Ngẫm cho cùng, văn hóa là điều căn cốt phân biệt thế giới loài vật và thế giới loài người. Nếu văn hóa là tinh túy của một cộng đồng, một xã hội, một thời đại, thì văn học nói chung và thơ ca nói riêng là tinh túy của văn hóa. Như vậy, cũng như văn hóa, thơ ca luôn luôn là máu thịt của bất kỳ cộng đồng xã hội nào. Dù muốn dù không, nó phụ thuộc vào tính chất của cộng đồng xã hội ấy. Tính chất của xã hội lại chủ yếu do quan hệ giữa nhà cầm quyền và đông đảo dân chúng quyết định,
Con người không ai có thể sống một mình, mà nhất thiết phải chung sống trong một tập thể. Ấy là vì, bên cạnh sự chung sức chung lòng là nhu cầu đương nhiên và ngày một lớn, trong mỗi cá nhân vẫn cùng tồn tại phần con và phần người. Tập thể giúp mỗi thành viên được sống yên ổn và hạnh phúc nhất có thể. Mỗi thành viên có nghĩa vụ làm cho tập thể ngày thêm lành mạnh. Điều kiện tiên quyết là luật lệ chung do tập thể xây dựng, sao cho mỗi thành viên phát huy hết sức mạnh vật chất và tinh thần, trên cơ sở cùng làm cùng hưởng, chỉ hưởng phần mình, không tranh đoạt phần đồng loại. Từ đó, luật pháp thành văn phải có đã đành, cộng đồng còn cần và thực tế bao giờ cũng có luật không thành văn mà cốt lõi là đạo lý và thuần phong mỹ tục. Tập thể nào cũng cử ra một nhóm điều hành, trước đây là vua, nay là chính phủ. Lịch sử cho thấy sự lạm quyền vẫn rất thời sự. Nó là một vấn nạn kinh khủng, vấn nạn của mọi vấn nạn, nguồn gốc của mọi đảo điên xã hội. Đáng lo ngại nhất là sự lạm quyền dẫn tới khuyến ác, chứ không khuyến thiện, như loài người đòi hỏi. Dân chúng phản ứng lại sự lạm quyền ấy bằng nhiều vũ khí, trong đó có thơ ca.
Tự bản chất, thơ ca là sự tự khẳng định và tự vệ của con người viết hoa, tức người lao động chân chính. Thơ ca bảo vệ nhân phẩm, chống lại tất cả những xúc phạm và sỉ nhục con người, cổ vũ mọi sinh linh trên trái đất bền bỉ hoàn thiện xã hội và hoàn mỹ con người, quá trình tiến hóa tất yếu hẳn là bất tận. Ở mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng, nhu cầu tự nhắc nhở, tự khích lệ, tự yêu là có thật. Hơn mọi loại hình nghệ thuật và mọi thể loại văn chương, thơ ca thỏa mãn tối đa nhu cầu này. Như một loại tình yêu cao khiết nhất, thơ chỉ thành công với sự trung thực tuyệt đối của tiếng lòng và sự thật trọn vẹn của thông điệp. Trung thực và sự thật làm nên vẻ đẹp của thơ. Muốn đạt được hai yêu cầu khắt khe đó, thơ phải giản dị, đúng như một thi sĩ cự phách của mọi thời đại. nhà thơ Nga Alexandre Pouchkine, tâm niệm. Chất giản dị nghệ thuật chỉ có được với một nội dung dồn nén, cô đúc hợp lý và linh diệu, như kim cương hảo hạng. Nội dung ấy phải được thể hiện thật tự nhiên, như chuyện ngẫu nhiên xảy ra ngoài đời. Được vậy, thơ sẽ hàm súc và dư ba, mơ ước da diết của mọi nhà thơ đích thực. Như vậy, thi sĩ đứng về phía số đông, hay về phe chân đất. Y phải có tình yêu thương lớn lao, nếu không muốn nói là vô tận, đối với người lao động, am tường mọi mặt xã hội, đặc biệt những vấn đề nóng bỏng nhất của nó, trang bị cho mình kiến thức càng toàn diện, càng sâu rộng càng hay, có đủ dũng cảm và nghị lực dấn thân và nhất quyết hoàn thành mỹ mãn sứ mệnh của mình.
Trên đây là đồng cảm của tôi với Nguyễn Đức Tùng và Trần Nhuận Minh, qua Đối thoại văn chương (1), tập sách khá dày, hơn 800 trang, nhưng dễ đọc, vì hấp dẫn và thi vị. Đây như một trước tác khoa học tổng hợp, với những vấn đề về lịch sử, xã hội, giáo dục, hội nhập và… Nguyên về văn chương, những gì là cốt lõi đã được đề cập khá thấu đáo: sứ mệnh và vai trò của thơ, quan hệ giữa thơ với chính trị và xã hội, bản chất của thơ, cách tân và truyền thống, phẩm chất cần có của nhà thơ… Việc đánh giá thật chuẩn tác phẩm của một số nhân vật của thơ ca Việt Nam, như Xuân Diệu hay Bùi Giáng có lẽ gây sốc, nhưng chính xác đáng nể phục. Đây như một tập bút ký, tản văn, hồi tưởng, ngồn ngộn chuyện đời, chuyện văn, kỷ niệm, kỳ vọng, với vô vàn cảm xúc, suy tư, vẽ nên cảm động chính xác một cách bất ngờ chân dung một thời – thực ra không chỉ một thời – cũng như chân dung một người, như sẽ đề cập ở phần sau. Tôi tin rằng ai đã cầm cuốn sách lên, sẽ không buông nó xuống được. Nó có ích nhất cho các bạn trẻ, về tư liệu lịch sử không dễ tìm được, như cải cách ruộng đất, như chuyện các văn nghệ sĩ tự chỉnh đốn hay được chỉnh đốn, về sự học, sự trau dồi đạo đức và nhân phẩm, về lý tưởng sống, về ứng xử xã hội sao cho phải lẽ, để thành đạt, thành công và thành người, dĩ nhiên, người hữu ích, như Trần Nhuận Minh nhiều lần nhấn mạnh.
Tôi say mê theo dõi cuộc trao đổi thẳng thắn và chân tình của hai nhà thơ đáng trân trọng, một ở hải ngoại, một trong nước. Một nỗi bâng khuâng cứ bùng lên suốt thời gian tôi chia sẻ với hai ông bao chuyện vui buồn. Khi đọc cuốn sách, tôi không thể không nhớ lại những bi hài kịch kỳ lạ của thơ Việt Nam hiện tại. Một nhà thơ sống ở nước ngoài tặng một người bạn trong nước giàu có một tập thơ của mình. Mấy năm sau về thăm, anh cay đắng phát hiện rằng bạn không hề ngó tới nó. Một nhà thơ khác tổ chức ra mắt tập thơ mới của mình thật sang trọng. Khách mời dĩ nhiên không ít người quyền cao chức trọng trong chính quyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ. Song bẽ bàng biết bao, tan tiệc thơ, mọi người về hết rồi, chủ nhân nhìn thấy hầu như toàn bộ các tập thơ mình tặng khách nằm chỏng chơ trên bàn, trên ghế. Trong khi một số đại gia chính trị cố tìm cách mua khoác bằng được tấm áo thơ, để chứng tỏ mình vẫn là người văn minh và cao cả, hoặc ít ra mình vẫn là người, không hiếm đại gia kinh tế chà đạp lên thơ như vậy. Với họ, thơ không xứng làm vật trang trí nữa. Thơ không những bị coi thường, mà còn bị chế diễu và thóa mạ. Đành rằng, thời buổi mà “hạt cơm ta ăn là sự thật/ giọt mồ hôi lại muốn chỉ hoang đường”, làm sao tránh nổi “thơ cũng thành hàng giả” – thơ của một thi sĩ vô danh.
Đi xa hơn trên con đường trục lợi từ thơ và tự huyễn hoặc, chẳng hạn đồng nhất quyền lực với giá trị của thơ, đã có người muốn phân chia đẳng cấp thơ nhân loại, mà thơ Việt Nam thuộc thượng đẳng toàn cầu. Nói Việt Nam là một thi quốc, có thể chấp nhận. Song, trước hiện trạng người người làm thơ, nhà nhà in thơ, một nhà văn khả kính đã đùa rằng ông đang thành lập một công ty cai (nghiện) thơ. Rồi “đại dịch thơ, làm sao chống nổi?” – đó là trên một vài tờ báo văn nghệ. Ý kiến ấy minh họa cho một thói xấu của chúng ta là hay đánh giá sự việc qua cái nhìn bệnh hoạn. Phải chăng tất cả những người vô danh thích thú làm thơ bây giờ đều háo danh? Thực tế, có những vị làm thơ chỉ cho mình và gia đình mình. Họ chỉ tặng cho những bạn bè thật hiểu thơ họ. Có vị thuê in tuần tự nhiều tập thơ và bình luận, hiển nhiên của họ, rồi lưu hành nội bộ (gia tộc, câu lạc bộ, nhóm bạn…). Có vị giỏi tiếng Hán, mấy chục năm ròng, dịch hàng trăm bài thơ Đường, không công bố. Nay con cháu in thành sách bìa cứng, giấy trắng cao cấp, không có tên nhà xuất bản. Và chỉ tặng những tri kỷ của cha ông và gia đình. Hiện diện trong hàng ngàn tập thơ dân thường ấy là vô số chi tiết đời thực, cảm thực, nghĩ thực mà trong tay những thi sĩ thứ thiệt, có thể dệt nên những áng văn bất hủ. Xin nhìn thẳng vào sự thật: cuộc đời ẩn chứa muôn vàn quặng thơ, các thi nhân ngại vất vả và nguy hiểm đã đào nhiệm. Thành thử, người dân phải mầy mò đào lấy, nhất quyết không để cho cõi người xơ cứng và vô cảm.
Sự hiền minh của nhân dân là đấy chứ sao! Tiếc thay, một thời gian dài, họ không được tôn trọng. Không vì họ thì nghệ thuật chắc chắn úa tàn. Thật may, Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng biết cung kính họ. Đó là một bí quyết của thành tựu của hai ông. Dạo tập Thơ đến từ đâu mới ra đời, tôi cứ băn khoăn sao Nguyễn Đức Tùng không trao đổi với một nhà thơ như Bằng Việt, Trần Đăng Khoa hay Hoàng Nhuận Cầm. Hóa ra, ông thật lòng yêu quý thơ Việt, thật lòng yêu thương tổ quốc quê hương. Thật lòng như thế, ông mới công bằng với thơ Việt Nam, mới trọng thị tới mức ấy một nhà thơ “chân chất như một người thợ lam lũ trong hầm mỏ, một người cày cuốc đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng vẫn quá nhiều rủi ro”. Ông gần như sủng ái Trần Nhuận Minh, một nghệ sĩ ngôn từ thâm trầm hiếm hoi giữa thời buổi không ít người có lẽ quên hẳn làng quê và xóm thợ, mà chỉ chăm chăm tung hô nhau lấy được, chỉ chăm chăm làm bộ làm tịch sao cho giống một nhân vật nào đó tận trời Tây bí hiểm. Thành đạt ở nước ngoài, Nguyễn Đức Tùng không tự mãn, mà luôn luôn đi lại quê cha đất tổ, nỗ lực góp phần xây dựng Việt Nam ở lĩnh vực gian nan và nhạy cảm nhất. Sủng ái Trần Nhuận Minh tức là sủng ái những giá trị Việt ngàn đời đang bị rẻ rúng, tức là sủng ái người dân Việt vốn xứng đáng được hạnh phúc và tôn thờ, vì họ thông minh và bao dung bậc nhất thế giới.
Hẳn sự chân tình và lịch lãm về đời sống, xã hội và văn chương của Nguyễn Đức Tùng đã khiến Trần Nhuận Minh “được lời như cởi tấm lòng” (Nguyễn Du). Cuộc trò chuyện chín tháng trời của hai người không hề bợn chút mặc cảm người bên trong hay bên ngoài, có thể được coi như một hình mẫu hay cho sự hòa giải và hòa hợp dân tộc, trí thức và văn nghệ sĩ. Qua Đối thoại văn chương, Trần Nhuận Minh tỏ rõ thật đáng quý trọng trên tư cách một người thường, một công dân, một trí thức, một nghệ sĩ, ba người trên chung đúc nên người cuối cùng. Ông miệt mài thám hiểm toàn diện và kết quả xã hội, lịch sử, văn chương, chọn được cách ứng xử phải lẽ của dân lao động. Đẳng cấp con người quyết định đẳng cấp nhà thơ. Luôn luôn khiêm nhường trước tất cả đồng nghiệp, bạn nghề và phó thường dân tiếp xúc hàng ngày, ấy là bản lĩnh hiếm gặp trong giới làm văn nghệ hôm nay. Trần Nhuận Minh bao giờ cũng trân trọng tình nghĩa, trân trọng những điều tốt đẹp nhỏ nhoi nhất ở mọi người, mọi lúc, mọi nơi, những hạt bụi vàng vô hình mà nhiều người bỏ qua hoặc không nhận thấy. Ông chắc chắn cẩn trọng tột cùng, biết tường tận và chắc chắn rồi mới phát biểu. Nhận thức được rằng mình thật nhỏ bé so với dân chúng vĩ đại – điều này, có thể ông học được ở đại thi hào Nguyễn Du, và chủ yếu ở đạo lý thuần hậu vô song của nhân dân Việt Nam ta – thi sĩ vùng mỏ tỉnh táo và kiên trì thấu suốt kỳ được mọi chuyện, mọi người.
Đối thoại văn chương hé lộ rằng ông đã phải kỳ công khai quật nhiều tấn quặng, rồi sàng lọc bền bỉ và tinh chế đúng bài bản, mới tạo nên những câu thơ đúng là thơ khả dĩ rung động lòng người. Trần Nhuận Minh là một tiếng thơ thuần Việt tiêu biểu. Hầu như ở thể loại và đề tài nào, ông cũng có thành tựu. Song như đã trình bày bên trên, thân phận người lao động là cốt lõi của mọi cộng đồng. Thể hiện chuẩn xác và xúc động thân phận ấy là sứ mệnh của nghệ thuật, của văn chương, và đặc biệt của thi ca. Mảng thơ chân dung của Trần Nhuận Minh làm được việc này một cách đáng kinh ngạc. Mảng ấy kết tinh tình yêu, kiến thức, tài năng và tấm lòng của anh. Bốn yếu tố ấy không tách rời nhau, tạo nên một hồn thơ đặc sắc tưởng như lập dị trong thời buổi cách tân rối rắm và mù mịt. Những bức chân dung phó thường dân, nông dân là chính, mà anh chấm phá điêu luyện chỉ bằng vài nét dung dị, nhất định sẽ đi mãi với nhân dân ta, đặc biệt là với những người chân lấm tay bùn, vốn khổ nhất và cô đơn nhất. Cảnh báo xót xa về nguy cơ hồn quê, hạt nhân của mỗi tâm hồn Việt, bị xói mòn và tiêu diệt, Trần Nhuận Minh tha thiết thúc giục mỗi chúng ta đừng quên mình là người Việt, đừng quên sống cho ra con người, nghĩa là nếu không góp phần giảm bớt đau thương vất vả cho dân lao động, thì ít nhất cũng nhớ sống hiền minh như họ. Ai cũng sống hiền minh, cái ác cái xấu sẽ bị đẩy lùi, xã hội sẽ tốt đẹp hơn lên. Hiền minh là giải pháp của mọi giải pháp, “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/Biết đâu nuôi bố sau này”, lời dặn con của Trần Nhuận Minh, một người có cơ sở để hoàn toàn yên tâm an hưởng tuồi già, là một đúc kết hiền minh vô giá.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng so sánh vẫn rất cần. Tôi xin mạo muội ví thơ Trần Nhuận Minh nói riêng và thơ ca nói chung với ngôi sao trong bài thơ Sao đồng quê của nhà thơ Nga xô viết Nicolai Rubtsov (1936-1971), ví tâm sự của Trần Nhuận Minh nói riêng và của công chúng thơ nói chung với tâm tình của tác giả bài thơ độc đáo này:
SAO ĐỒNG QUÊ
Sao đồng quê trong đêm giá băng
Dừng lặng cười gương giếng ngời xanh
Đồng hồ tường nửa đêm đã điểm
Quê hương tôi say ngủ thanh bình
Sao đồng quê khi tôi quá đau
Êm đềm soi tôi mê thấy sao
Đang lấp lánh mùa đông bạc ánh
Đang long lanh trên mịn thu vàng
Sao đồng quê muôn đời nhấp nháy
Với mỗi người hành tinh chúng ta
Sao âu yếm vỗ về mọi phố
Đang ngủ yên đêm buộc im mà
Chỉ nơi đây trong đêm giá băng
Sao mới lộ hết hồn cực sáng
Hễ chợt nghĩ sao đang nhấp nhánh
Trên đồng quê tôi đã mừng rơn
_______________
1. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013
Tác giả : Nguyễn Văn Quảng
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu thuyết kiếp người 3 – lạnh nhìn từ góc độ thi pháp thể loại
Cảm thức cô đơn trong linh sơn của cao hành kiện
Cảm thức thời gian trong ngàn cánh hạc của yasunari kawabata