Đồ gốm là một trong những phát minh quan trọng nhất của lịch sử nhân loại. Việc sáng tạo ra đồ gốm đã làm cho con người tiến một bước dài trong lịch sử văn hóa, văn minh, đặc biệt là trong kỹ thuật chế tác, gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Mỗi giai đoạn trong tiến trình phát triển, đồ gốm đều có hình dáng và màu sắc đa dạng, do địa vực và bối cảnh văn hóa tạo nên. Cách thức tạo hình, sử dụng màu sắc rồi tráng men lên bề mặt tạo cho các sản phẩm làm từ đất sét này có một vẻ đẹp sinh động, diễm lệ và thời gian đã khiến cho chúng trở thành những cổ vật, thậm chí – những báu vật quốc gia.
Ở Việt Nam, đồ gốm xuất hiện cách ngày nay muộn nhất cũng bảy, tám ngàn năm, thậm chí, không loại trừ khả năng trên dưới một vạn năm như một số tư liệu đã viết, nhưng cho tới những thập niên đầu của TK XX, việc nghiên cứu gốm mới bắt đầu được khởi động từ phía các học giả nước ngoài và cho tới nửa sau TK XX, mới thực sự có những thành tựu đáng kể với công sức của nhà khảo cổ học Việt Nam. Việc nghiên cứu về gốm nói chung đã dẫn đến những nhận thức vừa khái quát, vừa sâu sắc về bối cảnh tự nhiên và xã hội của đồ gốm vùng đồng bằng sông Hồng, cho dù chưa có công trình nào đặt vấn đề “khoanh vùng” riêng cho địa bàn này. Tính đến nay, công cuộc nghiên cứu gốm ít nhất đã kéo dài gần một thế kỷ, nhưng chắc chắn, đồ gốm và văn hóa gốm đồng bằng sông Hồng vẫn còn rất nhiều mảng trống cần được bồi lấp.
Trong số các loại hình thủ công mỹ nghệ đã từng tồn tại ở nước ta, chế tác đồ gốm là một trong những nghề sớm nảy sinh do nhu cầu tự phát. Trải qua tiến trình lịch sử, nghề gốm ngày một phát triển đa dạng. Nếu như trong các di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, thời đồ đá giữa, cách đây gần một vạn năm, người ta mới chỉ tìm thấy những mảnh gốm thô, trang trí hoa văn đơn giản, thì đến thời kỳ tiền Đông Sơn, cách đây khoảng 4000 năm, đồ gốm đã được sử dụng một cách phổ cập trong nhiều lĩnh vực đời sống tinh thần và vật chất của xã hội (từ đồ dùng hàng ngày, đồ thờ cúng, đến đồ gốm trang trí,…). Việc sản xuất đồ gốm cũng bắt đầu tập trung trên một số địa bàn, và mỗi nơi dần định hình một phong cách riêng qua các giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Đồng Đậu, Gò Mun, Đường Cồ,… Tới giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt, cách đây khoảng 2500 năm, đồ gốm đã trở nên đa dạng về loại hình và có những bước tiến dài về kỹ thuật. Kho tàng hoa văn hình học phong phú của nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến nghệ thuật tạo dáng và đồ án trang trí trên nhiều sản phẩm thời Đông Sơn và các thời kỳ tiếp theo.
Nếu như trong suốt thời gian bảy, tám ngàn năm thời tiền – sơ sử, loại hình gốm đất nung chiếm ưu thế tuyệt đối trên bình diện các văn hóa khảo cổ thì đến thời Bắc thuộc, trong suốt một thiên niên kỷ đầu công lịch, bên cạnh loại hình gốm đất nung, sự ra đời và phát triển của loại gốm sành (hay gốm sành nâu) là một mạch tiếp nối khá tuần tự và bền vững. Và xét về một phương diện nào đó, có thể coi sự xuất hiện của loại hình này, với sự hoàn thiện của kỹ thuật (tạo hình, lò nung) là một trong những động lực tạo đà cho sự ra đời của hàng loạt các trung tâm gốm men lớn tập trung ở khu vực châu thổ Bắc Bộ vào các giai đoạn sau. Thời Bắc thuộc, loại hình gốm men cũng đã xuất hiện nhưng các “thông số” phản ánh mờ nhạt, chất lượng và kỹ thuật chế tác chưa cao.
Thời Lý là thời kỳ mở đầu của nhà nước phong kiến Đại Việt và cũng là thời kỳ mở màn cho sự “lên ngôi” của nghệ thuật gốm men Việt Nam. Gốm men ngọc và gốm hoa nâu TK XI-XIV được coi là hai trong số những đỉnh cao của nghệ thuật gốm Việt Nam. Bên cạnh dòng gốm hoa nâu, gốm men ngọc, còn có gốm men trắng và gốm men nâu cũng được sản xuất từ thời Lý. Sang thời Trần có thêm sự xuất hiện của gốm hoa lam – một dòng gốm có vị trí đặc biệt quan trọng và được xem là một thành tựu lớn của nền công nghệ gốm cổ. Theo các bằng chứng khảo cổ học, gốm hoa lam xuất hiện vào khoảng đầu, hoặc nửa đầu TK XIV, và không chỉ xuất hiện sớm, “cùng với những bằng chứng từ bên ngoài Việt Nam cho thấy, ngay từ nửa đầu TK XIV, dòng gốm này đã tham gia vào thị trường thương mại quốc tế”(1). Tuy vậy, việc nghiên cứu niên đại và nguồn gốc những dòng gốm này gặp không ít khó khăn. Người ta khó tìm được lý do để giải thích về sự xuất hiện và phát triển gần như “đột khởi” của gốm Lý, đặc biệt là sự xuất hiện của gốm men ngọc, với một vẻ đẹp trang nhã, tinh tế, đầy tính chất “vương quyền”(2). Nhiều học giả nước ngoài, trong những công trình nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam, đã phải “xếp” gốm men ngọc thời Lý vào “hệ” gốm Tống (3). Phải đợi cho đến những năm gần đây, những khám phá của giới khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long tại khu vực dự định xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, mới thực sự mở ra một lối mới cho việc nghiên cứu về những lò gốm Thăng Long và đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Một số lượng lớn và phong phú các loại hình đồ gốm, bao gồm gốm men, gốm sành, gốm đất nung thuộc loại cao cấp, có niên đại từ TK VII – XIX đã được tìm thấy cùng với hàng nghìn mảnh bao nung, con kê, dụng cụ thử men… và đồ gốm phế thải. Ngoài gốm hoa nâu, các nhà khảo cổ học còn phát hiện thời Lý đã sản xuất nhiều loại gốm cao cấp khác, như gốm men trắng, gốm men xanh lục, gốm men xanh ngọc, đặc biệt là loại gốm men vàng. Đây là những minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục cho việc khẳng định Thăng Long là một khu vực sản xuất gốm rất lớn. Đến giai đoạn này, vai trò của gốm không chỉ đóng khung trong những đồ dùng sinh hoạt, những đồ tùy táng mà còn trở thành bộ phận quan trọng trong xây dựng và trang trí các kiến trúc cung đình.
Bên cạnh các lò gốm lớn tập trung trong Hoàng thành Thăng Long, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của Hoàng cung và tầng lớp quý tộc, còn một số lò gốm men nằm ở khu vực ngoại ô như Bát Tràng, Kim Lan (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), sản phẩm chủ yếu là gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ. Trước đây, dân gian chỉ biết tới địa danh Bát Tràng, cho tới năm 1958, khi đào công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, người ta mới phát hiện di tích cư trú và sản xuất gốm tại xã Kim Lan, cùng nằm trên dải bờ sông Hồng, phía nam Bát Tràng. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đồ gốm men đơn sắc như: gốm men xanh ngọc, gốm men trắng ngà, gốm ngoài men nâu đen trong men trắng và khá nhiều đồ gốm hoa nâu minh chứng cho niên đại thời Trần của các lò gốm này. Đặc biệt, “có nhiều khả năng sản phẩm gốm ở Kim Lan đã tham gia vào thị trương thương mại quốc tế” (4).
Vào thập niên 80 TK XX, di chỉ các lò sản xuất gốm với khung niên đại từ TK I đến TK X đã được các nhà khảo cổ học khai quật tại địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Riêng tỉnh Bắc Ninh, ngoài khu vực sản xuất gốm thuộc địa bàn huyện Thuận Thành (lò Đại Lai) và huyện Từ Sơn (lò Tam Sơn), còn có khu lò gốm Đương Xá, huyện Yên Phong, tồn tại trong khoảng thời gian chuyển tiếp từ cuối thời Bắc thuộc sang đầu thời kỳ Đại Việt.
Cho đến những thế kỷ đầu thời Đại Việt, bên cạnh Thăng Long – nơi có những lò gốm lớn nhất ở đồng bằng sông Hồng, khu vực sản xuất gốm đã mở rộng địa bàn sang cả tỉnh Hải Dương. Cùng khoảng thời gian phát hiện khu lò gốm cổ Đương Xá, giới khảo cổ học cũng tiến hành khai quật làng gốm Vạn Yên (xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương). Vạn Yên là một trong 13 trung tâm gốm sứ của tỉnh Hải Dương đã được phát hiện từ nhiều năm trước. Quá trình khảo sát đã đưa ra kết luận sơ bộ như sau: “Vạn Yên là một di chỉ sản xuất gốm không men (đồ sành) với hàng trăm lò hoạt động sầm uất vào thế kỷ XIII – XIV. Đây là một bộ phận thuộc tập đoàn sản xuất gốm thời Trần trong thái ấp Trần Hưng Đạo kéo dài từ Kiếp Bạc đến Trạm Điền, xã Hưng Đạo dài tới 3km. Tập đoàn này ngừng hoạt động vào cuối TK XIV” (5).
Thời Trần, ở đồng bằng sông Hồng có tới 5 trung tâm sản xuất gốm men. Ngoài Đại La -Thăng Long, Bát Tràng (khi đó thuộc Kinh Bắc), Vạn Yên (Chí Linh, Hải Dương), còn có Tức Mặc và Cồn Chè thuộc khu vực phủ Thiên Trường xưa, nay thuộc ngoại thành Nam Định (được gọi chung là Trung tâm gốm Thiên Trường). Các trung tâm này đều nằm trong các khu vực xưa kia là điền trang thái ấp hay phủ đệ của các hoàng tộc nhà Trần.
Tư liệu khảo cổ học cho biết, khu vực Đại La (nay thuộc Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) và khu vực Quần Ngựa, thuộc phía tây thành Thăng Long xưa là nơi có những lò gốm hoạt động từ thời Lý đến cuối thời Trần. Ngoài Đại La, dấu hiệu sản xuất gốm còn được phát hiện ở khá nhiều nơi, không chỉ ở ngoại vi phía tây và bắc kinh thành mà còn cả bên trong khu vực hoàng thành (di chỉ Hậu Lâu ở khu vực Thành cổ Hà Nội là một ví dụ). Điều này chứng tỏ, xưa Thăng Long đã từng có rất nhiều lò gốm hoạt động và rất có thể có những “lò quan” nằm trong hoàng thành (6).
Từ thời Lê sơ, TK XV trở đi, các khu vực sản xuất gốm đã mở rộng địa bàn xuống các tỉnh Trung Bộ, rồi sau đó là Nam Bộ. Riêng với đồng bằng sông Hồng, các địa bàn sản xuất đã chuyển “mật độ đậm đặc” từ các trung tâm Nam Định, Thăng Long, Bắc Ninh sang Hải Dương.
Bắt đầu từ năm 1972, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành các cuộc khai quật tại Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương (khi đó là tỉnh Hải Hưng, bao gồm Hải Dương và Hưng Yên ngày nay). Nhưng những nghiên cứu sâu hơn ở Hải Dương vào năm 1983 đã phát hiện ra các lò nung ở Chu Đậu và Hợp Lễ, là những trung tâm lớn sản xuất đồ gốm men cao cấp. Kết quả khai quật đã chứng minh rằng, gốm thương mại đã được sản xuất tại đây trong suốt các TK XV, XVI và XVII. Tính đến năm 1997, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện ra 14 địa điểm sản xuất gốm, trong đó 13 ở Hải Dương và một ở Hưng Yên (7).
Vào thời điểm các nhà khảo cổ học phát hiện ra các trung tâm gốm ở tỉnh Hải Dương thì việc khai quật các lò gốm khác ở Bút Tháp và Phả Lại (Bắc Ninh) cũng được tiến hành. Đây là những lò gốm có niên đại từ TK XVI đến XVIII, chuyên sản xuất gốm xây dựng.
Nhìn vào sơ đồ mạng lưới những lò gốm cổ đã từng tồn tại trên vùng châu thổ Bắc Bộ, có thể thấy rằng, Hải Dương mới chính là vùng “đắc địa”, là “miền đất hứa” cho các loại gốm men và sứ.
Nói về dòng gốm hoa lam, thời Lê (1428-1788), tại Hải Dương có 2 trung tâm lớn sản xuất lớn, bao gồm trung tâm gốm huyện Nam Sách và trung tâm gốm huyện Bình Giang. Chỉ riêng trung tâm gốm Bình Giang (nằm ở phía tây nam tỉnh Hải Dương) đã có tới 5 địa bàn sản xuất gốm men: Ngói, Bá Thủy, Hợp Lễ, Láo, Cậy. Còn trung tâm gốm Nam Sách (nằm phía đông bắc tỉnh Hải Dương) ngoài hai địa điểm sản xuất gốm men là Chu Đậu – Mỹ Xá và Hùng Thắng, còn có Ninh Xá và Phì Mao (làng Quao) chuyên sản xuất đồ sành và đất nung. Điều đáng ghi nhận là chính những lò gốm nổi tiếng của Hải Dương như Chu Đậu – Mỹ Xá, Ngói, Bá Thủy, Hợp Lễ… đã có những đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển gốm men Việt Nam, đặc biệt là trong việc xuất khẩu gốm ra thị trường nước ngoài (8). Hơn nữa, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các dòng gốm men ở Hải Dương, trong đó, dòng gốm hoa lam đóng vai trò chủ đạo, đã ảnh hưởng sâu rộng tới các địa bàn sản xuất gốm khác ở đồng bằng Bắc Bộ.
Như vậy, trong khoảng thời gian dài 4, 5 thế kỷ (từ TK XIV-XVIII), bên cạnh lò gốm Bát Tràng và các lò gốm men cao cấp ở kinh thành Thăng Long (ví dụ những đồ gốm phát hiện trong di chỉ Hoàng thành), các lò gốm Hải Dương đã liên tục hoạt động, bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu, các sản phẩm gốm Hải Dương bao gồm cả gốm men, gốm sành và đất nung đã cung cấp cho toàn bộ thị trường nội địa khu vực phía đông và đông bắc Bắc Bộ. Cũng trong khoảng thời gian ấy, có những lò tiếp tục hưng thịnh sau TK XVIII và hoạt động cho đến giữa TK XX (như lò gốm Quao, sản xuất gốm đất nung), có những lò hoạt động kéo dài từ TK XV đến cuối TK XVII (Chu Đậu, Hợp Lễ, Láo, Ngói, Bá Thủy, chuyên sản xuất gốm men), có những lò chỉ thịnh vượng trong 2, 3 thế kỷ rồi dần tàn lụi (làng Gốm, Ninh Xá, TK XIV-XVI, là những lò sản xuất sành và đất nung), nhưng cũng có những lò hoạt động liên tục và tồn tại cho đến tận ngày nay. Điển hình trong số đó là lò gốm Cậy (Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương).
Về loại hình gốm sành và gốm đất nung, ngoài các lò Phì Mao (Quao), Ninh Xá ở Nam Sách, Hải Dương, trong khoảng thời gian từ cuối TK XIV đến TK XVI, ở đồng bằng Bắc Bộ nổi lên hai trung tâm lớn, đó là lò Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) và Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Đây là những lò sành nâu xuất hiện khá sớm và phát triển bền bỉ trong nhiều thế kỷ. Muộn hơn niên đại của các lò Phù Lãng, Thổ Hà một chút, còn có các lò Hương Canh (thuộc xã Tam Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc – nằm cách khu lò gốm cổ Thanh Lãng 4 km, xuất hiện vào nửa đầu TK XVIII; lò Hiển Lễ (nay thuộc xã Cao Minh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, xuất hiện vào khoảng thời Lê sơ – Mạc), lò gốm Quế (thị trấn Quế Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), xuất hiện cách đây khoảng 3, 4 thế kỷ.
So với các lò gốm ở Trung, Nam Bộ, các lò gốm ở Bắc Bộ có truyền thống lâu đời và được đánh giá cao hơn cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có khoảng 15 tỉnh và thành phố đã phát hiện được dấu tích của những lò nung gốm cổ, phân bố trải dọc từ Bắc vào Nam. Trong số đó có 9 tỉnh là có những lò sản xuất gốm men, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc (5 trong số 9 tỉnh). Gốm hoa lam được sản xuất ở các trung tâm gốm men phía Bắc và phân bố tập trung ở 4 tỉnh: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định. Các tỉnh miền Trung và miền Nam do không tiếp cận được men xanh cobalt, nên tập trung sản xuất đồ gốm men độc sắc, đồ sành và đồ đất nung là chủ yếu.
Vào TK XVIII, khi hoạt động thương mại trên vùng biển Đông Nam Á không còn nhộn nhịp, cục diện ngoại thương quốc tế đã biến đổi, các lò gốm sản xuất gốm men cao cấp dành riêng cho xuất khẩu đã không còn cơ hội để tiếp tục hưng thịnh, chất lượng gốm men dần xuống cấp, kéo theo nhiều lò gốm (trong đó bao gồm cả các lò gốm men và gốm sành phục vụ cho nhu cầu nội địa) có nguy cơ mai một. Các lò gốm nổi tiếng ở Hải Dương như Chu Đậu, Hợp Lễ, Láo, Ngói, Bá Thủy… lần lượt ngừng sản xuất. Riêng với gốm Chu Đậu, sự tàn lụi “nghiệt ngã” đến mức, ở những thế kỷ sau, không một lò gốm nào còn hoạt động. Nguyên nhân khiến cho các lò gốm Chu Đậu không thể duy trì sản xuất có thể do 2 yếu tố cơ bản: 1) Vào cuối TK XVI, đầu TK XVII, nội chiến giữa Lê – Mạc diễn ra ác liệt ở vùng Nam Sách, gây trở ngại cho việc sản xuất, trong khi đó, gốm Bát Tràng (Hà Nội) và hệ thống gốm Cậy (Bình Giang, Hải Dương) có điều kiện phát triển đã thu hút nghệ nhân về hai trung tâm này. 2) Cùng thời gian đó, nhà Minh (Trung Quốc) bỏ lệnh cấm vận hàng hải, tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc xuất cảng mạnh mẽ ở TK XVII, trong đó có gốm sứ, đã tác động tiêu cực đến việc xuất cảng đồ gốm Việt Nam (9). Một trong những nguyên nhân nữa “góp phần” đắc lực cho sự ngừng trệ, đi xuống của gốm men Việt Nam là xu hướng ưa chuộng đồ sứ đặt làm tại Trung Quốc của triều đình Lê – Trịnh, mà người khởi xướng cho việc này là Trịnh Sâm (1767 – 1782). Từ thời Trịnh Sâm, việc đặt đồ sứ ký kiểu tại Trung Quốc đã tiếp diễn đến đầu TK XX (1923) mới chấm dứt. Trong khoảng thời gian gần 200 năm, không chỉ có vua chúa và tầng lớp quan lại, quý tộc triều đình mà cả các sứ thần cũng đặt hàng riêng cho mình, tạo nên một thị trường phi mậu dịch diễn ra sầm uất ngay tại biên giới hai nước.
Trong các TK XIX-XX, bên cạnh các lò gốm men Bát Tràng, Hương Gián (tức làng Cậy, Hải Dương), có lẽ diện mạo chủ đạo trên bức tranh sản xuất gốm ở đồng bằng sông Hồng là các lò gốm sành: Các lò Hương Canh, Phù Lãng, Quế hiện vẫn còn sản xuất; lò Thổ Hà, Hiển Lễ cho mãi tới những năm 80 của thế kỷ trước mới ngừng hoạt động; ngoài ra còn có lò gốm Vân Đình (Hà Tây), khởi nghiệp từ đầu TK XX, đến năm 1987 ngừng sản xuất (thời gian tồn tại chưa được một thế kỷ). Đây là một trong những lò gốm thủ công có “thâm niên” ngắn nhất ở nước ta. Cũng cần nói thêm, trong khoảng thời gian sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), do nhu cầu sử dụng gốm gia tăng, sản lượng của nhà máy sứ Hải Dương (thành lập năm 1960) không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường nội địa, Nhà nước đã đầu tư kinh phí mở thêm một số cơ sở sản xuất gốm men, gốm sứ công nghiệp nhưng các lò gốm này hoạt động không hiệu quả nên bị tàn lụi rất nhanh.
Trải qua nhiều thăng trầm, tính đến thập niên đầu TK XXI, tại đồng bằng sông Hồng, chỉ còn 5 lò gốm thủ công đang hoạt động: Bát Tràng, Cậy, Hương Canh, Phù Lãng, Quế, trong đó có 2 lò hoạt động mạnh nhất là Bát Tràng và Phù Lãng. Một số lò, qua thời gian gián đoạn vào những năm 80 của thế kỷ trước (thời kỳ đầu “mở cửa”), nay đang có những “dự án” manh nha khôi phục (như lò Thổ Hà, Hiển Lễ). Sự hưng thịnh của Bát Tràng, Phù Lãng vào những thập niên cuối của TK XX đã châm ngòi cho các lò gốm khác hoặc khôi phục (như lò gốm Kim Lan, có vị trí cận kề lò Bát Tràng, chuyên sản xuất hàng gốm men dân dụng), hoặc khởi nghiệp để xuất hiện thêm các “thương hiệu” mới, như “gốm làng Ngòi” (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, sản xuất gốm sành nâu như Phù Lãng)…
Năm 2001, trên địa bàn xã Thái Tân, nơi có các lò gốm cổ Chu Đậu – Mỹ Xá xưa, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đầu tư mở một xưởng gốm lấy tên là “Xí nghiệp gốm Chu Đậu”, chủ yếu sản xuất các mặt hàng giả cổ (“phỏng” theo mẫu mã của gốm Chu Đậu xưa) để xuất khẩu. Đây là một trong những cơ sở sản xuất gốm hoạt động rất hiệu quả; ngoài việc xuất khẩu, sản phẩm gốm của Hapro còn được giới thiệu, bày bán rộng rãi trên nhiều địa bàn trong nước.
Như vậy, suốt thời kỳ Đại Việt, ở nửa phần phía Bắc của đất nước, các trung tâm sản xuất gốm đã được triển khai trên một mặt bằng khá rộng thuộc vùng châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình, bao gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Do yêu cầu mang tính đặc thù của nghề gốm là gắn bó mật thiết với đất, nước và lửa nên các trung tâm gốm thường nằm sát lưu vực các dòng sông, thuận tiện cho việc khai thác, chuyên chở nguyên liệu, nhiên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Sự hình thành của nghề gốm có thể bắt đầu từ nhu cầu tự phát, nhưng khi đã tồn tại và phát triển như một nghề thủ công ở làng, nó lại có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương. Với những đặc điểm khá riêng biệt trong phương thức hành nghề và quy trình gia công sản phẩm, so với các nghề thủ công khác, nghề gốm ít có khả năng và điều kiện lan truyền từ nơi này sang nơi khác. Quy trình sản xuất gốm phức tạp, thông qua kỹ thuật, công cụ sản xuất và sản phẩm, có thể thẩm định, đánh giá sự phát triển của công nghệ chế tác gốm qua các thời kỳ lịch sử.
Việc hình thành và phân bố các làng gốm, trải qua thời gian, cũng dần được định vị như một quy luật mang tính nội tại. Mỗi làng dần định hình một phong cách riêng, một dạng thức sản phẩm riêng, khó pha trộn. Để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của đối tượng phục vụ là tầng lớp quý tộc và thị dân, các loại sứ và gốm men, được coi là những sản phẩm cao cấp, có giá trị nghệ thuật và kinh tế, thường được sản xuất và tiêu thụ ở những địa bàn gần kinh đô và các trung tâm thương mại lớn; còn các sản phẩm sành và đất nung, vốn phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của tầng lớp bình dân, nên thường được sản xuất tại các vùng quê hẻo lánh, xa đô thị. Chức năng, giá trị của các loại hình sản phẩm đã góp phần tạo nên những vùng gốm, lò gốm khác nhau mà thị trường bán buôn, trao đổi được phân bố trải rộng hầu khắp châu thổ sông Hồng và nhiều địa vực, địa danh khác trong phạm vi lãnh thổ.
_______________
1, 4, 8. Bùi Minh Trí, Kerry – Nguyễn Long, Gốm hoa lam Việt Nam (Vietnamese Blue and White Ceramícs), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.18, 32, 47.
2. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1989, tr.79.
3. Morimoto Asako, Về cái gọi là đồ gốm thời Tống đào được ở Việt Nam, Đồ gốm phương Đông, quyển 9, Phòng Tư liệu Viện Mỹ thuật, 1983.
5. Tăng Bá Hoành, Nguyễn Duy Cương, Kết quả bước đầu khai quật làng gốm Vạn Yên, NPHMVKCH năm 2001, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.562-564.
6. Tống Trung Tín, Gốm trắng cao cấp Việt Nam XV-XVI, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.380.
7. Địa điểm sản xuất gốm: Trạm Điền, Vạn Yên (xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh), Trụ Thượng (xã Đông Lạc, huyện Chí Linh), Kiệt Đoài (xã Vân An, huyện Chí Linh), Làng Gốm, (xã Ninh Giang), Bến sông Ninh Xá (xã Nam Tân, huyện Nam Thanh), Chu Đậu, (xã Thái Tân, huyện Nam Thanh), Làng Quao, (xã Phì Mao, huyện Nam Thanh), Phúc Láo, Làng Ngói (xã Hùng Thắng, huyện Cẩm Bình), Hợp Lễ, Bá Thủy, Làng Cậy (tức Hương Gián, xã Long Xuyên, huyện Cẩm Bình), Xích Đằng, (xã Xích Đằng, huyện Lam Sơn, nay là thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, Hưng Yên).
9. Tăng Bá Hoành chủ biên, Gốm Chu Đậu, Bảo tàng tỉnh Hải Dương, 1999, tr.33.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009
Tác giả : Trương Minh Hằng
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám