Thanh niên là lực lượng to lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của thanh niên và rất coi trọng công tác thanh niên. Người từng căn dặn: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (1). Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xác định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (2).
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam; nơi quy tụ, giáo dục, rèn luyện, thực hiện quyền làm chủ và phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện mọi nhiệm vụ của cách mạng, đồng thời là lực lượng hùng hậu tham gia xây dựng Đảng. Trong những năm qua, bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, các tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn đã có nhiều cố gắng trong tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò xung kích thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, do cơ cấu nghề nghiệp trong thanh niên nông thôn hiện nay có nhiều biến đổi, tỷ lệ thanh niên đi làm ăn ở các khu đô thị, thành phố ngày càng tăng; việc tập hợp thanh niên của một số tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn chưa được quan tâm và chú trọng; chưa có nhiều chủ trương, biện pháp, cách thức tổ chức tập hợp; một bộ phận cán bộ đoàn ở địa bàn nông thôn còn yếu về kỹ năng, nghiệp vụ; nhận thức về hoạt động đoàn của một số thanh niên nông thôn còn hạn chế… Dẫn tới, hoạt động đoàn trên địa bàn nông thôn chưa thực sự đáp ứng được những mong mỏi của thanh niên và yêu cầu của phong trào đoàn trong giai đoạn mới; tỷ lệ tập hợp, thu hút thanh niên trong tổ chức đoàn trên địa bàn nông thôn hiện nay còn thấp; một bộ phận thanh niên nông thôn thiếu ý thức phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, thờ ơ với các hoạt động xã hội và các phong trào hành động cách mạng do đoàn phát động; thiếu nghiêm túc trong thực hiện nghĩa vụ công dân, sống thực dụng hoặc buông thả, xa vào các tệ nạn xã hội, thậm chí coi thường và vi phạm pháp luật của nhà nước…
Trước những yêu cầu đổi mới của cách mạng hiện nay, nhiệm vụ tập hợp thanh niên của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn cần có sự đổi mới phương thức cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh niên trên địa bàn. Theo đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Đổi mới phương thức kết nạp, quy tụ, giáo dục, quản lý thanh niên của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn (tức là tổ chức họ lại dưới sự lãnh đạo của Đảng) thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ” (3). Tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn cần thực hiện những biện pháp có hiệu quả để đưa thanh niên vào tổ chức, từ đó thực hiện việc giáo dục, quản lý, rèn luyện để thanh niên tiến bộ, trưởng thành; cần đổi mới nội dung, quy trình từ việc tiếp xúc, định hướng, bồi dưỡng, kết nạp đến việc quản lý, giáo dục và rèn luyện thanh niên trong tổ chức. Công tác tiếp cận và định hướng cho thanh niên trên địa bàn dân cư phải cụ thể, thiết thực hơn; việc bồi dưỡng theo đối tượng cần đa dạng, phong phú, tránh dập khuân, khô cứng; kết nạp thanh niên vào tổ chức cũng phải năng động, mở rộng nhưng phải theo trật tự, quy tụ dưới ngọn cờ của đoàn, lấy tổ chức cơ sở đoàn làm trung tâm, nòng cốt. Trong tính đa dạng và phong phú cần đưa thanh niên trên địa bàn dân cư tham gia sinh hoạt và hoạt động trong chi đoàn, đoàn cơ sở là trọng yếu. Cách thức, biện pháp, phương pháp giáo dục, quản lý thanh niên nói chung, thanh niên trong tổ chức nói riêng cũng phải phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn.
Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục thanh niên
Đây là phương thức tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, tâm lý của thanh niên, là một trong những khâu còn nhiều điểm yếu, lúng túng trước thực trạng nhiều thanh niên nông thôn đi làm ăn xa ở các thành phố, khu công nghiệp, một bộ phận nhận thức về đoàn còn hạn chế, một số không thiết tha với đoàn, phong trào đoàn.
Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục thanh niên của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn cần được xem xét từ khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp đến việc lựa chọn đối tượng, địa điểm, lực lượng tiến hành. Trong đổi mới cần lấy yếu tố kết quả, hiệu quả làm thước đo đánh giá và lựa chọn giải pháp tiếp theo; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục với công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đoàn và tổ chức phong trào hành động cách mạng trong thanh niên, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức các phong trào hành động cách mạng của thanh niên nông thôn
Từ các chương trình, phong trào hành động cách mạng do Trung ương Đoàn Thanh niên phát động, sự triển khai của Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn căn cứ vào nghị quyết của Đảng, tình hình cụ thể của địa phương xây dựng thành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện ở cấp mình. Mục tiêu, nội dung phong trào hành động cách mạng của thanh niên được gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương, phù hợp với chức năng của tổ chức đoàn và nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên.
Tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn cần tìm tòi, thử nghiệm, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên ở cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Thông qua đó, tổ chức cơ sở đoàn thực hiện chức năng trường học xã hội chủ nghĩa để giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên, tập hợp thanh niên.
Đổi mới phương thức tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương
Các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vừa là quá trình giáo dục thanh niên về mọi mặt, vừa là quá trình vận động và tổ chức thanh niên xung kích đi vào những việc mới, việc khó, ở những lĩnh vực mũi nhọn, then chốt, tham gia phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thông qua đó để đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên.
Trong những năm đổi mới, tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn đã có nhiều đổi mới trong việc tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đã thu được nhiều kết quả trên thực tế. Nhiều tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn đã làm tốt việc nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, dựa chắc vào chính quyền, phối hợp với các tổ chức kinh tế xã hội tìm ra các công việc, phần việc, tạo công ăn, việc làm, mang lại thu nhập ngày càng cao cho thanh niên; nhiều thanh niên đã tìm đến và dựa vào tổ chức cơ sở đoàn để đăng ký tham gia các hoạt động do đoàn tổ chức. Tuy nhiên, phương thức tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn vẫn còn nhiều khâu, điểm hạn chế cần tiếp tục đổi mới như: tình trạng tổ chức cơ sở đoàn tổ chức đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế văn hóa nhưng không tính toán cụ thể lợi ích mang lại cho thanh niên; vẫn còn tình trạng lạm dụng vai trò xung kích, việc gì khó khăn, gian khổ thì kêu gọi, giao cho thanh niên…
Để phát huy sức trẻ của thanh niên dưới ngọn cờ Đoàn và phát huy vai trò tổ chức cơ sở đoàn trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở nông thôn cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động này. Đổi mới từ khâu lựa chọn nội dung, đăng ký đảm nhiệm, tổ chức lực lượng, đánh giá kết quả đều phải tính đến yếu tố mang lại các giá trị kinh tế cho quê hương, đất nước và mang lại lợi ích kinh tế cho các lực lương tham gia. Lấy những yếu tố đó làm chất kết dính thu hút, tập hợp, đoàn kết thanh niên của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn.
Đổi mới phương thức phát huy vai trò xung kích của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn
Để thanh niên đến với tổ chức đoàn phải từ sức hút của tổ chức cơ sở đoàn; đòi hỏi tổ chức cơ sở đoàn phải được xây dựng vững mạnh, phát huy tốt vai trò xung kích của mình. Hơn nữa, không đổi mới phát huy tốt vai trò xung kích của tổ chức cơ sở đoàn thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, của cấp trên không thể thành hiện thực, không có phong trào hành động cách mạng trong thanh niên. Đoàn không tập hợp được thanh niên, không đại diện cho quền làm chủ tập thể của thanh niên.
Phát huy vai trò xung kích của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn trong đổi mới nội dung, phương thức, hình thức giáo dục; trong đổi mới nội dung, phương thức xây dựng và tổ chức các phong trào hành động cách mạng; trong tổ chức thanh niên tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh; trong bảo vệ và chăm lo các lợi ích hợp pháp chính đáng của thanh niên là nội dung, giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức tập hợp thanh niên của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn.
Đổi mới phương thức phát huy vai trò xung kích của tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn hiện nay cần được sự quan tâm đúng mức của tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở, trước hết là tổ chức cơ sở đoàn. Toàn bộ hệ thống của cơ sở đều quan tâm đến việc phát huy vai trò xung kích của tổ chức cơ sở đoàn; có giải pháp giúp tổ chức cơ sở đoàn tự mình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lực cản để đổi mới các phương thức tập hợp thanh niên, phát huy vai trò xung kích của đoàn để thực hiện các phương thức xác định cần đổi mới có hiệu quả.
Thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn là một trong những khâu then chốt để thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, tổ chức cơ sở đoàn ở nông thôn phải nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, phát triển, hoàn thiện, vận hành các cách thức, biện pháp, phương pháp tập hợp thanh niên nhằm thu hút, quy tụ, tập hợp, đoàn kết các lực lượng thanh niên, tổ chức các hoạt động tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, xây dựng tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh toàn diện, tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền cơ sở; chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích đoàn viên, thanh niên.
___________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.113.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.41- 42.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.162.
Tác giả : Lê Minh Đạt
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng