấn đề lý luận cơ bản, có căn cứ thực tiễn, lập luận chặt chẽ, hấp dẫn. Bên cạnh đó, phải bồi dưỡng cho báo cáo viên hiểu biết sâu sắc nếp sống văn hóa, tín ngưỡng, tập quán… của địa phương, tạo điều kiện để đội ngũ báo cáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thông qua các cơ chế, chính sách về chế độ phụ cấp và đảm bảo các trang thiết bị cần thiết như: máy ghi âm, máy chiếu, tư liệu, tài liệu cũng như việc cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật, định kỳ.

     Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân trên lĩnh vực báo chí, truyền thông của quân đội

     Các cơ quan báo chí, truyền thông của quân đội trên địa bàn Hà Nội, với đầy đủ 4 loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, phải thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, công khai, minh bạch, đúng định hướng về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế; tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thủ đô; các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội; các dự án kinh tế và các công trình quân sự, quốc phòng có liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

     Các cơ quan báo chí quân đội trên địa bàn cần thực hiện tốt phương châm: kết hợp tốt giữa xây và chống, trong đó lấy xây làm chính; kết hợp tuyên truyền những quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại với tuyên truyền theo những chuyên đề sâu trên từng lĩnh vực, bằng các loạt bài, chương trình dài kỳ; vừa đảm bảo tính định hướng chung, đồng thời vẫn mang tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn.

     Phối hợp với cơ quan chức năng, Hội Nhà báo Việt Nam, các khoa nghiệp vụ báo chí của các học viện, nhà trường uy tín trong và ngoài quân đội để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên. Đặc biệt, cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức nền về văn hóa, xã hội, lịch sử, phong tục, tập quán, nếp sống, lối sống đặc trưng của các vùng dân cư Hà Nội, lấy đó làm cơ sở để phóng viên thâm nhập thực tế, viết bài, đưa tin sát với cuộc sống của người dân, đảm bảo tính thuyết phục trong công tác tuyên truyền, vận động.

     Các cơ quan báo chí của quân đội phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các tờ báo điện tử theo hướng ngày càng hiện đại, nhạy bén, linh hoạt, hấp dẫn để thu hút độc giả, nhằm mở rộng kênh tuyên truyền, vận động nhân dân. Đổi mới hình thức đưa tin, bài tuyên truyền về địa bàn thành phố Hà Nội trên báo mạng theo hướng tăng tính thời sự, tường thuật trực tiếp, nội dung ngắn gọn, văn phong trong sáng, dễ hiểu, gần gũi thực tế cuộc sống, kết hợp đưa nhiều hình ảnh, clip phóng sự có chất lượng cao để thu hút người đọc, người xem…

      Đổi mới hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan

     Trước hết, cần củng cố hệ thống tuyên truyền trực quan gồm pano, khẩu hiệu ở xung quanh phạm vi đơn vị theo quy chuẩn, hiện đại, bền đẹp hướng về các khu vực công cộng. Tùy điều kiện kinh phí, có thể thay thế dần từ các chất liệu truyền thống sang màn hình led để tiện đăng tải các nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân. Về nội dung, cần được biên tập kỹ lưỡng, văn phong ngắn gọn, súc tích, tạo ấn tượng mạnh. Kết hợp chữ viết với âm thanh, hình ảnh, video clip một cách hài hòa, đẹp mắt, có tính thẩm mỹ cao.

     Phát huy công năng của các thiết chế văn hóa quân đội trên địa bàn Hà Nội trong tuyên truyền, vận động nhân dân như hệ thống bảo tàng, nhà hát, thư viện, nhà văn hóa… của các đơn vị. Riêng hệ thống bảo tàng thuộc các đơn vị quân đội ở Hà Nội hiện bao gồm 11 bảo tàng lớn. Các đơn vị cần phát huy hệ thống bảo tàng để tuyên truyền về truyền thống quân đội, lịch sử chiến tranh cách mạng, tình đoàn kết quân dân, tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm để tuyên truyền, vận động nhân dân theo nhiệm vụ chính trị.

      Đổi mới tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các loại hình văn học nghệ thuật

    Việc tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua sử dụng các loại hình văn học nghệ thuật giữ một vị trí quan trọng bởi tính hấp dẫn, tác động vào tâm hồn, tình cảm của đối tượng, mang ý nghĩa tuyên truyền lan tỏa, sâu rộng và có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội thủ đô.

    Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, hệ thống các thiết chế văn hóa văn nghệ gồm 2 tạp chí, 11 bảo tàng, 4 nhà hát, hàng chục đoàn văn công, đội tuyên văn của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, hàng chục thư viện lớn nhỏ, hàng chục đội chiếu bóng lưu động… Những thiết chế đó, cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, nhiều người ở vị trí gạo cội, xuất sắc của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, cần được động viên, phát huy để tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân một cách nhanh chóng, hấp dẫn, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân trên địa bàn thành phố.

     Trong công tác tuyên truyền, cần phát huy triệt để vai trò của tất cả các loại hình văn học nghệ thuật (ký, tản văn, thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn), loại hình thông tin (triển lãm, quảng cáo, thông tin cổ động), loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), loại hình xuất bản (sách viết, sách điện tử, DVD, CD, tranh ảnh, lịch), loại hình biểu diễn (kịch, chèo, ca múa nhạc, văn nghệ quần chúng…). Đây đều là những loại hình mà các cơ quan văn hóa, văn nghệ của quân đội có thế mạnh. Vì vậy, các cơ quan văn hóa, văn nghệ của quân đội trên địa bàn Hà Nội cần xây dựng những chương trình có giá trị nghệ thuật cao, được lồng ghép khéo léo các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; động viên nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng mối đoàn kết quân dân; đấu tranh chống diễn biến hòa bình… Từ đó, tổ chức các đợt lưu diễn, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thành phố; chú trọng thực hiện ở những địa bàn trọng điểm, vào dịp có sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của thành phố, các đợt hành quân dã ngoại kết hợp công tác dân vận.

     Ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân

     Đây là một hình thức thích ứng với xu thế phát triển của thời cuộc, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, dễ thực hiện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và tiết kiệm chi phí.

     Để ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết, các đơn vị tập trung vào khai thác hai mạng xã hội đang được người dùng ở Hà Nội ưa chuộng nhất là Facebook và YouTube. Xây dựng lực lượng nòng cốt hoạt động tuyên truyền trên Facebook và YouTube bao gồm các đồng chí cán bộ, chiến sĩ đang tham gia đấu tranh trên không gian mạng, các cán bộ khoa học, giảng viên, nhà văn, nhà báo của quân đội có trình độ lý luận và năng lực thực tiễn tốt. Có thể tận dụng các “blogger thân thiện” mà nhiều đơn vị đã và đang xây dựng để chuyển sang hoạt động tuyên truyền, đấu tranh trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần tập hợp thêm những cán bộ, chiến sĩ trẻ giỏi về công nghệ xử lý hình ảnh, dựng phim để đảm bảo vấn đề kỹ thuật cho việc tuyên truyền.

     Tin, bài tuyên truyền trên mạng xã hội phải bám sát thực tiễn đời sống nhân dân trên địa bàn Hà Nội; nội dung phải ngắn gọn, súc tích, gây ấn tượng mạnh. Mỗi tin, bài cần có những hình ảnh, clip minh họa được đầu tư công phu, có chất lượng cao; tránh nhồi nhét kiến thức, hoặc áp đặt ý chí cá nhân trong khi tuyên truyền. Cần thấy rằng, trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, đôi khi chỉ một hình ảnh, một hành vi đẹp bình dị, đời thường, gần gũi cũng có sức cổ vũ, động viên, lan tỏa, cảm hóa. Thường xuyên quan tâm phản hồi những tương tác của nhân dân đối với nội dung tuyên truyền trên mạng xã hội. Những vấn đề mà đối tượng chưa hiểu, chưa đồng thuận thì phải kiên trì giải thích bằng các dẫn chứng, số liệu cụ thể, xác đáng, lập luận chặt chẽ, có lý, có tình. Đối với những kẻ xấu lợi dụng việc bình luận bài viết để xuyên tạc, phát ngôn thiếu văn hóa, hằn học, càng cần phải bình tĩnh, chuẩn mực, chặt chẽ trong đối thoại để mọi người thấy rõ bộ mặt thật của chúng.

Tác giả: Nguyễn Minh Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *