Để thư viện Việt Nam phát triển trong xã hội hiện đại


LTS: Luật Thư viện được
Quốc hội thông qua ngày
21-11-2019 được coi là
“tấm hộ chiếu” để ngành
Thư viện Việt Nam có những
bước tiến quan trọng trong
TK XXI. Những năm gần đây,
các thư viện Việt Nam đã
từng bước hiện đại hóa, đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin, xây dựng thư viện
điện tử/ thư viện số. Tuy
nhiên, trong thời đại Cách
mạng công nghiệp 4.0, hệ
thống thư viện Việt Nam
cần làm gì để phục vụ nhu
cầu ngày càng cao của
người sử dụng thư viện?
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
đã có cuộc trao đổi với Ths
Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch
Hội Thư viện Việt Nam về
vấn đề này.

Ths. Nguyễn Hữu Giới nhấn mạnh: Sách là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Để lưu giữ và truyền bá những cuốn sách ấy cho muôn đời sau, loài người đã sử dụng các thư viện. Như một nhu cầu tất yếu của lịch sử xã hội loài người, các thư viện ra đời ban đầu thường quy mô rất nhỏ và chứa ít sách vở, tài liệu. Đó là những tủ sách – thư viện (tư gia) của các vua, chúa, tầng lớp quan lại, quý tộc, tăng lữ, học giả, trí thức… trong xã hội; dần dần, cùng với nhu cầu của đông đảo nhân dân trong xã hội, cùng với thời gian, các thư viện lớn hơn, chứa nhiều sách vở và tài liệu hơn được ra đời, phục vụ cho số đông độc giả. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của sách báo, thư viện và tri thức trong xã hội loài người (kể cả với mỗi quốc gia, dân tộc), cũng như trong đời sống của mỗi con người trên hành tinh. Bởi lẽ sách cung cấp cho ta nhiều tri thức, hiểu biết. Hơn nữa, nhu cầu hiểu biết, nắm bắt thông tin, tri thức thông qua sách vở – thư viện của con người/ để phục vụ đời sống con người luôn là nhu cầu tự thân của họ trong quá trình sống, vận động của lịch sử xã hội loài người.

Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội

Ảnh: Hồng Vân

Trong lịch sử nhân loại, từ xưa đến nay, đã có nhiều tấm gương sáng, nhiều đại biểu ưu tú, nhiều học giả, nhà khoa học, danh nhân thành đạt/ nổi tiếng trên thế giới biết cách vươn lên để có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội; trong số đó có nhiều người ngoài trí thông minh, nghị lực phi thường, sự cần cù lao động sáng tạo; còn có phần không nhỏ do họ đã tích lũy được thông qua việc học/đọc trong sách vở/ tìm kiếm tri thức, tìm kiếm chân lý thông qua kho tàng sách báo/ tri thức/ thư viện. Công việc âm thầm ấy tưởng như không mang lại nhiều ý nghĩa, song lại hàm chứa sự tích lũy kiến thức, tri thức, thông tin một cách bền bỉ, quý giá; để đến một lúc nào đó kiến thức – tri thức ấy lóe sáng, giúp cho tài năng được hoàn thiện và phát triển.

* Để phát huy vai trò đặc biệt quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách gì đối với công tác thư viện?

– Ngay từ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng và quan tâm đến phát triển văn hóa, trong đó có thư viện và văn hóa đọc cho nhân dân. Vì thế chỉ sau một thập kỷ, hệ thống thư viện ở miền Bắc XHCN đã được hình thành và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thời bấy giờ. Đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, sự nghiệp Thư viện Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Để tạo nên sự lớn mạnh ấy của ngành Thư viện, mấy thập kỷ qua, Nhà nước ta đã có cơ chế, chính sách như:

 Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy cho ngành thư viện (Pháp lệnh thư viện, các Nghị định của chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều Thông tư, Quyết định… của Bộ VHTTDL, các Bộ/ngành T.Ư, Luật Thư viện năm 2019) và nhiều văn bản pháp quy của chính quyền địa phương đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong quản lý nhà nước cho thư viện hoạt động.

Đầu tư nguồn lực cho thư viện hoạt động (xây dựng trụ sở, trang thiết bị, kinh phí để từng bước hiện đại hóa thư viện). 80 % thư viện tỉnh, thành phố đã được xây dựng mới, bình quân mỗi thư viện từ 30-50 tỷ đồng, có thư viện được xây dựng trên 100 tỷ (Thanh Hóa, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu), có thư viện xây dựng hơn 400 tỷ (Thư viện tỉnh Quảng Ninh). Nhiều thư viện và trung tâm thông tin – thư viện trường đại học được xây dựng với kinh phí hàng chục/ hàng trăm tỷ như: Thư viện trường Đại học Bách khoa Hà Nội (200 tỷ đồng); Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng (140 tỷ), Thư viện Trường Đại học Giao thông Vận tải (25 tỷ). Bên cạnh đó có nhiều đề án lớn của Trung ương, các địa phương đầu tư cho thư viện hiện đại hóa, ứng dụng CNTT, số hóa tài liệu thư viện… (từ 5 -30 tỷ đồng/1 thư viện).

Chính sách về đội ngũ cán bộ thư viện. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nguồn nhân lực thư viện cả nước đã dần được tăng cường và củng cố. Hiện nay, bình quân mỗi thư viện tỉnh, thành phố có từ 20-30 cán bộ; mỗi thư viện huyện có từ 1 đến 2 biên chế. Nhằm đáp ứng yêu cầu về hoạt động thực tiễn phục vụ văn hóa đọc trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, nhiều thư viện đã quan tâm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện, không ngừng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, đặc biệt sử dụng phần mềm, quản trị thư viện để từng bước hiện đại hóa thư viện điện tử ở nước ta.

Chính sách về công tác xã hội hóa thư viện. Nhờ có cơ chế, chính sách hợp lý của Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xã hội hóa thư viện; huy động được nguồn lực to lớn, hỗ trợ, quyên góp cho sự phát triển thư viện Việt Nam. Hằng năm, 63 thư viện tỉnh, các thư viện chuyên ngành nhận được hàng chục nghìn bản sách do Quỹ châu Á tặng; thông qua Ngày Sách Việt Nam (21-4), nhiều sách, trang thiết bị của tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước hỗ trợ cho thư viện Việt Nam. Cục Xuất bản, Thư viện Quốc gia Việt Nam, các nhà xuất bản ở Trung ương: Chính trị quốc gia Sự thật, Quân đội nhân dân, Phụ nữ, Kim Đồng; Nhà xuất bản Trẻ… đã hỗ trợ hàng vạn cuốn sách (trị giá hàng tỷ đồng) cho các thư viện cơ sở. Từ năm 2011-2017, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ) tài trợ, trị giá 40 triệu USD Mỹ (cấp khoảng 11.500 máy tính cho 40 tỉnh ở Việt Nam). Từ năm 2005-2015, các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Thuỵ Điển và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ, đầu tư cho thư viện các trường đại học ở Việt Nam (xây dựng Trung tâm Học liệu các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ; hoặc các dự án Thư viện điện tử/ Thư viện số), trị giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. 5 năm trở lại đây, đã có hơn 40 Thư viện tỉnh/ thành phố được tài trợ xe ô tô thư viện lưu động…

Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, đến cuối năm 2020, hệ thống thư viện công cộng cả nước đã có gần 20 ngàn thư viện, tủ sách, phòng đọc (trong đó có 1 Thư viện Quốc gia, 63 thư viện tỉnh/ thành phố; 663 thư viện cấp huyện; 3.257 thư viện cấp xã và hơn 16 ngàn phòng đọc sách, tủ sách làng, thôn, bản), với gần 40 triệu bản sách. Ngoài ra, hệ thống thư viện chuyên ngành với gần 400 thư viện trường đại học và cao đẳng, khoảng 24.700 thư viện trường phổ thông, gần 80 thư viện các bộ, ngành, các viện, trung tâm nghiên cứu. Nhiều thư viện Việt Nam đã, đang tích cực đa dạng hóa phương thức hoạt động: tổ chức kho đóng, kho mở, phục vụ nghe nhìn, nhất là đang chuyển dần từ phục vụ truyền thống sang hiện đại; tích cực đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện, sản phẩm thư viện truyền thống và sản phẩm thư viện hiện đại, như: Phích mục lục, thư mục sách, báo, tạp chí, trang web, cơ sở dữ liệu điện tử thư mục, toàn văn… nhằm phục vụ tối ưu cho bạn đọc.

* Hiện nay, hệ thống thư viện của nước ta có đáp ứng được yêu cầu của nhân dân hay không?

– Qua quá trình phát triển, Thư viện Việt Nam tuy đạt được một số thành tựu trong phục vụ bạn đọc, song có thể nói, thư viện Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu đọc của đa số người dân. Đó là do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, các khu vực trong cả nước. Thư viện vùng đồng bằng, đô thị có điều kiện phát triển nhanh, mạnh hơn, cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí, vốn sách báo tài liệu; các thư viện ở miền núi và Tây Nguyên, Tây Nam bộ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: trụ sở tạm bợ, chưa được xây mới, cán bộ vừa thiếu, vừa yếu (nhất là ở tuyến huyện). Nhiều thư viện, tủ sách cơ sở miền núi không có thư viện xã… cho nên bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới thiếu đói sách, báo để đọc.

Đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn chưa quan tâm, đầu tư cho thư viện phát triển.

Cơ chế chính sách (nhất là ở tầm vĩ mô) còn thiếu và chưa đồng bộ, nên chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế phát triển thư viện ở Việt Nam. Hệ thống thư viện trường phổ thông có quá ít sách, báo cho các em học sinh và thầy, cô giáo tham khảo, học tập.

Trình độ cán bộ thư viện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi còn thiếu và yếu (nhất là ở cấp huyện và cơ sở; nhiều cán bộ thư viện thiếu năng động, sáng tạo trong công việc).

Văn hóa đọc hiện nay đang có nhiều biến động. Bên cạnh đọc truyền thống trong thư viện, qua sách, báo in; đã xuất hiện đối tượng đông đảo độc giả đọc qua mạng Interrnet, ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc truyền thống trong các thư viện (trong khi đó ngành thư viện chưa kịp chuyển mình để phục vụ người đọc qua mạng, vì thiếu phương tiện và công cụ).

 * Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, công tác thư viện phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?

– Ngành Thư viện Việt Nam hiện nay phải đối mặt với các thách thức: Xu hướng khoa học và công nghệ ngày càng phát triển nhanh, mạnh (nhất là CNTT) đã tạo ra sự biến động lớn; ảnh hưởng sâu rộng tới mọi ngành nghề xã hội, trong đó có thư viện.

Xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới (hội nhập và phát triển toàn diện, mọi lĩnh vực…). Xu thế này đã liên kết các nước, các thư viện khu vực và thế giới vào một mạng thư viện toàn cầu, nhằm chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ cho mọi người dân ở mọi quốc gia, dân tộc. Thế giới đã và đang bước vào nền kinh tế trí thức và xã hội thông tin. Vì thế vai trò thư viện, thông tin đang trở nên cần thiết, có giá trị cao, đã và đang trở thành lực lượng sản xuất quan trọng, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mạnh mẽ, tăng cường hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa các nước khu vực và thế giới.

* Vậy, thư viện phải làm gì để giải quyết những khó khăn thách thức đó? Và, đâu là giải pháp quan trọng nhất?

– Để giải quyết những khó khăn, bất cập nêu trên, theo tôi ngành thư viện phải đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy quản lý; phương thức điều hành hoạt động Thư viện; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Thư viện điện tử-thư viện số trong thư viện; đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, người dùng tin; đẩy mạnh liên kết vùng miền, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện.

Trong các giải pháp trên, theo tôi có 2 nội dung là quan trọng nhất khi thư viện chúng ta hướng tới việc phục vụ hiệu quả CMCN 4.0, đó là giải pháp công nghệcon người (cán bộ thư viện); đó cũng chính là mấu chốt, là “chìa khóa”. Theo phép biện chứng duy vật Mác-Lênin, thì đó cũng chính là lực lượng sản xuất (gồm tư liệu sản xuất và con người tham gia quá trình sản xuất ấy), sẽ thúc đẩy quan hệ sản xuất phát triển, để ngành Thư viện Việt Nam vươn lên đáp ứng có hiệu quả nhu cầu của người đọc, của sự nghiệp CNH-HĐH trong TK XXI, nếu không muốn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Hồng Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *