Trong một thời gian dài việc mở hội truyền thống không nằm trong các ưu tiên của chính quyền, thậm chí ở một số nơi, có địa phương vẫn cấm đoán việc tổ chức lễ hội. Chính điều này đã ảnh hưởng nhất định đến các diễn ngôn báo chí từ năm 1945-1975. Do điều kiện đất nước có chiến tranh, người dân còn phải lo bữa ăn thường ngày nên việc quan tâm đến lễ hội có phần nhạt nhòa. Trong bối cảnh đó, lễ hội được tổ chức rất ít ở miền Bắc. Những nghiên cứu về lễ hội cũng không nhiều cả trên lĩnh vực báo chí và sách chuyên khảo. Tác giả của các bài báo đó đều là những học giả quen thuộc, có nhiều công trình nghiên cứu với tầm ảnh hưởng lớn, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước ta như Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh.
1. Lễ hội là tàn tích của chế độ cũ, gắn với mê tín dị đoan
Khi khảo sát báo chí thời gian này, chúng tôi chỉ tập hợp được một số ít ỏi các bài báo có đề cập đến vấn đề lễ hội đăng rải rác trên các tập san, tạp chí như: Tập san Văn hóa, Tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa, Tập san Sử Địa. Hầu hết các bài báo đó đều được đăng tải trong thời gian từ năm 1957-1969.
Bài viết Mấy kinh nghiệm về việc ngăn chặn mê tín hủ tục và lãng phí qua cuộc vận động Rằm tháng 7 của Nắng Hồng trên Tập san Văn hóa (1957) cho rằng việc tổ chức lễ hội gây lãng phí, ảnh hưởng xấu trong nhân dân, có hại cho công cuộc sản xuất tiết kiệm mà Đảng và Chính phủ đề ra. Bài báo cho thấy tác hại về vật chất như sau: “Vào đầu xuân năm 1957, riêng ba tháng đầu năm toàn khu (khu Tả Ngạn) đã giết 10.000 con trâu, 1.000 con bò, kể cả thịt ăn theo mức cung cấp thường xuyên và thịt ăn trong những ngày đình đám, cúng lễ, trong khi đó toàn khu cả năm 1956 mức nhập trâu bò chỉ được có 7.000 con” (1). Tác giả Hải Thu trong bài Mùa hội hè đã tới trên Tập san Văn hóa số tháng 10-1957 phê phán những tác hại của hiện tượng hầu đồng, bói toán, mê tín dị đoan trong các lễ hội: “Mụ đồng C… ở Kiếp Bạc tổ chức cả một toán cò mồi, lôi kéo người tới xin mụ hầu đồng, bói, phán. Mụ đồng B ở Hà Nội cùng một bọn tay chân xưa nay làm giầu nhờ có nghề đồng bóng, không vắng mặt trong bất cứ một hội lớn nhỏ nào, có ngày mụ ta thu hàng chục vạn. Ở hội đền Hàn (Thanh Hóa) chỉ bốn ngàn người trẩy hội mà có đến 300 cung văn từ Bắc Cạn, Lạng Sơn, Nam Định về. Ở đâu có lợi là họ lao vào, họ tìm mọi sơ hở của lãnh đạo để kéo dài ngày, in thêm thẻ, lên đồng phán nhảm nhí, tìm cách lợi dụng triệt để lòng mê tín của một số đồng bào để trục lợi” (2).
Năm 1958, trên Tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa, GS. Nguyễn Đổng Chi đã viết về Một số tục cổ và trò chơi của người Việt Nam trong Tết nguyên đán và mùa Xuân. Tác giả cho rằng dân tộc Việt Nam vốn nổi tiếng là cần mẫn chăm chỉ lao động nhưng cũng dành khá nhiều thời gian để ăn chơi vào dịp Tết. Nguyễn Đổng Chi nhận xét: “nhiều tục cổ và trò chơi nhờ có tín ngưỡng nên mới được lưu truyền đến nay và tất nó phải mang vào những nghi lễ đầy mê tín kỳ quặc”. Những trò chơi và tục lệ của cha ông ta từ nhiều đời nay đều mang tính dân tộc và tính nhân dân nên có ý nghĩa nhất định đối với lịch sử phát triển của xã hội, là bản sắc đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam. Từ việc phân tích ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân sinh của các trò chơi và phong tục cổ của nhân dân ta trong dịp Tết, ông cho rằng nó “mang nhiều ý nghĩa lành mạnh: nó là món giải trí, giải lao của nông dân, nó khuyến khích tinh thần thượng võ, khuyến khích sự tháo vát, nhanh nhẹn” (3). Cho đến thời gian này, báo chí vẫn phê phán những trò chơi trong các lễ hội như xóc đĩa, tổ tôm, bài chòi là những “lối bóc lột nhau” chỉ thịnh hành trong xã hội phong kiến hay tư bản, xã hội mà người ta bóc lột nhau để sống. Quan niệm cho rằng lễ hội là nơi chứa chấp mê tín lại một lần nữa được đề cập trên báo chí. Theo tác giả, yếu tố mê tín không chỉ xuất hiện trong các thực hành nghi lễ thờ cúng, trong việc xem bói, lên đồng mà còn xuất hiện cả trong các trò chơi và phong tục của người dân trong những dịp Tết đến xuân về. Nguyễn Đổng Chi cho rằng những tập tục kiêng kị ngày đầu năm mới chính là mê tín bởi theo quan niệm dân gian, người ta cho rằng khi đón những cái mới thì cần gạt bỏ đi những cái rủi ro, dại dột, phiền não, xấu xa, yếu đuối để tiếp nhận cái may mắn, khôn ngoan, vui vẻ, đẹp đẽ. Ông giải thích tục thờ cúng tổ tiên hay việc rước xách thần linh trong các ngày hội hè đình đám cũng chỉ vì người ta mong ước cầu cạnh “sự viện trợ của những sức huyền bí để mong đạt tới nguyện vọng của mình”. Như vậy, bên cạnh việc chỉ phê phán các yếu tố mê tín trong các trò chơi và phong tục của nhân dân, Nguyễn Đổng Chi đã phân tích, lý giải tại sao dân chúng lại làm như vậy.
Năm 1959, trong cuốn Xã thôn Việt Nam, nhà sử học Nguyễn Hồng Phong có nhận xét về lễ hội cổ truyền ngày trước. Ông viết “Hội hè nào ở nông thôn nước ta ngày xưa cũng đều có tính chất vừa giải trí vừa tín ngưỡng, nhiều hay ít là tùy từng loại, do đó ý nghĩa của hội hè cũng có khác nhau, có thứ xuất phát từ yêu cầu giải trí như các hội mùa xuân ở nông thôn, có hội xuất phát từ yêu cầu tín ngưỡng – tín ngưỡng này nói chung là lành mạnh như hội chùa Keo, hội đền Kiếp Bạc, hội chùa Hương, hội Phủ Giầy, hội đền Hùng,… tiến hành ngoài phạm vi của từng thôn”. Tác giả cũng viết chi tiết về hội mùa xuân, về sinh hoạt và biểu diễn văn nghệ, về trò chơi trong lễ hội. Tác giả nêu cả mặt tích cực và tiêu cực của lễ hội cổ truyền. Về mặt tích cực, hội hè thực sự là một hình thức sinh hoạt cộng đồng của toàn xã thôn, của nhiều địa phương trong nước. “Nội dung của hội hè là nội dung tươi vui, lành mạnh. Nó chẳng những phát huy được các mặt tốt đẹp của truyền thống sinh hoạt tập thể mà nó còn phản ánh những ước vọng của nhân dân trong đời sống lao động, nó phản ánh ngay chính đời sống lao động của nhân dân về mọi mặt” (4). Hội hè giúp cho văn nghệ phát triển, là môi trường để nhân dân tự giác tham gia, họ không chỉ là người xem mà còn là người biểu diễn. Những trò chơi trong hội hè phản ánh đời sống, khuyến khích lao động và có ý nghĩa rèn luyện thể lực, rèn luyện võ nghệ, khích lệ tinh thần chiến đấu, khích lệ tinh thần hữu ái, lạc quan có tính cách tập thể. Hội hè là một dịp để người dân địa phương quảng bá cảnh đẹp làng và củng cố tinh thần người trong một nước của nhân dân ta. Về mặt tiêu cực, theo tác giả, đó là việc tổ chức tế lễ lãng phí thì giờ và tiền của, hấp dẫn nông dân vào những tháng ăn chơi, cờ bạc, “lợi dụng những nhược điểm của nhân dân, bọn áp bức, bóc lột đã làm cho hội hè mất phần nào tính chất lành mạnh, trong sạch của nó”.
2. Khai thác lễ hội phục vụ mục đích chính trị
Vào nửa sau những năm 60 của TK XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt hơn. Từ tháng 3-1965, Mỹ thay chiến lược chiến tranh đặc biệt bằng chiến tranh cục bộ, từ đây trở đi, Mỹ không chỉ đóng vai trò cố vấn mà Mỹ và các nước chư hầu còn trực tiếp tham chiến. Năm 1965, quân Mỹ ở miền Nam là 184.300 người; năm 1966 là 410.000 người; năm 1967 là 485.600 người; năm 1969 là 543.400 người. Ở miền Bắc, không quân và hải quân Mỹ thường xuyên ném bom, bắn phá dữ dội bờ biển và đất liền, dùng những máy bay phản lực tối tân và cả pháo đài bay B52. Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (5). Chúng ta chiến đấu chống Mỹ không chỉ bằng sức mạnh hiện có, bằng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế mà còn bằng truyền thống văn hóa của mấy nghìn năm lịch sử. Chính trong bối cảnh ấy, từ năm 1967-1969, Cao Huy Đỉnh công bố hai bài viết trên Tạp chí Văn học: Người anh hùng làng Dóng trong lòng nhân dân (số tháng 7-1967), Dóng là hình tượng anh hùng ca dân tộc rất cổ và rất mới (số tháng 3-1969). Nội dung hai bài viết này chính là 2 chương trong cuốn sách 5 chương Người anh hùng làng Dóng (1969) của tác giả. Cao Huy Đỉnh đánh giá: “Anh hùng ca Dóng tích tụ những giá trị tinh thần của dân tộc ta, một dân tộc đã khẳng định được sự tồn tại độc lập của mình sau hàng ngàn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ, nhưng chiến đấu liên tục và quyết liệt để tiêu diệt ách đô hộ đó. Những giá trị ấy đã làm nên hội Dóng thì cũng được hội Dóng thấm nhuần”.
Như vậy, từ năm 1958-1969 hầu như ở miền Bắc, lễ hội không được mở, song các tác giả Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Hồng Phong, Cao Huy Đỉnh đã viết về đề tài này với những mục đích khác nhau. Nguyễn Đổng Chi muốn đem đến cho người đọc một nhận thức về phong tục cổ truyền đã diễn ra từ thời xa xưa. Nguyễn Hồng Phong đánh giá lễ hội với tư cách là một thành tố của văn hóa nông thôn Việt Nam thuở trước. Còn Cao Huy Đỉnh lại tìm thấy ở lễ hội Thánh Dóng một nguồn năng lượng tiếp sức cho cuộc chiến đấu của dân tộc. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp và thuyết tiến hóa luận đơn tuyến, các tác giả đều cho rằng những mặt hạn chế, những mặt tiêu cực của lễ hội là thuộc về xã hội cũ, chế độ cũ, là do bọn tổng lý, cường hào và địa chủ đặt ra, được bọn quan Tây và Nam triều khuyến khích (6).
Tư tưởng chủ đạo trong thời gian này là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đảng và Nhà nước đề cao nhân dân lao động, đề cao hai giai cấp công nông, tiến hành công cuộc hợp tác hóa ở nông thôn, đấu tranh, cải tạo hòa bình đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, xây dựng cơ sở vật chất bước đầu cho chủ nghĩa xã hội. Có thể thấy giai đoạn này có hai xu hướng diễn ngôn chính. Một xu hướng thừa nhận sự tồn tại lâu dài của lễ hội, thể hiện phong tục của người Việt, đồng thời phê phán các hiện tượng ông đồng, bà cốt, rước xách kéo dài, chè chén lãng phí như các tác giả Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Hồng Phong. Một xu hướng diễn ngôn khai thác lễ hội phục vụ cho mục đích tuyên truyền chính trị, cổ vũ mọi người trong công cuộc chống Mỹ cứu nước tiêu biểu như Cao Huy Đỉnh. Điều đáng chú ý là từ trước Cách mạng Tháng Tám cho đến những năm 70 của TK XX, các hiện tượng lên đồng, hầu bóng đều bị phê phán là mê tín.
Về ngôn từ và cách thức trình bày, trong các diễn ngôn về lễ hội chưa thấy xuất hiện những từ ngữ đặc biệt ấn tượng, cách diễn đạt cũng không thay đổi nhiều so với thời gian trước. Đáng chú ý ở miền Bắc từ năm 1957, từ “lễ hội” đã có mặt trong một bài xã luận của báo Nhân Dân. Các từ dùng phổ biến vẫn là “hội”, “hội làng”, “hội hè đình đám”. Các nhà nghiên cứu về lễ hội, giai đoạn sau năm 1975 như Lê Thị Nhâm Tuyết, Ngô Đức Thịnh cũng sử dụng khá phổ biến các từ ngữ này trong công trình nghiên cứu của họ.
Nhìn chung, trong thời gian từ 1945-1975, ở miền Bắc với hai xu hướng diễn ngôn khác nhau về lễ hội như đã phân tích đều phù hợp với tư tưởng chính trị và đường lối tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Những tác giả như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Hồng Phong, Cao Huy Đỉnh là những cán bộ nghiên cứu khoa học. Những diễn ngôn của họ đều được công bố trên tập san, tạp chí và xuất bản thành sách. Lúc đó số lượng đầu tạp chí và đầu sách ít, song số bản in của một tờ báo, một đầu sách (tiara) lại rất lớn (so với hiện nay). Việc các văn bản được công bố trên tạp chí và bằng hình thức in sách đã tạo cho người đọc niềm tin nhất định và cũng tạo cho người viết một niềm vinh dự tinh thần.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Nắng Hồng, Mấy kinh nghiệm về việc ngăn chặn mê tín hủ tục và lãng phí qua cuộc vận động “Rằm tháng 7”, Tập san Văn hóa, 1957.
2. Hải Thu, Mùa hội hè đã tới, Tập san Văn hóa, 1957.
3. Nguyễn Đổng Chi, Một số tục cổ và trò chơi của người Việt Nam trong Tết nguyên đán và mùa xuân, Tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa, 1958.
4. Nguyễn Hồng Phong, Một số công trình khoa học xã hội và nhân văn, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.204-205.
5. Nguyễn Văn Nhật, Lịch sử Việt Nam: từ năm 1965 đến năm 1975, tập 13, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.104-134.
6. Cao Huy Đỉnh, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr.236-237.
Tác giả: Lại Thị Hải Bình
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng