Diện mạo văn hóa ứng xử ở nông thôn – một góc nhìn

Văn hóa và văn hóa ứng xử

Thuật ngữ “văn hóa” đã xuất hiện rất sớm trong đời sống ngôn ngữ nhân loại. Tại phương Đông, người ta đã bàn đến chữ “văn hóa” trong quan niệm “Văn trị giáo hóa”, và văn hóa được hiểu là làm cho người ta trở nên đẹp đẽ theo những chuẩn mực cái đẹp thuộc về nhân loại.

Ở phương Tây, chữ văn hóa trong tiếng Anh và tiếng Pháp đều viết là culture, có nguồn gốc từ chữ Latinh – cultura (1) với nghĩa khởi nguyên ban đầu là “gieo trồng”, “vun xới” trong canh tác mùa màng nông nghiệp trồng trọt cây lương thực. Theo thời gian, chữ culture (văn hóa) tiếp tục mở rộng nghĩa, được hiểu là sự “gieo trồng trí tuệ”, “trồng trọt tinh thần” giáo dục cho con người về tư tưởng, tri thức, lương tri, đạo đức, nhân phẩm, tác động đến sự hình thành phát triển nhân cách cho con người và cộng đồng dân tộc.

Cuối TK XX, một quan niệm về văn hóa rất sâu sắc mà hầu như được cả thế giới thừa nhận và sử dụng nhiều nhất là định nghĩa của UNESCO, được nêu trong Tuyên bố về chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO họp từ ngày 26-7 đến ngày 6-8-1982 ở Mexico: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật, văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của (tồn tại – being) người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét (reflect – phản tư) về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt – con người, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm kiếm không mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt qua cả giới hạn của bản thân” (2).

Tựu trung lại, văn hóa là hệ thống tri thức của nhân loại, được sử dụng trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân con người. Sinh thời Mác – Ăng ghen đã phát hiện: “Căn cứ vào mức độ tự nhiên được con người biến thành bản chất người, tức là mức độ tự nhiên được con người khai thác, cải tạo thì có thể xem xét được trình độ văn hóa của con người” (3).

 Ứng xử là một từ ghép có hai từ “ứng” và “xử”. “Ứng” (ứng phó, ứng đáp, ứng biến) là sự đáp lại tức thì rất nhanh của người nghe đối với người phát ra lời nói, phát ra cử chỉ hành động. Xử (xử sự, xử lý, xử thế), được hiểu là các phương án, nội dung đáp trả của người nghe đối với người nói. Ứng xử là sự phản ứng của con người đối với sự tác động của người khác đến mình trong một tình huống cụ thể nhất định. Ứng xử thể hiện ở chỗ con người phản ứng lại, đáp trả lại… có lựa chọn, có tính toán về thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng – tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm và nhân cách của mỗi người nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Như vậy, ứng xử là thái độ và hành động của con người đáp trả những tác động từ bên ngoài (con người, xã hội, thiên nhiên). Thông thường, con người sẽ ứng xử bằng hiểu biết, tri thức của bản thân (tức là bằng cảm xúc và hiểu biết, bằng vốn văn hóa của chính mình). Về cơ bản, ứng xử là ý thức, hành vi và thái độ của con người trong giao tiếp. Văn hóa ứng xử chính là một lĩnh vực đời sống văn hóa sinh động, phong phú của con người diễn ra hằng ngày, luôn luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của lịch sử các dân tộc và toàn thể nhân loại.

Dân tộc nào cũng có văn hóa ứng xử của riêng mình, đồng thời cũng thể hiện đặc trưng văn hóa ứng xử chung của toàn nhân loại. Văn hóa ứng xử được hiểu là hành vi ứng xử, phương thức ứng xử của con người thể hiện trong các mối quan hệ giữa người với tự nhiên, với xã hội và chính bản thân mình đạt những giá trị chuẩn mực văn hóa Chân – Thiện – Mỹ của một cộng đồng xã hội. Nói cách khác, văn hóa ứng xử chính là ý thức, hành vi, thái độ ứng xử một cách có văn hóa.

Văn hóa ứng xử là sự thẩm thấu các giá trị văn hóa trong hành vi ứng xử. Văn hóa ứng xử thể hiện năng lực trí tuệ, tri thức, cảm xúc và sự vận dụng tri thức để bày tỏ thái độ trong các tình huống giao tiếp của con người.

Có thể nhận thấy các phương diện ứng xử rất phổ biến trong đời sống nhân loại như sau: ứng xử giữa con người với con người (quan hệ gia đình cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, họ hàng, anh em, đồng nghiệp, người lạ trong xã hội…); ứng xử giữa cá nhân con người với cộng đồng xã hội (Tổ quốc, đất nước, thể chế chính trị, dân tộc, nhân dân, nhân loại…); ứng xử giữa con người với môi trường thiên nhiên (đắp đê, đào sông, khai hoang, lấn biển, khai thác gỗ, đánh bắt cá, trồng rừng, đốt nhiên liệu thải CO2 vào khí quyển gây ra hiệu ứng nhà kính, việc xả thải túi nilon, nhựa… ra môi trường); ứng xử của con người với công việc (ý thức, thái độ với nghề nghiệp, công vụ…); ứng xử của con người với chính bản thân mình (nghiêm túc rèn luyện tu dưỡng hay buông thả…)…

Văn hóa ứng xử ở nông thôn trong lịch sử

Nhìn lại tiến trình lịch sử nhân loại, có thể nhận thấy nền văn minh nông nghiệp ra đời rất sớm với rất nhiều sắc thái khác nhau tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết trên thế giới, xã hội nông thôn đều hình thành trước xã hội đô thị. Đồng thời với sự xuất hiện những cánh đồng bao la canh tác trồng trọt cây lương thực là sự hình thành tổ chức xóm làng cùng nếp sống nông thôn. Ca dao Việt Nam xưa đã diễn tả: “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng thấy bát ngát mênh mông”…

Ngày mới – Ảnh: Thanh Hà
 

Chủ nhân của văn hóa nông thôn cổ xưa chủ yếu là nông dân. Tại phương Tây, sự phát triển mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng đã làm nảy sinh kinh tế hàng hóa giao thương giữa các vùng miền, cho nên các đô thị buôn bán sầm uất lần lượt xuất hiện. Còn ở phương Đông, do nhu cầu định đô để xây dựng vương triều mà các bậc đế vương xây dựng kinh thành là nơi hoàng tộc cư trú cùng các tầng lớp cư dân đô thị, mà phần lớn gốc gác ở nông thôn.

Ở Việt Nam, kinh đô Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội vốn là chốn Kinh Kỳ – Kẻ Chợ, nơi tọa lạc không gian đô thị của ba mươi sáu phố phường hội tụ tinh hoa trăm nghề của làng quê nông thôn cả nước, sinh sống quần tụ bao bọc xung quanh Hoàng Thành – nơi hoàng đế, hoàng tộc cùng văn võ, bá quan cư ngụ.

Ở nước ta, dường như văn hóa nông thôn được coi là văn hóa gốc, thể hiện bản sắc dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử. Người Việt Nam thường có một làng quê, có cây đa, bến nước, sân đình, con đò, con đê, những lũy tre… để hướng về. Chủ thể văn hóa nông thôn Việt Nam là 54 dân tộc anh em trên phạm vi cả nước từ đồng bằng đến miền núi đến cao nguyên, vùng sâu, vùng xa tại thôn, xóm, ấp, làng, bản…

Văn hóa ứng xử nông thôn nước ta trong lịch sử đã kết tinh đọng lại trong ca dao, tục ngữ, dân ca về tình làng nghĩa xóm: “Tắt lửa, tối đèn có nhau”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; yêu quý người cùng quê, đồng hương: “Đi ra thiên hạ, gặp người làng thì sáng mắt ra”, “Lá lành đùm lá rách”; Rất coi trọng mối quan hệ gia đình, họ tộc: “Chị ngã, em nâng”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”,“Sểnh cha còn chú/ Sểnh mẹ bú dì”, “Tay đứt ruột xót”, “Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”; đề cao tình yêu đôi lứa với cách tỏ tình tế nhị thanh cao: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?”, “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?…”; coi trọng tình nghĩa vợ chồng thủy chung: “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Có khi lại hay nói ngược về tình yêu lứa đôi nam nữ để thể hiện vẻ đẹp phong cách ứng xử tế nhị, khôi hài nhưng vô cùng sâu sắc: “Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta/ Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”. Cách xưng hô “ta”- “mình” đã là khẳng định tình cảm vô cùng đằm thắm, thân thiết, còn mọi chuyện nói chơi, nói ngược là để cho vui trong ứng xử.

Con người ở nông thôn rất coi trọng tiếng nói cộng đồng, coi trọng tiếng quê, tiếng làng, tiếng địa phương, bảo vệ nét riêng của quê, phản ứng với sự xúc phạm tiếng quê: “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Người dân nông thôn luôn đề cao tinh thần đoàn kết gắn bó cộng sinh, cộng cảm, cộng cư, cộng mệnh và hiểu được quy luật muôn đời ở thôn quê: cần phải sống, phải ăn ở với làng với nước, chứ không thể sống một mình đơn lẻ. Bởi lẽ mối quan hệ Nhà – Làng – Nước là vô cùng gắn bó. “Nước mất thì nhà tan” nên trong lịch sử, người Việt luôn đoàn kết gắn bó, coi trọng tình làng nghĩa xóm, tha thiết yêu quê hương đất nước, chế ngự thiên nhiên chống giặc ngoại xâm, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, làm thất bại mọi âm mưu đồng hóa của kẻ thù.

Tuy nhiên, văn hóa ứng xử nông thôn làng quê xưa cũng có những biểu hiện lạc hậu như là tính cục bộ địa phương: “Trống làng nào làng ấy đánh/ Thánh lành nào làng ấy thờ”, “Bè nhà ai/ người nấy chống”; thói dựa dẫm ích kỷ: “Cha chung không ai khóc”, “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”; tâm lý trông chờ không vận động tích cực: “Nước trôi thì bèo trôi”, “Thuyền lên, nước lên”; tâm lý cả nể, cầu an: “Rút dây, động rừng”; thậm chí chủ trương “Đóng cửa bảo nhau” có tính bảo thủ, che giấu khuyết điểm hoặc tích tâm lý cào bằng: “Xấu đều hơn tốt lỏi”, “Khôn độc chẳng bằng ngốc đàn”, “Chết một đống còn hơn sống một người”; lối tư duy nước đôi tự bằng lòng bảo thủ, không chịu vươn lên: “Trông lên chẳng bằng ai; ngó xuống cũng chẳng thấy ai bằng mình”; đầu óc gia trưởng nặng nề thích “Quyền huynh thế phụ”, “Sống lâu lên lão làng”, “Áo mặc không qua khỏi đầu”… Đáng chú ý là những sắc màu văn hóa ứng xử ở nông thôn xưa vẫn thấp thoáng đâu đây trong làng quê hiện nay, không phù hợp với xã hội hiện đại.

Văn hóa ứng xử ở nông thôn hiện nay

Sau 34 năm đổi mới, đặc biệt sau thời gian thực hiện phát triển văn hóa Việt Nam theo tinh thần của “Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII” và “Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI”, thực trạng văn hóa nông thôn và văn hóa ứng xử ở nông thôn đang có nhiều chuyển biến tốt theo hướng phát triển văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên thực tế, đời sống kinh tế của người dân nông thôn đã được nâng lên, vấn đề xóa đói, giảm nghèo ngày càng triệt để; đời sống văn hóa tinh thần nông thôn ngày được cải thiện, đang từng bước xóa bỏ ngăn cách giữa nông thôn và thành thị. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã phát huy những nét đẹp của văn hóa ứng xử như “Uống nước nhớ nguồn”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Gia đình văn hóa”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đang tạo ra một cuộc sống tinh thần mang tính cộng đồng cao trong làng, xã trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, sau khi Đảng và Nhà nước triển khai chương trình “Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”, không chỉ hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế mà cả hạ tầng văn hóa xã hội đã được cải thiện, đang làm thay đổi bộ mặt văn hóa và con người ở nông thôn. Đó là các phong trào: “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”; “Năm không, Ba sạch”… đang dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Nông thôn Việt Nam ngày nay không chỉ là những khu du lịch xanh, du lịch biển nổi tiếng hay những di tích lịch sử, hang động… hấp dẫn, thu hút du khách thế giới và cư dân đô thị; mà chính nơi đây đang là nơi lưu giữ di sản văn hóa cho đất nước (như những di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội truyền thống làng xã, dòng họ, bản làng, những thuần phong mỹ tục cổ xưa của từng gia đình, dòng tộc, làng xã đang được giữ gìn và tôn vinh). Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn nổi cộm một số vấn đề bức xúc về văn hóa sinh thái nhân văn, văn hóa ứng xử với thiên nhiên, môi trường ở nông thôn cả nước. Có thể thấy, từ nông thôn ven đô đến đồng bằng Bắc Bộ, từ duyên hải miền Trung, Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long… đâu đâu cũng tràn ngập rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp lan tràn các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Trên thực tế, điểm tập kết, chôn lấp rác thải từ thành phố bao giờ cũng là các vùng nông thôn. Hiện nay, đang có quá nhiều vùng nông thôn bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa sức khỏe con người. Những lũy tre xanh, những cây cổ thụ lâu năm (như cây gạo, cây đa, cây si, cây xanh, cây muỗm, cây trôi), ao, chuôm, hồ, đầm, giếng đất… ở làng xóm ngày càng thưa vắng. Tình trạng bê tông hóa đường, bê tông hóa tường rào, xây nhà ống, nhà cao tầng tùy tiện… đang biến làng quê nông thôn truyền thống thành những hình hài “dở nông thôn, dở thành thị”, “phố ở trong làng” chen chúc chật chội, bức xạ nhiệt tăng cao, hễ mưa là có thể ngập úng đường quê xóm làng…

Văn hóa sinh thái nông thôn đang bị biến đổi trong cách ứng xử không phù hợp của cư dân nông thôn với môi trường thiên nhiên trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, phân phối tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở nông thôn bị xâm hại ngay từ trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, bảo quản và sơ chế. Tình trạng sử dụng tùy tiện các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và xả thải bừa bãi các loại bao bì thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đang đe dọa dữ dội đến môi trường sống của con người. Nông thôn nước ta gần đây còn chịu quá nhiều áp lực của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Nếu như những năm cuối TK XX và thập kỷ đầu TK XXI, cư dân nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ thì nay cơ bản chỉ có người già. Ngay cả trong các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, người cao tuổi tham gia là chủ yếu. Còn tổ chức Đoàn Thanh niên thì con số cứ giảm dần về số lượng, thanh niên trẻ tuổi phần lớn bỏ ra thành phố làm ăn, cư trú. Hầu hết các hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội mang tính hình thức, hành chính, thiếu tính tự nguyện, cộng đồng. Tại nhiều vùng nông thôn, người dân than thở rằng: làng quê bây giờ là “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”. Mọi phong tục ma chay, cưới xin, giỗ tết chủ yếu thuê khoán, sử dụng dịch vụ. Đám cưới ở nông thôn giờ đây gần như được chuyên nghiệp hóa về thuê dịch vụ, thuê MC, thuê cả dàn nhạc, ca sĩ về đàn hát nhảy nhót cho sang trọng với xóm làng. Người nông thôn trước kia thường quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng giờ đây lại lan truyền câu nói “đầu tiên” là “ tiền đâu”, và “phong bì cũng vì câu chuyện”. Cái gọi là “văn hóa phong bì” không chỉ lan tràn ở đô thị mà đã dạt về lũy tre làng. Nông thôn đang trong quá trình bị thành thị hóa, tình cảm xóm làng ít gắn bó như thế kỷ trước. Dường như những hình ảnh làm giúp hàng xóm láng giềng ngày xưa không còn nữa, thay vào đó chỉ là thuê mướn, vô tình, vô cảm, “tiền trao, cháo múc”. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa không chỉ xâm chiếm đất đai và thu hút lao động trẻ của nông nghiệp, nông thôn, mà còn đang đẩy những tiêu cực của của xã hội đô thị, công nghiệp về với nông dân, nông thôn. Những lối sống lai căng, suy đồi, học đòi nước ngoài rất phổ biến ở thành thị đang tràn về nông thôn, có nguy cơ phá vỡ những cơ tầng kết cấu văn hóa ứng xử truyền thống nông thôn. Hoạt động văn hóa ứng xử gắn kết cộng đồng truyền thống của làng, xã đang có xu hướng suy giảm. Mọi sinh hoạt văn hóa ở các làng quê nông thôn bây giờ gần như chủ yếu là trên màn hình ti vi trong mỗi gia đình.

Để tiếp tục xây dựng văn hóa ứng xử nông thôn hiện nay, cần rà soát lại những hương ước, luật tục của làng xóm trong truyền thống, để vừa khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời xây dựng những quy ước mới; những chuẩn mực văn hóa mới phù hợp với thời đại, không để người dân mất phương hướng và rơi vào xu hướng duy tâm, mê tín dị đoan. Trong tổ chức sinh hoạt văn hóa nông thôn, cần bài trừ khuynh hướng phô trương hình thức, xa hoa, lãng phí, không phát huy nguồn lực tại chỗ và cứ theo cách nghĩ “khó làm quá thì thuê” sẽ làm biến dạng văn hóa làng quê. Xây dựng môi trường văn hóa ứng xử lành mạnh ở nông thôn là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó vai trò quan trọng của những người đứng đầu các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị – xã hội. Trong tương lai, toàn bộ hệ thống chính trị cần đồng tâm hiệp lực tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong xây dựng văn hóa, con người, tìm cách khắc phục những yếu tố văn hóa nông thôn đã lạc hậu, lỗi thời; đồng thời xác định rõ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa nông thôn, văn hóa ứng xử ở nông thôn chính là nội dung quan trọng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong hội nhập quốc tế.

______________

1. Theo Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, 2004, tr.7.

2. Chuyển dẫn theo Dương Phú Hiệp (chủ biên), Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.35, 36.

3. C.Mác, Ph. Ăng Ghen, Những tác phẩm thời trẻ, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, bản Tiếng Nga, 1986, tr.587.

Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *