Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở Đại học Thái Nguyên


Nhằm tiếp tục đổi mới giáo dục đại học phù hợp với những thay đổi của thời đại, ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (từ đây xin gọi là nghị quyết). Đây là cơ sở để giáo dục đại học Việt Nam nói chung, Đại học Thái Nguyên nói riêng, tiếp tục đổi mới, xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới.

     1. Nội dung nghị quyết về đội ngũ giáo viên

    Nghị quyết đã nêu ra một số thành tựu chung về đội ngũ giáo viên: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý” (1). Đồng thời, nghị quyết cũng chỉ ra một số hạn chế: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” (2).

    Nghị quyết cũng nêu giải pháp nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo: Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (3). Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp (4).

     Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ (5).

     Khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước (6).

     2. Vận dụng nghị quyết vào đổi mới công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở Đại học Thái Nguyên

     Dựa trên quan điểm nghị quyết và thực trạng đội ngũ giảng viên, để xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, Đại học Thái Nguyên cần tập trung thực hiện những giải pháp cơ bản sau.

     Một là, làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giảng viên

    Đại học Thái Nguyên cần phối hợp với các trường thành viên để xây dựng quy hoạch đội ngũ giảng viên căn cứ vào những cơ sở sau đây: nhiệm vụ chính trị của Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên; thực trạng đội ngũ giảng viên của các trường thành viên, tỷ lệ về trình độ học vấn, tỷ lệ giữa giảng viên và sinh viên từng ngành trong trường, xác định trọng tâm phát triển những ngành mũi nhọn trên cơ sở đó, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo giảng viên; dự báo sự phát triển của đội ngũ giảng viên gắn với nhu cầu thực tế nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

      Xây dựng tiêu chí phẩm chất chính trị và đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm để làm cơ sở tuyển chọn, quản lý và đánh giá giảng viên.

    Quán triệt thực hiện những tiêu chuẩn trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16-4-2008. Giảng viên đại học cần phải bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật (7)… Tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội dung của đơn vị và của ngành (8). Giảng viên đại học phải có kiến thức khoa học sâu và rộng, ngoài kiến thức chuyên môn, người giảng viên phải giỏi về tin học, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ (9). Giảng viên đại học phải có kỹ năng sư phạm trên nền tảng chuyên môn vững. Đó là cách đặt vấn đề ngắn gọn, khúc triết, triển khai vấn đề lôgic, minh họa sinh động, diễn đạt trôi chảy…

     Hai là, đổi mới công tác tuyển dụng, tạo nguồn đội ngũ giảng viên

    Quán triệt tư tưởng tuyển chọn cần đáp ứng nhu cầu về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ… Có chính sách cụ thể để tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, giỏi, có phẩm chất tốt ở các trường thành viên và những người có trình độ sau đại học, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng nhằm bổ sung nguồn giảng viên tại chỗ. Đối tượng tuyển dụng cần quy định về độ tuổi: thạc sĩ dưới 35 tuổi, tiến sĩ dưới 50 tuổi. Ưu tiên cho những người có bằng tiến sĩ và thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài. Ngoài ra, cần đưa ra tiêu chuẩn về trình độ khoa học, năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu.

     Cơ sở sử dụng lao động bắt buộc phải tổ chức thi giảng trước hội đồng khoa học cấp khoa và cấp trường để sát hạch về phương pháp truyền đạt, phong cách giảng dạy để tuyển dụng được cán bộ giảng dạy vừa có trình độ chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị. Trong thời gian tập sự, giảng viên phải cam kết lộ trình hoàn thành yêu cầu về ngoại ngữ, chương trình đào tạo sau đại học, các chứng chỉ, bằng cấp cần thiết để đảm bảo đủ chuẩn.

     Song song với quá trình tuyển dụng là sự đào thải, các trường thành viên trong Đại học Thái Nguyên đã chú ý đến việc tuyển dụng giảng viên, nhưng việc đào thải giảng viên không đủ phẩm chất và năng lực chưa được quan tâm thực hiện. Cần nhận thức đào thải là một mặt của quá trình xây dựng đội ngũ giảng viên. Tùy theo trường hợp cụ thể mà chuyển công tác hay cho về hưu trước tuổi những người không đủ phẩm chất, năng lực giảng dạy ở bậc đại học.

     Ba là, đổi mới và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

     Đẩy mạnh việc đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. “Giai đoạn 2010-2015, Đại học Thái Nguyên đã cử 532 cán bộ đi học tiến sĩ, 734 cán bộ đi học thạc sĩ” (10). Tuy nhiên, hiện nay, đào tạo cán bộ giảng dạy phải theo hướng nâng cao năng lực ngoại ngữ, tiếp cận hướng nghiên cứu mới, phương tiện nghiên cứu hiện đại. Vì vậy, Đại học Thái Nguyên cần đẩy mạnh công tác đào tạo giảng viên tại các cơ sở giáo dục nước ngoài theo hướng hợp tác song phương, coi đây là giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tăng chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cho các trường thành viên; khuyến khích và hỗ trợ giảng viên đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí tự túc.

     Đại học Thái Nguyên cần chỉ đạo các trường thành viên rà soát đội ngũ giảng viên về độ tuổi và trình độ để có kế hoạch đào tạo. Đối với cán bộ giảng dạy dưới 30 tuổi, bắt buộc phải đi học cao học hoặc nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đối với cán bộ giảng dạy từ 30 – 40 tuổi cũng bắt buộc phải học cao học và làm nghiên cứu sinh, khuyến khích và tạo điều kiện để họ được đi học cao học và làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đối với cán bộ giảng dạy từ 40 – 50 tuổi, nên động viên họ làm nghiên cứu sinh ở trong nước. Đối với cán bộ giảng dạy trên 50 tuổi, trường hợp nào chưa có bằng thạc sĩ, không có khả năng nghiên cứu và học tiếp cao học thì phải bồi dưỡng thường xuyên hoặc chuyển công tác khác.

     Nội dung bồi dưỡng giảng viên phải toàn diện, bao gồm đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Trước mắt cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau: tập huấn về các môn học mới, theo chương trình mới; bồi dưỡng khoa học chuyên ngành, khoa học giáo dục, khoa học quản lý; đạo đức giảng viên; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, phương pháp dạy học theo hướng tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học.

     Bốn là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách

     Hiện nay, cơ chế quản lý chuyên môn và phân chia phúc lợi bình quân chủ nghĩa, không tạo động lực cho giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn. Những giảng viên đầu tư tiền bạc, thời gian vào nghiên cứu, nâng cao chất lượng bài giảng chủ yếu xuất phát từ đam mê và yêu nghề. Lợi ích của họ về các chế độ, chính sách không khác gì những giảng viên không có sự đầu tư nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu của giảng viên. Vì vậy, cần triển khai cơ chế và các chế độ chính sách mới nhằm tạo động lực cho giảng viên, tránh hiện tượng bình quân chủ nghĩa trong phân phối, mà thực hiện nguyên tắc phân phối lao động. Kết hợp chặt chẽ quyền lợi về vật chất và tinh thần với mức độ bồi dưỡng chuyên môn và cống hiến thực tế của giảng viên.

     Đại học Thái Nguyên cần xây dựng, ban hành chung cho các trường thành viên về một số chính sách, chế độ với đội ngũ giảng viên như: chính sách đối với giảng viên học nghiên cứu sinh, cao học; chính sách sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nhằm thu hút và tạo nguồn cho công tác tuyển dụng và bố trí cán bộ; chế độ phụ cấp, hỗ trợ đối với những giảng viên trẻ đang tham gia học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, khuyến khích các trường thành viên có những chính sách đãi ngộ riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho giảng viên yên tâm công tác.

     Thực hiện chủ trương khuyến khích giảng viên tích cực học tập, công tác và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện vật chất hỗ trợ giảng viên đi đào tạo sau đại học bằng các nguồn có thể vận dụng như: ngân sách đào tạo lại, ngân sách hỗ trợ đào tạo, quỹ đơn vị… Thực hiện chính sách bồi dưỡng lao động đặc thù cho giảng viên, bồi dưỡng hướng dẫn, bồi dưỡng vượt giờ… tương xứng với cường độ lao động, nhằm động viên đội ngũ giảng viên tích cực, hăng say công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ.

     Xây dựng và thực hiện tốt quy chế thi đua khen thưởng, trong đó chú trọng việc khen thưởng đối với giảng viên có nhiều cố gắng, thành tích và đóng góp cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

     Đội ngũ giảng viên Đại học Thái Nguyên có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, Đại học Thái Nguyên cần vận dụng sáng tạo nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đất nước trong thời kỳ mới.

______________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr.116, 117, 136, 137, 138, 138.

7, 8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16-4-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo, 2008.

9. Ngô Văn Hà, Tư tưởng Hồ Chí Minh về người thày và việc xây dựng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.161.

10. Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020.

Tác giả: Lê Thị Quỳnh Liu – Đặng Văn Duy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *