Đền Bảo Hà, Lào Cai là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng dưới chân đồi Cấm, bên cạnh dòng sông Hồng chảy vào miền đất Việt. Từ lâu, đây đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh, nhớ về nguồn cội của hàng vạn lượt du khách thập phương trong và ngoài tỉnh.
Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh tại. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây cũng thật hữu tình trên bến, dưới thuyền, có sự kết hợp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với kiến trúc truyền thống văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam theo thuyết phong thủy.
Địa danh thờ Thần vệ quốc – Hoàng Bảy
Theo sử sách ghi chép lại, đền được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, có công đánh giặc ở cửa ải Lào Cai, bảo vệ tổ quốc. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng trong phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu, huyện phía dưới. Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn. Trong thời kỳ này, giặc phương Bắc thường hay quấy nhiễu, xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành lũy chống giặc. Đến cuối đời nhà Lê (1740 – 1786), các châu Thủy Vĩ, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hóa luôn bị giặc phương Bắc tràn sang quấy nhiễu.
Trước tình hình giặc giã quấy đảo biên cương, triều đình cử viên tướng thứ bảy họ Nguyễn lên trấn thủ Quy Hóa. Danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Hồng đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khâu Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây danh tướng đã tổ chức luyện tập binh sĩ, thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Sau đó, quân giặc phương Bắc sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, do trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Xác ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà (nơi ngôi đền hiện nay) thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng ngậm ngùi thương nhớ, đưa xác ông lên chôn cất tại đây và lập miếu thờ.
Nghệ nhân dân gian Phạm Văn Chiến,Thủ nhang đền Bảo Hà
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban tặng ông danh hiệu Trấn an hiển liệt và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là Thần vệ quốc. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng. Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là: lễ thượng nguyên (rằm tháng giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25-5 âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17-7 âm lịch), lễ tết muộn (tết tất niên).
Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Hàng năm khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp về đây để thắp nén tâm hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc… Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương chính quyền xã Bảo Hà và Ban quản lý đền đã duy trì các hoạt động lễ hội đền Bảo Hà vào ngày giỗ ông Hoàng Bảy( 17-7 âm lịch) theo nghi lễ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của các thế hệ sau.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịchtrao bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho đền Bảo Hà
Ông Phạm Văn Chiến, Thủ nhang kiêm Trưởng Ban quản lý Đền Bảo Hà cho biết, năm nay lễ hội đền Bảo Hà diễn ra trong 3 ngày từ ngày 17 đến 19-8( tức ngày 15 đến 17-7 âm lịch). Lễ hội gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phong phú với các nghi lễ truyền thống như: lễ rước kiệu, lễ dâng hương, lễ tế dân gian. Riêng lễ cầu siêu được mời các nhà sư của lễ hội phật giáo Việt Nam lên làm lễ cầu siêu, thả đền hoa đăng. Lễ rước chính năm nay được tổ chức vào sáng ngày 19-8( tức ngày 17-7 âm lịch).
Phần hội kéo dài suốt ba ngày với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian độc đáo như: chọi trâu, kéo co trình diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc. Đặc biệt điểm mới của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật diễn ra vào 20h ngày 18-8 có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Để chuẩn bị chu đáo cho lễ hội, ông Chiến cho biết, từ tháng 6, Ban tổ chức đã có sự chuẩn bị rất kỹ, tổng vệ sinh trong đền, ngoài đền, tắm rửa tượng pháp, bao sái các ban sạch sẽ, thơm tho, tắm nước hương, nước hoa, đảm bảo trong ngoài đền phải sạch sẽ, ổn định hàng quán phục vụ khách đến dâng hương. Công tác tổ chức lễ hội rất cẩn thận, chu đáo, chi tiết, cụ thể từng việc giao cho từng bộ phận, các đoàn thể tổ chức rước kiệu, riễu hành từ đền Cô Tân An sang đền ông Hoàng Bảy được chuẩn bị kỹ càng. Các đoàn thể từ hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, các ban ngành nông dân tập thể, các ban ngành của xã rất nhiệt tình phục vụ lễ hội.
Mặc dù là lễ hội cấp xã nhưng được lãnh đạo huyện và tỉnh Lào Cai rất quan tâm, vấn đề an ninh trật tự suốt mùa lễ hội được tăng cường mức cao nhất, quân số hầu như 100% công an đồn, công an xã, huyện tập trung lực lượng để bảo vệ lễ hội và hướng dẫn phân làn giao thông đưa xe vào bến, bãi. Khách đến đền Bảo Hà rất yên tâm và hài lòng, không xảy ra tình trạng trộm cắp, mất tài sản.
Năm nay đền Bảo Hà đón bằng công nhận lễ hội truyền thống đền Bảo Hà là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đồng thời đón quyết định công nhận Nghệ nhân dân gian việt nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ông Phạm Văn Chiến, Thủ nhang kiêm Trưởng Ban quản lý đền Bảo Hà vì đã có công sưu tầm, phục dựng, tổ chức lễ hội đền Bảo Hà hàng năm chu đáo và thành công, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về một lễ hội tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa của vùng Tây Bắc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : THANH HƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn