Chùa Tam Thanh có từ thời Lê, nằm trong động núi thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng (nay là phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn). Trong chùa hiện còn bức tượng ma nhai (1) đức Phật A Di Đà có phong cách nghệ thuật TK XVII. Việc thờ A Di Đà vốn rất phát triển ở chùa miền Bắc Việt Nam nhưng các tượng A Di Đà thường được tạc dưới dạng tượng ngồi, dạng tượng A Di Đà đứng ít gặp hơn. Tượng ma nhai thể hiện đức A Di Đà đứng (A Di Đà tiếp dẫn) trên vách động ở chùa Tam Thanh là trường hợp đặc biệt, chưa thấy ở nơi khác.
Chùa Tam Thanh và đức Phật A Di Đà
Như có thuyết nói, xưa, chùa thờ tượng Tam thanh nên được gọi là chùa Tam Thanh (2). Bên cạnh đó, truyền miệng dân gian cũng có dị bản, kể: tại hang này, trước có thờ vị thần Tam Thanh, một vị tướng giỏi được ông Diệu Tín thờ làm tôn sư trong khi chiêu quân mãi mã chống bọn giặc cướp đến quấy nhiễu đất Kỳ Lừa (3). Tuy nhiên, trong chùa, hiện không thấy có tượng Tam Thanh, hệ thống tượng Phật thờ ở cung Tam Bảo có niên đại muộn, mới được cung tiến thời gian gần đây.
Pho tượng có niên đại sớm nhất ở chùa Tam Thanh là pho tượng ma nhai khắc trên vách hang động ở gian thờ phía sau cung Tam Bảo, thể hiện đức Phật A Di Đà ở tư thế đứng. Với cách bài trí tượng thờ như vậy, có thể nhận thấy, đối tượng thờ chính ở chùa Tam Thanh là đức Phật A Di Đà. Căn cứ trên những văn bia còn lại ở chùa, cùng nghệ thuật tạo tác tượng ma nhai, có thể phỏng đoán, niên đại pho tượng vào khoảng TK XVII.
Những văn bia sớm nhất ở chùa hiện nay còn tìm được cho thấy, việc trùng tu chùa Thanh Thiền từ năm Vĩnh Trị 2 (1677) đến năm Vĩnh Trị 5 (1680) đều do gia đình Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ, Bắc quân Đô đốc Thiêm sự Vũ quận công Vi Đức Thắng làm chủ hưng công. Vũ quận công Vi Đức Thắng là người mộ Phật, ông xây chùa, tạc tượng nhằm mưu cầu tuổi thọ, cầu phúc cho con cháu nối nghiệp làm quan. Chùa Tam Thanh còn có tên gọi Thanh Thiền động tự. Thanh Thiền có thể là cách gọi đơn giản của ngôi chùa nằm trong động Tam Thanh. Nhưng với việc đức Phật A Di Đà, giáo chủ Tây Phương Cực Lạc được phụng thờ chính ở chùa, Thanh Thiền cũng có thể là cách gọi đơn giản của Thanh Thái quốc, tên cõi nước Phật A Di Đà cư trụ (4).
Tượng A Di Đà trong chùa Việt thường thấy có hai hình thức: tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kết định ấn và tượng đứng có tay kết Thí nguyện ấn (5). Hầu hết tượng A Di Đà trong các chùa hiện nay thường thấy được tạc trong tư thế ngồi, có kích thước lớn, thuộc bộ tượng Di Đà tam tôn (6). Loại hình tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn ở thế đứng ít gặp hơn và phần lớn là tượng gỗ. Sớm nhất hiện còn thấy của thể loại này có lẽ là tượng A Di Đà chùa Chúc Thánh (Thanh Trì, Hà Nội), bằng gỗ, cao 123cm, có niên đại thời Mạc (năm Đoan Thái 2, 1587). Muộn hơn, có thể kể đến tượng A Di Đà chùa Che (Diên Phúc tự) và chùa La Phù (Trung Hưng tự), TK XVII, chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) và chùa Cả (Đại Bi tự), TK XVIII; cả bốn ngôi chùa đều thuộc địa phận Hà Nội.
Ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam, có thể thấy khá nhiều chùa hang nhưng tượng ma nhai thể hiện đức Phật A Di Đà lại vô cùng hiếm gặp. Có hai trường hợp được biết đến là tượng ma nhai A Di Đà ở chùa Vồm (núi Bàn A, Thanh Hóa), thể hiện dáng Phật ngồi, cao 600cm, rộng 310cm, niên đại khoảng cuối TK XVII, đầu TK XVIII và tượng ma nhai A Di Đà chùa Tam Thanh (Lạng Sơn), thể hiện dáng Phật đứng, toàn bộ khối phù điêu cao 260cm, rộng 65cm, phong cách nghệ thuật TK XVII. Như vậy, tượng ma nhai A Di Đà tiếp dẫn chùa Tam Thanh là pho tượng đứng, có kích thước lớn hiếm gặp và có phong cách nghệ thuật sớm nhất hiện thấy ở Việt Nam.
Nghệ thuật tạo phù điêu A Di Đà chùa Tam Thanh
Cửa hang động nhìn về phía đông. Đi qua cửa hang vào động, gian thờ cao và sâu nhất về phía tây là cung thờ đức Phật A Di Đà, ứng với cõi Tây Phương nơi ngài cư ngụ. Giữa cung thờ, phù điêu đức Phật A Di Đà được tạc thẳng vào vách đá, tạo hình khối nổi trong lòng một bối quang (7) hình cánh sen (8).
Bối quang này cao 260cm khắc sâu vào vách hang, thân cánh sen khắc chìm những đường gân dọc có hướng chuyển động như tỏa ra từ thân tượng. Từ đỉnh bối quang, có một nét khắc chìm chạy dọc lên rồi tỏa ra hai bên, uốn thành vòng tròn rồi lại vòng ngược ra, tạo thành một cánh sen ngửa. Trong lòng cánh sen này khắc chìm bốn chữ Hán: A Di Đà Phật. Riêng phù điêu A Di Đà cao 215cm, được tạo nổi khối gần như tượng tròn. Đức Phật đứng trên một đài tọa dạng thớt, hình bán cầu, cao 15cm.
Thay vì bạt phẳng vách hang đá để tạo tượng, người thợ điêu khắc đã tận dụng độ nghiêng khoảng 40-500 của vách đá tự nhiên từ vòm hang xuống để tạc tượng Phật và bối quang. Khi nhìn ở góc nghiêng, đức A Di Đà như đang hơi cúi mặt nhìn xuống. Cũng bởi phần đầu bối quang và gương mặt đức Phật có hướng nhô hẳn ra phía trước như vậy nên khi có ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng đèn nến từ ngoài hắt vào, phần đầu tượng và đầu bối quang tiếp nhận ánh sáng nhiều hơn phần thân tượng. Gương mặt đức Phật bừng sáng, đầu quang tỏa sáng mạnh hơn thân quang Phật. Trong ánh sáng đèn nến lung linh, pho tượng ở giữa hốc đá sâu trong cùng của gian thờ nhưng tỏa sáng mạnh nhất. Cái tài của người thợ khắc đá là đã hóa giải được độ nghiêng vốn có của vách hang một cách tài tình. Phù điêu có độ nổi khối rất tự nhiên, hài hòa, gần như trở thành một phần của hang động.
Tượng A Di Đà chùa Tam Thanh – Ảnh: Thanh Tâm
Đức A Di Đà có gương mặt tròn, đôi tai dài và búi tóc lớn, chiếc cổ cao, vai xuôi thanh thoát. Hai chân đứng thẳng, thân mặc áo cà sa, tay phải duỗi thẳng song song với thân, bàn tay phải bắt ấn Thí nguyện (ban cho điều mong cầu). Tay trái nắm lại thành quyền, cầm lấy chéo áo, đặt ở trên rốn. Năm ngón tay phải duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Đây là ấn tướng mà Phật và Bồ tát dùng khi ban phát các vật cần thiết cho chúng sinh, tùy theo ý mong muốn của họ.
Nhìn chung, tỷ lệ tượng ma nhai A Di Đà chùa Tam Thanh cân đối, dáng điệu đầy đặn, ngay thẳng, thân tướng rộng rãi, đoan nghiêm, thể tướng độ lượng, tròn đầy. Những quý tướng của đức Phật cũng được thể hiện rõ như: chữ vạn ở ngực, chỏm đỉnh đầu Phật càng nhìn càng cao nên không thấy đỉnh, dung mạo ngay chính không lệch lạc, thân hình cao lớn và cân đối, hai tay dài quá đầu gối; thân da mịn màng trơn bóng, nước bẩn không đọng…
Xét một cách chi tiết, tượng ma nhai A Di Đà chùa Tam Thanh có gương mặt trăng tròn (mãn nguyệt), trán hơi thấp, búi tóc dày. Bụt tóc không được tạo xoắn ốc mà chỉ tạo hình khái quát bằng các dải băng ngang, tạo thành bảy lớp từ vành tai tới đỉnh đầu, lớp thứ tám là đỉnh tròn nhục kháo. Đôi lông mày cong khá thanh nhưng đuôi mày ngắn, mắt hơi xếch, khuôn miệng nhỏ mỉm cười, viền môi rất mỏng. Mắt Phật mở 3 phần, nhìn xuống, thuật ngữ gọi là “nhãn thị ty, ty quán tâm” (mắt nhìn mũi, mũi quán tâm). Đầu hơi cúi, đôi mắt nhìn xuống độ lượng, tín đồ chiêm bái khi ngẩng lên, tiếp xúc được vẻ từ bi của Phật tượng, sinh lòng tín phụng, an tâm. Rất tiếc là một phần trán, mắt bên trái và toàn bộ khuôn hình mũi đã bị phá vỡ. Những chỗ nứt vỡ này được đắp vá lại bằng xi măng, nay đã ngả màu vàng. Những hư hại này khiến ta khó hình dung lại được một số chi tiết trên gương mặt, đặc biệt là tạo hình phần mũi của đức Phật. Sống mũi hiện nay được đắp khá thô, đầu mũi to. Đôi tai to, dày của Phật tượng cũng như phần búi tóc được tạc một cách đại khái, gợi hình ảnh đôi tai là chính chứ không đi sâu vào chi tiết. Đôi mắt xếch và cách sử dụng các đường viền nét đơn giản có phần hồn nhiên ở gương mặt Phật tượng cho ta ít nhiều liên tưởng tới các tranh thờ của một số dân tộc miền núi phía Bắc. Đó là lối sử dụng các nét vẽ liền mạch, chú trọng tới nét bo của hình chứ không chú trọng tới sự biến đổi tinh tế của khối hình. Nhìn chung, các đường nét trên gương mặt Phật tượng được thể hiện có phần khái quát, không có nét tả thực, ít đi vào chi tiết mà chú trọng gợi vẻ tròn đầy, nét thư thái, từ bi của Đức Phật. Nhìn tổng thể, từ xa, “nét mặt thường quang sáng đều một tầm” của đức A Di Đà vẫn hiện lên đẹp đẽ, trong sáng.
Tượng có vẻ đẹp nữ tính. Các nét trên gương mặt nhỏ nhắn, hài hòa, được tạo bởi những đường cong biểu hiện dịu dàng, thanh tĩnh. Những phần da thịt lộ ra như mặt, cổ và chân tay tượng được gia công mài nhẵn, sáng bóng, tỉa nét chi tiết đối lập với vẻ thô nhám của trang phục, bối quang và không gian nền vách gian thờ. Nét nữ tính còn thể hiện rõ ở chiếc cổ cao ba ngấn và đôi vai xuôi tròn đầy. Tượng không đeo trang sức, có một chữ vạn khắc to bản trước ngực. Chữ vạn này hiện nay đã bị khắc xóa đi mất nhưng những nét chân chữ khắc sâu còn lại cho thấy nét tương đồng với những chữ vạn trang trí trên diềm bia Thiền động pháp luân thường chuyển (1677), khắc ngay ở cửa hang. Có lẽ, chính vẻ đẹp có phần nữ tính này đã khiến cho một số người nhầm lẫn đây là pho tượng thể hiện một người phụ nữ (9). Mặc dù vậy, không giống phong cách tạo tượng Phật “áo ướt” thời Lý (tượng A Di Đà chùa Kim Hoàng, tượng Phật chùa Phật Tích, chùa Ngô Xá), trang phục áo mỏng bám sát cơ thể, đường nét chạm khắc tinh tế, biểu cảm mềm mại, tượng A Di Đà ở đây mặc trang phục có phần đơn giản, thô phác và hồn hậu.
Kỹ thuật tạc tượng ma nhai Phật A Di Đà chùa Tam Thanh chú trọng tới tạo khối, mang đặc trưng nghệ thuật điêu khắc đá TK XVII. Lối tạo tượng này rất khác biệt so với kỹ thuật tạc tượng quan Đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ (1726-1780) trên vách động Nhị Thanh năm 1779. Tượng truyền thần Ngô Thì Sĩ chú trọng tả thực gương mặt nhân vật một cách sống động. Tạo hình cơ thể có xu hướng diễn hình bằng nét trên mảng phẳng, giàu tính đồ họa. Bề mặt tượng được gia công kỹ càng, mài nhẵn không để lại dấu vết các nét đục của người thợ đá. Trong khi đó, ở tượng ma nhai A Di Đà chùa Tam Thanh, cách gia công đá có phần thô phác, nét chạm khỏe khoắn trên tượng có nhiều nét gần gũi với những nét chạm trang trí trên bia ma nhai Thiền động pháp luân thường chuyển (1677), ở ngay cửa động. Diềm thân bia này được trang trí hoa văn chữ Vạn. Mặc dù là tấm bia ma nhai được khắc ở miền biên viễn xa xôi, nhưng những hình rồng chầu mặt trời, văn như ý trang trí trên diềm trán bia vẫn mang đặc trưng nghệ thuật trang trí văn bia TK XVII của nhà Lê – Trịnh. Cũng như vậy, trang trí ở diềm tấm bia hai mặt Trùng tu Thanh Thiền (1677-1680) cũng bao gồm hình rồng và hoa lá cách điệu quen thuộc của nghệ thuật trang trí văn bia Đại Việt TK XVII.
Kết luận
Chùa Tam Thanh thuộc quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, được mệnh danh là đệ nhất bát cảnh xứ Lạng. Chùa không chỉ mang vẻ đẹp thanh tú, ưu nhã mà còn là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật quan trọng. Tượng ma nhai đức Phật A Di Đà chùa Tam Thanh có phong cách nghệ thuật TK XVII, được tạc theo thế đứng, kích thước lớn là pho tượng độc đáo, hiếm có ở Việt Nam.
Lạng Sơn là vùng đất biên viễn, nơi có nhiều tộc người cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Thổ, Tày. Yếu tố Đạo giáo và Phật giáo hòa trộn với tín ngưỡng thờ tổ tiên, thần linh phủ lên đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người dân ở đây. Các vị thần Đạo giáo và Phật giáo cai quản đời sống tinh thần của họ. Tục thờ tranh Đạo giáo có truyền thống lâu dài và được bảo tồn qua các đời. Ở TK XVII, việc dựng chùa tô tượng dường như chỉ gắn với tầng lớp quan lại trực tiếp ăn lộc triều đình. Sự xuất hiện phù điêu tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn mang phong cách nghệ thuật TK XVII ở chùa Tam Thanh cho thấy, giai đoạn này, tín ngưỡng thờ A Di Đà đã rất phát triển và có ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của nhân dân vùng biên viễn Lạng Sơn. Nghệ thuật tạo tượng A Di Đà cho thấy sự giao thoa các yếu tố nghệ thuật của các cộng đồng cư dân cùng cư trú trong vùng. Cách tạo tượng chắc chắn, tỷ lệ tạo tượng hài hòa, phù hợp với nghi quỹ tạo tượng Phật mang tinh thần nghệ thuật chính thống kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên có phần hồn nhiên gợi nhớ tới các tranh thờ của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc. Tượng ma nhai bằng đá hiện nay được bảo tồn tốt, là điểm nhấn quý giá ghi nhận lịch sử Phật giáo ở mảnh đất vùng biên. Pho tượng là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm giàu cho nghệ thuật phật giáo cũng như nghệ thuật hang động ở Việt Nam.
_______________
1. Tượng được khắc vào vách/sườn núi, còn được gọi là phù điêu.
2. Theo mục Tỉnh Lạng Sơn (tài liệu sao lại từ Hồ sơ di tích lịch sử và nghệ thuật của Vụ Bảo tồn bảo tàng, quyển 3, tr.77-104, Tài liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Xưa, có ông Diệu Tín từ bên Trung Hoa sang nước ta lập một sơn trang ở vùng động Tam Thanh, chiêu mộ được 8 vị tướng tá Việt Nam hợp lực chống lại quân cướp từ bên kia biên giới tràn sang giết người, cướp của. Ông thấy hang đá hiện nay có một cảnh đẹp, bèn cho thờ tượng Tam Thanh ở trong đó. Tượng Tam Thanh là của Đạo lão. Từ đó nhân dân truyền nhau gọi hang đó là chùa Tam Thanh”. Chúng tôi chưa tiếp cận được với một văn bản tài liệu lịch sử nào về nhân vật Diệu Tín. Trong đạo Mẫu, Diệu Tín Thiền sư là nhân vật nữ, được xem là Đệ Nhị chúa Mường hay Đệ Nhị Sơn Trang, cũng là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Nếu Diệu Tín thiền sư ở đây là người được nhắc đến trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì thuyết này có lẽ hình thành vào giai đoạn tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển mạnh ở đây.
3. Theo mục Tỉnh Lạng Sơn, tl đã dẫn, tr.89.
4. Sa môn Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Đại từ điển, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000, tr.5252: Kinh Vô Lượng Thọ thì nói Đức Phật A Di Đà là giáo chủ của thế giới Cực Lạc ở phương Tây, Ngài thường an trụ trong thế giới ấy. Đối với vấn đề này, quan điểm của tác giả An Lạc tập, quyển thượng, cho rằng Cực Lạc là Tịnh Độ, do Báo thân của Phật A Di Đà cư trụ; còn Thanh Thái là Uế độ, do hóa thân Phật A Di Đà cư trú. Còn trong phần cuối của cuốn Đại Thừa Pháp Uyển nghĩa lâm chương, quyển 7, cho rằng Thanh Thái và Cực Lạc là cùng một chỗ.
5. Thí nguyện ấn (施願印/Varada-mudrà), còn gọi là dữ nguyện ấn, mãn nguyện ấn, tiểu nguyện ấn hay còn gọi là tay Cam Lộ/Lồ.
6. Cũng gọi Tây phương tam thánh, bao gồm đức Phật A Di Đà và hai vị đại Bồ tát, bên trái là bồ tát Quán thế âm, bên phải là Bồ tát Đại thế chí.
7. Bối quang và Phật tượng là một hợp thể không thể tách rời, bối quang vốn là tượng trưng cho “bạch hào”, một trong 32 tướng tốt của Phật, ánh sáng linh thiêng chiếu từ thân của Đức Phật. Trong kinh điển, như Trí độ luận phẩm thứ tám, có nói: “Thân Phật có ánh sáng dài một trượng chiếu ra bốn phía”; kinh Quán vô lượng nói: “Trên đầu có ánh sáng tròn (viên quang) mỗi hướng chiếu ra trăm ngàn do tuần; trong vầng sáng tròn này có 500 hóa Phật, có 500 hóa Bồ Tát và trong chuyển động của ánh sáng phát ra từ phía thân (cử thân) có ngũ đạo chúng sinh, tất cả sắc tướng đều hiện ra ở đó” (theo Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng, Tượng Phật Trung Quốc, Nxb Mỹ thuật, 1997, tr. 21). Bắt nguồn từ những điều ghi trong kinh điển Phật giáo nên từ xưa, ở phía sau lưng các tượng Phật đều có thể hiện bối quang (gọi chung cho hai vầng hào quang gồm có đầu quang và thân quang). Bối quang được dạng thức hóa với nhiều hình thức và chủng loại khác nhau. Căn cứ vào hình dáng mà phân biệt thì có loại hình tròn, có loại hình bánh xe, hình thuyền, hình bảo châu, hình cánh sen… Bối quang của tượng ma nhai A Di Đà ở chùa Tam Thanh là hình cánh sen.
8. Hoa sen tiêu biểu cho công đức của đức Phật A Di Đà: Đức A Di Đà giáng xuống cõi thế đầy ô trược, phiền não, cũng như hoa sen mọc lên từ dưới bùn lầy.
9. Mục Tỉnh Lạng Sơn, tài liệu đã dẫn, tr.111: Trong một ghi chép sau đó viết về Hang Tam Thanh (giới thiệu một vài chi tiết về động Tam Thanh) của Ty Văn hóa Lạng Sơn (ngày 29-4-1959), bức phù điêu lại được ghi nhận như là một người phụ nữ: “Khi bọn thực dân Pháp chiếm đóng Lạng Sơn (1886), tên công sứ Ecker cho tay chân đập tan đầu tượng đá hình nàng Tô Thị ở ngay ngọn núi đá trước mặt cửa hang và cho tạc tượng một người đàn bà vào vách đá phía trên cùng hang đó, để nhân dân nhầm đó là hình tượng đá nàng Tô Thị. Sở dĩ chúng làm như vậy là vì: hình tượng đá nàng Tô Thị hướng về phương Bắc là miền có phong trào cộng sản chủ nghĩa”.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn