ĐỒ CHƠI, TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRẺ EM

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


 

1. Khái niệm về đồ chơi, trò chơi dân gian

Mỗi dân tộc, quốc gia đều có những đồ chơi, trò chơi dân gian phản ánh bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồ chơi và trò chơi dân gian của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, với nhiều thể loại khác nhau, thể hiện tâm hồn, trí tuệ của các thế hệ người Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống mà đồ chơi, trò chơi được hình thành và phát triển. Người lớn có thú chơi của người lớn, trẻ em có thú chơi của trẻ em nhưng nhiều hơn cả vẫn là đồ chơi, trò chơi của trẻ em bởi đây là lứa tuổi vui chơi để lớn khôn. Việc chơi, nhu cầu chơi của trẻ em cần như cơm ăn, nước uống. Qua đồ chơi, trò chơi, trẻ em được rèn luyện, khôn lớn và dần dần mở rộng mối quan hệ, gắn mình với bạn bè, tập thể, với sinh thái thiên nhiên và lề thói cộng đồng.
Theo cách hiểu hiện nay đồ chơi, trò chơi có chức năng chính là giải trí và giáo dục trẻ em. Tuy chưa có sự phân loại chính thức, nhưng có thể căn cứ vào chất liệu, cách làm, nội dung, cách chơi mà phân định đồ chơi, trò chơi dân gian với đồ chơi, trò chơi hiện đại.
Đồ chơi dân gian, còn gọi là đồ chơi truyền thống, là những đồ chơi được làm thủ công, từ chất liệu sẵn có trong thiên nhiên và đời sống của con người như tre, nứa, giấy, bột gạo… Trái lại, đồ chơi hiện đại sản xuất hàng loạt bằng máy móc, từ các chất liệu tổng hợp hay các nguyên vật liệu đã được xử lý bằng công nghệ, kỹ thuật cao.
Trò chơi dân gian là những trò chơi được cộng đồng dân chúng xây dựng và sáng tạo nên, thuộc sở hữu của toàn dân, thường là sự mô phỏng các hoạt động lao động, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ, chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Còn trò chơi hiện đại tuy cũng đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện và học tập của mọi người nhưng lại do một người hoặc một nhóm người xây dựng, sáng tạo nên và cách chơi thường được tự động hóa, mã hóa.
Đồ chơi luôn gắn với trò chơi. Trên thực tế, đồ chơi, trò chơi được hình thành, sáng tạo bắt nguồn từ nhu cầu, kinh nghiệm trong cuộc sống. Để trẻ có thể nhận biết và khám phá thế giới xung quanh, ngay từ khi các em còn nằm nôi, người lớn đã sử dụng đồ chơi để các em phân biệt được âm thanh, màu sắc như chiếc xúc xắc, chùm bóng bay nhiều màu. Ở độ tuổi lớn hơn, đồ chơi phải gắn với cách chơi để các em có thể gõ, kéo, đẩy… và từ đó, các em lại thiết lập các trò chơi tương thích với sự phát triển thể lực và thể chất của lứa tuổi. Đồ chơi thường được tạo ra trước, sau đó người ta mới nghĩ ra cách chơi với những yêu cầu cụ thể. Người chơi phải hiểu và tuân thủ những quy định của trò chơi chứ không thể chơi một cách tùy tiện. Mặc dù có sự khác nhau trong mỗi loại trò chơi, có trò thiên về tính toán hay sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo hoặc trí thông minh…, nhưng người chơi đều phải có khả năng tư duy, nên các trò chơi thường thích hợp với lứa tuổi từ thanh thiếu niên trở lên. Tuy nhiên, khái niệm trên chỉ mang tính chất tương đối vì có đồ chơi chỉ để chơi và giúp các em nhận biết, khám phá thế giới xung quanh chứ không hoàn toàn gắn với trò chơi, đặc biệt là ở các em độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Cũng tương tự như vậy, nhiều trò chơi dân gian hoàn toàn không có đồ chơi đi kèm mà chỉ có lời thoại hay các bài đồng dao như trò rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, trồng nụ trồng hoa, thả đỉa ba ba…
          2. Đồ chơi, trò chơi dân gian với sự phát triển toàn diện của trẻ em
           Đồ chơi hay trò chơi đều là hình thức vui chơi, giải trí và đều mang một số đặc tính cơ bản. Thứ nhất, chơi là một hoạt động tự nguyện, người chơi không bị bắt buộc, nếu không, đồ chơi, trò chơi đó sẽ không còn tính hấp dẫn, giải trí mà nó cần có. Thứ hai, chơi là một hoạt động tách rời với lao động, diễn ra trong một giới hạn không gian và thời gian cụ thể được xác lập trước, rộng hay hẹp, dài hay ngắn tùy thuộc vào người chơi và trò chơi. Thứ ba, chơi cũng là một hoạt động vô thường, không ai có thể xác định trước diễn biến cũng như kết quả cuối cùng của trò chơi. Chính tính chất này đã tạo nên không khí hấp dẫn hào hứng của trò chơi vì nó luôn luôn có một giới hạn dành cho sự sáng tạo và sự chủ động của những người tham gia. Thứ tư, khi chơi không làm gia tăng đồ chơi nhưng nó có thể tạo nên sự di chuyển đồ chơi giữa những người chơi; ví dụ như, chơi ô ăn quan, rải gianh… người thắng được số sỏi của người thua nhưng khi cuộc chơi kết thúc thì tổng số viên sỏi cuối cùng vẫn không thay đổi so với lúc bắt đầu cuộc chơi. Thứ năm, khi chơi, người chơi phải tuân theo những ước lệ, quy tắc của trò chơi, đảm bảo sự công bằng cho mọi người. Cuối cùng, chơi là một hoạt động giả định cho dù đó là những đồ chơi mô phỏng đồ dùng, dụng cụ hay những hành động của con người nhưng vẫn được tiến hành theo cách riêng, có thể là giản lược bớt đi hoặc làm cho phức tạp hơn.
Ngoài ra, đồ chơi, trò chơi dân gian trẻ em có đặc điểm chung là dễ chơi, dễ hòa nhập. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, từ các đồ vật trong nhà hoặc ở xung quanh xóm làng, các cây cỏ mọc trong thiên nhiên hay các hiện tượng tự nhiên như mưa nắng, gió thổi, trăng lên.. các em có thể làm thành đồ chơi, trò chơi. Vật liệu để làm đồ chơi cũng như các dụng cụ phục vụ trò chơi cũng đơn giản, dễ kiếm, dễ tìm ngay trong môi trường tự nhiên. Một túm rơm có thể bện thành con búp bê dễ thương, một dải lá chuối khi cuộn cho ta chiếc kèn thổi kêu toe toe, mảnh giấy gấp thành con thuyền, nắm sỏi biến thành quan, quân cho trò chơi ô ăn quan, quả cà, quả bưởi non cùng các que tre tạo lên bộ chuyền, cục đất thó để nặn thành quả pháo đất nổ to không khác gì pháo tết…
Bất cứ ở đâu, gia đình hay làng xóm, ngõ phố đều có thể tạo ra đồ chơi và tổ chức các trò chơi phù hợp, thích ứng. Một tàu cau rơi, một bậu cửa, một khúc tre đã có thể trở thành chiếc thuyền hay con ngựa. Một bờ tường, một gốc cây cũng có thể phong làm nước ta, nước địch; vỉa hè làm nơi chơi ô ăn quan, rải gianh, chơi cờ, đánh chuyền…; sân nhà có thể chơi trò rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột…; ngõ xóm là nơi chơi trò trốn tìm, bịt mắt bắt dê, đá cầu…; bờ ao là nơi ném lia, thả thuyền… ; cánh đồng là nơi thả diều, đánh pháo…; bãi cỏ là chỗ đánh khăng, đánh đáo, cướp cờ… Đồ chơi, trò chơi dân gian trẻ em là một bộ phận khăng khít với xã hội, tâm lý tình cảm của con người và gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên Việt Nam.
Con người luôn có nhu cầu vui chơi, giải trí. Người lớn sau những giờ lao động mệt mỏi, căng thẳng nếu được thư giãn bằng các hoạt động vui chơi giải trí sẽ thấy tâm hồn thoải mái và cơ thể mau hồi phục. Với trẻ em, nhu cầu vui chơi để trưởng thành, khôn lớn lại càng cần thiết. Khi trẻ được hướng dẫn cách chơi với những đồ chơi, trò chơi phù hợp với lứa tuổi, giới tính, có nghĩa các em đã bắt đầu tham gia vào quá trình tư duy, học hỏi một cách chủ động. Điều này không những giúp cho các em trở nên hoạt bát, thông minh mà còn góp phần hình thành nhân cách, giúp các em phát triển trí não, sự say mê tìm tòi, khám phá những hiện tượng xung quanh. Trái lại, những đứa trẻ không có đồ chơi, không chơi các trò chơi, tha thẩn một mình, không có ai để chơi thì tinh thần luôn đượm buồn, tính tình lầm lỳ, ít hoạt bát, trí tuệ chậm phát triển, và ngay cả sự phát triển thể lực cũng bị hạn chế, sau này khó có thể thành người thông minh, lanh lợi và khỏe mạnh được.
Khác với người lớn, các trò chơi dân gian của trẻ em không bị lệ thuộc vào nghi thức của lễ hội, có thể chơi bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Các lễ hội ở nhiều địa phương thường có những đồ chơi, trò chơi nhưng nhìn chung hoạt động vui chơi của trẻ em thường được tổ chức riêng biệt ngoài lễ hội, chúng luôn gắn với sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, cũng như việc rèn luyện thể chất và thể lực cho các em. Nếu những trò chơi người lớn chỉ được thể hiện trong một thời điểm nhất định như đấu vật, đánh phết, cướp cầu… thì trò chơi trẻ em không hề bị sự hạn chế đó
Đồ chơi, trò chơi đóng vai trò quan trọng để trẻ phát triển toàn diện. Khi còn ở lứa tuổi mẫu giáo, đồ chơi là người bạn thân thiết giúp các em khám phá thế giới xung quanh. Các em thích thú vỗ tay khi nhìn thấy chiếc chong chóng quay tít, chiếc tàu thủy bằng sắt tây chạy xình xịch trên mặt nước, hay các hình thù kỳ lạ chuyển động của chiếc đèn kéo quân… Các em tự biết xếp chiếc hộp nhỏ lên chiếc hộp to, phân biệt các hình, màu sắc, biết sử dụng, cất giữ đồ chơi. Khi lớn lên một chút, các em còn biết tự nói chuyện với đồ chơi, tham gia những trò chơi đơn giản. Ở độ tuổi cấp I, các em bắt đầu xây dựng các lời đối thoại cho đồ chơi của mình, tham gia các trò chơi khó. Từ độ tuổi cấp II trở đi các em có thể tự làm ra những đồ chơi cho mình và em bé, có thể tham gia nhiều trò chơi, chủ động tổ chức các trò chơi cho mình và bè bạn.
Hầu hết các đồ chơi, trò chơi dân gian mang tính tập thể. Vào những lúc rỗi rãi, các em thường tụ tập ở góc sân hay bãi cỏ để cùng nhau làm đồ chơi và chơi các trò chơi nên sớm tạo nên tinh thần đoàn kết và ý thức tập thể. Khởi đầu của các đồ chơi, trò chơi dân gian vốn là những hành động bắt chước, mô phỏng các hoạt động, sinh hoạt thường ngày của con người, sau đó các trò dần được định hình, kết hợp các yếu tố khác để chơi và tạo thành trò chơi. Tùy theo tâm sinh lý của từng lứa tuổi và giới tính mà có trò chơi khác nhau. Ngưới lớn có trò chơi phù hợp với người lớn, trẻ em có trò chơi của trẻ em. Các bé gái thường thích trò chơi bán hàng, nấu ăn, chơi chuyền…; trong khi các bé trai lại thích chơi trốn tìm, thả diều, cướp cờ, …
Đồ chơi, trò chơi dân gian là kết quả được chắt lọc từ phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc và qua thời gian có sự góp ý của nhiều người mà dần dần hoàn thiện theo điều kiện, quan niệm văn hóa của từng vùng, từng dân tộc. Do đó, đồ chơi, trò chơi dân gian phản ánh sinh hoạt, cách ứng xử với môi trường tự nhiên của mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền. Bên cạnh việc học tập có tính bắt buộc và gần như là những yêu cầu phải tuân thủ, việc trẻ bắt chước người lớn một cách tự nguyện qua đồ chơi, trò chơi dân gian sẽ là những bài học bổ ích và lý thú, giúp các em dễ dàng hiểu và lý giải được các sự vật, hiện tượng xung quanh. Điều đó giúp các em tham gia vào cách thức học mà chơi, chơi mà học một cách hào hứng và hiệu quả, dễ dàng làm quen với các hoạt động sản xuất và cách ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên…
Những trò chơi đi kèm với các bài hát đồng dao của trẻ em phản ánh mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc phồn thịnh và hòa bình, gắn với sinh hoạt văn hóa làng xã, các hoạt động sản xuất ở nông thôn Việt Nam. Mỗi người chúng ta ai cũng đã trải qua thời kỳ thơ ấu và thường gắn liền với những trò chơi cùng các bài đồng dao mà mình đã hát khi còn bé. Sự yêu mến các trò chơi dân gian cùng các bài hát đồng dao đã tạo sự trao truyền các giá trị văn hóa qua bao thế hệ người Việt Nam. Khi người lớn dạy cho con cháu các bài đồng dao thì cũng dạy cả cách chơi các trò chơi đi kèm. Các bài đồng dao với đặc điểm ngộ nghĩnh, giàu hình tượng nên rất dễ nhớ, dễ thuộc được các em tiếp nhận dễ dàng và giúp trẻ nhanh chóng phát triển khả năng biểu đạt giữa ngôn ngữ với hành động. Như một lẽ tự nhiên, nó thấm sâu vào cuộc sống của các em, rồi tự các em tạo ra các trò chơi, hình thức chơi cho phù hợp để những buổi chiều mát mẻ hay những đêm trăng sáng lại vang lên ở mọi ngõ, xóm tạo thành một âm thanh vui vẻ, rộn ràng. Cũng chính các em đã hướng dẫn cho nhau cách chơi, cứ như thế tiếp tục lan tỏa và truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ vùng này qua vùng khác và từ dân tộc này tới dân tộc khác.
Đồ chơi và trò chơi dân gian luôn gắn với sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, khuyến khích các em tìm hiểu và khám phá thế giới, gợi mở trí tưởng tượng phong phú, nuôi dưỡng tình nhân ái, lòng bao dung, vị tha của con trẻ. Khi mang mặt nạ giấy bồi chơi, các em thường thể hiện tính cách của các con vật đó bằng hành động và để làm được như vậy các em đã chủ động tìm hiểu, quan sát. Điều này giúp các em thêm gắn bó với môi trường thiên nhiên, yêu quý và có ý thức chăm sóc, bảo vệ các con vật nuôi trong gia đình… Tuy đồ chơi, trò chơi dân gian có nhiều loại khác nhau, nhưng đều góp phần quan trọng vào việc giáo dục và hình thành nhân cách, nhất là ở các trò chơi có người trưởng trò, khi tham gia chơi các em đã có ý thức phục tùng người đó và có được thua; phải chịu phạt khi thua. Các em tự cảm thấy xấu hổ khi bị tập thể loại ra khỏi cuộc chơi do cố tình vi phạm những quy ước và đương nhiên không em nào muốn như vậy.
Có thể nói đồ chơi, trò chơi dân gian là những di sản văn hóa quý báu, kết tinh của văn hóa dân tộc không chỉ giáo dục trẻ em hiểu biết về cội nguồn, tình yêu quê hương, yêu lao động mà còn mang đến cho các em những cảm nhận đầu tiên về nền văn hóa của dân tộc, quê hương mình. Ngoài ra, mỗi đồ chơi, trò chơi dân gian luôn chứa đựng những nét đẹp tinh xảo, sâu kín giàu hình tượng, có ý nghĩa lớn lao trong sự hình thành niềm tự hào về dân tộc, về quê hương cho các em. Các nghệ nhân, thợ thủ công trong quá trình sáng tác đồ chơi bao giờ cũng xuất phát từ lịch sử, văn hóa truyền thống, nhu cầu, cách chơi trò chơi. Chiếc đèn kéo quân, đèn sao năm cánh gắn với trò rước đèn đêm Trung thu là sự gợi nhớ về cuộc cách mạng tháng Tám thành công; trò chơi rước ông tiến sĩ là hình tượng của sự học hành, đỗ đạt; ông đánh gậy đề cao vai trò rèn luyện sức khỏe và thể hiện tinh thần thượng võ…
 

3. Giữ gìn đồ chơi, trò chơi dân gian

Đồ chơi, trò chơi dân gian là sản phẩm của văn hóa dân gian, một bộ phận của văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Để văn hóa dân tộc thấm vào các em và trở thành sức mạnh nội sinh, trở thành điểm tựa tinh thần trong hành trang vào đời, giúp các em vượt qua mọi thử thách trong xã hội đầy biến động, trong thế giới đồ chơi, trò chơi của các em, không thế thiếu vắng đồ chơi, trò chơi dân gian. Trong việc hình thành thể chất và nhân cách của trẻ em Việt Nam hiện nay, các trò chơi và đồ chơi mới, hiện đại là cần thiết, nhưng không thể thiếu các đồ chơi, trò chơi dân gian truyền thống. Đây chính là sự nối tiếp các giá trị văn hóa dân tộc để từ đó góp phần hình thành ý thức và nhân cách cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Trên thị trường đồ chơi cho trẻ em Việt Nam hiện nay, đồ chơi của nước ngoài, nhất là Trung Quốc chiếm đa số. Có hàng trăm loại đồ chơi với nhiều chủng loại, giá cả, chất liệu, mẫu mã khác nhau, trong đó có nhiều đồ chơi, trò chơi không an toàn, lành mạnh, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của trẻ như súng, gươm, mặt nạ hình ác quỷ dữ dằn, các loại gây tiếng nổ… Các trò chơi điện tử mang tính bạo lực tràn lan đã có ảnh hưởng xấu đến việc học tập và đạo đức của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên. Thậm chí để có tiền chơi trò chơi điện tử, nhiều em đã phạm tội mà chưa ý thức được hành vi, mức độ do mình đã gây ra.
Đồ chơi, trò chơi cho trẻ em, một vấn đề tưởng như bình thường nhưng thật ra là rất quan trọng và cần rất nhiều trí lực của các nhà giáo dục, họa sĩ, nhà thiết kế… Nhìn vào loại hàng hóa đặc biệt này, người ta có thể thấy được đời sống tinh thần của trẻ thơ và cao hơn là trình độ văn hóa, sự phát triển của một quốc gia. Thế nên, một yêu cầu rất cần thiết đối với đồ chơi, trò chơi cho trẻ hôm nay, ngoài việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại còn chú ý đến hình thức, mẫu mã, cách chơi phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Thực tế, trong việc xây dựng và tạo ra các đồ chơi cho trẻ, các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa có sự phối hợp với các nghệ nhân để tạo ra những đồ chơi có sức hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu hiện nay của các em và nhất là phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Có đồ chơi mới chỉ quan tâm tới âm thanh, chứ chưa nghĩ tới âm nhạc, nhưng cũng chỉ mới chú ý những tiếng động phát ra một cách hỗn độn, tự do, không theo quy luật nào, mà chưa chạm tới những âm thanh trong cuộc sống như những bài đồng dao hay dân ca với quy luật nhất định về tiết tấu, cao độ và cường độ. Nhiều đồ chơi có phát ra âm thanh, nhưng tạo ra âm nhạc như kiểu đàn organ bằng nhựa hoặc búp bê reo nhạc, còn quá ít. Âm thanh chỉ giúp trẻ có điều kiện phát triển thính giác còn âm nhạc mới giúp chúng phát triển mỹ cảm, tâm hồn. Đi liền với âm nhạc là màu sắc và có nhìn trẻ chơi mới nhận ra rằng, các sản phẩm hướng về lứa tuổi cần tối kỵ những màu tối, xỉn, mà chú trọng đến những màu tươi sáng, sặc sỡ và phải có sự hòa hợp.
 

Đa phần trẻ em thích chơi đồ chơi phong phú về màu sắc, kiểu dáng và chúng kích thích trí tò mò, sự khám phá, góp phần giúp cho trẻ phát triển. Có thể thấy, đồ chơi cho bé trai có phần khác bé gái do sở thích tâm lý về giới tính khác nhau, nhưng cả hai giới đều ưa màu sắc, âm thanh và kiểu dáng lạ mắt. Các bé gái thích búp bê, các loài vật, dụng cụ chơi trò nấu cơm, dọn cỗ. Bé trai lại thích những đồ chơi có thể chuyển động như ôtô, tàu thủy, máy bay, các loại kèn…, thậm chí là súng và kiếm. Bởi vậy, cần có sự định hướng trong thiết kế, sản xuất các loại đồ chơi, trò chơi, tránh tình trạng sản xuất, nhập khẩu đồ chơi cho trẻ một cách tự do, thiếu sự quản lý chỉ đạo và chạy theo lợi nhuận như những năm qua. Trẻ em cần phải được bồi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, trong đó thế giới âm thanh và màu sắc thường được coi là những yếu tố đắc hiệu nhất trong việc kích thích phát triển năng lực thẩm mỹ của trẻ. Điều này có thể lý giải vì sao ở các nước văn minh, người ta đặc biệt chú trọng giảng dạy hai môn nhạc và họa ngay ở những lớp bé, nhất là trong hệ thống nhà trường phổ thông. Đáng tiếc ở nước ta việc này đã nghĩ tới nhưng chưa đủ sức nặng để cảm hóa óc thẩm mỹ của trẻ.

         Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn, bảo tồn và phát triển đồ chơi, trò chơi dân gian trong các hoạt động vui chơi của các em. Chúng ta đang thực hiện chiến lược đào tạo con người toàn diện cả về thể chất, tinh thần và kiến thức xã hội. Để tạo nên lớp người như thế chúng ta phải quan tâm cả việc học, cả việc chơi giải trí của các em ngay từ những năm đầu đời. Thế nhưng một sự thật đã và đang diễn ra là trẻ em Việt Nam đang rất thiếu đồ chơi, trò chơi nhất là đồ chơi, trò chơi dân gian. Những bài học của các em sẽ không còn khô khan, khó nhớ nếu chúng ta sử dụng đồ chơi, trò chơi dân gian như giáo cụ trực quan trong giảng dạy và học tập. Để làm được như vậy cần có sự tìm hiểu đồ chơi, trò chơi dân gian không phải chỉ nhằm mục đích nghiên cứu truyền thống văn hóa mà còn có cả có mục đích thực tiễn là dựng lại, khôi phục lại các đồ chơi, trò chơi đó để bảo vệ và phát triển. Hơn nữa, cũng cần phải cải tiến, sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân gian, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các đồ chơi, trò chơi hấp dẫn cả về nội dung và hình thức. Có như vậy đồ chơi, trò chơi dân gian mới có sức sống bền vững và chúng ta mới có thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại một cách hữu hiệu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011

Tác giả : Vũ Hồng Nhi

4/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *