Đề tài chiến tranh trong nghệ thuật tạo hình của Lê Bá Đảng


Phong cách nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng (1) đã là một hiện tượng tiêu biểu, được đón nhận và tôn vinh ở phương Tây trong những năm cuối của TK XX. Các tác phẩm vẽ về chủ đề chiến tranh của ông không chỉ khẳng định phong cách sáng tác của ông mà điều quan trọng là thể hiện tấm lòng của một người con xa quê luôn hướng về đất mẹ. Hình ảnh cuộc chiến tại Việt Nam được đề cập trong bài viết được lấy từ tư liệu cụ thể qua một số tác phẩm nghệ thuật của ông hiện đang lưu giữ tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Là một họa sĩ người Việt sống và sáng tạo nghệ thuật trọn đời ở nước ngoài, nhưng nghệ thuật của Lê Bá Đảng chưa bao giờ xa rời dân tộc. Ông luôn hướng về Việt Nam và biểu hiện tinh thần lịch sử đất nước theo một cách riêng, rất ấn tượng và rõ nét.

Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ông đã cùng một số sinh viên ưu tú người Việt đến sân bay để đón Bác. Hình ảnh vị Chủ tịch nước và những ký ức về sự kiện trên đã để lại dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Lê Bá Đảng. Dấu ấn ấy cùng nội dung các sự kiện lịch sử luôn tạo ra những chất xúc tác đặc biệt, thôi thúc danh họa dốc hết tâm huyết để vẽ về Tổ quốc mình. Những thông tin từ quê nhà Việt Nam gửi sang và những nguồn dữ liệu họa sĩ thu thập được luôn là mạch nguồn cảm hứng bất tận để ông sáng tạo nên các hình tượng nghệ thuật.

Năm 1954, họa sĩ Lê Bá Đảng đã vẽ một loạt các tác phẩm bằng mực tàu và màu nước trên giấy, mô tả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tâm điểm của cuộc chiến đã được xác định khi thực dân Pháp thực hiện cuộc nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Cuộc chiến tại Điện Biên hiện lên trong các tác phẩm của ông rạng ngời một tinh thần quyết thắng, là những bài ca bất diệt về một Việt Nam anh dũng, quật cường.

Trong hai bức tranh cùng tiêu đề Chiến dịch Điện Biên (số 1 và 2), họa sĩ đã gợi ra một Điện Biên Phủ với những khoảng không gian của núi rừng nhấp nhô, trùng điệp. Hình ảnh đoàn quân và lá cờ quyết chiến quyết thắng đã khẳng định rõ tinh thần Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Giữa những mảng màu sẫm tối của không gian núi rừng, hình ảnh bừng sáng của lá cờ chính là biểu tượng của niềm tin tất thắng. Hình ảnh lá cờ cũng chính là biểu tượng chính, là linh hồn cho bức tranh.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946 đã khẳng định rõ đường hướng chỉ đạo cho một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng ta: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Sức mạnh của toàn dân tộc đã được họa sĩ Lê Bá Đảng thể hiện bằng sợi dây tình cảm quân dân chan hòa, ấm áp trong tác phẩm Chiến dịch Điện Biên số 3. Vẫn những hình ảnh dây thép gai của giặc còn sót lại sau trận chiến, trong một bố cục chữ nhật, họa sĩ đã lấy hình tượng con người làm tâm điểm để nói lên sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đó chính là sợi dây kết nối giữa tiền tuyến với hậu phương. Hậu phương luôn là chỗ dựa vững chắc và là sự kết nối liền mạch với tiền tuyến. Hình ảnh của những bức thành bằng đồng nơi tiền tuyến và một hậu phương với trăm ngàn lũy thép đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến. Tác phẩm vừa thể hiện sự bền chặt của tình quân dân, vừa thể hiện sức mạnh đại đoàn kết, đồng sức chung lòng của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến.

Chiến dịch Điện Biên số 4 cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Một bầu trời nhuốm màu đỏ rực song vẫn vần vũ những đám mây xám đen. Dưới mặt đất là dấu vết còn lại của sự hủy diệt bởi chiến tranh. Tất cả đều nhuốm một màu ảm đạm, không sự sống. Hình ảnh mặt đất bị cày xới, tràn ngập những hố bom, mìn đã khẳng định sự tàn bạo của kẻ thù. Thiên nhiên hoang tàn, không gian trơ trọi…, dấu ấn của sự tàn phá trong chiến tranh đã được họa sĩ diễn tả một cách chân thực.

Trong Chiến dịch Điện Biên số 5, họa sĩ mô tả một trận chiến đấu giữa ta và địch. Thông qua hình thức bố cục, người xem có thể nhận thấy bộ đội Việt Nam đang ở thế chủ động. Hình ảnh bộ đội Việt Nam đang xiết chặt vòng vây, chờ đón đội quân nhảy dù của Pháp xuống mặt đất. Đội dù của Pháp được diễn tả đang trong cảnh hỗn loạn, hoang mang thông qua hình ảnh những chiếc dù ngả nghiêng, chao đảo. Sự tan tác của đội lính dù khi tiếp đất đang đối lập với sự bày trí một thế trận chủ động của bộ đội Việt Nam. Bố cục của toàn bộ bức tranh là hình ảnh một vòng cung lớn, phủ kín, khóa chặt như một gọng kìm được tạo thành từ nhiều phía. Rõ ràng, gần như không có một lối thoát nào dành cho đội lính dù của thực dân Pháp xâm lược.

Tác phẩm Chiến dịch Điện Biên số 7 mô tả không gian của ngày toàn thắng, là kết quả tất yếu của một cuộc chiến chính nghĩa. Những hàng rào dây thép gai, nóc hầm của tướng giặc De Castries giờ đã trở thành một sân khấu dã chiến của những người chiến sĩ gan dạ anh hùng. Một hình ảnh Việt Nam rực rỡ, huy hoàng đã được tái hiện qua nét bút thần diệu của họa sĩ Lê Bá Đảng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử Việt Nam lật giở sang một trang mới nhưng chiến tranh vẫn là nỗi niềm nhức nhối. Lê Bá Đảng tiếp tục dõi theo những diễn biến của cuộc chiến chống Mỹ tại quê nhà. Những đau thương mất mát không gì có thể bù đắp được đã được ông lột tả trong các tác phẩm mang chung một cái tên Nạn chiến tranh. Mỗi tác phẩm trong loạt tranh này như một lời tố cáo đanh thép về tội ác man rợ của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã diễn ra tại miền Nam Việt Nam.

Máu lửa của cuộc chiến đã được họa sĩ tái hiện trong các tác phẩm cùng chung tên Nạn chiến tranh (số 1, 2, 3). Một màu đỏ thẫm tràn ngập tượng trưng cho máu. Các hình tượng được ông vẽ mang nhiều tâm trạng bi thương khác nhau. Từ sự sợ hãi, lo lắng hay những nỗi đau chia lìa, mất mát người thân… Mỗi tâm trạng là minh chứng của một thảm cảnh do chiến tranh gây ra. Họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tạo và diễn tả các hình tượng nhân vật trong bút pháp hiện thực. Nỗi đau của chiến tranh được thể hiện rõ qua từng hình ảnh khuôn mặt, cử chỉ, trạng thái cảm xúc của mỗi con người. Mỗi nhân vật một dáng vẻ, một tâm trạng, một đặc điểm riêng nhưng lại có chung một nỗi đau bởi chiến tranh.

Cùng một phong cách diễn tả, cả ba tác phẩm trên đều có một hòa sắc màu đỏ thẫm, nóng nực khiến người xem liên tưởng đến sự hủy diệt hay chết chóc. Màu đỏ được họa sĩ tạo ra trong tác phẩm tựa như những vệt máu của mỗi nạn nhân loang chảy. Đặc điểm nhân vật, hình tượng còn được họa sĩ nhấn mạnh bằng những vệt sáng gợi sự hoang mang, lo sợ, hãi hùng… Tất cả tạo nên một không gian của đạn bom, đầu rơi máu chảy.

Một trong loạt tranh cùng tên Phong cảnh bất khuất, 1969-1973 của Lê Bá Đảng

Ảnh chụp lại: Thùy Minh

Nối tiếp mạch nguồn cảm xúc về chiến tranh ở Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 1969-1973, Lê Bá Đảng đã sáng tác một loạt các tác phẩm mang tên Phong cảnh bất khuất hay còn gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Ở loạt tranh này, ông thể hiện một phong cách trữ tình với hai màu đen trắng. Bút pháp khoáng đạt, hiện rõ từng mạch nguồn cảm xúc của tác giả. Người ta có thể nhìn thấy sự chuyển động của ngòi bút cùng dòng chảy sắc màu kết hợp với ngôn ngữ ánh sáng để tạo nên những không gian trừu tượng về một con đường mòn huyền thoại. Họa sĩ đã khắc họa một con đường thần kỳ, vừa hư vừa thực, được thêu dệt thành một câu chuyện huyền thoại, bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Bên cạnh những mảng màu tối, những đường nét khúc khuỷu của địa hình núi rừng Trường Sơn hiểm trở là sự ẩn hiện thấp thoáng một sợi chỉ hồng, như tượng trưng cho sự trường tồn của huyết mạch giống nòi Việt Nam. Bằng lối tạo hình mang âm hưởng Thiền họa phương Đông và kỹ thuật hội họa phương Tây, ông đã cho thấy một sự kết hợp hoàn hảo của hai trường phái hội họa. Những nét cọ trong tranh được phát tích từ trực cảm tinh tế của họa sĩ. Chúng chuyển động mềm mại, thanh thoát nhưng chứa đầy dũng khí. Có thể nhận ra những khoảng không gian khác đã được họa sĩ gợi mở cho người xem từ không gian nhỏ hẹp của bức tranh. Một không gian tưởng tượng của họa sĩ đã tạo nên sự thú vị của thị giác khi chiêm ngưỡng các tác phẩm này.

Trong loạt tranh này, tuy họa sĩ sử dụng ít màu nhưng sự chuyển động tinh tế của nét bút và các sắc độ đậm nhạt đã tạo ra sự hấp dẫn và vẻ đẹp cho tác phẩm. Xem tranh về chủ đề chiến tranh nhưng người xem vẫn thấy được một sự lãng mạn của một tâm hồn nghệ sĩ, bay bổng qua từng nét cọ. Ông đã biến những mất mát, đau thương thành sức mạnh được toát ra từ nội lực tinh thần, cổ vũ cho cuộc kháng chiến tại quê nhà Việt Nam. Trong nhật ký của mình, họa sĩ đã nói về sự ra đời của những tác phẩm cùng mang tên Phong cảnh bất khuất như sau: Tình thế giặc giã trên quê hương tôi dẫn tôi đến hình ảnh của đồng bào đau khổ rồi đưa tôi đến Phong cảnh bất khuất… Tôi đưa vào đây tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục (2).

Trong các tác phẩm Phong cảnh bất khuất số 1, 5, 6, những vệt màu chất chứa đầy đủ xúc cảm ai oán. Mỗi dòng chữ tượng hình được họa sĩ sắp xếp, bố cục như những dòng chữ được tạc khắc vào trong không gian lịch sử dân tộc. Mỗi dòng chữ là một thông điệp của lịch sử, được dựng thành những tấm bia tố cáo, phản đối sự dã man tàn bạo mà kẻ thù thực hiện tại nhà giam Côn Đảo và các nhà giam khác ở miền Nam Việt Nam. Phong cảnh bất khuất 5 đã ghi lại hầu hết tên của các nhà tù, trại giam do kẻ thù dựng lên để giam hãm và tra khảo người dân vô tội và chí sĩ yêu nước Việt Nam. Mỗi địa danh là một địa chỉ lịch sử, một dấu ấn chứng minh cho lòng yêu nước, khí chất anh hùng của người dân Việt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đặc biệt, tác phẩm Hậu quả chiến tranh đã cho thấy sức sống tiềm tàng nhưng không gì có thể hủy diệt của dân tộc Việt Nam: Một chồi non căng đầy sức sống được mọc lên từ một cành cây tưởng như đã héo khô từ bom đạn Mỹ. Lê Bá Đảng đã chọn lọc những chi tiết đối lập nhau vô cùng đắt giá để diễn đạt ý tưởng một cách trọn vẹn, đầy ấn tượng thị giác mà đậm chất nhân văn.

Những tác phẩm của Lê Bá Đảng về đề tài chiến tranh cho thấy ông là một nghệ sĩ luôn gắn liền với những biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc. Những tác phẩm này còn thể hiện rõ thái độ sống của một họa sĩ trước thời cuộc, vận mệnh dân tộc. Các tác phẩm trên đã được Lê Bá Đảng triển lãm tại nhiều quốc gia ở Châu Âu nhằm mục đích kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu và không được tận mắt chứng kiến những tội ác mà kẻ thù gây ra cho đồng bào mình nhưng họa sĩ đã có những cách thức, phương pháp riêng để bày tỏ tình cảm, cổ vũ và quảng bá sức mạnh cho đất nước, dân tộc mình trên trường quốc tế. Nhờ có những tác phẩm và những lời hiệu triệu, kêu gọi của ông và những người tri thức yêu nước khác ở Châu Âu mà cuộc chiến của dân tộc Việt Nam đã được tăng thêm nhiều lần sức mạnh. Nghệ thuật của ông chính là tinh hoa trí tuệ của một nghệ sĩ chân chính dành cho nhân loại biết yêu cái đẹp và yêu hòa bình trên toàn thế giới.

_____________

1. Cùng với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920 – 2002), họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015) là một trong hai tên tuổi nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam thành danh trên thế giới, có tác phẩm trong những bộ sưu tập mỹ thuật lừng danh và được vinh danh trong những cuốn từ điển nhân vật uy tín nhất. Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Toulouse, Pháp, năm 1950. Sinh thời, ông từng được Viện quốc tế Saint – Louis (Hoa Kỳ) trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo (năm 1989); thành phố New Orleans, Hoa Kỳ, bầu ông là Công dân quốc tế danh dự (năm 1991); Trung tâm tiểu sử Đại học Cambridge (Anh quốc) bầu chọn ông là 1 trong 10 nhân vật nổi tiếng nhất, 1992 – 1993.

2. Lê Bá Đảng, Mấy chặng đời nghệ sĩ, bản viết tay của họa sĩ, lưu giữ tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, thành phố Huế, tr.6.

Tác giả: Lương Công Tuyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *