Đình chèm


Sừng sững phía tây bắc kinh thành Thăng Long xưa, bốn trụ biểu của đình Chèm như vẽ những nét cổ kính hàng ngàn năm nay lên nền trời sát góc bờ Nam con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đình Chèm thuộc xã Thụy Phương, nơi có nhiều huyền tích gắn với sông Hồng và miền đất cổ Từ Liêm, Hà Nội. Ngay như cái tên gọi Chèm cũng chứng tỏ tính chất cổ xưa của vùng đất này. Theo các cụ kể lại, tên Chèm có từ lâu đời, nó được phiên âm ra tiếng Việt là Brem hay Trem, đời Đường gọi là Thị Kiềm, thời Lý – Trần gọi là Thụy Hương đến thời Nguyễn đổi thành Thụy Phương, còn chữ Trem được viết theo âm tiếng Hán thành Từ Liêm. Đây cũng là vùng đất mà trong thời Lý Trần, các tù binh Chàm được đưa về định cư. Khắp vùng đất Từ Liêm hiện nay vẫn còn không ít những dấu tích hay tên gọi liên quan đến người Chàm (1).

Đình Chèm thờ Thượng đẳng thiên vương Lý Ông Trọng, tên húy là Lý Thân, và phu nhân là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung. Đây là một nhân vật huyền thoại sống vào thời Hùng Duệ và mất vào thời Thục An Dương Vương. Tương truyền, ông xuất thân từ một gia đình danh gia, là một cậu bé khôi ngô, khí tướng lạ kỳ, cao lớn khác thường. Lớn lên, ông văn giỏi, võ tài, tính tình hiếu nghĩa, cương trực. Bấy giờ phía tây, nam có giặc hay quấy nhiễu biên thùy. Nhà vua xuống chiếu cầu người tài đức ra dẹp giặc cứu nước. Phủ Quốc Oai bèn tiến cử Lý Thân. Ngài bèn đổi tên là Ông Trọng và được phong làm Chỉ huy sứ, lĩnh ý đi dẹp tan giặc, lập được nhiều công lớn. Cuối đời Duệ Vương, đất nước Văn Lang bị quân Tần xâm lược, ông phò tá Thục Phán cùng quân dân Lạc Việt đánh cho chúng tan tác tháo chạy. Không đánh bại được Lạc Việt, phía bắc nước Tần lại bị quân Hung Nô quấy nhiễu, Tần Thủy Hoàng đắp Vạn Lý Trường Thành mà không ngăn chống nổi. Nghe uy danh ngài ở Âu Lạc, vua Tần liền bèn sai sứ sang cầu An Dương Vương cho tướng tài sang giúp. Vua Thục không câu chấp hiềm khích xưa, cử ngài đi sứ sang Tần cùng với ông Nguyên Văn Chất, người làng Hoàng Xá, giữ chức quản mã, vừa là tùy tướng bảo vệ vừa là thày thuốc riêng. Đến kinh đô Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng phong cho ông là Tư lệ Hiệu úy, đem 10 vạn quân đến trấn giữ đất Lâm Thao, khiến giặc Hung Nô không dám quấy nhiễu. Mến tài đức, vua Tần phong ông chức Phụ Tín hầu và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung với ý muốn giữ ông ở lại nước Tần nhưng ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý, đem theo vợ con trở về quê hương. Khi về quê, qua bến Vĩnh Tân, khúc sông Hồng trước làng Chèm, có nhiều giao long thủy quái chuyên làm hại dân lành, ông đã giết giao long, thả lưới sắt ngăn loài thủy quái, khiến chúng không còn quấy nhiễu. Dân biết ơn, lập đền thờ ông ngay tại bờ của khúc sông này. Năm Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông, Triệu Xương được cử sang đô hộ An Nam, qua vùng Từ Liêm mộng thấy ngài về đàm đạo những điều trọng yếu, bèn cho tu sửa lại đền. Đến thời Cao Biền, ngài hiển linh dẹp yên được giặc. Cao Biền cũng cho tu sửa đền to hơn quy mô cũ, tạc tượng gỗ sơn son để thờ, gọi là đền Lý Hiệu úy (2).

Truyền thuyết về Lý Ông Trọng không chỉ kể ra một huyền thoại chống giặc ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ mà còn ẩn tàng trong đó nhiều lớp văn hóa Chăm – Việt – Hoa chồng xếp và đan xen nhau. Điều này ít nhiều để lại những dấu ấn trên nghệ thuật kiến trúc, việc sắp đặt các hạng mục công trình, sắp đặt tượng thờ ở Hậu cung đình Chèm hiện nay, cho dù niên đại của chúng sớm nhất là đầu TK XVII.

 

Kiến trúc

 

Đình Chèm ngày nay được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề thế. Bắt đầu là bốn trụ biểu đắp long, ly, quy, phụng, được dựng sát bờ sông, được xem là nghi môn ngoại của đình. Tiếp đến là nghi môn nội, thường được gọi là Tàu Tượng, là một tòa ba gian hai chái, mở ba cửa lớn. Hai bên đặt ông quản tượng cưỡi voi, và ngựa chiến của đức thánh. Theo ghi chép trên thượng lương thì nghi môn được trùng tu năm Cảnh Hưng 34 (1773).

Bước qua nghi môn, không gian ngôi đình được hiện ra tầng tầng lớp lớp. Hai bên sân là nhà tả, hữu mạc, chính giữa là tòa phương đình, hai bên tòa phương đình là 2 nhà bia cũng có kết cấu dạng mặt bằng hình vuông, nên còn gọi là tiểu phương đình. Cụm kiến trúc này mang đậm yếu tố của lối sắp đặt theo dịch học. Không chỉ tòa phương đình được dựng theo kiểu thức chồng diêm hai tầng tám mái, mang biểu tượng lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái (3), mà hai tiểu phương đình hai bên cũng chính là thể thức kiến trúc nhấn mạnh thêm cho ý nghĩa này. Bên trong hai tòa tiểu phương đình là hai sập đá hình vuông, được dùng để rước tượng đức thánh ông và đức thánh bà ra làm lễ mộc dục trong mỗi dịp lễ hội. Kiểu thức xây cột vuông gạch trần phía trên đỡ vì mái bằng gỗ và hệ thống các đầu đao vút lên của ba công trình mang biểu tượng dịch học này có lẽ là một dạng tiếp biến từ lầu bát giác phía trước tiền đường chùa Láng. Tuy nhiên, ở đây có sự phân chia một cách mạch lạc lầu ông, lầu bà, tạo nên hai đối trọng cũng như mang tính chất rõ nét hơn của biểu tượng lưỡng nghi.

Nét độc đáo của cụm kiến trúc này có lẽ bắt đầu từ tòa bái đường cho đến hết hậu cung. Chúng tạo thành thể thức trùng thiềm điệp ốc, thống nhất từ bên ngoài cho đến nội thất bên trong. Từ bái đường và trung đường, mỗi tòa năm gian hai chái, tiếp đến là hậu cung gian tiền và hậu đều có dạng ba gian chái, gian ống muống cũng có dạng ba gian, tạo nên sự cân bằng hài hòa. Nếu quan sát từ phía bên ngoài, thì những nếp nhà này đã tạo nên sự liền mạch từ hệ thống mái đến các trang trí đắp ngõa.

Độc đáo nhất của cụm kiến trúc này chính là tòa bái đường và trung đường có kết cấu hình chữ nhị được nối liền tòa (4). Tuy bên ngoài vẫn là hai nếp mái tách biệt nhau, nhưng hai công trình này lại chỉ có một hệ thống tàu đao mái lá với bốn đầu đao vươn lên bốn góc. Trên hai nóc mái ngoài là lân chầu, tiếp đến mái trong là đôi cá chầu, và cuối cùng trang trí trên nóc mái hậu cung là đôi rồng chầu mặt nhật.

Cái đặc sắc của cụm kiến trúc chữ nhị nối liền tòa giữa bái đường và trung đường này không chỉ dừng lại ở hệ thống tàu đao, mà nó còn ghi nhận những giá trị lịch sử với chiếc máng đồng nối giữa hai tòa qua ba niên đại: Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Cảnh Hưng thứ 17 (1756) và Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), Minh Mệnh thứ 5 (1824). Đây cũng là di vật độc đáo nhất của kiến trúc đình Chèm.

Nội thất của hai tòa này được chạm khắc khá dày đặc, chủ yếu tập trung vào những bộ vì kèo của hai gian giữa. Người ta bắt gặp ở đây rất nhiều các mảng chạm khắc mang biểu tượng của Nho giáo. Như ở gian giữa của tòa bái đình, một bên là cảnh vần vũ của bộ tứ linh gồm long, ly, quy, phụng, được chạm lộng, đa tầng; một bên là cảnh phượng hàm thư với một bài thơ ca ngợi công ơn của đức thánh, phía trên là con rồng phun nước cho cá vượt vũ môn, hàm ý ca ngợi đạo lý của sự học. Trên các cốn vì gian giữa, người ta lại bắt gặp biểu tượng hổ phù. Bằng các thủ pháp chạm lộng, bong, kênh, các mảng chạm này như sống động trước mắt người xem, trong cái không gian thánh thiêng của cả khu đình.

Tòa hậu cung được dựng năm Đức Long 3 (1631) với dạng vì kèo chồng rường. Đáng chú ý là tòa mật thất nơi bày tượng đức thánh ông Lý Ông Trọng và đức thánh bà Bạch Tĩnh Cung. Phía trên trần của hai pho tượng này là một bức chạm gỗ hình tiên thiên bát quái tượng trưng cho sự khởi thủy của vũ trụ, lấy càn ở Nam, khôn ở Bắc làm chủ, từ đó vạn vật hóa sinh. Xung quanh hình bát quái này là nhị thập bát tú cũng là biểu tượng của vũ trụ. Sự xuất hiện của hình bát quái này đã cho thấy gốc gác của đình Chèm xưa vốn là một đạo quán. Sau thời Lê sơ, chủ trương đề cao Nho giáo đã khiến cho phần lớn những đạo quán, chùa Phật bị dẹp bỏ hoặc biến báo thành những hình thức khác. Do đó sau khi được dựng lại vào TK XVII, ngôi đình chính là lớp văn hóa Nho giáo đã được phủ lên một lớp văn hóa đạo quán cổ xưa hơn, tồn tại hàng thế kỷ trước. Điều này được chứng minh qua những câu chuyện về Triệu Xương cầu mộng và Cao Biền được thần hiển linh phò giúp, sau đó cho sửa đền to lớn. Bản thân Cao Biền cũng là một đạo sĩ.

Bên cạnh đó, tên của hai nhân vật Lý Ông Trọng và Bạch Tĩnh Cung cũng là một minh chứng cho lớp văn hóa Đạo giáo được ẩn tàng. Trước tiên, tên Lý Ông Trọng, theo truyền thuyết, cho thấy tính chất giao thoa rất rõ nét của văn hóa Việt- Chăm, bởi họ Lý là của người Việt, còn việc ngài đổi tên thành Ông Trọng lại cho thấy gốc tích Chăm (5). Sự kiện đổi tên này lại chỉ được chép sau khi vua cầu người tài giúp trấn giữ biên giới phía tây, nam do giặc Ai Lao và Chiêm Thành quấy nhiễu. Cái tên Bạch Tĩnh Cung được các truyền thuyết cho là con gái vua Tần, lại giúp hé lộ nhiều hơn về nguồn gốc Đạo giáo được nhập vào Việt Nam thời Bắc thuộc. Bạch Tĩnh Cung không phải là một nhân vật cụ thể mà chỉ là một cách chiết tự để gọi. Đó chính là cung Bạch Tĩnh. Cung cũng có nghĩa là đạo quán. Còn Bạch Tĩnh có thể dùng để chỉ một môn phái Đạo giáo thời kỳ sớm Bạch Gia Đạo do Bạch Hòa, người nước Liêu Đông sáng tạo. Nhân vật Bạch Hòa này lại có tên là Trọng Lý. Vậy, việc liên kết những cái tên trong truyền thuyết và sự tích Ông Trọng giữ yên bờ cõi phía Nam đánh đuổi giặc Chiêm Thành, dẹp tan giặc Tần ở biên giới phía Bắc Lạc Việt, rồi lại bình định giặc Liêu phía Bắc nước Tần, khiến cho cả nước Tần lẫn nước Liêu đều thần phục. Sau đó, ông lại kết hôn với một công chúa ngoại bang là Bạch Tĩnh. Như vậy phải chăng, Lý Ông Trọng là một nhân vật đại diện cho sự ảnh hưởng du nhập của Đạo giáo Trung Quốc vào Việt Nam, mà trong đó có vai trò của người Chăm. Phái Bạch Gia Đạo cũng là phái coi trọng việc cầu đảo, mà hiện tượng này có mặt nhiều trong các truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Ông Trọng ở Việt Nam.

Như vậy, cho dù hậu cung của đình được dựng năm Đức Long 3 (1631), nhưng nó đã ghi nhận những giá trị quan trọng trong việc nhận diện nghệ thuật kiến trúc cũng như tín ngưỡng ở Thăng Long xưa.

 

Điêu khắc

 

Theo ghi chép trên một số văn bia còn lưu tại đình Chèm, hai pho tượng khổng lồ vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng có niên đại năm Đồng Khánh 3 (1888), có kích thước tương đương nhau, cao khoảng 3,2m. Tượng đức ông và đức bà đều được ngồi trên sập, mặc áo vẽ rồng mây có đai lưng, chân đi hài, đầu đội vương miện được tạo hình khá cầu kỳ mang biểu tượng mặt trời, mặt trăng, hổ phù và rồng. Khuôn mặt tượng phương phi với đôi mắt nhìn xuống, nghiêm mà không dữ dằn. Tượng Lý Ông Trọng hai tay nâng thẻ bài chạm mây để ám chỉ phụng mệnh thiên đình. Cách nâng thẻ bài này cũng được khắc tạc không theo lề lối thông thường là chắp lại mà như đồng thời đang bắt quyết. Tượng công chúa Bạch Tĩnh cũng vậy, đôi tay đưa ngang lên ngực tạo thế bắt quyết.

Có lẽ, việc tạo thành hai hình tượng Lý Ông Trọng và Bạch Tĩnh Nương không đơn thuần rút ra từ các truyền thuyết, mà còn tạo thành biểu tượng của âm – dương, hai nguyên lý căn bản của triết học Đạo giáo. Hai pho tượng này cũng được xem như là lưỡng nghi, kiền – khôn đóng ở hai đầu của tiên thiên bát quái, và tạo nên sự hóa sinh. Và cũng không phải ngẫu nhiên truyền thuyết lại nói rằng hai ông bà sinh được sáu người con, gọi là Lục vị vương. Lục vị vương chính là sáu hào cơ bản để tạo nên 64 quẻ trùng quái trong kinh dịch, nói lên sự chuyển vần của vũ trụ và con người.

Hiện nay trong mật thất đình Chèm, hai gian hai bên đặt tượng của những nhân vật này. Đáng chú ý là mỗi gian đều bày 3 pho tượng, trong đó bức ở giữa là tượng nữ vương, hai vị vương hai bên là nam. Tượng nữ đội vương miện lên búi tóc có khăn vấn, áo tứ thân, chân đi hài, hai tay chắp kiểu liên hoa hợp chưởng ấn. Tượng nam đội mũ cánh chuồn, mặc áo hàng quan, tay cầm một pháp khí theo kiểu thức của Đạo giáo, tay bắt quyết. Có tượng cầm hốt chầu (có thể đã có ảnh hưởng của Nho giáo trong việc tạo hình trong điêu khắc). Việc sắp đặt các pho tượng theo dạng nhất âm nhất dương này đã tạo nên hai quẻ đơn là quẻ ly tượng trưng cho ánh sáng. Nếu chồng hai quẻ ly lên nhau thì được quẻ thuần ly, là quẻ thứ 30 trong kinh dịch với ý nghĩa là “thiên địa chi trung”, và đức của ly là sáng, là văn minh, cát tường. Đó cũng là ý nghĩa của Đạo.

Tuy nhiên, tính chất của việc bài trí tượng thờ liên quan đến dịch học này có lẽ chỉ được hoàn thiện với hai nhân vật thị nữ đứng hầu hai bên của đức thánh ông và đức thánh bà. Việc xuất hiện của hai nhân vật nữ này đã làm nên sự cân bằng, tức tạo ra 4 âm, 4 dương, cũng có nghĩa tạo thành tứ tượng để sinh bát quái.

Về mặt nghệ thuật tạo hình, những pho tượng này mặc dầu có niên đại cuối TK XIX, nhưng chúng đã cộng nhập được mọi giá trị tạo hình dân gian của nghệ thuật điêu khắc các thế kỷ trước. Tính cân đối trong tỷ lệ, chau chuốt trong trang phục, cũng như chân dung, khiến các pho tượng ở đây vừa gần gũi vừa linh thiêng, uy lực. Đặc biệt là hai pho tượng đức ông và đức bà cao lớn được đặt trong một không gian khá hẹp khiến cho cảm giác về sự uy linh càng tăng thêm gấp bội. So với các tượng thờ Đạo giáo ở Việt Nam, có lẽ, các tác phẩm điêu khắc ở hậu cung đình Chèm là có kích thước lớn nhất.

Cũng do các nhân vật được thờ trong đình Chèm là nhân vật thuộc về Đạo giáo nên hiện nay, đình còn lưu giữ bộ bát bửu của Đạo giáo dùng trong các lễ rước thánh trong lễ hội. Bộ bát bửu này ngoài những vật rất thông dụng như việt phủ, lẵng hoa, bình báu, lọng báu… còn có biểu tượng bàn tay cầm bút và bàn tay cầm vòng lửa, quả chùy. Các biểu tượng này đã nhận được nhiều những lớp văn hóa chồng xếp. Chúng cũng giống như việc Nho giáo đã biến đền thờ Lý Ông Trọng thành đình và các nhân vật Đạo giáo thành Thành hoàng làng.

Làng Chèm nằm sát mép nước sông Hồng nên thường xuyên bị lũ lụt, sạt lở đe dọa. Đình đã được trùng tu nhiều lần, và đặc biệt nhất là sự kiện năm 1902, cả ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý đã được dân sở tại kiệu lên cao thêm 2,4m, ngang với mặt đê sông Hồng, chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như đinh bừa, quang gánh. Từ bấy đến nay, đình vẫn sừng sững uy nghi, như chí khí của người dân nước Việt. Huyền tích về Lý Ông Trọng là một niềm tự hào về ý chí và tinh thần quật cường trước các thế lực xâm lăng của cha ông ngàn đời xưa để lại.

_______________

1. Hiện nay ở vùng Từ Liêm còn nhiều dấu tích, hay tên gọi liên quan đến người Chăm như thôn Bà Già. Thôn này đã được các nhà sử học chứng minh là tên gọi xuất phát từ tiếng Chăm, Đadalê sau này được gọi chệch là Bà Già, nay thuộc vùng thôn Phú Gia, Thượng Phú, phía tây hồ Tây.

2. Danh nhân Lý Ông Trọng với di tích và lễ hội đình Chèm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2010.

3. Lưỡng nghi là tầng, mỗi tầng bốn mái là tứ tượng, chồng diêm lên nhau chính là biểu tượng của bát quái.

4. Thể thức bái đường và trung đường tạo thành hình chữ nhị được nối liền tòa này sau đã được đình Đông Ngạc học tập với quy mô lớn hơn, chín gian hai chái dựng vào năm 1718.

            5. Họ Ông là họ của người Chăm.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 317, tháng 11-2010

Tác giả : Trang Thanh Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *